Reviews

Anh em nhà Karamazov – Tiểu thuyết Kitô giáo vĩ đại

tiểu thuyết anh em nhà karamachov
649 views

Năm 2021 vừa là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại văn hào Fyodor Dostoevsky (11/11/1821-2021) vừa là năm kỷ niệm 140 năm ngày ông lìa cõi thế (09/02/1881-2021). Trong một sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà văn được tổ chức tại nghĩa trang Teutonic Vatican ngày 05/10/2021, Thượng phụ Hilarion của Tòa Thượng phụ Volokolamsk đã nhận xét:

Dostoevsky khác với các nhà văn Nga khác, vì ông đã đào sâu bản chất cuộc sống bình dân, đào sâu nhân tính Đức Kitô và đời sống Giáo hội. Ông là nhà văn Nga duy nhất đã nhận Đức Giêsu vào tâm hồn mình.”[1]

Thượng phụ Hilarion của Tòa Thượng phụ Volokolamsk

Đặc tính đào sâu Đức Kitô cùng đời sống Giáo hội mà Thượng phụ Hilarion nhắc đến quả thực đã được chính nhà văn F. Dostoevsky thể hiện cách phong phú và sâu sắc trong các trước tác của mình, đỉnh cao chính là quyển tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Đây là tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn (xuất bản lần đầu tiên năm 1879), là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới, là tiểu thuyết đã đưa tên tuổi của ông lên hàng các đại văn hào thế giới, và là quyển tiểu thuyết Kitô giáo vĩ đại nhất.

Dostoevsky do Vasily Perov vẽ năm 1872

Tiểu thuyết Kitô giáo giải thích thế giới quan của Kitô giáo thông qua cốt truyện và các nhân vật, đồng thời giải quyết hiện thực bằng chính khuôn mẫu là Kinh Thánh. Anh em nhà Karamazov là tiểu thuyết Kitô giáo vĩ đại nhất, vì trong tiểu thuyết này, F. Dostoevsky vừa đặt ra những luận điệu vững chắc nhất chống lại Thiên Chúa – thể hiện qua tuyến nhân vật phản Kitô, vừa trình bày cách đầy đủ những điểm cốt lõi trong niềm tin Kitô giáo và bằng niềm tin này, đã đánh đổ được những luận điệu phản Kitô kia – thể hiện qua tuyến nhân vật theo Kitô.

Cùng tác giả: Krakow – vùng địa lý của thánh nhân

Kẻ phản Kitô

Trước hết, hệ thống luận điệu vững chắc nhất chống Thiên Chúa được tác giả khắc họa nơi nhân vật Ivan Karamazov, một “kẻ phản Kitô” đích thực – vừa chối bỏ Thiên Chúa, vừa chối bỏ con người (x. 1Ga 2,18.22). Nơi Ivan Karamazov, một trí thức trẻ vô thần, F. Dostoevsky cho thấy, quan điểm về tự do tuyệt đối chính là đặc trưng của kẻ phản Kitô, được phát biểu qua luận đề “Mọi chuyện đều được phép”.

Ivan Karamazov, một trí thức khoa học tự nhiên, chỉ tin vào luật tự nhiên, mà luật tự nhiên thì không có tính luân lý, không buộc con người phải chăm lo cho nhau. Ivan “không tin linh hồn là bất diệt, mà cũng không tin những gì anh viết về giáo hội và vấn đề giáo hội”[2]. Căn cứ vào luật tự nhiên, Ivan khẳng định: Mọi sự đều được phép. Theo đó, cái được phép nhất chính là ước muốn (vì dù mọi hành vi đều được phép thì vẫn bị chế tài bởi pháp luật, trong khi ước muốn thì không); nói cách khác, ước muốn không không có chuyện đúng-sai (cả về mặt pháp lý lẫn luân lý): “Còn về quyền thì ai không có quyền mong muốn?”[3]. Người ta có thể muốn mọi chuyện, kể cả việc muốn kẻ khác phải chết, miễn là người ta đừng hành động, đừng để pháp luật tóm được mình – như nhân vật Rakitin sau này xác nhận lại[4].

Nhân vật Ivan Karamazov do diễn viên Richard Basehart thủ vai trong bộ phim Anh em nhà Karamazov (1958)

Luận đề “Mọi sự đều được phép và mọi người đều có quyền ước muốn” thực chất là luận đề về tự do tuyệt đối. Tuy nhiên, “nếu như mọi thứ đều được cho phép đối với con người, thì tự do của con người sẽ chuyển thành nô dịch chính bản thân mình. Mà tình trạng nô lệ chính bản thân mình sẽ tiêu hủy bản thân con người”[5]. Cuối cùng thì Pavel Smerdyakov, kẻ tự do cho mình quyền giết người, đã thắt cổ tự tử, còn Fyodor P. Karamazov, kẻ tự do ham muốn nhục thể, đã trở thành nô lệ của nhục dục. Và Ivan, kẻ tự do cho phép mọi thứ, lại bị chính lương tâm mình phán xét.

Tự do tuyệt đối như thế không chỉ nô dịch con người mà còn là nguồn cơn sinh ra sự dữ (cho người khác). Với Dostoevsky, sự dữ không xuất phát từ những điều kiện ngoại cảnh, nhưng từ chính con người. “Nếu tồn tại con người, tồn tại nhân cách cá nhân ở trong độ sâu, thì cái ác có nguồn gốc bên trong, nó không thể là kết quả của những điều kiện ngẫu nhiên của môi trường bên ngoài”[6]. Chính thói tự tung tự tác trong ước muốn đã thai nghén sự dữ.

Bài tương tự: Quo Vadis – Cuốn tiểu thuyết về đức tin đoạt giải Nobel

Trong lần gặp mặt cuối cùng với Ivan Karamazov[7], Smerdyakov đã dùng chính những luận đề của Ivan để “biện minh” hành vi giết người là một hành vi được phép; và nếu hành vi ấy đáng khinh đáng tởm thì phải quy mọi trách nhiệm về cho Ivan Karamazov. Và kẻ nhìn nhận “mọi sự đều được phép” và chủ trương tự do tuyệt đối mới là kẻ sát nhân thực sự.

“Tự do chuyển thành tự tung tự tác sẽ dẫn đến cái ác, cái ác dẫn đến tội ác, tội ác dẫn đến sự trừng phạt với tính chất tất yếu nội tại”[8]. Sự trừng phạt tất yếu ấy hẳn phải là sự trừng phạt của lương tâm, không phải sự trừng phạt của pháp luật. Anh em nhà Karamazov vạch trần một kẽ hở khá lớn trong hệ thống pháp luật nhà nước: pháp luật nhà nước không thể buộc tội Ivan Karamazov; vì Ivan tuy lẳng lặng muốn cha chết nhưng đã chọn rời khỏi thị trấn, chọn đứng ngoài cuộc, và tạo được một chứng cứ ngoại phạm tuyệt vời. Khi ấy, chỉ có tòa án lương tâm, và cao hơn nữa là tòa án Giáo hội mới chạm đến tận cõi sâu lòng con người.

Ở chương “Con quỷ, cơn ác mộng của Ivan Fyodorovich”, trong cơn mê sảng, Ivan đã gặp một người khách lạ, thực chất là đối thoại với chính con quỷ trong con người Ivan: “Người là sự giả dối, là căn bệnh của ta, là bóng ma của ta”[9]. Cuộc gặp mặt này thể hiện rõ quan điểm của Dostoevsky về sự trừng phạt thực sự: là sự trừng phạt của lương tâm khi nhận thức được cái ác. Nhận ra vị khách kia là một con quỷ, và nhận ra con quỷ đó chính là một bản diện của mình, Ivan đang thực sự nhận thức được điều mình đã làm, đang đi sâu vào cái bản chất ti tiện của sự dữ mà anh đã gây ra.

F. Dostoevsky đã thấy, nguồn cơn của thứ tự do ấy chính là việc chối bỏ Thiên Chúa. Thứ tự do này “ắt phải đi đến phủ định không những Thiên Chúa, không những thế gian và con người, mà còn phủ định ngay cả chính tự do nữa”[10]. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ cái thiêng trong con người mình, họ chỉ xem con người là một khối vật chất, mà theo tự nhiên, lúc nào đó sẽ va chạm vào khối vật chất khác, và cũng theo tự nhiên, khối nào yếu hơn thì sẽ rã tan, sẽ chết: không cần xét đến tính luân lý khi chỉ xem con người là vật chất!

Kẻ theo Kitô

Để trả lời cho luận đề của Ivan Karamazov, Dostoevsky đã xây dựng nhân vật Zosima, một đan sĩ thánh thiện và Alyosha, một chàng trai trẻ đang đi tìm kiếm sự hoàn thiện. Cả hai nhân vật này chính là phản đề của “Mọi sự đều được phép”, và là xác tín của chính tác giả vào Thiên Chúa.

Trong chương “Nổi loạn”, Ivan đã gợi ra vấn nạn về sự đau khổ của những đứa trẻ vô tội. Anh đã đưa ra một loạt các trường hợp lạm dụng và hành hạ trẻ em. Sau khi kể ra các trường hợp ấy, anh hỏi: Ai lại có thể tha thứ cho những hành động man rợ đó? Alyosha trả lời “có người vẫn có thể tha thứ tất thảy, tha thứ cho tất cả mọi người và về mọi chuyện, bởi vì chính người đó đã hiến dâng máu trong trắng của mình”[11]. Alyosha muốn nhắc đến Đức Giêsu. Nhưng chính Ivan đã cố tình dẫn dắt để công kích Đức Giêsu. Lời công kích gây chấn động này được ghi lại trong chương “Viên Đại pháp quan tôn giáo” [12].

Trong trường ca này, Đức Giêsu đã trở lại thế gian như đã hứa. Mọi người đều nhận ra Người. Tuy nhiên, thay vì phụng thờ Người, viên Đại pháp quan ra lệnh bắt giữ và ném Đức Kitô vào ngục! Khi vào thăm Đức Giêsu, viên Đại pháp quan đã phác ra vài nét chính về tư tưởng của ông, bằng việc giải thích ý nghĩa câu chuyện Đức Giêsu chịu ba cơn cám dỗ.

Cám dỗ hóa đá thành bánh mà viên Đại pháp quan ưng thuận là cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy vật. Nó rất hợp với tự nhiên (đói thì ăn!). Nhưng Đức Giêsu đã cho thấy, vẫn còn có cái cao hơn luật tự nhiên thông thường. Ma quỷ tiếp tục cám dỗ Đức Giêsu phải chứng tỏ thiên tính của mình khi đẩy Người ngã xuống để Thiên Chúa dùng phép lạ mà cứu Người, nhưng “Chúa không muốn dùng phép lạ nô dịch con người”. Những ai tin nhờ phép lạ thì sẽ thờ phượng trong mù quáng. Dù Đức Giêsu thực hiện các phép lạ, nhưng không một Kitô hữu thực sự nào lại đặt niềm tin của mình trên các phép lạ. Đức Giêsu cũng khước từ cám dỗ thống trị mọi vương quốc, là thống nhất cả thiên hạ thành cái mà viên Đại pháp quan gọi là “một tổ kiến hòa thuận”.

Nghe trường ca ấy, Alyosha cho rằng, bản trường ca của Ivan thực sự là đang ngợi khen Đức Giêsu, “chứ không phải là báng bổ … như anh muốn”. Ma quỷ càng cám dỗ Đức Giêsu, viên Đại pháp quan càng dồn ép Đức Giêsu, Đức Giêsu càng tỏ ra có một thứ còn mạnh hơn cả tất cả những lập luận ấy: đó là sự tự do thực sự, tự do lựa chọn thánh ý Thiên Chúa; chứ không phải tự do phê chuẩn cho mọi sự, kể cả cái ác. Tự do này cùng với tình yêu sẽ phá đổ mọi lập luận của con quỷ, của viên Đại pháp quan, của Ivan Karamazov.

Trong chương “Anh em làm quen với nhau”[13], Alyosha cho biết, tình yêu cuộc sống chính là nơi đức tin và cảm thức về ý nghĩa cuộc sống bắt đầu: “Tôi cho rằng người ta phải yêu cuộc sống hơn hết mọi thứ trên đời. […] Yêu trước khi suy lý; như anh nói, nhất định là trước khi suy lý, chỉ khi ấy tôi mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống”. Tình yêu trước cả suy lý như thế chính là ân huệ của Thiên Chúa.

Madame Khokhlakova đã yêu cầu cha Zosima chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngài ấy trả lời, “không thể chứng minh được, chỉ có thể tin mà thôi”, và để hiểu được ý nghĩa cuộc sống, bà chỉ có thể sống cuộc đời của “tình yêu thể hiện trong hành động”[14]. Người ta phải bắt lấy những khả năng nhỏ nhất để sống tử tế và phải chăm lo cho người ngay bên mình. Đức tin đòi hỏi sự hiện diện, nhưng sự hiện diện ấy phải là một cuộc sống tử tế, chân thành trong từng khoảnh khắc nhỏ với từng hành động nhỏ.

Câu chuyện về nhánh hành mà Alyosha được nghe kể[15] mang một số bài học luân lý, và bài học quan trọng nhất chính là một hành động tốt dù nhỏ nhất vẫn có giá trị. Đối với Dostoevsky, điều quan trọng nhất là sự tử tế thông thường. Alyosha suy ngẫm về phép lạ tiệc cưới Cana đã tự hỏi mình: “Đâu phải Ngài xuống trần để làm tăng thêm rượu cho những đám cưới nhà nghèo?”[16] Theo nghĩa nào đó, có thể là như vậy. Phép lạ quan trọng nhất được ẩn đi nhưng lại không giống phép lạ cho lắm: sự hiện hữu của Thánh Thần vào mỗi giây phút bình thường cho ta được sống đúng đắn và hạnh phúc.

Dưới ngòi bút của Dostoevsky, tiểu thuyết này đã trở thành một tác phẩm thần học. Anh em nhà Karamazov đã tuyên bố những điều có vẻ đơn giản nhưng lại thường bị chối bỏ: Thiên Chúa cho chúng ta tự do, và đức tin phải là một chọn lựa tự do dù cho vẫn còn hoài nghi; những hành vi tốt lành dù nhỏ nhất vẫn tạo nên điều khác biệt; và cách duy nhất để cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống chính là sống ngay thẳng trong từng khoảnh khắc một.

Dĩ nhiên, hai vấn đề trên được thể hiện trong Anh em nhà Karamazov còn phức tạp hơn nhiều. Đó là một thế giới đang chờ bạn bước vào để khai phá. Bạn cứ an tâm, thế giới ấy sẽ làm bạn thực sự ngỡ ngàng và đầy hân hoan.  

Bạn thân mến, nếu bạn chưa từng đọc Dostoevsky, tôi nghĩ bạn nên đọc ông, ít nhất là một lần, cách riêng là đọc Anh em nhà Karamazov. Để làm gì vậy? Xin mượn lời của học giả Nikolai Berdyaev để trả lời, và cũng để kết:

“[…] Ông vẫn là người thầy – ông dạy thông qua Đức Kitô để mở ra ánh sáng trong bóng tối, mở ra hình tượng và sự tương đồng với Thiên Chúa trong con người sa đọa nhất, ông dạy tình yêu đối với con người gắn với sự tôn trọng đối với tự do của nó. […] Dostoevsky không sáng chế ra một tôn giáo mới, ông vẫn trung thành với Chân Lí vĩnh hằng, với truyền thống vĩnh hằng của Kitô giáo. Nhưng ông đánh thức trong Kitô giáo một tinh thần mới, một chuyển động sáng tạo vốn không phá hủy và tiêu diệt cái gì hết”[17].

Mua sách trên Tiki

QMartinez

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, xin dâng một lời nguyện cầu cho hương hồn nhà văn Fyodor Dostoevsky.


[1] http://phanxico.vn/2021/10/09/hong-y-parolin-ca-ngoi-chung-tu-duc-tin-cua-van-hao-nga-dostoevsky/

[2] Quyển II, Chương 6.

[3] Quyển III, Chương 9.

[4] Quyển XI, Chương 4.

[5] N. Berdyaev, Thế giới quan của Dostoevsky, Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải, Nxb. Tri thức, 2017, tr. 122.

[6] N. Berdyaev, Sđd, tr. 147.

[7] Quyển XI, Chương 8.

[8] N. Berdyaev, Sđd, tr. 145.

[9] Quyển XI, Chương 9.

[10] N. Berdyaev, Sđd, tr. 132.

[11] Quyển 5, Chương 4.

[12] Quyển 5, Chương 5.

[13] Quyển 5, Chương 3.

[14] Quyển 2, Chương 4.

[15] Quyển 7, Chương 3.

[16] Quyển 7, Chương 4.

[17] N. Berdyaev, Sđd, tr. 365, 367-368.

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

10 bộ phim “thế tục” (secular) mang những giá trị của Tin Mừng

By Michael Foust from Crosswalk.comTranslated by Theresa.LÁ Xem phim nhiều tôi mới để ý thấy ...

vatican du lich

Lần đầu đến Vatican

Phúc Thiên Nếu được sinh ra trong một gia đình Công giáo, có lẽ bạn ...

Đức thánh cha Phanxicô

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 35 năm 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 35 năm 2020 của Đức Thánh ...

duc cha myriel

Hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng xót thương nơi Giám mục Myriel

Những nhà văn lỗi lạc thì họ lỗi lạc một phần là vì sáng tạo ...

Hagar và ismael

Chuyện Hagar và Ismael

Hagar là nàng hầu của bà Sara, chính thê của tổ phụ Abraham, được dâng cho ông vì Sara không thể sinh con. Hagar sinh ra Ismael

Để lại bình luận