Đạo đức sinh học

Khởi điểm sự sống của con người

khoi diem su song con nguoi
99 views

Lm. Trần Mạnh Hùng, STD.

Người ta đã đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau bàn về thời điểm khởi đầu sự sống con người. Các lý chứng được đề nghị để nhận biết về khởi điểm sự sống con người thuộc một trong các sự kiện sau:

  • thời điểm trứng thụ tinh,
  • thời điểm trứng làm tổ trong tử cung,
  • thời điểm phân đoạn (khi trứng đã thực sự được cá thể hoá, đến độ sự lưỡng phân không thể xảy ra nữa), [1] sự xuất hiện các xung động thần kinh trong bào thai,
  • thời điểm thai có thể phát triển được,
  • thời điểm đứa trẻ chào đời,
  • thời điểm đứa trẻ bắt đầu ứng đáp với tiến trình xã hội hoá.

Trong các lý thuyết trên đây, có ba lý thuyết – xác định sự khởi đầu sự sống con người bằng 1) sự thụ tinh, 2) sự phân đoạn, và 3) sự xuất hiện các xung động não – có lẽ xứng đáng để đem ra bình luận hơn cả.

Tuy nhiên, trước khi khảo sát ba lý thuyết đáng chú ý đó, chúng ta cần nhắc lại rằng: Giáo Hội Công Giáo La Mã mặc dầu vẫn thừa nhận là vấn đề thời điểm khởi đầu sự sống con người chưa thể giải quyết được (xét về phương diện lý thuyết), [2] nhưng trong thực tế, vẫn duy trì lập trường cho rằng sự sống con người [3] hiện diện từ lúc xảy ra sự thụ tinh:

“Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên chúa dựng nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng.” [4]

Lý do Giáo Hội nhấn mạnh trên lập trường ấy chính là: khi phải đương đầu với một sự hồ nghi về sự kiện (trường hợp ở đây là sự sống con người bắt đầu khi nào), chúng ta cần đi theo đường lối hành động an toàn. Và trong trường hợp này, giải pháp an toàn nhất là sự sống con người bắt đầu với sự việc trứng thụ tinh (còn gọi là hợp tử), thay vì là vào một lúc nào sau đó trong tiến trình phát triển của phôi hoặc thai.

Bây giờ, chúng ta sẽ thận-trọng khảo sát một số luận-cứ được sử dụng để xác định thời điểm khởi đầu sự sống con người.

a) Sự thụ tinh

Những người chủ trương sự sống con người đã có từ lúc trứng thụ tinh quả quyết (không phải là không hợp lý) rằng: kể từ lúc ấy, đã có một số tổ hợp gien mới chắc chắn không phải là của bất cứ loài nào khác loài người, nhưng cũng khác hẳn với cơ cấu di truyền của cả cha lẫn mẹ. Do đó, không bao giờ được xem trứng mới thụ tinh chỉ là một khối tế bào trong lòng người mẹ, như Huấn thị Donum vitae và Tuyên ngôn của Thánh bộ Tín Lý và Đức Tin về vấn đề phá thai đã khẳng định.

Ngay từ khi trứng được thụ tinh, một sự sống mới được bắt đầu mà sự sống ấy không phải của cha cũng chẳng phải của mẹ, nhưng đúng hơn đó là sự sống mới của một con người mới và nó có thể tự mình phát triển“.[5]

Vì chính lý do đó, các lý chứng ủng hộ quyền được phá thai của người phụ nữ nại vào quyền bảo vệ tự do riêng tư cá nhân hay quyền được tùy thích hành xử với thân thể của họ, các lý chứng ấy lộ rõ tính cách giả dối đáng kinh khiếp của chúng. Những người chủ trương như thế đã quan niệm một cách đơn giản rằng: trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi trứng đã được thụ tinh, không có sinh thể nào hiện diện và liên quan, ngoại trừ sự sống của người mẹ.

Đồng thời, cũng cần nói ngay rằng: tuy trứng đã thụ tinh rõ ràng đã là một sinh thể mang tính người về mặt di truyền, một cái trứng của con người, khác hẳn với trứng của bất kỳ loài nào khác, nhưng sự kiện đó, tự nó, chưa đủ để kết luận rằng đã có một nhân vị hiện hữu từ lúc trứng vừa mới thụ tinh. Tuy là một sinh thể mang tính người, trứng vừa thụ tinh chắc chắn có tiềm năng và khả năng phát triển thành một nhân vị. Nhưng chưa thể nói rằng nguyên sự có tiềm năng trở thành một nhân vị là lập tức đã đủ để gắn cho cái trứng vừa thụ tinh đó tên gọi một nhân vị. Bởi nếu vậy, mỗi tế bào của sinh thể mang tính người đó đều phải được xem như một nhân vị, suốt thời kỳ phát triển đầu tiên của sinh thể đó, dù nó là một hợp tử, một phôi dâu hay một phôi bào. Vì chưng, mỗi một tế bào đó đều có tiềm năng thành một con người, nói cách khác, tất cả các tế bào của sinh thể đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên ấy, đều là các “tế bào toàn năng”(Totipotent cells); chúng có đầy đủ tiềm năng để tự phát triển một cách hoàn chỉnh, giả sử nếu chúng kịp thời được tách khỏi những tế bào khác, và sau đó được đem cấy vào vách tử cung của một người nữ, nếu thành công, thì chúng có thể phát triển thành một con người thực sự. Vì  theo sự khảo-sát của các chuyên gia nghành y, thì tiến trình phát triển nơi con người được bắt đầu khi tinh trùng làm cho trứng (noãn) thụ tinh [6], và sau đó tạo nên một tế bào duy nhất, gọi là hợp- tử, tế bào này có khả năng tự tại phát triển thành một cơ thể (organism). Vì thế, trứng thụ tinh (hợp tử) còn được coi như là tế bào toàn-năng. Sau khi trứng đã được thụ tinh, chỉ vài tiếng đồng hồ sau (khoảng 4-6 tiếng), hợp tử sẽ tự động phân chia thành nhiều tế bào toàn-năng (totipotent cells), đồng chất thể về mặt di truyền. Vì lý do đó, mà giả thể ta lấy một tế bào toàn-năng (đã được phân chia sau khi trứng đã thụ tinh) đem cấy vào vách tử cung của người phụ nữ (nếu thành công) thì tế bào này có khả năng phát triển thành bào thai. Từ đó, ta có thể giải thích hiện tượng sinh đôi, là một trứng sau khi đã thụ tinh, tự phân chia làm 2 tế bào toàn-năng riêng biệt và rồi sau đó sẽ tự phát triển thành 2 cá thể riêng rẽ. Do đó, xét về mặt di- truyền thì trẻ em sinh đôi có cùng chung một gien y hệt như nhau.[7]

Những người chủ trương “sự sống phát sinh ngay lập tức”(Immediate Animation), thì cho rằng cả sự sống con người lẫn nhân vị đều bắt đầu hiện diện vào thời điểm trứng thụ tinh, những người ấy đang ủng hộ lý thuyết sinh lực tức thời và thuyết nhân hoá hay nhân vị hoá lập tức. Sau đây, tôi xin được trình bày hai lý thuyết khác cũng ủng hộ thuyết sinh lực tức thời, nhưng cho rằng sự nhân hoá sẽ diễn ra một cách tiệm tiến. Điều đó có nghĩa là họ chấp nhận có một khoảng cách thời gian giữa sự xuất hiện của một sinh thể mang tính người về mặt di truyền (vào lúc trứng thụ tinh) và sự xuất hiện của một nhân vị.

Tìm hiểu về Đạo Đức Sinh Học:
(#3) Nguyên tắc song hiệu
(#2) Nguyên tắc cơ bản đầu tiên về đạo đức sinh học
Đạo đức sinh học và những thách đố hiện nay

b) Lý thuyết tăng trưởng

Lý thuyết này chứng thực cho niềm tin rằng: nhất thiết phải diễn ra một vài sự tăng trưởng nơi phôi thai trước khi sinh thể mang tính người ấy được coi như là một “con người” thực sự. Lý thuyết này dùng hai cách thức để xem xét vấn đề khởi đầu sự sống con người như là một cá thể riêng biệt. Sau đây sẽ là phần trình bày chi tiết hơn về hai cách thức đó.

Cách thứ nhất hết sức cổ xưa, và đơn giản chỉ là sự áp dụng một số ý tưởng căn bản của triết học. 

Cách thức thứ hai mới mẻ hơn, và dựa trên những bước tiến của các công trình nghiên cứu, nhờ vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong ngành phôi thai học hiện thời.

Trước hết, chúng ta sẽ khảo sát các lý do thuần lý và cổ xưa của lập trường cho rằng: sự xuất hiện của sự sống cá nhân không trùng hợp với việc trứng thụ tinh.

Cả Aristote lẫn thánh Thomas Aquinas đều theo thuyết nhân hoá tiệm tiến.[8] Các ngài chủ trương rằng: mặc dù có sức sống (sinh lực) ngay từ lúc trứng thụ tinh, nhưng sức sống đó được giải thích nhờ sự hiện diện trước hết của một sinh hồn, và sau đó là nhờ sự hiện diện của giác hồn. Theo Aristote và thánh Thomas, mọi vật sống đều có hồn; hồn (của sinh vật) chỉ là nguyên lý hoặc nguồn hay sinh lực của sinh vật. Vì vậy, đối với trứng vừa được thụ tinh là cái đã mang tính người về mặt di truyền, chúng ta có thể nói nó đã có, trước hết, một sinh hồn (sức sống thực vật hay dinh dưỡng của mầm phôi), và sau đó là một giác hồn, tức là cái giải thích và điều khiển khả năng cảm giác và dinh dưỡng của sinh thể đang phát triển.[9] Những sinh lực ấy được hiểu là các hồn chất thể, hướng dẫn liên tục sự tăng trưởng của “phôi” (embryo) suốt những ngày, tuần và tháng đầu tiên.

Aristote và thánh Thomas đã đưa ra những lý lẽ rất đặc biệt để chủ trương rằng sự sống của con người (mang tính chất cá-biệt), trong tiến trình phát triển của phôi, cần có thời gian để xuất hiện. Nhưng lý lẽ đó được các ngài trình bày, trong một học thuyết triết học: gọi là hình chất thuyết.[10] Thuyết này cho rằng tất cả các thụ tạo hay vật-thể đều có hai nguyên lý hiện hữu, cụ thể là chất-liệu và hình-thế, là hai nguyên lý bổ túc chặt chẽ cho nhau. Đối với thánh Thomas, hình-thế của một vật được biết đầy đủ hơn nhờ hình thế bản-thể, được đồng-hoá với hồn của vật-thể nếu, trong thực tế, vật-thể ấy là một vật sống. Như vậy, giáo-huấn truyền-thống – theo quan-điểm – của thánh Thomas dạy rằng: chỉ linh hồn của con người, vốn dĩ thiêng liêng, mới là hình thế bản-thể của nhân-vị. Nói rằng linh hồn thiêng liêng là hình-thế bản-thể của con người, ấy là chúng ta muốn nói chính nó là “cái làm cho sinh thể mang tính người thành nhân-vị”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng: bởi vì theo hình chất thuyết, chất-liệu và hình-thế bổ túc chặt chẽ cho nhau, nên nói cách chính xác hơn, linh hồn thiêng liêng của con người chỉ có thể là hình-thế bản-thể của con người, nếu nó có thể bước vào sự hiện hữu độc nhất “trong một thân thể phức-hợp được cấu tạo hết sức chặt chẽ [chất-liệu]”. Một cách khá đơn giản, học thuyết của thánh Thomas đi đến chỗ cho rằng: linh hồn con người hay hình-thế bản-thể không hề hiện hữu trước khi cơ cấu thể-lý của bào thai phát triển một cách đầy đủ, đến mức có thể đón nhận hoặc thụ-lãnh linh hồn ấy, và rằng, trước khi linh hồn con người hiện diện nơi bào thai, bào thai không phải là một nhân vị.

Ý nghĩa đầy đủ của hình chất thuyết, có lẽ sẽ được hiểu rõ và tốt hơn, nếu nó được đặt tương phản với một học thuyết lớn khác là thuyết nhị nguyên (Dualism). Một chủ thuyết được sử dụng để giải thích mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác con người. Cả Plato lẫn Descartes đều chủ trương rằng: linh hồn và thân xác con người là hai thực tại phân biệt hoàn toàn, và là hai hữu-thể độc-lập và tách biệt, cái này liên kết với cái kia như ông tài xế (linh hồn) với chiếc xe hơi của ông ta (thể xác). Người tài xế có thể hiện hữu trước khi có chiếc xe, thậm chí anh ta có thể làm ra chiếc xe mà sau này anh ta sẽ lái nó. Đối với hình chất thuyết, thực tại hoàn toàn khác. Linh hồn con người không hiện hữu trước khi có thể xác. Do đó, “linh hồn trong thể xác có phần tương tự như cái hình thù của bức tượng nơi bức tượng đó”; hay chúng ta có thể nói: linh hồn “giống như hình thù của toà nhà chỉ hiện hữu nơi ngôi nhà đã xây xong”.

Am hiểu hình chất thuyết và việc trình bày của thuyết ấy về tương quan giữa linh hồn và thể xác con người, Joseph F. Donceel, S.J., cho rằng: linh hồn thiêng liêng chỉ có thể được phú ban cho một thân thể đã có những cơ quan chính yếu của con người, gồm có: các giác quan, tim, phổi, hệ thần kinh trung ương và bộ não, nhất là vỏ não. Có thể nói cách đơn giản rằng, linh hồn của con người, vì là linh hồn của con người và vì là hình-thế bản-thể của con người, nên chỉ có thể được “thiết lập” trong một thân xác đã được ban cho những bộ phận cấu thành cần thiết – cho dù chưa đầy đủ – điều kiện của những hoạt động tinh thần, đặc biệt của con người sau này như trí hiểu và ý muốn. Tất nhiên, cũng cần ghi nhận rằng thánh Thomas không hề coi linh hồn con người như là kết quả của một sự tiến hoá từ từ; đúng hơn, linh hồn được Thiên Chúa sáng tạo và phú vào sinh thể mang tính người đang phát triển ngay khi sinh thể ấy sẵn sàng đón nhận nó. Aristote và thánh Thomas ước tính khoảng thời gian đó dài từ 40 đến 90 ngày.[11] Đó là một sự ước lượng rất đáng chú ý, phù hợp với những điều kiện mà ngày nay chúng ta biết được về những giai đoạn phát triển của bào thai: sau 6 tuần (42 ngày), tất cả các cơ quan bên trong của bào thai đã có mặt, sau 12 tuần (84 ngày), cấu trúc của não đã đầy đủ.

Ở đây, cần nói rằng đối phương của học thuyết Thomas về sự nhân vị hoá không tức thời, đã phản đối rằng: chính thánh Thomas có thể sẽ bỏ ý tưởng của ngài về sự sáng tạo và việc Thiên Chúa không truyền ban tức thời linh hồn thiêng liêng của con người, nếu ngài có được những lợi thế do sự tiến bộ, trong các kiến thức sinh học như chúng ta có ngày nay. Nói cách khác, theo các hiểu biết chúng ta có ngày nay về cấu tử cơ bản di truyền (DNA) và phân tử di truyền tính (RNA) [12] rõ ràng trứng vừa thụ tinh của con người có thể thỏa mãn những điều kiện mà thánh Thomas đưa ra về việc một sinh thể được cấu tạo đầy đủ và sẵn sàng đón nhận một hồn người thiêng liêng. Vì vậy, có thể nói được rằng, nếu thánh Thomas sống vào thời này, hẳn ngài sẽ nghiêng về lập trường nhân hoá tức thời (Immediate Hominization) hơn là nhân hoá tiệm tiến (Mediate Hominization), và sẽ nói cách đơn giản rằng linh hồn con người, và vì đó, nhân vị, hiện diện từ lúc thụ tinh.[13]

Lối giải thích tân-tiến của lý thuyết tăng trưởng, cho rằng sự sống cá nhân của con người, bắt đầu vào lúc mà các xung động thần kinh của bào thai xuất hiện, như chúng ta có thể khám phá được nhờ việc sử dụng điện não đồ (Electro-Encephalogram=EEG). Những khám phá về xung động não đó, có thể có được vào tuần thứ tám của thai kỳ, và chúng trùng hợp khá sít sao với sự thay đổi tên gọi từ mầm phôi sang bào thai theo sự phát triển của sinh thể. Sở dĩ có chủ trương cho rằng: sinh mạng con người bắt đầu với sự khám phá các xung động não, là vì có một sự song song giữa chủ trương đo, với căn cứ được sử dụng để giải quyết vấn đề tuyên bố điểm tử của con người. Ngày nay, có một phong trào chủ trương đồng nhất cái chết của con người với cái chết của não hoặc với việc con người rơi vào một trạng thái hôn mê bất khả đảo ngược. Một trong những cách thức xác định cái chết của con người hay sự chết của bộ não, đó là sử dụng điện não đồ. Nếu sau hai lần đọc (mỗi lần từ 10 đến 20 phút) cách nhau 24 tiếng đồng hồ, mà không thu nhận được bất cứ xung động nào của bộ não, thì khi ấy, có thể công bố rằng các xung động não đã hoàn toàn không còn nữa, như đã ghi nhận được. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể coi sự sống của con người đã kết thúc, và con người đó có thể được tuyên bố là đã chết.

Tuy nhiên, cần nhận ra rằng: việc sử dụng điện não đồ (EEG) để khẳng định cái chết, việc ấy nhất thiết tiền giả định sự hiện diện của những dấu hiệu thông thường và rõ ràng của sự chết. Những tiêu chuẩn thông thường của sự chết là: đương sự bất động, không phản ứng gì đối với những kích thích gây đau đớn, không còn thở, không có phản xạ gì, và con người trương lên bất động. Hơn nữa, giá trị của các dấu hiệu thông thường của sự chết và của các yếu tố phù hợp với điện đồ não cần phải được thẩm tra để loại trừ hai trường hợp sau đây: a) người đó phải không ở trong tình trạng cơ thể hạ nhiệt độ (nhiệt độ cơ thể ở dưới 900F); b) hoặc tình trạng liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích tác động lên hệ thần kinh trung ương. Khi các tiêu chuẩn đó đã được xác định rõ ràng, thì việc tuyên bố về cái chết của một con người sẽ tránh được tính tùy tiện, và có giá trị.

Dựa trên những phân tích đó, ta có thể thấy được tính bất hợp lý của lập trường chủ trương mạng sống con người bắt đầu với sự xuất hiện có thể thẩm định được của các xung động não.

Nói cách khác, chúng ta không thể đơn giản cho rằng: vì cuộc sống con người kết thúc bằng sự biến mất của các xung động có thể thẩm định được của não, nên có thể chủ trương rằng, mạng sống con người bắt đầu với sự hoạt động của bộ não.

Như chúng ta vừa xem xét, tiêu chí của sự chết là sự biến mất không thể hồi phục của các xung động não, chứ không phải là sự thiếu vắng hay biến mất tạm thời. Trong hai tháng đầu của sự phát triển bào thai, các xung động não có thể chưa nhận ra được và chúng vẫn ở trong trạng thái chưa đo lường được, suốt một khoảng thời gian nào đo, kể từ lúc chúng xuất hiện. Tuy vậy, một điều chắc chắn là các xung động não của bào thai trong giai đoạn đó, không thể nói là đã biến mất không thể hồi phục. Thực tế, chúng sẽ xuất hiện. Vì vậy, việc sử dụng điện não đồ (EEG) để xác định khởi điểm cuộc sống con người là một việc làm không chuẩn về mặt phương pháp luận. Sự phủ nhận bào thai là một con người, trước khi có sự xuất hiện của các xung động não cũng tỏ ra bất ổn. Khi chúng ta lưu ý rằng: trong nỗ lực xác định một người đã chết hay chưa, việc kiểm tra xung động não bằng cách sử dụng điện não đồ (EEG) sẽ chỉ được áp dụng, sau khi đã áp dụng các tiêu chuẩn y khoa thông thường, để xác định cái chết mà vẫn còn một vài nghi ngờ, không biết đương sự đã chết thật chưa. Những nghi ngờ như vậy, dĩ nhiên, không được đặt ra đối với một phôi vừa mới xuất hiện và trái tim chỉ đập vào tuần thứ ba hoặc thứ tư, cũng như không được đặt ra với những người đang phản ứng đối với các chất kích thích.

c) Thời điểm phân đoạn

Về việc khởi đầu sự sống con người, lý thuyết thứ ba mà chúng ta muốn khảo sát là lý thuyết cho rằng: cuộc sống cá thể bắt đầu vào thời điểm phân đoạn, tức là cuộc sống con người được xem như bắt đầu vào lúc, mà nó đã được củng cố và đã có sự ổn định một cách bất khả thay đổi số lượng cơ thể sẽ phát triển trong kỳ thai nghén đó. Có thể nói mạng sống con người xét như là một cá thể, chỉ có khi mà sự phân chia và tăng bội tế bào thành gấp đôi gấp ba đã xong, và không thể đảo ngược (bất khả hồi) được nữa, và vì vậy, tính cá biệt của cơ thể đang phát triển đã được thiết lập và chắc chắn sẽ phát triển thành một con người.[14]

Những người bảo thủ ước tính độ dài thời gian xảy ra sự phân đôi này là khoảng 7-8 ngày. Thời gian này tương ứng với thời gian cần thiết để trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung. Thoáng hơn, một số người ước tính thời gian xảy ra sự phân đôi là 14-21 ngày sau trứng thụ tinh. Tuy nhiên, trong cách lý giải của họ, ta thấy thời gian cần thiết để hình thành cá thể tính, và do đó, để xuất hiện một con người cá biệt, theo lý thuyết này, chỉ tối đa là ba tuần, ít hơn cả lượng thời gian mà thánh Thomas đưa ra trong hình chất thuyết của ngài, cũng như ít hơn lượng thời gian được đề nghị bởi lý thuyết tăng trưởng hiện đại, là lý thuyết lấy sự xuất hiện các xung động não của bào thai để làm cơ sở xác định điểm khởi đầu của cuộc sống con người.

Lý lẽ căn bản để nói rằng một nhân vị không hiện diện trước khi cá thể tính được thiết lập là: mỗi người là một cá thể. Về phương diện triết học, điều đó có nghĩa là mỗi người đều bất khả phân chia, và do vậy, không thể tự mình tách thành hai hoặc ba người hoặc hơn nữa. Một con người không thể tự mình và trong mình trở thành hai hoặc hơn nữa. Ấy thế mà một cái trứng vừa mới thụ tinh, trong một khoảng thời gian nào đó, vẫn có khả năng tự mình phân chia. Khi khả năng đó hoạt động, hiện tượng nhân đôi sẽ xảy ra. Bao lâu mà cái khả năng phân chia thành hai sinh thể riêng biệt đó, vẫn còn trong hợp tử đang tăng triển, trong chừng mực đó, sẽ không có một thực thể cá biệt hoá, và vì thế, chưa có sự hiện hữu của một nhân vị. Nếu không chấp nhận như thế thì phải nói rằng: một con người có thể trở thành hai cá nhân hoặc hơn nữa![15] Nhưng, như trên kia chúng ta đã trình bày, như thế là đã vi phạm định nghĩa triết học về cá thể, vốn được hiểu là bất khả tự mình phân chia. Một tác giả viết về điều ấy như sau: “Nếu trứng đã thụ tinh có thể tách thành hai thực thể và rồi sau đó thành hai con người, thì thật là khó mà chấp nhận được rằng thoạt đầu, nó [cái trứng đã thụ tinh] đã là một con người hoàn toàn là người”.

Bằng một lối nói rất rõ ràng, chính Donceel đã đưa ra một trường hợp ngược lại với thuyết nhân hoá lập tức: “Hai anh em sinh đôi y hệt nhau… khởi đầu cuộc sống từ cùng một trứng được thụ tinh từ một tinh trùng. Đối với những người đề xướng thuyết nhân hoá lập tức, cái trứng đã thụ tinh đó chỉ là một nhân vị. Vào đầu kỳ thai nghén, cái trứng đó tách thành hai phần (hoặc hơn nữa), mỗi phần phát triển thành một con người trưởng thành. Thật khó dung hoà sự kiện đó với thuyết nhân hoá lập tức. Một nhân vị không thể tách thành hai hoặc hơn hai nhân vị”.

Quả quyết rằng: sự sống cá thể con người không có trước khi cá thể tính được thiết lập, quả quyết đó còn được hậu thuẫn bởi sự kiện một số nhà khoa học ước tính rằng: khoảng 1/3 đến 1/2 số lượng trứng đã thụ tinh không bao giờ làm tổ được trong tử cung, nhưng chúng bị trục xuất khỏi tử cung vào kỳ kinh nguyệt sau đó của người phụ nữ.[16] Các trứng đã thụ tinh nhưng không làm tổ đó, sẽ rơi ra ngoài giống như các trứng chưa thụ tinh. Tuy nhiên, vì sự rụng trứng xảy ra từ 14 ngày trước khi thời kỳ kinh nguyệt bắt đầu, cho nên việc các trứng đã thụ tinh rơi ra ngoài sẽ diễn ra trước thời điểm hoàn thành cá thể hoá. Vậy thật ra, chúng ta có thể nói các trứng đã thụ tinh nhưng bị tống ra ngoài  đó đã là những con người mang hồn thiêng bất tử và là một sinh mạng cá thể được hay không? Há đó lại chẳng phải là một sự phung phí vô lý sinh mạng con người hay sao?

Ngày nay, một vài nhà thần học lỗi lạc và danh tiếng của Ki-tô Giáo, lên tiếng ủng hộ lối giải thích rất lô-gic và có sức thuyết phục của thuyết nhân hoá tiệm tiến, theo đó, sinh mạng con người bắt đầu vào khoảng từ 14 đến 21 ngày sau khi trứng thụ tinh, lúc mà sự phân đôi các tế bào không thể diễn ra nữa, và do đó, cá thể tính của mầm phôi đang tăng trưởng được bảo đảm.[17] Quan điểm này chỉ là phản ảnh của định nghĩa cổ điển về nhân vị mà Boethius đã đưa ra: một nhân vị là “một bản thể cá biệt mang bản chất có lý tính”. Nói cách khác, không có một nhân vị nào được coi là hiện hữu trước khi có một bản thể cá biệt. Như thế, trong hai hoặc ba tuần đầu tiên, sau sự thụ tinh, vấn đề hàng đầu phải được bàn đến là vấn đề sinh thể đang phát triển có mang bản chất có lý tính hay là không, hoặc đúng hơn, nó đã thực sự là một bản thể đã được cá biệt hoá hay chưa.

Vào khoảng từ 14 – 21 ngày, sau khi trứng thụ tinh, có một bản thể theo nghĩa là có sự thiết lập cá thể tính; bản thể ấy làm cho sinh thể đang phát triển có khả năng lãnh nhận linh hồn của con người. Như thế là khác với quan điểm của Thánh Thôma Aquinô (1225-1774): ngài không cho rằng thân thể tự nhiên của con người có thể hoàn toàn đón nhận linh hồn con người trước khoảng thời gian 40 ngày (đối với nam giới) và khoảng 90 ngày (đối với nữ giới) sau sự thụ tinh.[18]

Quan điểm cho rằng sự sống cá thể con người bắt đầu vào lúc cá thể tính được thiết lập, quan điểm đó được các thông tin khoa học hậu thuẫn. Ngày nay, hầu như người ta đã thực sự xác định được rằng: cho đến sau khi làm tổ, trứng đã thụ tinh chỉ được điều khiển bởi Ribonucleic Acid (RNA) của mẹ, tức là bởi gien di truyền của người mẹ, là cái duy nhất có trong trứng trước khi trứng được thụ tinh. Như thế, suốt thời gian đó, hình như tinh trùng không đóng vai trò điều khiển hoạt động về sự sống của sinh thể đang phát triển (là trứng đã thụ tinh). Chỉ sau khi quá trình làm tổ đã kết thúc, thì gien của sinh thể mới thực sự hoạt động, với kết quả là trứng đã thụ tinh bắt đầu được điều khiển bởi RNA của chính nó. Nếu thế, hình như sự chuyển đổi RNA của trứng đã thụ tinh gần như trùng hợp với thời gian mà người ta nghĩ là cá thể tính được thiết lập, tức là khoảng 14 đến 21 ngày sau khi thụ tinh. Vì vậy, ít là từ lúc đó, theo quan điểm của các chuyên gia, thì chúng ta có thể chấp nhận rằng: bào thai đã là một nhân vị, nghĩa là một bản thể cá biệt mang một bản chất có lý tính, bởi vì hồn thiêng đó được chính Thiên Chúa phú ban.

Lm. Trần Mạnh Hùng, STD.
Tác giả giữ bản quyền – Copyright©2022 by the Author

___________________________________

Chú thích

1. Trần Mạnh Hùng  C.Ss.R., , Mầm Phôi và gía trị luân lý của nó. Đăng trên trang web vietcatholic.net. http://vietcatholic.net/news/data/9295.htm

2. Xem Norman Ford, S.D.B. “We Don’t Have to Clone,”  The TABLET  9 tháng 12 năm 2000, trang 1672. Tiến sĩ thần học gia Ford cho rằng: hiện nay việc tranh luận về khởi đầu sự sống con người vẫn còn nhiều khúc mắc, ngay cả về phía Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng chưa thể khẳng định một cách tuyệt đối và chính xác, xét về mặt lý thuyết và trên quan điểm thần học, dẫu vậy, tiến sĩ  Ford vẫn chấp nhận ý kiến cho rằng: có những lý do cho thấy là “con người” đã có thể hiện diện đầy đủ ngay từ giây phút trứng vừa mới thụ tinh, do đó, cần phải bảo vệ phôi.

3. Sự sống con người ở đây, mang theo khái niệm là ngay từ giây phút trứng vừa mới thụ tinh, thì đã có sự hiện diện của một cá thể riêng biệt.

4 . Xem Huấn Thị Donum Vitae của Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin ban hành ngày 22/2/1987. AAS  80 (1988): 70-102. Cũng như Thư luân lưu của ĐGH Gioan Phaolô II gởi cho tất cả các giám mục trên toàn thế giới về vấn đề phá thai và chết êm dịu. John Paul II,  “Letter on Combatting Abortion and Euthanasia,” ORIGINS  21 (1991), trg 136.

5 . Charles E. Curran,  New Perspectives in Moral Theology.  (Notre Dame: Fides Publishers, Inc. 1974), trang 173.

6. Declaration on Procured Abortion. Ban hành do Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin. Được đăng tải trong nhật báo “L’Osservatore Romano,” ngày 29 tháng 5, 1974;  AAS 66 (1974): 730-747.

7. Xem bài viết của Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD. TÌM HIỂU TẾ BÀO GỐC  https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/06/13/tim-hieu-te-bao-goc/

8. Joseph F. Donceel, S.J.,  “Why Is Abortion Wrong?,”  America, 133 (1975): 65-67.

9. Xem bài viết của Đức Giám Mục Anh Giáo, Richard Harries, “Why We Need to Clone,” THE TABLET  16 Tháng 12 năm 2000, trang 1705.

10 . Hình chất thuyết: Hylomorphism.

11 . Joseph F. Donceel, S.J.,  “Immediate Animation, ” in Theological Studies 31 (1970): 82 – 83;  Đặc biệt là bài viết của Đức Giám Mục Anh Giáo, Richard Harries, “Why We Need to Clone,” THE TABLET  16 Tháng 12 năm 2000, trang 1705.

12 . DNA: chữ viết tắt của Deoxyribonucleic Acid – the genetic material found in all living things; contains the inherited characteristics of every living organism.  Tạm dịch là “cấu tử cơ bản của gien”.

RNA: chữ viết tắt của Ribonucleic Acid – A  molecule that carries the genetic message from DNA to a cell. Tạm dịch là “phân tử di truyền tính”. Vì sau khi tra cứu ở Từ Điển Y Học Anh Việt do B.S. Bùi Khánh Thuần soạn thảo (tái bản năm 1996), tôi vẫn không tìm được sự giải thích của hai từ này bằng tiếng Việt. Cho nên, tôi mạn phép lược dịch như trên, theo ý của tiếng Anh.

13 . Tuy nhiên luận điệu này cũng đã được thần học gia Thomas Shannon phản bác bằng một luận điệu khá lý thú và vững chắc. Muốn biết thêm chi tiết xin mời quí vị tìm đọc bài viết của Thomas A. Shannon,  “Delayed Hominization: A Response to Mark Johnson,”  Theological  Studies  57 (1996): 731-734.

14 . Để thấu triệt vấn đề và cách thức hiện nay mà các chuyên gia, trong đó bao gồm các nhà triết gia, thần học gia, đang tranh cãi về vấn đề này, xin mời quí vị xem qua các bài khảo cứu sau đây:  Lisa Sowle Cahill, “The Embryo and the Fetus: New Moral Contexts,” Theological Studies  54 (1993): 124-142; Richard A. McCormick, S.J., “Who or What is the Pre-embryo?” trong tác phẩm Corrective Vision. (Kansas City, MO: Sheed & Ward, 1994), trang 176-188;  Maureen Junker-Kenny,  “The Moral Status of the Embryo,” Concilium 2 (1998): 43-53;  Klaus Steigleder,  “The Moral Status of Human Embryos and Fetues,” International Journal of Bioethics  10  (1999): 11-15;  W. Jerome Bracken,  “Is The Early Embryo a Person?” Linacre Quarterly 68 (February 2001): 49-70. Đặc biệt là bài viết gần đây nhất của cha Norman Ford, S.D.B., “The Human Embryo as Person in Catholic Teaching,” The National Catholic Bioethics Quarterly (Summer 2001): 155-160.

15 . Để nắm vững cách lý luận trên, xin mời qúi vị tìm đọc tác phẩm When Did I Begin?  (Great Britain: Cambridge University Press, 1988)  của triết gia kiêm thần học gia, linh mục Norman Ford, dòng Donbosco. Ngài đã trở nên danh tiếng nhờ tác phẩm này. Ngài còn là  giám đốc của trung tâm Caroline Chrisholm, Melbourne, lo về mặt Đạo Đức Y Tế và Bảo Vệ Sức Khỏe.

16 . Bernard Haring, C.Ss.R.,  “New Dimensions of Responsible Parenthood,” Theological Studies 37 (1976): 120 – 132.

17 . Bernard Haring, C.Ss.R., “New Dimensions of Responsible Parenthood,” Theological Studies 37 (1976): 126 – 127; Paul Ramsey,  “The Morality of Abortion,” in Life or Death: Ethics and Options,  edited by Daniel Labby (Seattle: University Washingtion Press, 1968), pp. 64 – 69;  Charles E. Curran,  Transition and Tradition in Moral Theology. (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1979), p. 212;  Lập trường này cũng được ủng hộ bởi thần học gia luân lý danh tiếng dòng Tên – người Mỹ – cha Richard A. McCormick, S.J., “Notes on Moral Theology,”  Theological Studies, 39 (1978): 127-128. Đặc biệt hơn cả là thần học gia Norman Ford, dòng Donbosco, người Úc, với tác phẩm khá lừng danh và cũng là đề tài cho nhiều cuộc thảo luận trên thế giới. Xem Norman Ford, S.D.B.  When Did I Begin? (Great Britain: Cambridge University Press, 1988).

18. Xem “The Sanctity of the Embryo: A Submission to the House of Lords,” đăng tải ở tuần báo THE  TABLET , 23 tháng 6 năm 2001, trang 926.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

su quan phong cua chua

Trong cái rủi có cái may – suy niệm về sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa

Trong thời gian gần đây, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi nhận được ...

Làm việc nhỏ bằng niềm đam mê lớn

Danette Matty from Youthministry.comHannah phỏng dịch Đây là câu thoại tôi rất thích trong phim ...

dieu ky dieu cua chua

Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm

(Thánh vịnh 104, 4-5) Hôm nay là ngày thứ 5 của tuần thứ 5 mùa ...

han mac tu va chua

Hàn Mặc Tử và Đức tin

Hàn Mặc Tử: một kiếp khổ đau! Cách đây 65 năm, vào buổi trưa ngày ...

noah và đại hồng thủy

Câu chuyện ông Noah và nạn Đại Hồng Thủy

Sau Adam và Eva loài người đã sinh sôi khắp địa cầu, nhưng họ tội lỗi đến mức Chúa muốn tận diệt, trừ ông Noah là người công chính

Giáo Hội Công Giáo với dịch cúm Corona

Triết Giang (Từ Vietcatholic.org) Dịch cúm chủng mới nCOV-2019 bùng nổ ở Vũ Hán, Trung ...

Để lại bình luận