Lịch Sử Giáo Hội

Cuộc bách hại các Kitô hữu của Đế quốc Rôma (64-133)

Quốc Anh
hoang de nero bach dao
2.325 views

Nhờ nỗ lực truyền giáo của các Tông đồ và của các tín hữu tiên khởi, chỉ sau một thời gian ngắn Tin Mừng đã được rao giảng khắp đế quốc Rôma. Số Kitô hữu ngày càng gia tăng. Lúc đầu nhà cầm quyền Rôma không quan tâm lắm, coi đây chỉ là một nhánh của Do Thái giáo (x. Cv 18,12-17), nhưng chỉ ít năm sau, nhà cầm quyền bắt đầu ra tay bách hại các Kitô hữu.

Nguyên nhân

1. Đối với quần chúng bình dân

Vì các Kitô hữu không tham dự các cuộc thờ cúng thần linh, cũng không tham dự việc thờ Hoàng đế, nên dân chúng coi các Kitô hữu là những người vô thần, khiến các thần nổi giận, giáng hoạ xuống trên đất nước. Mỗi khi có thiên tai hoặc một tai hoạ xảy ra, dân chúng lại đổ tội cho người Kitô hữu và đòi phải trừng trị họ.

Vì bị cấm cách, các Kitô hữu tụ họp với nhau để cử hành phụng vụ cách kín đáo nên nhiều người cho rằng các Kitô hữu là những người vô luân, tụ họp với nhau để làm những trò dâm dục xấu xa, ăn thịt uống máu đứa trẻ bị giết để tế lễ.

2. Đối với giới trí thức

Giới trí thức thì cho rằng Kitô hữu là những kẻ dốt nát nhưng lại kiêu căng tự phụ. Những người theo Kitô giáo chủ yếu là từ các giai cấp thấp trong xã hội, chẳng hạn như phụ nữ, trẻ em, giới lao động hoặc nô lệ. Kitô giáo lợi dụng tính dễ tin của những người này.

Triết gia Celsus (tk. II) và Porphyre (+305) cho rằng giáo thuyết Kitô giáo đối nghịch với lý trí. Nhập thể là phi lý. Giêsu chỉ là một người cùng khốn, không thể có cái chết của một hiền nhân như thế. Giáo thuyết của Giêsu chỉ là bản sao chép tồi các giáo thuyết của Ai Cập và Hy Lạp cổ điển. Sự phục sinh thân xác chỉ là trò dối trá. Các nghi lễ Kitô giáo thì vô luân.

3. Đối với nhà cầm quyền

Chính quyền Rôma coi Kitô hữu là công dân xấu vì họ không tham gia các sinh hoạt công cộng mà Nhà Nước đề ra, chẳng hạn không tham dự các cuộc tế tự của thành phố, không thờ Hoàng đế, không làm công chức, không tham gia quân đội, không tham dự các trò chơi ở hí trường.

4. Lời biện hộ của các nhà hộ giáo

Trước những lời đả kích trên, một số Kitô hữu, đặc biệt là thánh Justinô, Origiênê và Tertulianô, đã trình bày rõ ràng giáo thuyết và tập tục Kitô giáo để giải thích cho người ngoại hiểu, giúp đánh tan sự ngộ nhận. Những vị này được gọi là những nhà hộ giáo. Các ngài khẳng định rằng những lời tố cáo chống các Kitô hữu, các cuộc xét xử kết án thời bách hại đạo là bất công. Qua các tác phẩm hộ giáo của mình, các ngài trả lời cho từng lời tố cáo nói trên.

– Kitô hữu không phải là nhóm người chui rúc, hoạt động bí mật, họ tụ họp với nhau không phải để làm những chuyện vô luân. Để giải thích cho Hoàng đế Antoninus Pius (138-161) hiểu những gì các Kitô hữu đã làm khi họ tụ họp với nhau ngày Chúa nhật, khoảng năm 155 thánh Justinô đã viết tác phẩm Hộ giáo thứ nhất mô tả những nét chính của việc cử hành thánh lễ[1]. Tertulianô khẳng định: Người Kitô hữu không làm những việc đồi bại mà xã hội Rôma đang làm là giết trẻ em, phá thai, đề cao nhục dục, cho phép đổi vợ. “Kitô hữu không xa lánh cuộc đời, chúng tôi vẫn lui tới công trường, bể tắm, xưởng thợ, tiệm buôn, chợ búa. Chúng tôi là thủy thủ, quân nhân, nông dân hay thương gia”.

– Thánh Justinô nói: Giáo thuyết của Kitô giáo phù hợp với lý trí, và nếu xét từ nguồn gốc của nó là Cựu Ước, nó có trước triết học Hy Lạp.

– Kitô hữu là công dân tốt: Dù các Kitô hữu không coi Hoàng đế như thần linh nhưng họ vẫn tuân phục Hoàng đế và cầu nguyện cho Hoàng đế. Các Kitô hữu còn cầu nguyện cho các vị cầm quyền, cho quân đội, cho hòa bình thế giới. Các Kitô hữu cũng là những người nộp thuế đầu tiên. Kết thúc lá thư gửi cho giáo đoàn Côrintô năm 95, Đức Giáo hoàng Clêmentê đã viết một lời cầu nguyện cho chính quyền như sau: “Lạy Chúa … xin Ngài hãy làm cho chúng con biết phục tùng Danh toàn năng và chí thánh của Ngài, cũng như đối với các người đang lãnh đạo và hướng dẫn chúng con dưới thế này. Lạy Chúa, chính Ngài đã ban quyền cho họ do uy lực lớn lao và khôn tả của Ngài, để khi hiểu rằng chính từ Ngài họ nhận được vinh quang và vinh dự mà chúng con thấy nơi họ, chúng con sẽ tùng phục họ và không làm gì trái với ý Chúa. Xin Chúa ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận, ổn định để họ thực thi quyền hành Chúa đã ban cách tốt đẹp”.

Những cuộc bách hại

Đế quốc Rôma bách hại các Kitô hữu từ năm 64 đến năm 313, tức là khoảng 2 thế kỷ rưỡi. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, không phải lúc nào các Kitô hữu cũng bị bách hại. Trong số 53 Hoàng đế cai trị đế quốc Rôma trong thời gian này, chỉ có khoảng 10 Hoàng đế ra tay bách hại Kitô giáo. Thời gian đầu, việc bách hại chỉ diễn ra ở một số vùng, mãi đến thời Hoàng đế Decius (249-251), việc bách hại mới diễn ra trên toàn đế quốc. Sau đây là những cuộc bách hại chính:

1. Dưới triều Hoàng đế Nerô (54-68)

Nerô đàn hát trong lúc thành Rôma bị cháy

Đêm ngày 17 tháng 7 năm 64, một vụ hỏa hoạn xảy ra suốt 6 ngày liền thiêu hủy tất cả những khu phố cổ và đông dân nhất của Rôma. Trong khi lửa cháy bừng bừng, người ta thấy Nerô mặc áo kịch trường, cầm đàn hát bài anh hùng ca do ông soạn về cuộc hỏa hoạn thành Troas. Thế là có tiếng đồn Nerô thiêu hủy những khu bình dân để xây cất một đế đô mới, huy hoàng tráng lệ hơn.

Nerô lo sợ trước dư luận quần chúng, nhất là khi đó ông đã bị lên án về những vụ giết mẹ, giết vợ, giết đại thần… Nghe lời cố vấn Tigellinus, Nerô đã đổ tội cho người Kitô hữu. Thế là các Kitô hữu bị lùng bắt, hành hạ rồi đem giết dưới nhiều hình thức khác nhau như thiêu sống, chém đầu, đóng đinh, đấu gươm với nhau hay đấu với thú dữ cho đến chết. Có người bị bò rừng xé ra từng mảnh, hoặc ném cho hùm beo ăn thịt… Cuộc bách hại này giới hạn trong phạm vi thành Rôma.

Truyền thống coi hai thánh Phêrô và Phaolô là nạn nhân của Nerô. Phêrô tử đạo tại Rôma năm 64, còn thánh Phaolô tử đạo năm 67 cũng tại Rôma.

Cuộc bách hại của Nerô tạm ngưng vào năm 68 khi Nerô băng hà. Giáo Hội được bình an cho đến năm 81.

Các Kitô hữu cầu nguyện trước khi tử đạo. Tranh của Jean Léon Gérôme
Các Kitô hữu cầu nguyện trước khi tử đạo. Tranh của Jean Léon Gérôme

2. Dưới triều Hoàng đế Domitianus (81-96)

Domitianus là người đa nghi, chuyên chế và tàn nhẫn. Ông rất ác cảm với người Do Thái và với tất cả những ai sống theo lối Do Thái, nghĩa là thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Phe quý tộc và giới trí thức không phục ông. Năm 88, một cuộc cách mạng nhằm lật đổ ông bị dập tắt. Ông thanh lọc lại triều đình, giết hoặc lưu đày tất cả những ai dính líu vào cuộc chính biến. Chấp chánh quan Flavius Clemens bị tố cáo âm mưu chính trị, sống theo lối Do Thái và bất kính thần minh, nên bị trảm quyết. Nhiều người tên tuổi khác bị tử hình hoặc tịch biên tài sản và phát lưu. Cuộc bách hại lan sang tận Tiểu Á. Tại đây, thánh Gioan tông đồ bị bỏ vào vạc dầu sôi, nhưng không chết. Sau đó ngài bị đày ra đảo Patmô. Simeon, Giám mục Giêrusalem thì bị đóng đinh thập giá.

Năm 96, tức năm cuối cùng của đời ông, Domitianus hạ lệnh ngưng bách hại và cho những người đi đày được về. Nhờ vậy, thánh Gioan tông đồ được trở lại Êphêsô và qua đời ở đó năm 100. Domitianus bị đâm chết do âm mưu của Viện nguyên lão.

3. Dưới triều Hoàng đế Trajanus (98-117)

Plinus được cử làm đại sứ toàn quyền ở Bithyma, nơi Kitô giáo đang phát triển mạnh mẽ, khiến những người có nhiệm vụ bảo vệ quốc giáo đa thần lo ngại. Các Kitô hữu bị tố cáo với nhiều tội danh như không chịu thờ cúng thần linh, mê tín… Plinus viết thư thỉnh ý Hoàng đế Trajanus những thắc mắc của mình như: có phải nguyên việc mang tên Kitô hữu đã đủ để kết án? Những người chối đạo thì sao? Những đơn nặc danh tố cáo người Kitô hữu có giá trị gì không?

Năm 112, Hoàng đế Trajanus trả lời Plinius là đừng lùng bắt người Kitô hữu và chỉ phạt một khi họ bị tố cáo và mang ra trước công đường mà thôi. Khi họ chối đạo bằng lời nói và hành động, chẳng hạn như chịu thờ thần của chúng ta, thì tha cho họ, cho dù trước đó họ tỏ ra không mấy đáng tin. Trong đoạn viết thêm, ông còn nhắc không xét những đơn tố cáo nặc danh, vì đấy là những gương xấu không còn phù hợp với thời đại chúng ta nữa.

Trajanus trước khi chết đã đặt Hadrianus, con nuôi của ông, lên kế vị. Hadrianus là người có văn hóa cao, thích văn chương, nghệ thuật và rất sùng kính thần linh, ham biết những tôn giáo thần bí đông phương. Dù không ưa Kitô giáo, nhưng ông cũng không bách hại quá gắt gao, và lại còn ngăn những cuộc bắt bớ bất hợp pháp.

Chịu tử đạo thời Hoàng đế Trajanus có thánh Ignatiô thành Antiôkia vùng Syria. Ngài bị bắt, giải về Rôma và bị ném cho thú dữ ăn thịt năm 107.

Các phần trước:
Sơ lược xã hội đế quốc Rome, bối cảnh của Giáo hội sơ khai
Những nét chính về Giáo hội sơ khai thời các Tông đồ

4. Dưới triều Hoàng đế Antoninus Pius (138-161)

Thánh Polycarpô Giám mục Smyrna bị thiêu sống
Thánh Polycarpô Giám mục Smyrna bị thiêu sống

Dưới triều Hoàng đế Antoninus Pius, chính sách cấm đạo vẫn được duy trì mặc dù không gắt gao cho lắm. Antoninus Pius rất bảo thủ, ông cho là bất kính thần linh và bất hiếu với tổ tiên nếu làm khác. Đây đó trong các tỉnh của đế quốc Rôma, vẫn xảy ra những cuộc bách hại người Kitô hữu do các quan chức địa phương. Năm 155 tại Smyrna, người ta bắt và thiêu sống thánh Polycarpô 86 tuổi, Giám mục thành Smyrna, mà không xét xử theo luật. Antoninus Pius phải can thiệp và trong thư gởi cho dân Hy Lạp, ông cấm không được gây ra những cuộc bách hại làm náo động quần chúng.

5. Dưới triều Hoàng đế Marcus Aurelius (162-180)

Số phận các Kitô hữu cũng không may mắn gì hơn dưới triều Hoàng đế Marcus Aurelius. Ông là một triết gia thuộc phái khắc kỷ. Ông khinh bỉ Kitô giáo, coi Kitô giáo là tôn giáo của lũ quê mùa dốt nát. Ông còn chịu ảnh hưởng của những nhà trí thức ghét đạo vây quanh như Celsus. Đàng khác, dưới thời của ông xảy ra nhiều tai ương: chiến tranh, đói kém, ôn dịch. Dân chúng mê tín đổ tội cho người Kitô hữu không chịu thờ cúng thần linh nên đất nước bị nhiều tai ương. Chính ông cũng mê tín, lại thêm nhu nhược, nên dân chúng tha hồ bắt bớ các Kitô hữu và hành hạ họ bằng đủ mọi loại cực hình: kềm nung đỏ, ghế lửa, đánh đập tàn nhẫn, đóng đinh, chém đầu, thiêu sinh, thú dữ cắn xé ăn thịt, xác phơi trên hí trường, hoặc bị đốt ra tro ném xuống sông, xuống biển.

Thánh Blandina tử đạo

Cuộc bách hại dưới thời Hoàng đế Marcus Aurelius lan rộng đến Gaul, Phi Châu, và Tiểu Á. Các vị tử đạo dưới thời ông thuộc mọi thành phần cũng như thuộc mọi lứa tuổi. Trong một lá thư gửi cho anh em Tiểu Á, các Kitô hữu thành Lyon đã tường thuật lại cuộc bắt giữ và hành quyết của khoảng 50 Kitô hữu Lyon (+177) trong đó có: Photin Giám mục thành Lyon 90 tuổi, Blandina một cô gái nô lệ và em của cô là Ponticô 15 tuổi. Ngoài ra ở Rôma có thánh Justinô nhà hộ giáo (+166), Cecilia (+179). Tại Carthagô có 12 vị tử đạo (+180) trong số đó có 5 phụ nữ.

6. Dưới triều Hoàng đế Septimius Severus (193-211)

Trong những năm đầu cầm quyền, Hoàng đế Septimius Severus tỏ ra khoan hồng với các Kitô hữu. Nhưng về sau ông thấy số Kitô hữu tăng rất nhanh khiến ông cảm thấy nền an ninh đế quốc và địa vị của ông bị đe doạ. Thêm vào đó là sự thù ghét Kitô giáo của nhóm cận thần. Bởi vậy, năm 201, ông ra chiếu chỉ cấm công dân Rôma trở thành Kitô hữu, tức là kết án những người học đạo và theo đạo, trừng phạt những người dạy đạo và rửa tội cho dự tòng.

Thánh Perpetua và Felicita 
tử đạo
Thánh Perpetua và Felicita
tử đạo

Thời kỳ này tại Rôma, các hoạt động của Giáo Hội phải rút xuống hang Toại đạo Callixtus. Người ta làm những đường hầm bí mật để các Kitô hữu có thể lên xuống dễ dàng mà không bị bắt.

Cuộc bách hại dưới thời Hoàng đế Septimius Severus lan rộng xuống Bắc Phi và Ai Cập. Ở Alexandria, học viện của Clêmentê và Origênê bị đóng cửa, nhiều dự tòng bị bắt giam và kết án, các nhân viên của học viện phải trốn đi nơi khác. Ở Phi Châu, cuộc bách hại thật dã man. Thánh Perpetua (+202) một phụ nữ quý tộc và Felicita (+203) một nữ nô lệ, đã tử đạo trong thời này. Ở Tiểu Á, viên toàn quyền triệt để thi hành lệnh bắt đạo. Trong xứ Gaul, cuộc bách hại cũng diễn ra ác liệt.

Septimus Severus mất năm 211, Giáo Hội được tương đối yên ổn cho đến thời Hoàng đế Maximinus Thrax.

7. Dưới triều Hoàng đế Maximinus Thrax (235-238)

Maximinus Thrax là một vị tướng người xứ Thracia, được quân đội tôn lên làm Hoàng đế sau khi họ nổi loạn giết Hoàng đế Severus Alexander (222-235). Maximinus Thrax là một người cộc cằn, ít học, nham hiểm. Đối với Kitô giáo, ông mở đầu một chính sách bách hại mới. Ông cấm đạo vì căm thù, muốn làm ngược lại với người tiền nhiệm mà ông căm ghét vốn tương đối khoan dung với Kitô hữu. Ông ra lệnh tầm nã hàng giáo sĩ.

Cuộc bách hại dưới thời Hoàng đế Maximinus Thrax lan rộng xuống Phi châu và sang Cappadocia (miền trung Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Thời này có Đức Giáo hoàng Pontianô (230-235) và Hippolytô, bị đày sang đảo Sardinia[2] và đã chết ở đây vì bị ngược đãi. Đức Giáo hoàng Antêrô lên kế vị Đức Pontianô cũng chết vì đạo vào năm sau (+236).

Đồng xu Denarius in hình Maximinus Thrax được đúc ở Rôma
từ tháng 2 đến tháng 12 năm 236.
Hình Hoàng đế Decius
trên đồng tiền bằng bạc
của Rôma

Sau Maximinus Thrax, Giáo Hội được yên ổn khoảng 11 năm.

8. Dưới triều Hoàng đế Decius (249-251)

Khi lên ngôi, Decius vẫn đi theo đường lối chính trị trước đây. Ông chỉnh đốn tình trạng đế quốc đang xuống dốc, và cho rằng việc củng cố đạo thờ các thần linh của Rôma và việc tôn sùng Hoàng đế là yếu tố cần thiết để thống nhất đế quốc, cải thiện xã hội. Đối với Decius, Kitô giáo cần bị cấm vì nó không chỉ là một thứ tôn giáo ngoại lai, mà nó còn cản trở cho việc thống nhất đế quốc.

Ông quyết đương đầu bằng một cuộc bách hại gắt gao hơn, nhằm đập tan một lực lượng tôn giáo mà từ xưa các Hoàng đế đã không làm nổi. Cuộc bách hại của Decius không như trước chỉ nhằm vào các kẻ bị tố cáo hoặc một thành phần nào trong Giáo Hội, nhưng là cuộc bách hại toàn diện. Năm 250, ông ra lệnh bắt mọi người dân Rôma phải cúng tế các thần của đế quốc hoặc thờ Hoàng đế. Những ai không vâng lệnh sẽ bị trừng phạt.

Giấy chứng nhận đã dâng hương tế thần, dưới thời Hoàng đế Decius
Giấy chứng nhận đã dâng hương tế thần, dưới thời Hoàng đế Decius

Các quan tòa được trao nhiệm vụ dụ dỗ giáo dân bỏ đạo, bằng đe dọa hình phạt hoặc hứa hẹn quyền chức giàu sang. Có thể dùng biện pháp kéo dài thời gian giam giữ hoặc dùng những cực hình dã man, làm cho họ khiếp sợ mà chối đạo.

Text Box: Giấy chứng nhận đã dâng hương tế thần, dưới thời Hoàng đế Decius Cuộc bách hại dưới thời Hoàng đế Decius xảy ra trong toàn đế quốc Rôma (gồm những nước chung quanh Địa Trung Hải ngày nay). Bên cạnh nhiều người yếu lòng tin, chối đạo, có rất nhiều anh hùng hiên ngang tuyên xưng đức tin. Ở Rôma, Đức Giáo hoàng Fabianô (236-250) là nạn nhân đầu tiên.

Ở Sicilia có trinh nữ Agata phải chịu những cực hình rất dã man ghê sợ trước khi bị trảm quyết (+251). Trong xứ Gaul có Đionisiô là Giám mục tiên khởi thành Lutecia (Paris ngày nay), bị giết cùng với Rusticô và Eleuther. Ở Toulouse, Saturnô bị bò rừng húc chết. Ở Tây Ban Nha có nhiều Giám mục, linh mục, cũng như rất nhiều giáo dân can đảm tuyên xưng đức tin. Ở Ai Cập, cuộc bách hại ác liệt không kém thời Nerô; nhiều người trốn vào sa mạc, như Phaolô ẩn tu. Ở Palestine, Origênê bị bắt giam và chịu nhiều cực hình, nhưng rồi được tha. Ở Armênia có anh Polyeucte, người đã công khai xé yết thị của Hoàng đế ngay giữa công trường Melitana, và bị án trảm quyết (+250).

Thánh Agata tử đạo. Tranh của Giovanni Battista Tiepolo,1750
Thánh Agata tử đạo. Tranh của Giovanni Battista Tiepolo,1750

9. Dưới triều Hoàng đế Valerianus (253-260)

Lúc mới lên ngôi, Valerianus có cảm tình với Kitô giáo, nhưng đến năm 257 ông ra chiếu chỉ bắt đạo. Ông lên án Giáo Hội là một đoàn thể bất hợp pháp, phải giải tán, các cuộc tụ họp của các tín hữu bị nghiêm cấm, còn tài sản của Giáo Hội bị nhà nước tịch thu. Ông cũng ra lệnh bắt các Giám mục và linh mục phải tế thần, ai không tế thần sẽ bị kết án tử hình. Hàng quý tộc, các nghị sĩ và tất cả những ai có địa vị trong triều đình theo Kitô giáo đều bị lên án tử hình và bị tịch thu tài sản. Các nhân viên cấp dưới không bỏ đạo cũng bị tịch thu tài sản và truất xuống làm nô lệ khổ sai. Ông cấm việc thờ tự, cấm viếng các nghĩa trang Kitô giáo, nơi giáo dân thường lén lút đến hội họp.

Với chiếu chỉ này, Valerianus muốn tiêu diệt Kitô giáo về cả ba phương diện: tổ chức hành chánh, tổ chức bác ái xã hội và tổ chức kinh tế. Cũng vì lệnh tịch thu tài sản đó, mà các quan địa phương rất hăng say thi hành, nhiều người còn lợi dụng chiếu chỉ để tố cáo và lật đổ người Kitô hữu có địa vị. Cuộc bách hại ác liệt không kém thời Decius.

Cuộc bách hại dưới thời Hoàng đế Valerianus xảy ra trên toàn đế quốc Rôma. Hầu hết các Kitô hữu đã can đảm tuyên xưng đức tin và nêu gương anh dũng.

ĐGH Sixtô II bị giết cùng với 6 phó tế
ĐGH Sixtô II bị giết cùng với 6 phó tế

Ở Rôma, Đức Thánh Cha Sixtô II (257-258) bị giết cùng với 6 phó tế ngay tại giảng đài, trong hang toại đạo Pretextat. Phó tế Laurensô bị giữ lại để tra khảo tài sản của giáo đoàn. Laurensô xin khất ít ngày để về thu xếp đem nộp sau. Sau đó Laurensô đã phân phát hết cho dân nghèo, rồi dẫn họ đến quan tổng trấn và thưa: “Thưa đây là tất cả tài sản của Giáo Hội”. Nổi giận, quan ra lệnh đánh đập dã man, và nướng Laurensô trên giường sắt nung đỏ (+258).

Ở Gaul có nhiều anh hùng tử đạo. Đặc biệt tại Tây Ban Nha có Fructuosô, Giám mục thành Tarragona, bị thiêu sống với hai phó tế Eulogiô và Aguriô. Tại Utica gần Carthagô, Bắc Phi, có khoảng 300 giáo dân cùng Giám mục Quadratô bị ném vào thùng vôi đang sôi nên người ta gọi các ngài là đoàn Tử đạo trắng (Massa candida). Nhưng nổi tiếng hơn cả là thánh Cyprianô, Giám mục thành Carthagô, chịu trảm quyết một cách anh dũng phi thường (+258).

Phó tế Laurensô trên giường sắt nung đỏ. Tranh của hoạ sĩ Palma Giovane
Phó tế Laurensô trên giường sắt nung đỏ. Tranh của hoạ sĩ Palma Giovane

10. Dưới triều Hoàng đế Diocletianus (284-305) và Maximianus (286-305)

Tứ đầu chế
Tứ đầu chế

Khi lên nắm quyền, Diocletianus thiết lập thể chế Tứ đầu chế. Ông bổ nhiệm bạn ông là Maximianus làm Hoàng đế (Augustus) của đế quốc Rôma phía Tây và chọn Constantius I Chlorus làm vua phụ tá (Caesar). Còn Diocletianus thì làm Hoàng đế (Augustus) đế quốc Rôma phía Đông và phong Galerius làm vua phụ tá (Caesar).

Năm 298, Galerius buộc tất cả lính tráng phải thực hành các nghi lễ thờ Hoàng đế. Năm 303 ông làm áp lực để Diocletianus ban hành các sắc lệnh cấm đạo: phá hủy nhà thờ, tịch thu sách Kinh Thánh, đồ đạo; bắt tất cả hàng giáo sĩ; cách chức và bãi nhiệm các viên chức là Kitô hữu; toàn dân phải thờ cúng các thần Rôma, ai không tuân lệnh sẽ bị tử hình, khổ sai, hoặc bắt đi lao động khai thác các mỏ.

Đế quốc Tây và Đông Rôma dưới thời Hoàng đế Diocletianus và Maximianus
Đế quốc Tây và Đông Rôma dưới thời Hoàng đế Diocletianus và Maximianus

Bên phía Tây đế quốc Rôma, Hoàng đế Maximianus bách hại dữ tợn hơn tại Italia và Phi Châu. John Farrow viết: Bầu trời vùng ông cai trị mịt mù khói nhà thờ bị đốt, đường phố các thị trấn nhuốm máu những chứng nhân mới bị giết, lương tâm các quan chức nặng trĩu những bản án bất công …

Thánh Sebastianô tử đạo.
Tranh của hoạ sĩ Giovanni Antonio Bazzi, 1525

Cuộc bách hại thời Diocletianus và Maximianus là cuộc bách hại đẫm máu nhất từ trước tới nay. Toàn đế quốc có hàng ngàn người tử đạo. Tại Rôma, Đức Giáo hoàng Marcellinô tử đạo ngày 25.10.304, nhưng mãi tới ngày 27.5.308 mới bầu được Đức Giáo hoàng Marcellô I kế vị, nhưng ngài lại tử đạo ngay năm sau. Có nhiều vị tử đạo trong quân đội như Sebastianô (+296), Georgiô (+303) và có nhiều thánh nữ tử đạo để vẹn toàn tiết hạnh như Agnes (+303) một thiếu nữ 13 tuổi, Lucia (+304).

Đời sống Giáo hội thời bị bách hại

1. Phụng vụ

a. Phụng vụ Bí tích

Sang thế kỷ II và III, việc cử hành các Bí tích được kiện toàn hơn về mặt nghi thức.

Bí tích Rửa tội. Thời gian dự tòng kéo dài 3 năm, dài hơn so với thời các Tông đồ. Họ phải được các Kitô hữu giới thiệu và bảo đảm về ý định nghiêm túc của mình. Người dự tòng phải từ bỏ một số nghề có liên hệ đến việc thờ ngẫu tượng (như làm tư tế hay là người canh giữ đền thờ thần ngoại) và một số nghề khác: đi lính, làm quan tòa. Ở phương Tây, việc cử hành bí tích Rửa tội cho người dự tòng được thực hiện vào đêm vọng Phục sinh. Còn ở phương Đông, được thực hiện vào ngày lễ Hiển Linh.

Nghi thức Rửa tội thời này là dìm người xuống nước ba lần kèm theo ba lần tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo sách Điđakê (viết vào đầu thế kỷ II) thì khi cần có thể rửa tội bằng cách đổ nước lên đầu.

Năm 252, Công đồng Carthagô cho phép trẻ em được rửa tội khi được 8 ngày tuổi. Trong trường hợp nguy tử, người lớn sẽ được rửa tội ngay tuy chưa qua chặng đường học đạo đầy đủ.

Bí tích Thêm sức. Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có việc “đặt tay” sau phép Rửa, để bổ sung cho phép Rửa và thông ban Thánh Thần. Cho đến thế kỷ III, các Giám mục thường đặt tay và xức dầu cho các tân tòng liền sau khi chịu phép Rửa như thời các Tông đồ. Khi xức dầu, Giám mục đọc: “Ta ghi dấu ngươi bằng dầu thánh, nhân danh Thiên Chúa Cha quyền năng trong Đức Kitô Giêsu và Chúa Thánh Thần”.

Bí tích Thánh Thể. Buổi cử hành diễn ra vào ngày Chúa nhật, mà người Rôma gọi là “ngày mặt trời”, gồm có hai phần chính. Phần đầu là phụng vụ Lời Chúa, gồm các bài đọc “Sách các tông đồ và các ngôn sứ”, và bài giảng của vị chủ sự. Sau đó là các lời nguyện theo các ý chỉ của những người hiện diện cũng như vắng mặt. Phần thứ nhất được kết thúc với việc trao đổi hôn chúc bình an.

Phần thứ hai được mở đầu với việc dâng lễ vật. Trọng tâm của phần này là kinh Tạ ơn Thánh Thể. Vị chủ sự dâng lên Chúa Cha lời ca khen tôn vinh nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tạ ơn Ngài vì các tín hữu đã đáng lãnh những hồng ân ấy. Kinh nguyện kết thúc với lời tung hô Amen của cộng đoàn. Kế đó, các phó tế trao cho các tín hữu những lễ phẩm đã được thánh hiến. Chỉ những ai đã được rửa tội mới được rước lễ.

Bí tích Giao hoà. Từ giữa thế kỷ II trở đi, số người trở lại tăng nhanh. Số người được rửa tội càng đông thì đồng thời số tội nhân càng tăng, nên vấn đề sám hối được đặt ra.

Vào thế kỷ III, Bí tích Giao hoà đã có nghi thức sám hối. Vì những tội đặc biệt nghiêm trọng như chối đạo, giết người và ngoại tình, chỉ được tha một lần trong đời nên các Kitô hữu chỉ thực hiện hành vi sám hối này một lần duy nhất trong đời sau khi lãnh nhận phép Rửa. Đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng, việc sám hối là một tiến trình gồm ba giai đoạn:

– Sám hối. Hối nhân thú tội công khai. Cộng đoàn cầu nguyện cho hối nhân.

– Đền tội. Hối nhân sẽ phải trải qua nhiều năm làm việc đền tội công khai. Chẳng hạn như mặc bao bố, quỳ gối ở tiền đường nhà thờ, sau đó vào chỗ dành riêng cho kẻ có tội, không được Rước lễ.

– Xá giải. Sau khi đã hoàn tất thời gian đền tội, hối nhân sẽ được xá giải bằng một nghi thức phụng vụ tương đối trọng thể, với sự tham dự của cả cộng đoàn. Nghi thức này gồm việc đặt tay của Giám mục trên đầu hối nhân với lời xá giải. Nghi thức kết thúc bằng việc hiệp thông Thánh Thể.

Bí tích Truyền chức thánh. Đến thế kỷ III mới có những quy tắc đặt ra cho việc tuyển chọn các ứng viên, và nhất là lễ nghi tấn phong.

 Ứng viên (kể cả Giám mục) không buộc phải là người độc thân. Tuy nhiên, nếu góa vợ thì không được phép tái hôn.

Vấn đề đào tạo: các ứng viên được đào tạo về đạo lý qua các khóa huấn giáo dự tòng và được bổ túc nhờ sự học hỏi cá nhân. Việc đào tạo về phụng vụ được thực hiện qua sự tham dự trực tiếp các lễ nghi. Ngoài ra, sự gia tăng các tác vụ khác nhau trong giáo đoàn cũng có thể được hình dung như một trường đào tạo, để ứng viên lần lượt được thực tập các tác vụ từ thấp lên cao.

Nghi lễ tấn phong. Việc truyền chức Giám mục diễn ra như sau: vào một ngày Chúa nhật, các Giám mục trong vùng đến để đặt tay truyền chức. Tiếp đó, một Giám mục đọc lời nguyện chúc phúc, khẩn cầu Thiên Chúa đổ tràn lên ứng viên Thánh Thần đã được Chúa Kitô ban cho các Tông đồ. Các nhiệm vụ chính của Giám mục là: chăn dắt đoàn chiên, thi hành chức vụ Thượng tế qua việc phục vụ Thiên Chúa, dâng tiến lễ vật, tha thứ tội lỗi; phân phối các chức vụ. Sau lời nguyện chúc phúc, tân Giám mục lãnh nhận sự chúc hôn của cộng đoàn, và chủ sự Thánh lễ qua việc đặt tay trên lễ phẩm và đọc lời nguyện tạ ơn.

 Trong nghi lễ truyền chức linh mục, các linh mục hiện diện cũng đặt tay lên đầu ứng viên, nhưng chỉ có Giám mục truyền chức. Lời nguyện chúc phúc khẩn cầu cho tiến chức được Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn để phục vụ dân Chúa.

Phó tế được truyền chức để phụ giúp Giám mục. Vì thế chỉ có Giám mục đặt tay và truyền chức. Các linh mục không đặt tay lên đầu ứng viên. Lời nguyện chúc phúc khẩn cầu cho tân chức được nhiệt thành phục vụ Chúa trong Hội Thánh.

b. Các ngày lễ

Trong ba thế kỷ đầu, đối với các Kitô hữu, ngày lễ không phải là dịp nghỉ ngơi hoặc vui chơi mà là cơ hội để tụ họp chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Đến thế kỷ III, có hai lễ chính: Chúa nhật và Phục sinh.

Chúa nhật: Trong quyển Hộ giáo (Apologia quyển I, chương 67), thánh Justinô giải thích cho Hoàng đế Marcus Aurelius biết lý do tại sao các tín hữu tập họp nhau vào ngày mà dân ngoại đặt tên là “ngày mặt trời”: “Bởi vì đó là ngày thứ nhất khi Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ bằng việc biến đổi tối tăm và thể chất; đó là ngày mà Đức Giêsu Kitô, vị cứu tinh của chúng ta đã sống lại”. Như vậy, ngày Chúa nhât là ngày nhờ Đức Kitô, sự sống của chúng ta đã bắt đầu, nên các Kitô hữu được mời gọi sắp xếp công việc để có thể tham dự phụng vụ với cộng đoàn, để được nuôi dưỡng bởi lương thực thần linh ban sự sống đời đời. Ngoài việc dành thời giờ để lo việc thờ phượng, họ còn phải dẹp bỏ những ưu tư lo lắng, bởi vì ngày Chúa nhât là ngày vui mừng, không được phép buồn rầu trong ngày đó.

Lễ Phục sinh: Trong ba thế kỷ đầu, có hai tập tục khác nhau về ngày lễ Phục sinh. Một vài giáo đoàn bên Tiểu Á mừng lễ Phục sinh đúng vào ngày 14 tháng Nisan, trùng với lễ Vượt qua của người Do Thái (có thể nhằm vào bất cứ ngày nào trong tuần). Đa số các giáo đoàn mừng vào ngày Chúa nhật liền sau ngày 14 tháng Nisan.

Tuy khác nhau về ngày cử hành, nhưng đối tượng và cách thức mừng lễ Phục sinh thì giống nhau. Phụng vụ lễ Phục sinh không chỉ giới hạn vào chính ngày Chúa nhật nhưng còn bao gồm một thời kỳ chuẩn bị, bắt đầu bằng việc ăn chay dài ngắn tùy vùng: bên Đông phương, các tín hữu giữ chay suốt một tuần trước lễ Phục sinh, còn bên Tây phương thì chỉ giữ chay hai ngày trước lễ.

Việc cử hành chính thức lễ Phục sinh bắt đầu từ buổi canh thức vào tối thứ bảy. Khác với người Do Thái cử hành lễ Vượt qua tại gia đình, tất cả các Kitô hữu tụ họp nhau trong cộng đoàn để mừng lễ. Trong đêm canh thức, các tín hữu cầu nguyện, đọc sách thánh, hát thánh vịnh cho đến tảng sáng thì cử hành Thánh Thể.

c. Năm Phụng Vụ

Từ thế kỷ III đã có những nền tảng cho việc phát triển chu kỳ kính các thánh dọc theo năm phụng vụ. Nguồn gốc của nó là việc tôn kính các vị tử đạo. Bên Đông phương, ngay từ đầu thế kỷ II, các tín hữu đã tưởng nhớ các vị tử đạo nhân dịp giáp năm ngày qua đời, được gọi là “sinh nhật”. Sang thế kỷ III, Giáo Hội tại Rôma đã có một bản danh sách các vị tử đạo, với ngày kính nhớ. Tại Bắc Phi, vào giữa thế kỷ III, thánh Cyprianô truyền ghi chép cẩn thận ngày hành quyết của các vị tử đạo, và hàng năm sẽ dâng Thánh lễ vào dịp giỗ.

2. Nơi thờ phượng

Trong 3 thế kỷ đầu, các Kitô hữu tụ họp nhau tại tư gia. Căn hộ này được gọi là “nhà Hội Thánh” hoặc “giáo đường” dùng làm nơi cầu nguyện chung, đặc biệt là các buổi cử hành Thánh Thể ngày Chúa nhật. Từ thế kỷ II trở đi, nhiều “giáo đường” được sử dụng vào việc dạy giáo lý, hoặc là nơi gặp gỡ chứ không nhất thiết là nơi cử hành Thánh Thể. Tại Bắc Phi và Ai Cập cũng đã xuất hiện những căn nhà được cất lên để dùng vào việc phụng tự.

Trong những thời bị bắt đạo gay gắt, các giáo đường bị tàn phá, các Kitô hữu bị lùng bắt. Do đó, các tín hữu thường tụ họp nhau nơi các nghĩa trang dưới lòng đất, nơi chôn cất các vị tử đạo, để cầu nguyện, đọc lại hạnh tích của vị tử đạo và cử hành Thánh lễ. Những nghĩa trang dưới lòng đất này được gọi là hang toại đạo. Toại đạo là từ hán tự: toại hay tụy là cái hầm, cái hang; đạo là đường. Toại đạo là đường hầm. Một đường hầm ngoắt ngoéo được đào dẫn tới một phòng rộng để quan tài. Hang toại đạo ở Rôma khá sâu, khoảng 15-20m, có nhiều tầng, mỗi tầng là 1 đường hầm rộng vừa phải có thể khiêng quan tài vào, rồi khoét huyệt sâu 2 bên vách, đặt quan tài vào rồi lấy phiến đá lớn và trét huyệt lại. Trên phiến đá ghi danh tánh người chết, dân Rôma cũng chôn theo đồ đạc cho người quá cố như những chiếc bình, chiếc đèn gốm. Rôma đất cao, nhất là hang toại đạo, dường như ở trên đồi, nên đường hầm rất là khô ráo, không có nước, đất thì rất cứng, nhiều nơi toàn đá.

Thời bị bách hại, các Kitô hữu ẩn trốn dưới hang toại đạo vì luật pháp Rôma nhìn nhận cho các người chết quyền được an táng, và các nghĩa trang được coi là khu đất bất khả xâm phạm. Lính tráng chỉ được canh gác bên ngoài chứ không được phép xuống lục soát, bắt bớ dù biết có tội nhân trốn dưới đó.

Hang toại đạo Pricilla ở Rôma
Hang toại đạo Pricilla ở Rôma

3. Tổ chức của Giáo Hội

Trong thế kỷ II, tổ chức của Giáo Hội đã có một cơ cấu căn bản như ngày nay. Ngay từ đầu năm 110, Đức Giám mục Ignatiô ở Antiôkia đã phúc trình rằng mỗi một Giáo Hội địa phương được hướng dẫn bởi một Giám mục. Giám mục được phụ tá bởi trưởng lão, sau này gọi là linh mục. Khi cộng đoàn phát triển nhiều hơn, vị Giám mục không thể đích thân chu toàn các tác vụ thì linh mục sẽ thay mặt ngài cử hành Thánh lễ và các bí tích khác cho cộng đoàn. Giám mục còn được sự phụ giúp của các phó tế, là những người đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ Giáo Hội địa phương một cách cụ thể, chẳng hạn như phân phát lương thực cho người nghèo.

Trong thời kỳ bị bách hại, hàng ngàn Kitô hữu vì sợ chết nên đã chối đạo, mặc dù cũng có một số sẵn sàng chịu tử đạo. Bởi vậy đã xảy ra cuộc tranh luận về vấn đề những người chối đạo có được tái gia nhập Giáo Hội hay không. Đức Giáo hoàng Corneliô ở Rôma và Đức Giám mục Cyprianô ở Carthagô chủ trương rằng các Giám mục có thể thay quyền Thiên Chúa để tha tội, dù là những tội trọng, như chối đạo, qua việc đền tội khắt khe và lâu dài. Novatus (Novatian), một linh mục ở Rôma không đồng ý và đã đứng ra thành lập một Giáo Hội riêng gồm những người đã trung thành với đức tin khi bị bách hại. Giáo Hội Công giáo xác nhận rằng cộng đồng dân Chúa bao gồm cả những kẻ tội lỗi chứ không chỉ những người chưa bao giờ phạm tội trọng.

Vấn đề này lại tái diễn sau cuộc bách hại của Hoàng đế Diocletianus từ năm 303 đến 311, trong đó các Giám mục và linh mục buộc phải giao nộp sách Phúc Âm và sách thiêng liêng để bị thiêu hủy. Sau khi cuộc bách hại chấm dứt, một số Kitô hữu ở Bắc Phi từ chối không công nhận thẩm quyền của các Giám mục và linh mục đã lẩn trốn trong cuộc bách hại hoặc đã trao nộp sách thiêng liêng. Những Kitô hữu này thành lập một giáo hội riêng lấy tên là Giáo Hội Đônatô theo tên của vị Giám mục Donatus. Giáo Hội này chỉ công nhận thẩm quyền của các vị lãnh đạo đã không chịu trao nộp sách thiêng liêng. Một lần nữa, Giáo Hội Công giáo khẳng định rằng các người lãnh đạo đã vấp ngã vì “thử thách” vẫn có thể tiếp tục hướng dẫn cộng đồng, vì quyền bính của họ xuất phát từ chính Đức Kitô. Ngay cả sự yếu đuối và tội lỗi cá nhân cũng không thể làm mất đi sứ vụ mà Đức Kitô đã giao phó cho họ qua bí tích Truyền Chức thánh.

Một nguyên tắc quan trọng của Công giáo xuất phát từ biến cố này: thẩm quyền ban phát các bí tích, giảng dạy, hay hướng dẫn Giáo Hội không tùy thuộc vào sự xứng đáng hay thánh thiện của cá nhân thừa tác viên chức thánh. Đức Giêsu tiếp tục hoạt động qua trung gian của loài người và tha thứ cho sự yếu hèn của họ, để chứng tỏ rằng sức mạnh của bí tích và chức thánh thì xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không bởi loài người.

4. Đời sống bác ái xã hội

Các Kitô hữu không sống cách biệt với xã hội nhưng sống giữa lòng xã hội. Họ biểu lộ căn tính của mình qua những công việc bác ái thường ngày. Lòng bác ái không chỉ giới hạn trong vòng những người đồng đạo nhưng mở rộng đến những ai cần sự giúp đỡ: người nghèo túng, cô nhi quả phụ, người lữ hành, người già lão, bệnh tật. Việc chôn cất người chết cũng được kể vào số các việc bác ái ưu tiên.

Đặc biệt trong thời kỳ bị bách hại, Giáo Hội càng phải để ý đến việc nuôi nấng dạy dỗ con cái của các Kitô hữu bị giết vì đức tin. Tương tự như thế, trong số những người bị giam tù cần thăm viếng, đứng hàng đầu là các tín hữu bị tù tội vì đức tin. Khi nói đến việc cứu giúp các nạn nhân dịch tễ xảy ra khoảng năm 250 tại Alêxandria, Giám mục Điônisiô hãnh diện bởi vì các Kitô hữu (giáo sĩ và giáo dân) đã không quản ngại săn sóc những bệnh nhân và chôn cất họ, trong khi đó người ngoại lại sợ bị lây nhiễm nên bỏ mặc người thân của mình. Cũng nhân cơn dịch này, tại Carthagô, Giám mục Cyprianô đã xúc tiến một cuộc cứu trợ dành cho các Kitô hữu cũng như người ngoại. Dân ngoại thường thán phục đời sống bác ái của các Kitô hữu. Tertulianô đã trích dẫn lời khen ngợi của một người ngoại đạo: “Kìa xem họ yêu thương nhau thế nào”. Phó tế Laurensô được mừng kính như thánh tử đạo chuyên lo cho người nghèo.

Ngoài các sáng kiến do lòng hảo tâm cá nhân, Giáo Hội trong ba thế kỷ đầu còn xúc tiến những công tác mang tính cách tập đoàn.

 – Một hình thức có lẽ xa xưa nhất là các cuộc quyên góp nhân lúc cử hành Thánh Thể. Như vậy, các tín hữu không đến tham dự hy lễ Thánh Thể với hai tay không nhưng họ đóng góp một cái gì đó (bằng tiền bạc hay hiện vật) để giúp những người nghèo. Thánh lễ thực sự trở thành “bí tích của tình thương”.

 – Các chương trình từ thiện được điều hành cách quy mô với việc thiết lập một quỹ chung của giáo đoàn, gồm tiền quyên góp cũng như tặng vật. Giám mục có trách nhiệm quản lý quỹ này. Những cộng sự viên thường xuyên của Giám mục trong việc điều hành việc bác ái là các phó tế. Từ thế kỷ III, nhiều phụ nữ cũng tham gia vào nhiệm vụ này, nhất là khi phải giúp đỡ các phụ nữ khác.

5. Văn chương Kitô giáo

Nền văn chương Kitô giáo được hình thành dần trong ba thế kỷ đầu, với đủ loại văn thể. Bên cạnh những bản văn mang tính giáo thuyết giảng dạy, còn có những tác phẩm lịch sử (mô tả nếp sống thường nhật của các Kitô hữu, với những nhân đức cũng như những tội lỗi, những tấm gương anh dũng cũng như những lục đục trong nội bộ cộng đoàn), và những bản thi ca dùng trong phụng vụ.

Một đặc điểm nữa là vào thế kỷ II và III, Giáo Hội phải đương đầu với một loạt các học thuyết dẫn tới nhiều lạc giáo. Để giúp các Kitô hữu biết đâu là đức tin chân chính, các nhà tư tưởng Kitô giáo đã dùng đến thể văn “Hộ giáo”[1] để giảng dạy và bảo vệ đức tin. Thể văn này bắt nguồn từ các pháp đình, khi các luật sư bảo vệ bị cáo khỏi các lời buộc tội. Những tác phẩm hộ giáo nhằm hai mục tiêu chính:

– Bảo vệ Giáo Hội để chống lại những thành kiến, những lời tố cáo sai lầm về phía chính quyền hay về phía người ngoại.

– Giới thiệu những điều cốt yếu của Kitô giáo bằng những lý luận triết học, nhằm thu hút các nhà trí thức chấp nhận đức tin.

6. Việc truyền giáo

Mặc dầu phải trải qua nhiều cuộc bách hại suốt nhiều thế kỷ, nhưng tính đến đầu thế kỷ IV, Kitô giáo đã chiếm 15% dân số của toàn đế quốc Rôma. Tại Tiểu Á, Edessa (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và Armenia, có đến phân nửa số dân là Kitô hữu. Tại Ai Cập, miền duyên hải Syria, Bắc Phi và tại thủ đô Rôma, tuy Kitô giáo chưa chiếm đa số nhưng đã là một khối đáng kể. Tại Hy Lạp, Balcan, Gaul, Hispania, các cộng đoàn Kitô hữu đang được thiết lập. Khoảng năm 250, Đức Giáo hoàng Fabianô đã sai bảy Giám mục từ Rôma đến Gaul để truyền giáo. Kết quả là có thêm nhiều giáo đoàn được thành lập: Toulouse, Paris, Reims, Trêves.

Mặt khác, ngoài sự bành trướng về địa lý và về nhân số, cần xét tới sự tiến triển về chiều sâu đức tin. Việc gia tăng về số lượng chưa chắc đi kèm với việc gia tăng về phẩm chất. Chẳng hạn, khi cơn bách hại bộc phát dưới triều Hoàng đế Decius (249-251), nhiều Kitô hữu tại Ai Cập, Tiểu Á, và Bắc Phi đã chối đạo. Điều này khiến Giáo Hội phải chú ý nhiều hơn đến việc huấn giáo cho các Kitô hữu và các dự tòng.

Từ thế kỷ II, các Kitô hữu đã cố gắng mang Tin Mừng đến cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ người nông dân nô lệ đến giới thượng lưu trí thức. Chẳng hạn, Clêmentê thành Alexandria (150-216) và Origiênê (185-255) đã đưa Tin Mừng vào nền văn hóa thời đó, qua việc mở trường học để đối thoại với các triết gia muốn truy tầm chân lý.

Tóm tắt

Nhờ nỗ lực truyền giáo của các Tông đồ và của các tín hữu tiên khởi, chỉ sau một thời gian ngắn Tin Mừng đã được rao giảng khắp đế quốc Rôma. Lúc đầu nhà cầm quyền Rôma không quan tâm lắm, nhưng chỉ ít năm sau, nhà cầm quyền bắt đầu ra tay bách hại các Kitô hữu. Cuộc bách hại này kéo dài 2 thế kỷ rưỡi, bắt đầu từ năm 64 đến năm 313.

I. NGUYÊN NHÂN

Vì các Kitô hữu không tham dự các cuộc tế thần, không thờ Hoàng đế, lại tụ tập với nhau cách kín đáo để cử hành phụng vụ nên dân chúng cho rằng Kitô hữu là người vô thần, tụ họp với nhau để làm những chuyện vô luân. Còn nhà cầm quyền thì cho rằng Kitô hữu là công dân xấu vì không chịu tham gia các sinh hoạt chung của quốc gia như không tham dự các cuộc tế tự của thành phố, không thờ Hoàng đế, không làm công chức, không tham gia quân đội, không tham dự các trò chơi ở hí trường.

Riêng giới trí thức thì cho rằng Kitô hữu là những kẻ dốt nát thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Giáo thuyết Kitô giáo đối nghịch với lý trí. Các nghi lễ Kitô giáo thì vô luân.

II. NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI

Cuộc bách hại bắt đầu từ năm 64 đến năm 313. Mới đầu, việc bách hại chỉ xảy ra ở một số vùng, mãi đến thời Hoàng đế Decius (249-251), việc bách hại mới diễn ra trên toàn đế quốc. Những cuộc bách hại chính xảy ra dưới triều các Hoàng đế: Nerô (54-68), Domitianus (81-96), Trajanus (98-117), Antoninus Pius (138-161), Marcus Aurelius (162-180), Septimius Severus (193-211), Maximinus Thrax (235-238), Decius (249-251), Valerianus (253-260), Diocletianus (284-305), Maximianus (286-305)

III. ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI THỜI BỊ BÁCH HẠI

1. Phụng vụ

Sang thế kỷ II và III, việc cử hành các Bí tích được kiện toàn hơn về mặt nghi thức.

Bí tích Rửa tội. Thời gian dự tòng kéo dài 3 năm, Người dự tòng phải được các Kitô hữu giới thiệu. Họ phải từ bỏ một số nghề có liên hệ đến việc thờ ngẫu tượng (như làm tư tế hay là người canh giữ đền thờ thần ngoại) và một số nghề khác: đi lính, làm quan tòa. Ở phương Tây, việc cử hành bí tích Rửa tội cho người dự tòng được thực hiện vào đêm vọng Phục sinh. Còn ở phương Đông, được thực hiện vào ngày lễ Hiển Linh.

Bí tích Thêm sức. Cho đến thế kỷ III, các Giám mục thường đặt tay và xức dầu cho các tân tòng liền sau khi chịu phép Rửa như thời các Tông đồ.

Bí tích Thánh Thể. Buổi cử hành diễn ra vào ngày Chúa nhật, mà người Rôma gọi là “ngày mặt trời”, gồm có hai phần chính. Phần đầu là phụng vụ Lời Chúa. Phần thứ hai được mở đầu với việc dâng lễ vật. Trọng tâm của phần này là kinh Tạ ơn Thánh Thể.

Bí tích Giao hoà. Vào thế kỷ III, Bí tích Giao hoà đã có nghi thức sám hối. Vì những tội đặc biệt nghiêm trọng như chối đạo, giết người và ngoại tình, chỉ được tha một lần trong đời nên các Kitô hữu chỉ thực hiện hành vi sám hối này một lần duy nhất trong đời sau khi lãnh nhận phép Rửa. Đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng, việc sám hối là một tiến trình gồm ba giai đoạn: Sám hối, đền tội và xá giải.

Bí tích Truyền chức thánh. Đến thế kỷ III mới có những quy tắc đặt ra cho việc tuyển chọn các ứng viên, và nhất là lễ nghi tấn phong.

Trong ba thế kỷ đầu, đối với các Kitô hữu, ngày lễ không phải là dịp nghỉ ngơi hoặc vui chơi mà là cơ hội để tụ họp chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Đến thế kỷ III, có hai lễ chính: Chúa nhật và Phục sinh.

Từ thế kỷ III đã có những nền tảng cho việc phát triển chu kỳ kính các thánh dọc theo năm phụng vụ. Nguồn gốc của nó là việc tôn kính các vị tử đạo.

2. Nơi thờ phượng

Trong 3 thế kỷ đầu, các Kitô hữu tụ họp nhau tại tư gia để cầu nguyện, cử hành Thánh lễ. Những ngôi nhà này được gọi là “nhà Hội Thánh” hoặc “giáo đường”. Trong những thời bị bắt đạo gay gắt, các tín hữu thường tụ họp nhau nơi hang toại đạo để cầu nguyện và cử hành Thánh lễ. Đây là các nghĩa trang dưới lòng đất, nơi chôn cất các vị tử đạo.

3. Tổ chức của Giáo Hội

Trong thế kỷ II, tổ chức của Giáo Hội đã có một cơ cấu căn bản như ngày nay: mỗi Giáo Hội địa phương được hướng dẫn bởi một Giám mục. Giám mục được phụ tá bởi trưởng lão, sau này gọi là linh mục. Giám mục còn được sự phụ giúp của các phó tế.

4. Đời sống bác ái xã hội

Các Kitô hữu biểu lộ căn tính của mình qua những công việc bác ái thường ngày, không chỉ đối với nhau nhưng còn mở rộng đến mọi người nghèo túng, cô nhi quả phụ, người lữ hành, người già lão, bệnh tật, Ngoài các việc bác ái có tính cách cá nhân, Giáo Hội trong ba thế kỷ đầu còn xúc tiến những công tác mang tính cách tập thể.

5. Văn chương Kitô giáo

Nền văn chương Kitô giáo được hình thành dần dần trong ba thế kỷ đầu, với đủ loại văn thể: giáo thuyết giảng dạy, lịch sử, thi ca dùng trong phụng vụ và hộ giáo.

6. Việc truyền giáo

Đầu thế kỷ IV, 15% dân số của toàn đế quốc Rôma là Kitô hữu. Tại Tiểu Á, Edessa và Armenia, 50% số dân là Kitô hữu. Nhiều giáo đoàn mới đang được thiết lập tại Hy Lạp, Balcan, Gaul, Hispania, Toulouse, Paris, Reims, Trêves.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

thap gia duc kito

Thập Giá Đức Kitô là chóp đỉnh tình yêu của Thiên Chúa

“Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian.”

me maria lo duc

Đức Trinh Nữ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu Của Tôi

Đã từ lâu, tôi có ý định muốn viết và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình và bạn hữu thân thương của tôi về mối tình giữa tôi và Mẹ Thánh Maria, người mà tôi hằng yêu mến.

Thanh xuân và những điều hối tiếc

Nguyên Nhi Những ngày cuối năm, cũng là khoảng thời gian cuối cùng của thập ...

y nghia cua dau kho

Đi Tìm Ý Nghĩa Của Đau Khổ

Thiên Chúa đã chuẩn bị những thứ tốt nhất để chúng ta có thể sống hạnh phúc. Đừng đánh mất đức tin khi gặp đau khổ, thử thách và những điều không thể hiểu được ở thế giới này. Sống trong một vũ trụ mênh mông nhiệm mầu, phận người chỉ mong manh và giới hạn như hạt bụi tro mà thôi. Một thai nhi trong dạ mẹ có thể dạy chúng ta một bài học lớn lao về ý nghĩa của đau khổ và sự dữ.

Tâm sự người linh mục

Chia sẻ về cuộc đời và ơn gọi

tieng tru ben duong

Tiếng tru bên đường

Vào khoảng 22g đêm mưa hôm ấy, có anh nào cứ đi ngoài đường bên rìa nơi tôi ở, vừa đi vừa chửi như Chí Phèo của làng Vũ Đại.

Để lại bình luận