Lịch Sử Giáo Hội

Những nét chính về Giáo hội sơ khai thời các Tông đồ

Quốc Anh
2.681 views

Giáo hội trong chương trình của Thiên Chúa

Từ ngữ Giáo Hội hay Hội Thánh, tiếng Latinh là Ecclesia (do động từ Hy Lạp Ek-kalein: gọi ra, triệu tập) có nghĩa là một cuộc triệu tập. Do đó, từ ngữ Giáo Hội chỉ cộng đoàn những người được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp nơi trên thế giới. Những người này nhờ đức tin và Bí tích Rửa Tội trở thành con cái Thiên Chúa.

Giáo Hội bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, được Thiên Chúa hình dung trước khi tạo dựng vũ trụ, được chuẩn bị trong Cựu Ước qua việc tuyển chọn dân Israel, dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc.

Để thực hiện thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã khai sinh Nước Trời trên trần gian bằng việc rao giảng Tin Mừng, bằng những dấu lạ và nhất là bằng cái chết và sự sống lại, Chúa Giêsu quy tụ mọi người chung quanh Ngài. Sự tập họp này chính là Giáo Hội, mầm mống và khởi đầu của Nước Thiên Chúa nơi trần gian này.

Để điều hành Giáo Hội, Chúa Giêsu đã tuyển chọn Nhóm Mười hai Tông đồ, tượng trưng cho 12 chi tộc Israel với Phêrô làm thủ lãnh. Chúa Giêsu đã trao mọi quyền hành cho Giáo Hội qua các Tông đồ và đặc biệt là Phêrô và các Đấng kế vị các ngài trong Giáo Hội.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được cử đến để thánh hoá Giáo Hội mãi mãi. Ngày hôm đó, Giáo Hội được bày tỏ công khai trước mặt mọi người, và được sai đi đem Tin Mừng đến mọi dân tộc, quy tụ họ trở nên môn đệ Đức Kitô.

Giáo Hội sẽ được hoàn thành trong vinh quang trên trời trong ngày Đức Kitô quang lâm như cuộc tập họp thiên quốc của tất cả những người được cứu chuộc. (x. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo 751-769)

Đọc bài trước: Sơ lược xã hội đế quốc Rome, bối cảnh của Giáo hội sơ khai

Ngày lễ Ngũ Tuần: giáo hội được tỏ hiện công khai

Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Trước khi về trời, Ngài hứa sai Thánh Thần đến với các môn đệ để họ trở nên những chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

Mười ngày sau đó tức là ngày Lễ Ngũ Tuần, trong lúc các môn đệ họp nhau trong nhà Tiệc ly để cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần ngự xuống: Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1-4).

Trước đông đảo các kiều bào Do Thái từ khắp các nơi trong đế quốc Rôma đổ về Giêrusalem hành hương nhân dịp lễ, thánh Phêrô đã công bố Tin Mừng Đức Giêsu, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến, đã bị đóng đinh thập giá, nhưng đã sống lại và được Thiên Chúa đặt làm Chúa. Sau bài giảng của thánh Phêrô, ba ngàn người đã trở lại và xin chịu phép rửa. (x. Cv 2,14-41)

Sinh hoạt cộng đoàn tiên khởi

Thời gian đầu, cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem chưa tách biệt khỏi hội đường Do Thái. Các tín hữu vẫn nhiệt thành tham dự các buổi cầu nguyện ở Đền thờ Giêrusalem, giữ luật Môsê, nhất là luật cắt bì. Tuy nhiên, họ có thêm những buổi họp ở tư gia để cầu nguyện, cử hành lễ bẻ bánh, nghe các Tông đồ giảng dạy và chia sẻ bữa ăn huynh đệ với nhau:

Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2,42-47).

Giai đoạn mở rộng của Giáo Hội sơ khai

Thánh Stêphanô tử đạo (Stephen)

Cộng đoàn tiên khởi mỗi ngày thêm đông. Tuy nhiên, cộng đoàn lúc đó vẫn toàn là người Do Thái, hoặc sinh trưởng ở Palestine nói tiếng Aram, hoặc sinh trưởng ở những miền khác thuộc đế quốc Rôma, nói tiếng Hy Lạp. Nhóm người nói tiếng Hy Lạp phàn nàn vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá của họ bị bỏ quên. Bởi vậy, các Tông đồ đã chọn ra 7 người làm Phó tế để lo cho các bà goá và quản trị cộng đoàn.

Stêphanô là một trong bảy Phó tế đầu tiên. Ngài là người khôn ngoan và đầy ơn Chúa Thánh Thần. Trong một cuộc tranh luận về giáo lý, Stêphanô đã bị những người Do Thái điệu đến Thượng Hội Đồng và ném đá chết. (x. Cv 6 – 7)

Tranh Thánh Stêphanô bị ném đá của Giovanni Battista Lucini (1639-1686)

Phaolô trở lại

Phaolô còn được gọi là Saun (tiếng Do Thái) hay Saolô (tiếng Hy Lạp), là người Do Thái có quyền công dân Rôma. Ông là người nhiệt thành với đạo Do Thái nên khi thấy Kitô giáo xuất hiện, ông đã hăng say đi bắt các Kitô hữu.

Trên đường đến Đamát để lùng bắt các Kitô hữu, ông đã được Đức Giêsu Phục sinh hiện ra. Đây là biến cố đã khiến ông trở lại: Đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ông nói: Thưa Ngài, Ngài là ai? Người đáp: Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì. (Cv 9,3-6). Phaolô đứng dậy, mắt mở nhưng không thấy gì. Ông được dẫn vào thành, ở đó ba ngày liền không ăn uống. Một môn đệ tên là Khanania được Chúa sai đến chữa mắt và rửa tội cho Phaolô. Ngay sau đó, Phaolô bắt đầu rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa cho mọi người.

Phaolô ngã ngựa trên đường đi Đamát.
Tranh của hoạ sĩ Caravaggio năm 1601

Philipphê rửa tội cho viên thái giám nữ hoàng xứ Ethiopia

Philipphê là một trong bảy vị phó tế được các Tông đồ tuyển chọn. Ngài truyền giáo ở Samari. Trên đường đi Gaza, Philipphê gặp viên thái giám của nữ hoàng xứ Ethiopia. Ngài giải thích Kinh Thánh cho ông. Sau đó viên thái giám đã xin được rửa tội. (x. Cv 8, 4-40)

Gia đình Cornêliô

Cornêliô là một sĩ quan Rôma ở Xêdarê. Ông là người đạo đức, kính sợ Thiên Chúa, giúp đỡ dân chúng và luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Trong dịp Phêrô đến thăm các tín hữu ở Giaphô và Xêdarê, Cornêliô và cả gia đình xin học đạo. Theo luật Cựu Ước thì người Do Thái không được tiếp xúc với người ngoại, nhưng Phêrô đã được thị kiến cho biết không còn kể ai là ô uế hay không sạch. Phêrô giảng dạy cho ông và gia đình biết về Chúa Giêsu. Trong khi Phêrô giảng, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Phêrô kết thúc bài giảng: Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? (Cv 10,47). Biến cố gia đình sĩ quan Cornêliô chịu phép Rửa đánh dấu việc Giáo Hội bắt đầu mở ra cho các dân ngoại.

Công đồng Giêrusalem (năm 49)

Càng ngày càng có nhiều dân ngoại trở lại khiến xảy ra một cuộc tranh cãi. Đó là các Kitô hữu gốc Do Thái đòi những người ngoại (Hy Lạp, Rôma, v.v…) khi tòng giáo thì phải chịu phép cắt bì và tuân giữ các luật Môsê như người Do Thái. Tuy nhiên một số Kitô hữu khác, trong đó có Phaolô, thì lại cho rằng không cần như vậy.

Để giải quyết vấn đề, năm 49, người ta đã cử một phái đoàn trong đó có Phaolô và Banaba từ Antiôkia lên Giêrusalem hỏi ý kiến các Tông đồ. Trong đại hội, các Tông đồ đã quyết định là dân ngoại khi trở lại thì không cần phải chịu phép cắt bì: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh (Cv 15, 28-29).

Công đồng Giêrusalem là Công đồng đầu tiên trong Giáo Hội. Khi cần phải giải quyết những vấn đề quan trọng về đức tin, luân lý hay kỷ luật trong Giáo Hội, các vị hữu trách (các Tông đồ; ngày nay là các Giám mục, những đấng kế vị các Tông đồ) họp lại để dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cùng nhau tìm ra câu trả lời cho các vấn đề.

Công đồng Giêrusalem còn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội. Nó đánh dấu việc Kitô giáo tách ra khỏi Do Thái giáo và tạo điều kiện cần thiết để Tin Mừng được rao giảng trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).

Tin mừng được rao giảng khắp đế quốc Rome

Các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô

Sau khi trở lại, Phaolô không ngừng rao giảng Đức Kitô cho mọi người, đặc biệt là cho dân ngoại. Ngài đã thực hiện 3 cuộc truyền giáo lớn khắp vùng Tiểu Á và được mệnh danh là tông đồ dân ngoại.

Hành trình truyền giáo lần thứ nhất (45-49) được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ (13,1-14,28): Từ Antiôkia (vùng Syria) Phaolô và Banaba đáp tàu đến đảo Sýp, rồi đi dọc theo ven biển miền Pamphylia, đến Antiôkia ở Pisiđia, Icôniô, Lýtra, Đécbê. Đi tới đâu, các ngài cũng ưu tiên rao giảng cho kiều bào Do Thái tại đó. Đến khi bị đồng bào khước từ, các ngài mới quay sang dân ngoại. Sau đó các ngài trở về Antiôkia (vùng Syria). Cuối năm 49 các ngài về Giêrusalem dự Công đồng đầu tiên.

Minh họa hành trình truyền giáo lần I của thánh Phaolô

Hành trình truyền giáo lần thứ hai (50-52) được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ (15,36 – 18,22): Lần này Phaolô đi với Xila trở lại thăm các địa điểm đã đến trong chuyến đi trước. Sau một thị kiến (Cv 16,9-10), các ngài đã sang vùng Makêđônia (tức là từ miền Tiểu Á tiến sang Âu châu), rao giảng tại các thành phố Philipphê, Thêxalonica, Bêroia, Athêna và Côrintô rồi đáp tàu về Êphêsô. Đến Xêdarê, ngài lên Giêrusalem chào thăm Hội Thánh. Sau đó ngài về lại Antiôkia vào cuối mùa thu năm 52.

Minh họa hành trình truyền giáo lần II của thánh Phaolô. Ngài bắt đầu đi từ Antioch, qua các thành phố và thị trấn lớn thời ấy như Troas, Philippi, Athens, Corinth (Côrintô), bằng qua biển Aegea đến Ephesus (Êphêsô), vòng qua đảo Rhodes, một hòn đảo rất nổi tiếng thời ấy, đến Patara, rời băng qua Địa Trung Hải đến Caesarea, rồi tới Giêrusalem.

Hành trình truyền giáo lần thứ ba (53-57) được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ (18,23 – 21,17): Từ Antiôkia, Phaolô và các cộng sự rảo qua các vùng Galát, Phrygia, và Êphêsô, một thành phố quan trọng của Tiểu Á. Rời Êphêsô, các ngài đáp tàu sang Côrintô rồi đi ngược lại thăm viếng các địa điểm thuộc vùng Akaia và Makêđônia mà Phaolô đã đến lần trước. Tại Philipphê, Phaolô được Thánh Thần cho biết phải trở về Giêrusalem để làm chứng cho đức tin. Trên đường về Phaolô đã ghé lại Troa, Mitilênê, Tirô, và chấm dứt hành trình tại Xêdarê ở Palestine, từ đó ngài tiến về Giêrusalem vào dịp lễ Ngũ Tuần năm 57, mang theo tiền quyên góp của các nơi để giúp đỡ các tín hữu tại Giuđê.

 Minh họa hành trình truyền giáo lần III của thánh Phaolô.
Minh họa hành trình truyền giáo lần III của thánh Phaolô. Lần này ngài khởi hành từ Antioch, vòng qua các thành phố vùng Địa Trung Hải, đến Hy Lạp, rồi men theo bờ biển đến các thành phố xứ Judea, cuối cùng tới Giêrusalem.

Hành trình truyền giáo của các Tông đồ khác

Trong bộ Lịch sử Giáo Hội quyển 3, Eusêbiô thành Xêdarê (265-340), Giám mục và cũng là sử gia, cho biết thánh Phêrô đã đi giảng Tin Mừng cho các người Do Thái tại Pontô, Galata, Bithynia, Cappađôcia, Tiểu Á. Thư 1 Côrintô của thánh Phaolô (1,12) xác định Phêrô đến Côrintô trước khi đến Rôma. Theo truyền thống, khi Nêrô bách hại đạo gay gắt, Phêrô định bỏ trốn khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Trên đường Appia, gần cửa Capena, Phêrô gặp Chúa Giêsu đi vào. Phêrô hỏi: Lạy Chúa, Chúa đi đâu? (Quo vadis, Domine?). Chúa Giêsu trả lời: Ta vào Rôma để chịu đóng đinh lần nữa. Hiểu ý Chúa, Phêrô trở lại Rôma và bị bắt. Tại nhà ngục, ngài đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus. Cả hai được rửa tội và tử đạo. Cuối cùng vì không có quốc tịch Rôma, nên ngài bị kết án tử hình đóng đinh thập giá.

Khi bị dẫn tới hý trường Caligula trên đồi Vatican, trông thấy thập giá, Phêrô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, đã yêu cầu được đóng đinh ngược. Việc ngài tử đạo ở Rôma được Đức Giáo hoàng Clêmentê (+97) nhắc đến, và được các giáo phụ như Ignatiô, Ôrigiênê và Tertulianô xác định, đã khiến Rôma trở thành thủ đô của Giáo Hội cho đến nay.

Thánh Phêrô chịu đóng đinh ngược.
Tranh của hoạ sĩ Caravaggio

Thánh Gioan Tông đồ qua truyền giáo ở miền Asia (Tiểu Á) và từ Êphêsô, ngài hướng dẫn các giáo đoàn ở vùng này. Thánh Irênê cho biết thánh Gioan viết sách Tin Mừng tại Êphêsô Thánh Irênê, Chống lạc giáo III. 1.1 và đã ở đây cho đến triều Hoàng đế Trajanus Thánh Irênê, Chống lạc giáo II, xxii, 5. Năm 92, ngài bị bắt đưa sang Rôma và bị kết án tử hình. Ngài bị ném vào vạc dầu sôi ở cửa Latina nhưng không chết. Sau đó, năm 95, ngài bị đày sang đảo Patmô. Sau khi Hoàng đế Domitianus qua đời, năm 96, ngài được trở về Êphêsô và qua đời khoảng năm 100.

Hai vị Tông đồ ở lại Giêrusalem là thánh Giacôbê Tiền và thánh Giacôbê Hậu. Giacôbê Tiền bị vua Hêrôđê Agrippa I chém đầu năm 42. Giacôbê Hậu ngay từ đầu đã làm Giám mục Giêrusalem. Năm 62 ngài bị một nhóm Do Thái ném đá chết.

Thánh Matthêu truyền giáo tại Ethiopia, Phi châu và tử đạo tại đây. Một bản sao sách Tin Mừng của ngài được tìm thấy ở Arabia. Thánh Bartôlômêo giảng đạo ở Armenia và Ả Rập. Ngài tử đạo tại Albanopoli. Thánh Simon và thánh Giuđa làm việc chung với nhau. Truyền thống thường cho rằng, sau khi giảng Tin Mừng tại Ai Cập, thánh Simon đã lên Ba Tư và Armenia gặp thánh Giuđa và cả hai đã tử đạo tại đây vào năm 65.

Thánh Matthia đến Ba Tư, còn thánh Tôma qua Ba Tư đến tận Ấn Độ. Khu vực Tiểu Á có thánh Anrê và thánh Philipphê. Thánh Banaba đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Sau đó, xảy ra cuộc tranh cãi giữa Banaba với Phaolô vì chuyện Marcô. Cuối cùng, Banaba đã chia tay Phaolô và đem Marcô đi với mình đến đảo Sýp và tử đạo tại đây.

Marcô sau này làm việc với Phêrô ở Rôma. Sau đó, Marcô đi Ai Cập, lập giáo đoàn Alexandria và tử đạo ở đấy. Luca thánh sử là vị y sĩ đồng hành với Phaolô, cũng là tác giả sách Tin Mừng thứ ba và Công vụ Tông đồ, đã hoạt động và tử đạo ở Akaia.

Kết quả việc rao giảng Tin Mừng

Qua các nỗ lực truyền giáo của các Tông đồ, đến cuối thế kỷ I Kitô giáo đã có mặt khắp Đế quốc Rôma. Tại Tiểu Á và Syria, Kitô giáo không những có mặt tại các đô thị lớn như Antiôkia, Êphêsô, Smyrna, Miletô, Troa, mà còn ở cả những vùng quê. Riêng trong xứ Bithynia, Kitô giáo mở rộng khắp nơi, các lễ nghi thần giáo tàn dần, khiến các lái buôn súc vật dùng vào việc tế thần căm giận vì mất thị trường tiêu thụ. Ở Âu châu, ngoài những giáo đoàn nổi tiếng như Philipphê, Thêsalônica, Corintô, còn có nhiều giáo đoàn ở Italia như Dyrrakio, Brinsidi, Puteolo, Ostia, Pompei, Syracusa và nhất là Rôma. Xa hơn nữa, phải kể đến những giáo đoàn Tarragona, Carthagôna xứ Tây Ban Nha; Narbonne, Arles, Marseille, Lyon xứ Gaul. Ở Phi châu có các giáo đoàn Alexandria, Carthagô, Cyrène… Ngoài những vùng quanh Địa Trung Hải, Kitô giáo còn vượt ra ngoài ranh giới Đế quốc Rôma và có mặt tại các xứ Partha, Armenia, Scythia, Mesopotamia, Assyria, Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ, Ethiopia…

Phần lớn các Kitô hữu thời này thuộc giới lao động, làm các nghề như dệt dạ, thuộc da, kéo tơ, nhuộm vải, rèn đúc, trồng trọt… Ngoài ra phải kể đến các nô lệ, chẳng hạn như Ônêximô là nô lệ của ông Philêmôn (x. Thư Philêmôn). Họ sống rải rác nhiều nơi, nhất là ở đô thị. Nhiều người được phóng thích và được những gia đình giàu có thuê làm việc trong nhà như giữ nhà, nấu ăn, quét dọn hoặc sai khiến lặt vặt.

Tuy nhiên, trong các giáo đoàn cũng không thiếu những thành phần quý tộc, giàu có. Thánh Luca thuật lại việc: những phụ nữ quý phái theo đạo ở Thêsalônica (Thessalonica) (Cv 17,4) và ở Bêroia (Cv 17,12). Nhiều người giàu có thuộc giáo đoàn Côrintô, Êphêsô, Laođikia (Kh 21, 17). Aquila và Priscilla cũng là những người giàu có. Kitô hữu cũng có mặt cả trong hàng quý tộc và hoàng tộc. Dưới triều Hoàng đế Nerô, năm 57, bà Pomponia Grecina, phu nhân một danh tướng bị tố cáo là tin theo dị đoan ngoại quốc. Aciilus Glabrius, chấp chánh quan năm 91, là một trong những vị ân nhân của giáo đoàn Rôma. Nhiều anh em họ của Domitianus, như chấp chánh quan Flavius Clemens và phu nhân Domitilla cùng hai con, năm 95 bị cáo về hai tội vô thần và theo phong tục Do Thái. Nhà của những anh em giầu sang và quyền thế này thường được dành làm nơi cử hành phụng vụ và chia sẻ bữa ăn huynh đệ. Họ dâng cúng đất đai cho Giáo Hội làm nghĩa trang, như hang Toại đạo Priscilla của gia đình Glabrius, hang Toại đạo Domitilla trên lãnh thổ nhà Flavius, hang Toại đạo Calixtus ở đại lộ Appia thuộc dòng tộc Cecilius …

Hình thành các sách tân ước

Trong các hành trình truyền giáo, Phaolô đã thiết lập nhiều giáo đoàn. Sau đó, khi có dịp ngài trở lại thăm, hoặc viết thư khích lệ, trả lời những thắc mắc cũng như giải quyết những vấn đề xảy ra trong giáo đoàn của họ. Lá thư đầu tiên được Phaolô viết là thư gửi cho các tín hữu ở Thêxalônica vào năm 51. Đây là tác phẩm được viết đầu tiên của bộ Tân Ước. Ngoài Phaolô, một số Tông đồ khác hoặc đồ đệ của các ngài cũng viết, dần dần tạo nên bộ Tân Ước, gồm 27 tác phẩm: 4 sách Tin Mừng, 1 sách Công vụ Tông đồ, 21 thư và 1 sách Khải huyền. Tất cả những tác phẩm này đều được viết bằng tiếng Hy Lạp là tiếng được sử dụng thông dụng trong đế quốc Rôma thời đó. Tác phẩm được viết cuối cùng là thư thứ hai của thánh Phêrô Tông đồ, do một môn đệ của ngài viết vào khoảng năm 125.

TOÁT YẾU

I. GIÁO HỘI TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã được hình dung trước, từ lúc khởi đầu trần gian, được chuẩn bị một cách kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong Giao Ước cũ, được thiết lập trong thời đại cuối cùng, được tỏ hiện bằng việc Thần Khí được tuôn đổ, và sẽ được hoàn tất cách vinh hiển vào lúc tận thế (Giáo Lý Hội Thánh Công giáo 759).

II. NGÀY LỄ NGŨ TUẦN: GIÁO HỘI ĐƯỢC TỎ HIỆN CÔNG KHAI

Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ sai Thánh Thần đến với các môn đệ để họ trở nên những chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

Mười ngày sau khi Chúa Giêsu lên trời, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ đang khi họ họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiệc ly.

Thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh và kêu gọi mọi người hối cải, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô. Sau bài giảng của thánh Phêrô, ba ngàn người đã trở lại và chịu phép rửa.

1. Sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi:

Các tín hữu chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, với việc hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện … Họ góp của cải thành tài sản chung để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu. (x. Cv 2,24)

2. Giáo Hội mở rộng

Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá chết, các tín hữu tản cư khỏi Giêrusalem nhờ đó Tin Mừng được rao giảng cho cả dân ngoại. Năm 49 Công đồng đầu tiên của Giáo Hội được tổ chức tại Giêrusalem bàn về việc dân ngoại gia nhập Giáo Hội.

III. TIN MỪNG ĐƯỢC RAO GIẢNG KHẮP ĐẾ QUỐC RÔMA

Tin Mừng dần dần được lan rộng nhờ các hoạt động truyền giáo của các Tông đồ, đặc biệt là của thánh Phaolô với ba hành trình truyền giáo cho dân ngoại. Đến cuối thế kỷ I Kitô giáo đã có mặt khắp Đế quốc Rôma.

IV. HÌNH THÀNH CÁC SÁCH TÂN ƯỚC

Trong khi đi rao giảng, các Tông đồ hoặc môn đệ của các ngài đã viết sách hoặc các thư để củng cố niềm tin cho các tín hữu. Bộ sưu tập này gồm 27 tác phẩm, gọi là Tân Ước, gồm: 4 sách Tin Mừng, 1 sách Công vụ Tông đồ, 21 thư và 1 sách Khải huyền. Tất cả những tác phẩm này được viết bằng tiếng Hy Lạp là tiếng thông dụng trong đế quốc Rôma thời đó. Tác phẩm được viết cuối cùng là thư thứ hai của thánh Phêrô Tông đồ, do một môn đệ của ngài viết vào khoảng năm 125.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

jacob danh lua cha

Chuyện Jacob đánh lừa cha

Jacob chiếm quyền trưởng nam của Esau bằng mánh khóe, và dùng mánh khỏe lừa nhận lấy chúc lành từ Issac, một cử chỉ có ý nghĩa quan trọng.

chúa giêsu hạ sinh

Chúa Giêsu Kitô – Đường Nhập Thể

Nội dung đức tin Ki-tô Giáo đặt trên nền tảng Biến Cố Nhập Thể của ...

luân lý tính dục công giáo

Tính dục con người: Bối cảnh, ý nghĩa và tính luân lý | Phần 2

Xem phần 1 tại đây. Tính dục con người: Thực tại thế tục và mầu ...

su phuc sinh cua chua

Cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến cuộc sống của tôi?

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh. Đây là thời gian đặc biệt của ...

Esau bán quyền trưởng nam

Chuyện Esau bán quyền trưởng nam

Quyền trưởng nam rất quan trọng với người Do Thái xưa. Esau là con trưởng của Isaac, nhưng vì mắc mưu em là Jacob nên đã bán quyền trưởng nam cho ông

thiên chúa và công nghệ

Giáo lý Online, tại sao không?

Bối cảnh đại dịch Bắt đầu bằng lời trích dẫn bài giảng lễ sáng ngày ...

Để lại bình luận