Vatican chiều ngày 12 tháng 3 năm 2000
Đấng Đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Bài Giảng Khai Mạc
Chỉ có tình yêu là điều chắc chắn
“Những ngày tĩnh tâm này là thời gian thuận tiện để tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Ngài nâng cao những người nhỏ bé bần cùng và đặt họ ngang hàng với hạng vua chúa. Thật vậy, chúng ta được Thiên Chúa chọn không phải vì tài trí hay công trạng của chúng ta, nhưng chỉ vì do lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa phán: “Ta yêu thương con đến muôn đời”. Ðây chính là bảo đảm của chúng ta. Và đây cũng là niềm hảnh diện của chúng ta vì chúng ta ý thức một cách rõ rệt mình được chọn gọi là do tình yêu thương của Thiên Chúa.”
Gia phả của Chúa Giêsu bao gồm cả những người tội lỗi và đàng điếm
Vấn đề tội lỗi và ân sủng. Nhìn lại danh sách các vua trong gia phả của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta chỉ tím thấy có hai vị giữ trung tín với Thiên Chúa. Ðó là Hezekiah va Jeroboam. Tất cả các vua còn lại, kẻ thì thờ ngẩu tượng, người thì sát nhân hoặc vô luân… Ngay cả vua David nổi danh cũng vừa thánh thiện vừa tội lỗi. Bằng những giọt nước mắt đắng cay chua xót, David đã tự thú tội ngoại tình và sát nhân của mình trong các Thánh Vịnh, nhất là Thánh Vịnh 51, nay trở thành lời nguyện thống hối được lập đi lập lại nhiều lần trong Phụng Vụ của Giáo Hội.
Ngay cả những người đàn bà trong gia phả của Chúa Giêsu cũng gây chấn động không kém. Tất cả đều ngoại lệ. Tamar là người tội lỗi. Rahab làm đĩ. Ruth là người ngoại kiều. Còn người đàn bà thứ tư, thánh sử Mathêô không dám nhắc đến tên. Nhưng chúng ta biết đó là bà Bethshaba, vợ của Uriah mà David đã ngoại tình.
Tội lỗi ca khen lòng thuơng xót của Thiên Chúa
“Tuy nhiên, dòng sông lịch sử ngập tràn tội lỗi đó trở thành nguồn nước tinh tuyền khi thời gian viên mãn cận kề. Thật vậy, nơi Ðức Maria, người Mẹ; nơi Ðức Giêsu, Dấng Cứu Thế, tất cả mọi thế hệ đều được cứu độ. Danh sách những người tội lỗi mà thánh sử Mathêô ghi lại trong gia phả của Chúa Giêsu Kitô không làm cho chúng ta xấu hổ khó chịu, trái lại, chính đó làm nổi bật mầu nhiệm lòng xót thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, trong Tân Ước, chính Chú Giêsu cũng chọn những người xem ra bất xứng như Phêrô, kẻ chối Chúa 3 lần; như Phaolô, kẻ bắt bớ Ngài, để trở thành rường cột của Giáo Hội.
Khi viết sử, thông thường người ta chỉ kể lại những chiến công, những anh hùng hay vĩ nhân của dân tộc. Còn lịch sử của dân Chúa, sử gia không ngần ngại kể ra cả những khuyết điểm, tội lỗi của tiền nhân. Thật lạ lùng. Nhưng điều này làm nổi bật mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa đối với dân của Ngài.”
Niềm hy vọng ngày nay
“Ý thức về sự yếu đuối của con người và tình yêu thương của Thiên Chúa là 2 yếu tố quan trọng của niềm hy vọng. Toàn bộ Cựu Ước đều hướng đến hy vọng: Thiên Chúa đến để thiết lập Vương Quốc của Ngài, đến để tái lập Giao Ước, đến để thành lập một Dân Mới, đến để xây dựng một Thành Giêrusalem Mới, đến để kiến tạo một Ðền Thờ Mới và đến để tái tạo thế giới. Với việc xuống thế làm người, triều đại Ngài đã đến giữa trần gian. Nhưng Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết triều đại này chưa được hoàn tất. Như hạt giống trong lòng đất, triều đại Ngài đang phát triển dần dần. Vì thế Giáo Hội của Ngài luôn lữ hành như những con người của hy vọng.”
“Ngày nay, hy vọng có lẻ là thách đố lớn nhất. Charles Peguy thường nói: “Ðức tin mà tôi thích nhất là hy vọng. Ðúng vậy, bởi vì trong hy vọng, đức tin, được biểu lộ qua việc bác ái, mở ra con đường mới đi vào tận tâm hồn của con người. Ðức tin đó hướng người ta đến việc xây dựng một thế giới mới, một nền văn minh tình thương và dẫn đưa cả thế giới đến tận hưởng cuộc sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðây chính là cách thế mà Chúa Giêsu đã thực hiện và truyền đạt trong Tin Mừng. Và đây cũng là ơn gọi của chúng ta. Như trong thời kỳ Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa tiếp tục hành động nơi những con người có tinh thần nghèo khó, nơi những kẻ khiêm nhường, và ngay nơi cả những người tội lỗi biết thật lòng thống hối trở về với Ngài.”