Cảm hứng sáng tác
Hơn 30 năm sau ngày chúa Giêsu về trời, hạt giống Tin Mừng đã theo chân các Tông đồ đi khắp thế gian. Bước chân các ngài đi đến đâu thì các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai hình thành tới đó. Thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, trụ cột của Giáo hội, đặt chân đến Rome, kinh đô của thế giới, khi vua Nero đang trên ngai vàng của đế chế La Mã. Thánh Phêrô nhanh chóng xây dựng tại nơi đây, ngay giữa lòng thành Rome hoa lệ và trần tục, một giáo hội vững mạnh và đông đảo với đủ mọi thành phần dân chúng từ nô lệ cho tới quý tộc. Ban đầu việc truyền giáo và thực hành đức tin Kitô tuy không được tự do thoải mái nhưng cũng không đến nỗi bị cấm cản bắt bớ. Dân chúng thành Rome gọi “Kitô giáo” là một thứ thần mới với giáo lý lạ lùng.
Vì trong khi các thần của La Mã ai cũng mạnh mẽ, sẵn sàng đập nát đầu kẻ thù, gieo tai ương cho con người mỗi khi phật ý, thường có cuộc sống xa hoa, dung tục, nói chung họ là sự phóng đại mọi tính nết và dục vọng của con người, thì Kitô giáo lại rao truyền một thứ giáo lý về tình yêu, yêu thương cả kẻ thù, khoan dung với tha nhân, và chỉ thờ một vị thần duy nhất là Thiên Chúa. Giáo lý này rất kỳ quặc với người La Mã thời ấy. Vậy nên một cách tự nhiên họ xem Kitô giáo là một thứ tà phái và coi những Kitô hữu là điên rồ.
Bỗng một ngày hoàng đế Nero, người vốn nổi tiếng là tính tình thất thường và tàn bạo vô song, cảm thấy Kitô giáo không nên tồn tại trong đế quốc của ông ta. Vậy nên ông ban sắc chỉ cấm đạo và diệt đạo trên toàn đế quốc. Không dừng lại ở đó, thành Rome xảy ra cháy lớn mà nhiều sử gia tin rằng do chính hoàng đế phóng hỏa với mục đích thiêu rụi thành phố để ông có thể dễ dàng ‘quy hoạch’ lại theo ý muốn của mình. Nero đổ vấy cho những Kitô hữu là thủ phạm, và tăng cường bắt bớ. Sắc chỉ và bầu khí thù địch dẫn đến một cuộc đàn áp Kitô giáo với quy mô lớn nhất thời bấy giờ. Thánh Phêrô trong tư cách thủ lĩnh của giáo hội tại Rome, và của giáo hội toàn cầu, đương nhiên là ‘trọng phạm’ của triều đình. Ngài là đối tượng truy bắt gắt gao.
Dưới sự hỗ trợ của các Kitô hữu, ngài trốn khỏi Rome vào một buổi sáng tinh mơ để tránh rơi vào tay hoàng đế. Nhưng trên con đường ra khỏi thành ngài gặp lại thầy mình là Chúa Giêsu. Chúa vác một cây thập tự đi vào trong thành Rome. Vị môn đệ xúc động hỏi thầy:
“Quo vadis, Domine?” tức là “Lạy Chúa, Ngài đang đi đâu?”.
Chúa Giêsu trìu mến nhìn người môn đệ, và vẫn với sự thiết tha như năm nào Chúa từng ba lần hỏi ông có yêu mến Chúa không.
Ngài trả lời: “Ta đi vào thành để chịu đóng đinh thêm lần nữa!”
Thánh Phêrô hiểu đó là mệnh lệnh và chỉ dẫn dành cho ngài. Ngài phải tử đạo trong thành Rome để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh mà ngài rao giảng. Và ngài quay vào thành.
Câu hỏi nổi tiếng của thánh Phêrô “Quo Vadis” chính là cảm hứng cho tác giả Henryk Sienkiewicz viết cuốn tiểu thuyết kinh điển cùng tên. Cuốn tiểu thuyết hay đến mức đã giúp nhà văn được trao giải nobel văn học năm 1905.
Bài tương tự: Anh em nhà Karamazov – Tiểu thuyết Kitô giáo vĩ đại
Nội dung tác phẩm
Năm 1912, trong bức thư viết cho nhà khảo cổ và cũng là nhà phê bình văn học Pháp Boyer d’Agen, Henryk Sienkiewicz cho biết nguồn cảm hứng để ông viết tác phẩm này bắt đầu vào năm 1893 khi ông có dịp thăm nhà thờ Quo Vadis (Chiesa del Domine Quo Vadis) tại Roma. Ngôi nhà thờ này được dựng nên tại nơi Phêrô gặp Giê-su khi ông chạy trốn.
Để viết cuốn tiểu thuyết này, tác giả đã dành nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu rất kỹ văn hoá và lịch sử thành Rome để trích dẫn chính xác các sự kiện và mô tả đúng bối cảnh câu chuyện. Quo Vadis hay một phần lớn là nhờ yếu tố này. Câu chuyện đưa độc giả một khung cảnh thành Rome hoa lệ, náo nhiệt, và trần trụi với đầy đủ các tầng lớp dân chúng: nô lệ, thị dân, quan lại, vua chúa, triều thần, nội cung, thần thánh La Mã, quân đội, gái điếm, pháp sư v.v.
Nổi lên trong bối cảnh sinh động ấy là các nhân vật và câu chuyện đan xen hài hoà với nhau.Trọng tâm là câu chuyện tình yêu cảm động giữa nam chính và nữ chính. Chàng tên là Vinixius, một ‘thanh niên xinh đẹp và lực lưỡng” với “thân hình trẻ trung như được tạc bằng cẩm thạch”. Chàng là quan chức cấp cao trong quân đội La Mã, cháu ruột của quan cận thần vua Nero. Chàng trở về Rome sau một chiến dịch đánh chiếm vùng Tiểu Á và tình cờ gặp nàng. Chỉ trong một ánh nhìn đầu tiên, chàng đã “bị trúng mũi tên của thần ái tình Amor”, và say đắm nàng từ phút ấy.
Nàng là Ligia, con gái nuôi một gia đình danh giá và đạo đức. Nàng và mẹ nàng là tín đồ trung thành của Kitô giáo. Nàng là một tuyệt sắc giai nhân, tác giả mô tả nàng rằng “Nữ thần Rạng Đông dung mạo cũng giống như nàng… khuôn mặt trong trẻo hồng hào, làn môi thanh khiết tựa như đang chúm thành một nụ hôn, cặp mắt xanh biếc như màu biển thắm, vẻ trắng tinh của vầng trán, sự tươi tốt của mái tóc màu sẫm với những gợn sóng óng ả sắc hổ phách hoặc màu đồng thau Koryntơ, cái cổ nhẹ nhõm và bờ vai xuôi đầy vẻ thiên thần, và toàn bộ vóc dáng mềm mại, mảnh mai, tươi trẻ sức xuân của tháng năm, sức xuân của những bông hoa vừa hé nở.”
Ngoài dung nhan diễm lệ ra thì Ligia còn rất thông minh, là cô gái tràn đầy lòng nhân ái, thấm đượm giáo huấn Kitô, hết lòng giữ sự trung trinh với Chúa. Đó cũng chính là chướng ngại lớn nhất ngăn cản tình yêu giữa chàng, một con ngựa bất kham, phóng đãng và ngông cuồng, và nàng, một tâm hồn thánh thiện và sùng đạo.
Đức tin và lối sống đôi bên hoàn toàn trái ngược. Từ đó mà các mâu thuẫn và hiểu lầm xảy ra, dẫn người đọc đi qua hàng loạt những cao trào, âm mưu với sự tham gia của nhiều nhân vật và thế lực khác nhau. Chuyện tình yêu được lồng vào các sự kiện lịch sử: Ligia bị triều đình buộc tội và phải lẩn trốn, chàng điên cuồng đi tìm nàng, hoàng đế Nero gây ra vụ hoả hoạn thành Rome, sau đó ông đổ tội cho Kitô giáo và ra lệnh bắt bớ tàn sát Kitô hữu trong thành, sự xuất hiện của thánh Phêrô, chàng Vinixius thành tâm cải đạo, cuộc bách hại tín đồ của triều đình v.v. Một bức tranh sinh động và đầy lôi cuốn.
Kết
Đối với những người đam mê lịch sử cổ đại thì cuốn tiểu thuyết còn là một kho tư liệu phong phú về đế quốc La Mã. Mọi chi tiết sinh hoạt, cử chỉ và lời nói, tâm tư và suy nghĩ của các nhân vật, đời sống cung đình, hoạt động xã hội, đều được mô tả sống động và cụ thể, mang đậm màu sắc lịch sử.
Đối với những ai có đức tin thì đây còn là một câu chuyện sống động về sự quan phòng của Chúa dành cho dân ngài. Các bạn sẽ bắt gặp hình ảnh thánh Phêrô, một cụ già nồng ấm, gần gũi, cương nghị và đầy lòng yêu thương, một viên đá tảng góc tường của đức tin và giáo hội những ngày sơ khai.
Tài năng kể chuyện của tác giả cũng góp phần lớn vào thành công của cuốn tiểu thuyết. Với lối dẫn dắt mạch lạc giữ chân độc giả qua từng trang sách, và bạn sẽ phải nhiều khi bật cười với giọng văn hài hước một cách kín đáo của cuốn truyện. Nói chung, nếu rảnh rỗi chưa biết đọc gì thì đây là một gợi ý đáng giá cho các bạn.
Cuốn tiểu thuyết này cũng đã được chuyển thể thành một bộ phim ăn khách của Holywood. Nên nếu bạn ngại đọc thì có thể xem phim cho nhanh.Chúc các bạn zui!Các bạn đọc ebook thì có thể tải ở đây.Đọc sách giấy thì lên Tiki mua đang được giảm giá mạnh.
Sắp đến ngày kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Tôi nhớ lại cuốn film Quo vadis, ” ăn cắp ” vài đoạn của bài hát Quo Vadis, của tác giả Phương Anh, để dọn bài giảng cho Chúa nhật tuần nầy.
Thường thì lễ các thánh Tử đạo VN , cứ dùng những sử liệu VN , nhưng khó mà thu phục giơi trẻ. Tôi chọn cuốn tiểu thuyết Quo Vadis để vào bài. Và dẫn các bạn cùng thế hệ với mình ” tử đạo ”
Tử đạo hôm nay của các bạn là làm trọn nhiệm vụ , tùy chỗ đứng của mình trong xã hội và gia đình… làm tốt bổn phận hằng ngày của mình lác cuộc tử đạo hằng ngày tốt nhất của mỗi người chúng ta. e-mail của tôi: hailuatourist2018@gmail.com . Cám ơn chương trình cung cấp nhiều thông tin tôi cần.