Suy Tư

Hãy Tường Trình Về Việc Quản Lý Nông Trại

Hồng y P.X Nguyễn Văn Thuận
40 views

Một tổng kết vào đầu thế kỷ 21

Theo một truyền thống cổ tại Á châu, tại triều đình, năm này qua năm kia, người ta viết lịch sử vương quốc. Nhiệm vụ này được ủy thác cho hai vị quan cấp cao của hoàng đế. Một vị phải ghi những điều tốt lành xảy ra trong vương quốc và vị kia lại lập danh sách những gì tiêu cực xảy ra. Nhưng không vị nào biết người kia viết gì.

Trong một buổi triều yết đặc biệt và công khai vào đầu năm mới, trước hoàng đế và toàn thể bá quan văn võ, hai vị quan phải đọc bản tổng kết. Tất cả mọi người đều chờ đợi, mong được biết sự thật do sự đối chiếu giữa hai bản phúc trình.

Sau khi nghe cả hai, hoàng đế hướng về toàn thể bá quan và hỏi: “Ai trong các khanh có điều gì muốn nói, thì cứ tự nhiên”. Ðây là một ngày mà hoàng đế mời tất cả mọi người tự do phát biểu ý kiến. Nhưng không ai dám nói. Im lặng tuyệt đối bao trùm triều đình. Bất thình lình người ta nghe thấy có tiếng rên khóc. Hoàng đế hỏi: “Ai khóc vậy? Hãy tiến ra trước mặt Trẫm mà giải thích”. Một vị quan bước ra, bái ba lạy trước mặt hoàng đế và với tất cả lòng kính cẩn, ông nói: “Tâu Bệ Hạ, không có ai trong triều đình này dám nói sự thật. Thần sợ rằng đất nước chúng ta lâm nguy và có nguy cơ sụp đổ. Vì thế mà thần khóc”.

Chúng ta được mời gọi trở thành những người tìm kiếm và trở nên chứng nhân cho sự thật trong Hy Vọng, trước mặt Chúa và trước mặt thế giới để mưu ích cho Hội Thánh. Ðức Thánh Cha, hôm Chúa nhật I mùa chay của Năm Toàn Xá, đã nêu một chứng tá đặc biệt và một tấm gương sáng cho toàn thế giới, khi xin Thiên Chúa tha thứ vì những lỗi lầm và thiếu sót của con cái Hội Thánh qua dòng lịch sử, và đồng thời cũng tha thứ cho tha nhân. Ngài khích lệ chúng ta đón nhận lời mời gọi này.

Thiên Chúa mời gọi hoán cải

Sở dĩ tôi dám đưa ra một lời mời gọi hoán cải là vì chính Chúa đã yêu cầu chúng ta điều đó. Giống như Ngài đã nói với những người quản lý tài sản của Ngài, Ngài có thể lập lại cho chúng ta lời Tin Mừng: “Ngươi hãy tường trình về việc quản lý của ngươi” (Lc 16,2).

Ðó là sự hoán cải từ một tình trạng tiêu cực hoặc tầm thường tới việc thực thi Tin Mừng một cách chân chính. Ðó là quyết tâm từ bỏ những Hy Vọng giả trá để đặt trọn niềm Hy Vọng của chúng ta nơi Chúa Kitô, như những người đóng góp vào sứ vụ của Thánh Phêrô.

Cuộc hoán cải ấy mới được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho Giáo Triều và rất phù hợp với tinh thần Năm Thánh. Ðây là một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, hướng về ánh sáng soi chiếu và chiến thắng tội lỗi.

Chúng ta không nên kinh hoàng vì sự yếu đuối của mình. Cả Thánh Phêrô cũng là người yếu đuối. Chính việc ý thức tính chất dòn mỏng ấy giúp gìn giữ chúng ta thành những môn đệ chân chính của Chúa Kitô, và để chúng ta có thể canh tân liên lỷ giữa lòng Giáo Hội.

Lời chân lý

Giờ đây chúng ta hãy nghĩ tới những công ty kinh doanh trong thế giới ngày nay. Bắt đầu thế kỷ mới, dưới ánh sáng các trào lưu lớn, các công ty này duyệt lại các dự án, đường hướng và chương trình hoạt động của họ.

Khi từ giã một thế kỷ có nhiều chinh phục lớn, nhưng cũng có những thảm trạng kinh hoàng, và trước thềm ngàn năm mới, cả chúng ta cũng nên làm một bản tổng kết và đề ra những dự phóng cho tương lai, dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Chúng ta là những vị mục tử trong các Cơ quan Tòa Thánh, với bao nhiêu nhân sự và cộng tác được ủy thác cho chúng ta. Chúng ta thuộc về Ðoàn Tông Ðồ. Trong niềm hiệp thông với Ðức Thánh Cha và dưới quyền của Ngài, chúng ta được tham dự vào mối quan tâm thường nhật của Ngài đối với toàn thể các Giáo Hội (cf 2Cr 11,28). Làm sao lại không xin Chúa giúp chúng ta trong tinh thần hoán cải?

Ví dụ, chúng ta có trung thành trong việc thực thi đứng đắn ý Chúa được biểu lộ trong biến cố trung tâm của thời đại chúng ta ngày nay là Công đồng chung Vatican II hay không?

Ðể đặt mình trong sự thật trước mặt Chúa, không có gì hữu hiệu hơn là để cho chính Ngài soi sáng và thanh tẩy chúng ta trong tình thương vô biên của Ngài. Chính Ngài với Lời Sự Thật, là Chúa Phục Sinh, là người Ðầu Tiên và Cuối Cùng và là Ðấng Hằng Sống. Chính Ngài nói với Giáo Hội trong mọi thời đại qua Thánh Linh.

Sứ điệp Chúa Thánh Linh gởi các Giáo Ðoàn

Trong sách Khải Huyền, Chúa Kitô Phục Sinh phác họa bản tổng kết đời sống của 7 giáo đoàn ở Tiểu Á và nói với các vị mục tử của các giáo đoàn ấy. Qua những sứ điệp này, Ngài muốn thanh tẩy đời sống của các cộng đoàn. Chúng ta hãy tìm cách nhận thức sự quan tâm nồng nhiệt của Chúa Kitô, Hôn Phu của Hội Thánh, đối với sự thánh thiện của các vị mục tử và các tín hữu, và hãy để cho mình được canh tân bằng những lời của Ngài hầu có được sự hoán cải chân thành trong Năm Toàn Xá này!

Giáo đoàn Êphêxô: một giáo đoàn đã mất tình yêu ban đầu (Cf Kh 2,1-7). Chúa khiển trách giáo đoàn này vì không còn tình yêu nồng nàn như thuở ban đầu nữa, một tình yêu luôn tươi mát và quảng đại, nảy sinh từ Thánh Linh và làm cho Hội Thánh được trẻ trung (cf LG 4). “Vậy ngươi hãy nhớ xem ngươi sa ngã ở đâu, hãy hoán cải và thi hành các công việc ban đầu”. Chúa nói với giáo đoàn ấy như thế và mạnh mẽ cảnh giác rằng: “Nếu ngươi không hồi tâm trở lại, Ta sẽ đến và cất chân đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó”.

Giáo đoàn Pecgamô: một giáo đoàn dung thứ sự thờ thần tượng (cf Kh 2,12-17). Chúa hiểu rằng giáo đoàn này sống trong môi trường đặc biệt khó khăn (“nơi có Tòa Satan”). Ngài đánh giá cao sự trung thành của giáo đoàn. Nhưng Lời Chúa là “gươm sắc hai lưỡi” nên không thể dung thứ cho một số người trong cộng đoàn rơi vào tội thờ thần tượng: “Vì thế, ngươi hãy tỉnh thức. Nếu không Ta sẽ sớm đến nơi ngươi và chiến đấu chống lại chúng với gươm của miệng Ta”.

Giáo đoàn Thyatira: một giáo đoàn đã chiều theo thái độ thỏa hiệp (cf Kh 2,18-29). Giáo đoàn này rất năng nổ hoạt động. Nhưng “Ðấng có đôi mắt lửa hồng” nhìn thấu sự khiết tịnh của tâm hồn. Ngài thấy rõ những thỏa hiệp trong phong hóa: “Các ngươi dung thứ Giêdaben, người đàn bà tự cho mình là nói nhân danh Thiên Chúa. Với lời rao giảng của mình, bà làm cho các tín hữu của Ta đi lệch đàng, lôi kéo họ phản bội Ta… Ta cho họ thời gian để thay đổi cuộc sống, nhưng họ không muốn từ bỏ sự bất trung… Chúa chỉ ban quyền bính trên các dân nước cho những người có đời sống thanh liêm vẹn toàn cho đến chết”.

Giáo đoàn Xácđê: một giáo đoàn đang mê ngủ (Kh 3,14-22). “Mọi người tưởng các ngươi là một giáo đoàn sinh động, nhưng trong thực tế các ngươi đã chết. Các ngươi hãy tỉnh thức! Hãy củng cố đức tin của một số người còn sống, trước khi suy tàn hết!” Chúa Giêsu nhắn nhủ giáo đoàn này đừng dựa vào những vinh quang quá khứ: “Các ngươi hãy nhớ lại xem mình đã đón nhận lời Chúa như thế nào; hãy mang lời ấy ra thực hành; hãy thay đổi cuộc sống! Nếu các ngươi tiếp tục ngủ, Ta sẽ tới như kẻ trộm…”

Giáo đoàn Laođikia: một giáo đoàn nguội lạnh (cf Kh 3,14-22). Ở đây, chúng ta nghe thấy lời khiển trách càng mạnh mẽ hơn: “Ta biết tất cả về các ngươi. Ta biết rằng các ngươi không nóng không lạnh… các ngươi làm ta kinh tởm đến độ buồn nôn”. Chúa từ chối sự tầm thường. Các Thánh nói rằng đây là trạng thái nguy hiểm nhất trong đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta ra khỏi tình trạng ấy nên Ngài mời gọi hãy nghe Ngài, là Ðấng đang gõ cửa đời sống chúng ta. “Các ngươi nói: ‘Chúng ta giàu có. Chúng ta đã tạo được gia sản. Chúng ta chẳng cần gì nữa’ và các ngươi không nhận thấy rằng mình thất bại, bất hạnh, nghèo nàn, mù quáng và trần trụi… Vì thế, hãy thay đổi cuộc sống, và dấn thân với trọn sức lực của các ngươi”.

Trong số 7 giáo đoàn, Chúa Kitô Phục Sinh khiển trách 5 giáo đoàn vì thiếu tình yêu nồng nhiệt, vì thỏa hiệp, vì thờ thần tượng, vì ngái ngủ và nguội lạnh. Chỉ có hai giáo đoàn không bị khiển trách là Ximiếcna và Philađenphia.

Giáo đoàn Ximiếcna: một giáo đoàn bị bách hại và nghèo túng (cf Kh 2,8-11). Chúa Phục Sinh khuyến khích giáo đoàn này trong lúc sầu khổ và thử thách: “Ta biết các ngươi bị bách hại và sống trong lầm than, nhưng trong thực tế các ngươi giàu có… Các ngươi đừng sợ những đau khổ đang chờ đợi các ngươi. Ma quỉ chẳng bao lâu sẽ ném một số trong các ngươi vào tù để thử thách các ngươi… hãy trung thành dù phải chịu chết”. Như thế các ngươi được nhận lãnh triều thiên vinh quang.

Giáo đoàn Philađenphia: một giáo đoàn bé nhỏ nhưng trung thành (cf Kh 3,7-13). Nguyên tên của giáo đoàn này cũng là điều đầy ý nghĩa: Philađenphia, “tình huynh đệ” (Cf 1Pr 1,22; 2,17). Ðó là thành ngữ mà Tân Ước dùng để nói về tình yêu của các môn đệ đối với nhau. Chúa đã có một lời khích lệ dành cho Giáo Hội này: “Ta đã mở ra trước ngươi một cánh cửa mà không ai có thể đóng nổi”. Ðây là một giáo đoàn bé nhỏ, nhưng được Thiên Chúa yêu thương: “Ta biết rằng ngươi không có nhiều sức mạnh, nhưng ngươi đã thi hành lời Ta và đã không phản bội Ta… vì thế, Ta sẽ bảo vệ ngươi”.

Chúng ta hãy xét một vài yếu tố thường được nói đến trong các sứ điệp ấy:

– “Ta biết công việc của ngươi…”, “Ta biết ngươi ở đâu…”, “Ta biết nỗi sầu khổ của ngươi…”. Chúa biết rõ về chúng ta. Khi thấu nhập vào đời sống chúng ta bằng cái nhìn như ngọn lửa cháy, Ngài mời gọi chúng ta hãy xét lại tương quan của chúng ta với Ngài là “Ðấng Ðầu Tiên và Cuối Cùng”.

– Trong mỗi giáo đoàn, người công chính đều tìm được lý do để ca ngợi. Nhưng hầu như Chúa nói với tất cả các giáo đoàn: “Nhưng Ta phải khiển trách ngươi…”. Ðó là những lời quyết liệt. Chúa Kitô yêu thương một cách hết sức nghiêm chỉnh nên không thể để cho các giáo đoàn nằm lỳ trong những yếu đuối của họ. Tiếng gọi hoán cải thật là liên lỷ, tha thiết, được nâng đỡ bằng tình yêu, tuy âm thầm, nhưng luôn sinh động.

– Mỗi sứ điệp đều kết thúc bằng những lời này: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thánh Linh nói với các giáo đoàn”. Con đường hoán cải của chúng ta đạt được tột đỉnh và được hoàn tất trong sự lắng nghe Thánh Linh. Chúng ta, là Giáo Hội của Ngài, phải hoàn toàn phó thác nơi Ngài. Chính Ngài sẽ ban ơn để chúng ta biết đáp trả hoàn toàn ơn gọi của mình và ban cho khả năng biết đọc ra được những dấu chỉ thời đại. Ðó chính là mục đích của Năm Thánh.

Tôi thiết nghĩ sứ điệp cuối cùng như lời tóm lược điều Chúa muốn nói với Hội Thánh của Ngài: hãy là một Giáo Hội trung thành với tình yêu, trung thành với lời Tin Mừng, với luật yêu thương huynh đệ! Như thế ngươi sẽ làm chứng tá về sự hiện diện của Chúa, ngươi sẽ tăng trưởng, sẽ sống, và sẽ chiến thắng.

Lạy Chúa, này đây chúng con đầy lòng khiêm cung trước mặt Chúa

Có một kinh nghiệm mà chúng ta thường đọc, đặc biệt trong những lúc hội họp đó là kinh Adsumus Domine, Cúi Xin Chúa Sáng Soi. Kinh này được coi là của Thánh Isiđôrô thành Siviglia (La Preghiera dell’Adsumus. Note storio-critiche, in D. Balboni, “Anecdote liturgica”, I, Città del Vaticano, 1984, pp. 17-24).

Mỗi khi đọc kinh này, tôi cảm thấy bị thôi thúc phải sống chân thật trước mặt Chúa, Ðấng mà chúng ta thưa với Ngài: “Adsumus – này chúng con đây”.

Tôi dùng kinh này như một kinh cầu để thanh tẩy và đặt mình trong sự khiêm tốn: chúng con ở trước mặt Chúa với gánh nặng của tội lỗi (“Peccati quidem immanitate detenti…”).

Chúng ta cảm thấy được khích lệ, và giống như trong trò chơi xích đu, chúng ta có thể từ vực thẳm lầm than vọt lên đỉnh sự sống của Chúa: “Xin Chúa đến và ở giữa chúng con” (Veni ad nos et esto nobiscum).

Ðể tìm ra hướng đi, tìm được con đường ngay thẳng theo ý Chúa, chúng ta phó thác để cho Ngài dìu dắt: “Xin dạy chúng con biết việc phải làm, cách làm, và phải thi hành điều gì”.

Ðâu là những tội lỗi và khiếm khuyết mà chúng ta cầu xin được giải thoát nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần?

Có lẽ đó là sự thiếu công chính trong việc làm của chúng ta, nếu chúng ta là những người làm “xáo trộn công chính” (pertubatores iustitiae).

Có lẽ đó là sự thiếu khách quan trong phán đoán và quyết định, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, thiếu quan tâm tới sự thật, thiếu phân biệt chính xác: “Ước gì sự u mê dốt nát không đưa chúng con vào chỗ sa ngã”.

Có thể là sự mỏng dòn của con người làm cho chúng ta trở nên yếu nhược, khi ngã theo những ân huệ nhận được, hoặc sợ hãi khúm núm trước cường quyền. Phán đoán của chúng ta bị điều kiện hóa vì thái độ thiên vị đến độ có nguy cơ bị mua chuộc. Tất cả những điều đó, chúng ta nói lên trong tâm tình khiêm tốn, dù những lời này làm cho chúng ta khó chịu: “Ðể ân huệ không làm cho phải quị lụy, việc nhận quà cáp hoặc nhân sự không làm ra hư hỏng…”

Chúng ta được mời gọi tự vấn xem chúng ta có luôn luôn say mê sự thật và chân thành tìm kiếm sự thật bằng mọi cách để không đi lệch đường ngay nẻo chính không (“ut in nullo deviemus a vero”).

Với một ước muốn duy nhất: đó là trở thành những người giải thích và thi hành một cách hết sức trung thành thánh ý Chúa trong lời nói và hành động: “để các quyết định của chúng con không đi ngược lại với Chúa”.

Càng là bạn hữu và là tôi tớ Chúa, chúng ta càng ý thức mình được chọn và được vinh dự phục vụ Chúa một cách đặc biệt trong Hội Thánh và cho thế giới, và đồng thời càng phải hăng say duy trì sự hiệp nhất: “Ðể chúng con được hiệp nhất trong Chúa (“ut simus in te unum”). Như thế chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe, bởi vì cùng hiệp nhau nhân danh Chúa như lời Ngài đã hứa: “Trong danh Chúa, họ kết hiệp nhau một cách đặc biệt” (Cf Mt 18,20). Và chúng ta sống trước nhan Chúa, hướng về Ngài như những người con rất quí yêu, như Chúa Giêsu, và bằng một kinh nguyện đơn sơ, chúng ta xin Ngài soi sáng để biết được những gì phải nói và phải làm: (“Esto solus suggestor et effector iudiciorum nostrum…”).

Với lòng tín thác vô biên luôn được ơn thánh Ngài gìn giữ trong tình hiệp thông thực sự với Chúa, chúng ta khiêm tốn nài xin ơn Ngài liên kết và linh hoạt trong chúng ta (“Iunge nos tibi efficaciter solius tuae gratiae dono”).

Ðược kêu gọi xét mình để làm bản tổng kết vào cuối thế kỷ và đầu ngàn năm mới, kinh “Adsumus, Domine”, nhắc nhở chúng ta về sự đổi mới liên lỷ trong khi làm việc cho Ðức Thánh Cha và cho sứ vụ Phêrô của Ngài.

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô cũng khuyên chúng ta: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho những người hỏi anh em lý do tại sao anh em Hy Vọng, và hãy trả lời một cách tử tế và trân trọng cùng với lương tâm trong sạch” (1Pr 3,15-16). Nếu trong mọi lúc, chúng ta luôn hoàn toàn hướng về ơn gọi của mình, chúng ta có thể bước qua Cửa Thánh là Chúa Kitô hằng sống trong chúng ta và ở giữa chúng ta, với ước muốn sống như chính Chúa Giêsu đã sống vì Chúa Cha, và luôn được Thánh Linh thúc đẩy, để luôn luôn và trong mọi sự thi hành thánh ý Chúa Cha: “Ðể chúng con có thể làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự”.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này với một lời và một kinh nguyện Hy Vọng.

Tôi đã đến Melbourne, ở Úc, để giảng một cuộc tĩnh tâm.

Tôi rất được an ủi khi đọc thấy trên tường lời Hy Vọng này: “Không có vị Thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai…”

Trước mặt Chúa, Ðấng tập họp chúng ta đây trong danh Ngài, quá khứ của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc lòng thương xót của Ngài, và tương lai của chúng ta ở trong niềm trung thành bất biến của Ngài.

Lời kinh Hy Vọng là điều Thánh Ambrôsiô gợi lên cho chúng ta. Thánh nhân là vị mục tử đã cầu nguyện với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành với những lời này: “Vậy lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, hãy tìm kiếm tôi tớ Chúa, tìm kiếm chiên lạc của Chúa.

Hỡi Mục Tử, xin tìm kiếm, như Giuse đã tìm những con chiên.

Chiên của Chúa còn lạc đường, bao lâu Chúa còn trì hoãn, con dừng chân lại trên núi non. Xin Chúa hãy để lại 99 con chiên và lên đường tìm một con đang lạc lối.

Xin hãy đến và đừng mang theo chó. Hãy đến và đừng đem theo những người làm thuê thô lỗ. Hãy đến và đừng dẫn theo người chăn thuê không biết đi qua cửa chính. Hãy đến, xin đừng mang theo người trợ giúp hay người trung gian, vì từ lâu con vẫn đang chờ đợi một mình Chúa.

Con biết rằng Chúa sắp đến, nếu thực là con đã không quên giới lệnh của Chúa. Hãy đến, mà đừng mang gậy gộc, trái lại với tình yêu thương và thái độ từ nhân khoan thứ” (Dal Commento al Salmo 118, 22, 28: PL 15, 1599).

Lạy Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành, xin hãy đến để hoán cải và đổi mới chúng con!

Giáo Hội không bao giờ chỉ được canh tân một lần cho tất cả, nhưng cần được đổi mới hằng ngày.

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

Thư giới thiệu các sản phẩm truyền thông của MVGT VN từ Đức cha Chủ tịch

Kính thưa quí độc giả, Trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng trong Chúa (Gaudete in ...

chuyen adam va eva trong kinh thanh

Chuyện Adam và Eva

Adam và Eva là một trong những câu chuyện đầu tiên của Thánh Kinh, kể về sự sáng tạo loài người, sau đó là sự sa ngã và trừng phạt của Chúa

lịch sử đế quốc la mã

Sơ lược xã hội đế quốc Rome, bối cảnh của Giáo hội sơ khai

Tin Mừng thánh Luca cho biết: Đức Giêsu sinh ra vào lúc Hoàng đế Augustino ...

ghep tim lon cho nguoi

Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên tại Mỹ

Lần đầu tiên trong y khoa, một bệnh nhân tại Mỹ đã được ghép tim ...

Kinh thánh và chúa giêsu

Đức Giê-su Ki-tô – Đường Trái Tim

Trái tim là biểu tượng diễn tả những cảm xúc của con người, chẳng hạn như niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, hạnh phúc. Hơn nữa, trái tim còn là biểu tượng diễn tả sự sống thể l‎ý, sự sống tình cảm, sự sống tâm linh. Tháng Sáu là tháng Trái Tim Chúa Giê-su, cùng nhau chúng ta suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Trái Tim.

tình yêu thiên chúa

Đức Giê-su Ki-tô | Đường Thinh Lặng

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức ...

Để lại bình luận