Khảo cứu

Krakow – vùng địa lý của thánh nhân

thành phố krakow
78 views

Lời giới thiệu

Khi nhắc đến Giáo hội Ba Lan, bạn sẽ nghĩ ngay đến ai? Có lẽ bạn sẽ dễ dàng kể ra ngay được Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng vĩ đại của chúng ta; hay mẹ Faustina Kolwaska, nổi tiếng với bức ảnh và phong trào tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa; hay cha Maximilian Kolbe, vị linh mục sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người bạn tù tại Auschwitz. Và nếu bạn theo dõi tin tức Giáo hội trong thời gian qua, chắc hẳn bạn biết đến Đức hồng y Stefan Wyszynski và sơ Elizabeth Roza Czacka, vừa được phong chân phước hôm 12/9/2021. Trước đó chừng ba tháng, bạn sẽ đọc được một bản tin cho biết, thánh tích của thánh Albert Chmielowski đã được trao trả lại cho giáo xứ thánh Giuse ở Podgorze, Krakow. Để có được một danh sách đầy đủ hơn, bạn chỉ cần lên Google, nhập từ khóa “Saints of Poland”, bạn sẽ thu về một kết quả với 32 hiển thánh, 38 chân phước (chưa kể 2 vị mới được tuyên phong), 26 đấng đánh kính, 117 tôi tớ Chúa, cùng hàng trăm vị tử đạo. Những con số ấy sẽ gợi cho ta vài hình dung về đời sống đức tin của Giáo hội Ba Lan, nhưng không phải là tất cả. Thật vậy, nếu muốn có cái nhìn toàn cảnh, ta phải kể đến:

  • Lịch sử Ba Lan và lịch sử Giáo hội Ba Lan từ ban đầu đã quyện chặt với nhau (năm 966 vừa được xem là mốc lập quốc Ba Lan, vừa được nhìn nhận là mốc khai sinh Giáo hội Ba Lan);
  • Ba Lan từng bị Nga, Phổ, Áo phân chia đến ba lần, từng bị xóa tên khỏi bản đồ, từng chịu nhiều tang thương nhất trong Thế Chiến II và thời hậu chiến, nhưng Ba Lan chưa từng một lần khuất phục; trái lại, từ trong đống tro tàn của chiến tranh, Ba Lan lại mang đến cho thế giới một đám mây các chứng nhân đức tin (x. Hr 12,1).

Tác giả George Weigel, trong bài viết Krakow’s Geography of Sanctity, cho rằng, Giáo hội Ba Lan có thể bất khuất và kiên cường như thế là bởi kí ức đức tin và văn hóa của người Ba Lan vẫn sống cách mãnh liệt, nhất là tại Krakow, mà George Weigel gọi là “thủ đô của vùng địa lý các thánh nhân”.

Xin giới thiệu với các bạn bản dịch Việt ngữ bài viết này. Chắc chắn bạn sẽ thu về được cho mình khá nhiều kiến thức văn hóa và đức tin về người dân Ba Lan nói chung và người dân Krakow nói riêng, từ những phân tích và cảm nghiệm sâu sắc của George Weigel, soạn giả quyển Witness to Hope: The Biography of Pope John Paul II.

[Tiêu đề Phần 1 là do người dịch đặt. Các chú thích do người dịch thực hiện]

Người dịch: QMartinez

– 01 –

Krakow : Thủ đô vùng địa lý thánh nhân


Vị trí nước Ba Lan trên bản đồ thế giới
Vị trí nước Ba Lan trên bản đồ thế giới

Trong quyển The Geography of Genius, Eric Weiner đã thực hiện điều mà ông mô tả là “một cuộc tìm kiếm những nơi tiến bộ nhất trên thế giới, từ Athens cổ đại đến Thung lũng Silicon”[1]. Hãy thử đổi cụm “những nơi tiến bộ nhất” thành “những nơi hiện thân cho việc xây đắp nền văn minh nhân loại”, hay “những nơi điển hình cho một giai đoạn”, ta sẽ thấy được những nơi đáng chú ý. Một số thành phố mang trong mình tinh thần của một thời đại, có thể tốt hoặc xấu, theo một cách thức riêng.

Hãy nghĩ đến “Hy Lạp cổ điển” và sự thịnh vượng của nền văn minh phương Tây về lòng tin vào khả năng của lí trí có thể nắm bắt được chân lý vạn vật; và dĩ nhiên, bạn sẽ nghĩ ngay đến thành Athens giai đoạn giữa thế kỷ V đến đầu thế kỷ IV B.C..

Hãy nghĩ đến “tôn giáo Kinh Thánh” và đóng góp của nó cho nền văn minh độc nhất của phương Tây, với niềm tin rằng, cuộc đời là một hành trình và một chuyến hành hương, không phải một vòng luân hồi không điểm kết hay thứ chết tiệt nào đó sẽ qua đi; và bạn nghĩ đến Jerusalem.

Hãy nghĩ đến một công trình khác của phương Tây: “sự ưu việt của quyền lực luật pháp trên quyền lực của kẻ hung bạo”; và bạn nghĩ đến Rome với Viện nguyên lão ở thời của Cicero.

Hãy nghĩ đến “Kitô giới trung cổ” với sự kết hợp tuyệt vời giữa tri thức cổ điển với sự khôn ngoan của Kinh Thánh; và bạn nghĩ đến Paris của năm 1257, cùng hai giáo sư thời danh là Tôma Aquinô và Bônaventura.

Hãy nghĩ đến “chủ nghĩa nhân văn Phục hưng”; và tâm trí sẽ lập tức nghĩ đến thành phố Florence của Dante, Lorenzo Cao quý và Michelangelo.

Hãy nghĩ đến thời “Khai sáng Scotland” và ảnh hưởng của nó trên đời sống kinh tế và triết học phương Tây; và bạn sẽ nhớ đến Edinburgh vào giữa thế kỷ XVIII với David Hume và Adam Smith.

Hãy nghĩ đến một phương Tây mà nền tảng văn hóa và luân lý của nó bắt đầu bị ăn mòn bởi thứ axít của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tương đối; và bạn sẽ nhớ đến Vienna đầu thế kỷ XX, nơi mà sự tinh túy nhất của văn hóa bị hòa lẫn với sự giễu nhại, yếm thế[2], rồi tâm lý học bắt đầu soán ngôi thần-triết, trở thành công cụ quan yếu để tìm hiểu sự hiện hữu của con người.

Danh sách này còn có thể kéo dài hơn nữa, nhưng có lẽ điểm chính yếu trong danh sách này chính là: một số nơi, vào một thời điểm nào đó, đặc biệt trở thành hiện thân của hệ tư tưởng, hay đặc nét của một thời đại.

Một vấn đề khác được đặt ra: nếu nơi nào đó có thể được mô tả như là “vùng địa lý của các thiên tài”, thì liệu cũng sẽ có nơi nào được gọi là “vùng địa lý của các thánh nhân”, tại đây, con người khi mở ra với ân sủng của Thiên Chúa cũng làm triển nở nhiều nhân đức anh hùng không? Câu hỏi này gợi tôi nhớ đến một cuộc trò chuyện vào năm 1997 với Đức hồng y Franciszek Macharski, Tổng giám mục kế nhiệm Đức Gioan Phaolô II tại Krakow. Lúc đó tôi đang soạn thảo tập đầu tiên của Chứng nhân hy vọng, bộ tiểu sử về Đức Gioan Phaolô II. Đức hồng y và tôi ngồi trong một phòng khách tại Tòa Giám mục, cùng thảo luận về nét riêng biệt của thành phố Krakow, về “điểm gặp gỡ” nổi bật giữa Karol Wojtyla và Krakow, và về các đặc điểm chung đáng chú ý về sự nghiệp và bạn bè của Wojtyla trước khi ngài ấy chuyển từ ngai tòa thánh Stanislaw sang ngai tòa thánh Phêrô.

Trong cuộc trò chuyện này, tôi đã hỏi Đức hồng y Macharski, hiện có bao nhiêu án vụ phong thánh và chân phước đang được tiến hành cho những ứng viên là người dân Krakow. Tôi nghĩ chắc chỉ một nhúm nhỏ thôi. Tôi biết sơ Maria Faustina Kowalska, vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót; rồi có thêm Jan Tyranowski, vị hướng dẫn linh đạo của thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila cho Karol Wojtyla. Nhưng còn có thêm những vị khác không?

Đức hồng y mỉm cười, rồi hứa đưa tôi một bản trích yếu về vấn đề này, tôi đã nhận được bản trích yếu đó vài tuần sau. Tôi đã có chút kinh ngạc khi biết được là có 30 án vụ được đệ trình hay hoàn tất ở Krakow tính từ Thế Chiến II, và danh sách này không gồm 6 người từng sống tại Krakow nhưng án vụ của họ được thực hiện tại các giáo phận khác. Đức hồng y cũng gửi kèm một danh sách gồm 28 vị đã được tuyên thánh cùng nhiều vị được tuyên chân phước, tôi tớ Chúa (là những vị đang được điều tra phong chân phước), mà thánh tích của họ được lưu giữ hay chôn cất tại Krakow.

Đúng ra tôi không cần phải ngạc nhiên như thế, bởi Krakow dù gì cũng là một thành phố Công giáo toàn tòng trong một thời gian dài. Nhưng điều thật sự đáng chú ý trong trích yếu của Đức hồng y là các án vụ của Krakow đều là về các vị sống trong thời đương đại. Đúng vậy, danh sách đó có Jadwiga, vị hoàng hậu Ba Lan ở thế kỷ XIV, và nhà giảng thuyết cổ võ lòng tôn sùng Thánh Thể ở thế kỷ XV, Stanislaw Kazimierczyk. Ngoài ra, còn có nhiều vị tử đạo trong Thế Chiến II, như cha Jozef Kowalski, một linh mục Salêdiên, bị dìm chết trong hố phân tại Auschwitz vào năm 1942 vì đã từ chối đạp lên chuỗi Mân Côi. Albert Chmielowski là một nghệ sĩ tiên phong, đã trở thành tu sĩ nhiệm nhặt dòng Phan Sinh Tôi Tớ Người Nghèo, qua đời năm 1916. Jerzy Ciesielski, một giáo dân, là bạn thân của Karol Wojtyla, cũng là người hướng dẫn Karol Wojtyla kĩ thuật chèo kayak, qua đời năm 1970. Paula Zofia Tajber là vị sáng lập một dòng tu, và năm 1963, giám mục Karol Wojtyla đã chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ an táng sơ. Jan Pietraszko là một trong các giám mục phụ tá của Đức hồng y Karol Wojtyla, và giống Wojtyla, ngài là một tuyên úy đại học nổi tiếng trong những năm 1940, 1950. Nữ tu Rozalia Celakowna qua đời năm 1944 khi đang chăm sóc các bệnh nhân bị bệnh hoa liễu; và nữ tu Hanna Chrzanowska là con gái của một giáo sư nổi tiếng, người điều hành chương trình “y tế cộng đồng” của Đức hồng y Wojtyla, phục vụ những bệnh nhân nghèo, bị chính phủ Cộng sản Ba Lan bỏ rơi.

Krakow có vẻ như là một thủ đô của “vùng địa lý của thánh nhân”, không chỉ trong quá khứ đã xa khi đức tin và lòng sùng đạo là tiêu chuẩn, nhưng còn cả lúc này, ở thời đại chúng ta, một thời khắc văn hóa trong lịch sử phương Tây khi “vùng địa lý của thiên tài” dẫn ta đến kho hàng siêu tục hóa tại Thung lũng Silicon[3]. Và chắc hẳn phải có một kết nối nào đó giữa sự nở rộ các nhân đức anh hùng (cách Giáo Hội xác định sự thánh thiện của một người) với kinh nghiệm của Krakow về cái ác gây ra bởi sự tàn phá kinh hoàng của hai chế độ chuyên chế trong thế kỷ XX, Đức Quốc Xã và Cộng sản Soviet.

Linh mục Raymond de Souza, một người bạn và đồng nghiệp cùng giảng dạy với tôi tại Krakow vài năm trước, đã chỉ ra mối liên kết ấy. Ngài nói, Krakow là “thành phố nơi thế kỷ XX bắt đầu”. Ngài nói đúng, vì hai lý do này.

Krakow là thành phố lớn thứ 2 của Ba Lan, và về truyền thống là một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học, văn hóa và nghệ thuật của quốc gia này, là nơi sinh sống trước đây của các vua Ba Lan và là một kinh đô của Ba Lan, được nhiều người Ba Lan coi là thủ đô tinh thần do lịch sử của thành phố hơn 1000 năm.

Krakow chắc chắn mang trong mình những thống khổ rất riêng của thế kỷ XX: trong giai đoạn bị chiếm đóng tàn bạo, khi quyền lực luật pháp thất thế, việc lực lượng vệ quốc Wehrmacht hay mật vụ Gestapo giết người tùy tiện là chuyện xảy ra như cơm bữa, và trong năm năm, bạn không thể biết được liệu đến sáng hôm sau, bạn còn sống hay không, chứ đừng nói chi đến sinh nhật tiếp theo của mình. Sự thống khổ này trở nên căng thẳng hơn khi hai cộng đồng Do Thái, một tại trại tập trung Plaszow do Đức Quốc Xã dựng lên ở Krakow (mà ngày nay ta biết đến qua tác phẩm Danh sách của Schinler) và một gần Auschwitz-Birkenau, nơi Đệ Tam Đế Chế[4] thảm sát người vô tội còn hơn cả các trại cải tạo lao động của Soviet, bị thủ tiêu. Sau đó còn diễn ra vụ bắt cóc các giáo sư của Đại học Jagiellonian và đưa họ đến Sachsenhausen và Dachau, vì Đức Quốc Xã muốn triệt hạ nền văn hóa tiến bộ của Ba Lan. Sự đau đớn ấy còn tiếp tục ở thời hậu chiến khi Liên Xô tước bỏ quyền tự do của Ba Lan, gây nên làn sóng bách hại chính trị và tôn giáo, vì vậy mà những người Ba Lan chính nghĩa, đáng tin cậy ủng hộ chủ nghĩa yêu nước đều bị xử tử. Cuộc bách hại này như một thứ ung nhọt trong hàng mấy thập kỷ khi giới Cộng sản nỗ lực cách đê hèn tạo ra Homo Sovieticus[5] ngay tại cố đô văn hóa của Ba Lan, để thay Krakow bằng một thành phố mới ở vùng ngoại thị phía đông, tức Nowa Huta, được chủ tâm xây dựng như một máy ấp vô thần sinh ra Người Soviet Mới.

Trước mọi kinh hoàng và đồi bại ấy, Krakow đã đáp trả. Chính tại Krakow mà một nữ tu Ba Lan vô danh, sơ Maria Faustina Kowalska, nhận được các thị kiến về Lòng Chúa Thương Xót tỏa ra từ trái tim Đấng Kitô Phục Sinh, các thị kiến sau đó được loan truyền khắp thế giới và đặt nền cho một hình thức mới của lòng đạo đức bình dân Công giáo. Hơn nữa, cũng từ Krakow mà một người thi hành sứ mạng của Chúa, Karol Wojtyla, được đưa đến Rome, và trong tư cách là giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã giảng truyền sứ điệp của Lòng Chúa Thương Xót cho một thế giới khốn khổ cần được chữa lành, sau một thế kỷ nó tàn phá nghiêm trọng nền tảng luân lý nhân loại, và vác trên mình cái ách tội lỗi trí mạng.

Sơ Faustina Kowalska (1905-1938), được tuyên thánh vào ngày 30/4/2000

Krakow ở thế kỷ XX là giao lộ duy nhất giữa cái ác với sự cao thượng: trong thần học, đó là tội lỗi và ân sủng. Khi xét kỹ, ta thấy, đó không phải là điều ngẫu nhiên, và bài học rút ra từ kinh nghiệm của người dân Krakow về sự tàn bạo khôn tả và về điều tốt lành lạ lùng không chỉ dành riêng cho Krakow và Ba Lan mà thôi. Các bài học ấy được dành cho cả thế giới, bởi chúng chạm đến sức mạnh của văn hóa, kí ức, căn tính và niềm tin, và khi được đức tin tôn giáo bù trợ và được lí trí thanh lọc, chúng sẽ uốn lại những khúc quanh của lịch sử theo hướng nhân bản hơn, ngay cả khi quỹ đạo của lịch sử đã bị làm méo lệch trầm trọng.

Khi suy nghĩ đến tất cả những điều có ý nghĩa đối với thế kỷ XXI này, chúng ta cần phải quay trở lại với lịch sử của Krakow. Vì nơi lịch sử này, ta có thể thấy một Krakow trong ba cách thức khác biệt nhưng nối kết nhau: một két sắt gìn giữ căn tính Ba Lan, một thành phố phản kháng, và một trung tâm sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.

– 02 –

Krakow : Chiếc két sắt gìn giữ căn tính quốc gia


Trong quyển sách cuối cùng của mình, Kí ức và Căn tính, Đức Gioan Phaolô II đã nói về kí ức như “khả năng khuôn hình cho căn tính của nhân loại cả ở nơi cá nhân lẫn cộng đồng”. Kí ức không thụ động, nhưng là một khả năng chủ động, giúp lưu giữ căn tính bằng quá trình “lưu truyền”, tiếng Latin là tradere, vốn là từ nguyên của hạn từ “tradition” trong tiếng Anh. Vì vậy, truyền thống là cái gì đó sống-chủ-năng động. John Henry Newman từng viết trong An Essay on the Development of Christian Doctrine rằng, truyền thống và căn tính cùng đâm chồi và tăng triển trong lịch sử, không phải bởi sự đoạn tuyệt bi thảm với quá khứ, nhưng nhờ chúng vẫn vận hành trong cái mà Newman gọi là “sự bảo tồn kiểu loại”. Điều này có vẻ đúng với truyền thống các gia đình. Nhận định này chắc chắn đúng đối với truyền thống của Giáo hội (được thể hiện rất sớm nơi chương 15 Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô). Và cũng đúng đối với Krakow. Tại đây, ý nghĩa của Ba Lan, hoặc có lẽ đúng hơn, điều mà Ba Lan cố gắng trở thành trong khả năng của mình, đã được xác định, được giữ gìn, và được phát triển qua hơn mười thế kỷ sóng gió, được lưu dấu nơi nhiều học viện và tòa nhà nguy nga, nơi một hoàn cảnh văn hóa đặc thù, và nơi cuộc đời của những người nam người nữ đã để lại một dấu ấn không phai nơi dòng đời của một thành phố là hiện thân mọi khát vọng của cả một quốc gia.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Ba Lan tháng 06/1979, cũng là quê hương của ngài.

Lịch sử của một thực thể chính trị quốc gia đặc thù được gọi là “Ba Lan” bắt đầu vào năm 966 với việc hoàng tử Mieszko I của triều đại Piast chịu phép rửa. Việc Mieszko trở thành Kitô hữu cùng với việc thần dân của ông đón nhận Kitô giáo Latin đã đưa Ba Lan bước vào một dòng chảy đặc biệt. Một dân tộc Slavs, nói tiếng Slavs nhưng lại dùng bảng chữ cái Latin với một chút thay đổi và cử hành việc thờ phượng bằng nghi lễ Latin của một Giáo hội Kitô sẽ bị phân rẽ sau đó. Ngay từ khởi đầu, Ba Lan đã được thành lập như một giao lộ, một nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa vốn đang gặp thách thức biến chuyển sự đa dạng hay khác biệt thành chủ nghĩa đa nguyên, để có thể sống trong cuộc gặp gỡ đa diện hầu sự giao thoa ấy làm phong phú căn tính riêng của từng nền văn hóa.

Ta cần nhớ rằng, Ba Lan từng nắm trong tay quyền lực lớn thứ hai châu Âu, trải dài từ vùng Baltic đến Biển Đen, từ vùng nói tiếng Đức ở phía Tây tiệm cần dần đến Moscow ở phía Đông; và trong tất cả những gì có thể nói về Ba Lan, thì không gì có thể biểu trưng cho Ba Lan như giao lộ văn hóa cho bằng Rynek Glowny, Quảng trường chính Krakow. Vào năm 1257, thành phố được ghi nhận đã thành lập từ thế kỷ IX này thừa nhận các quyền Magdeburg[6], là một dạng hiến pháp dân sự dựa trên luật liên đoàn thời trung cổ. Không lâu sau đó, trung tâm thành phố thay đổi khi Quảng trường chính rộng lớn như ta biết hiện nay được xây dựng: không gian công cộng rộng nhất châu Âu, với kích thước 650×650 feet, chiều rộng và chiều dài tuyệt đối của nó chỉ thua mỗi quảng trường Piazza San Marco ở Venice.

Ngày nay, quảng trường được bao quanh bởi những tòa nhà 4-5 tầng được sơn màu pastel, từng là dinh cơ của các nghị viên thượng viện và nơi ở của thị dân Ba Lan, và nay là văn phòng, căn hộ, nhà hàng và cửa hàng. Các công trình nổi bật của quảng trường bao gồm Sukiennice vĩ đại (Hội trường Vải), trung tâm mua sắm đầu tiên của vùng Trung Âu, và Mariacki, Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mông Triệu tráng lệ theo lối gothic. Trong nhiều thế kỷ, quảng trường là nơi người ta có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ, là nơi các cuộc viễn chinh thương mại được hoạch định, là nơi Tây-Đông gặp gỡ và các dân tộc Bắc Âu gặp người hàng xóm ở phía Nam, và là nơi các kế hoạch giành lại sự tự do quốc gia được bàn thảo trong suốt giai đoạn Ba Lan bị đày khỏi bản đồ châu Âu.

Quảng trường chính tại thành phố Krakow
Quảng trường chính tại thành phố Krakow

Gần đây hơn, cụ thể vào ngày 13/5/1981, hàng trăm ngàn người dân Krakow đã tuôn về quảng trường để dự “Thánh lễ trắng” được chuẩn bị gấp rút và được Đức hồng y Macharski cử hành tại bậc thềm tiền sảnh Mariacki. Hôm đó, nhiều người Ba Lan mặc đồ trắng đến cầu nguyện cho vị nguyên Tổng giám mục của họ, vài giờ sau khi vị này bị bắn tại Quảng trường thánh Phêrô; lúc này họ đều nghĩ sự việc là do Soviet gây ra với nỗ lực dọn dẹp nguồn cảm hứng của cuộc cách mạng lương tâm sẽ lan ra toàn cõi Trung-Đông Âu sau đó[7].

Nếu Quảng trường chính biểu trưng cho kí ức lịch sử về Ba Lan như nơi con người gặp gỡ và sự đa dạng được biến đổi thành các hình thức cộng đồng khác nhau, thì cụm di tích gần đó trên đồi Wawel sẽ nói về lịch sử cứu độ và tương quan của thành phố này với lịch sử thế giới. Như được ghi lại trong lịch sử Krakow, ngọn đồi này vừa là thủ đô chính trị (năm 1038-1596) vừa là thủ đô tâm linh (thế kỷ XI-XX) của Ba Lan. Tại đỉnh dốc đá vôi của đồi Wawel và có thể trông thấy từ thành phố, chính là Lâu đài Hoàng gia và Nhà thờ chính tòa thánh Wenceslau và Stanislaw; hai tòa nhà này thông với nhau qua một cánh cổng có khắc dòng Si Deus nobiscum quis contra nos – Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta trích từ thư Rôma 8,31. 

Tòa lâu đài này là một biểu tượng tráng lệ của các nền văn hóa có thể đối thoại và làm phong phú lẫn nhau. Nơi đây từng là hoàng cung của các vua Ba Lan và được tân trang vào đầu thế kỷ XVI theo phong cách Thượng Phục Hưng Ý theo ý của vua Zygmunt I và hoàng hậu Bona Sforza, một phụ nữ người Milan. Khu hầm mộ của nhà thờ là nơi an táng các vị vua và hoàng hậu, những người từng trị vì Ba Lan từ tòa lâu đài này hoặc sau đó từ Warsaw. Ta có thể tìm gặp mộ vua Jan III Sobieski, là người đã đánh bại quân Thổ tại thành Vienna năm 1683 và sau đó là dẹp tan cuộc tấn công cuối cùng của thế giới Islam trên toàn châu Âu. Đối diện mộ vua Sobieski trong nhà nguyện thánh Leonard ở khu hầm mộ là nơi an nghỉ cuối cùng của tướng Tadeus Kosciuszko, người đã chiến đấu cho sự tự do của người Mỹ và sự độc lập của Ba Lan, và mẫu gương của ông vẫn để lại nhiều cảm hứng cho các nhà yêu nước Ba Lan sau này (trong đó có các phi công thuộc phi đội Kosciuszko của Không quân Hoàng gia Anh trong trận Không chiến tại Anh); họ chọn khẩu hiệu chiến đấu này để thể hiện nguyện vọng của quốc gia và thế giới: Za naszą i waszą wolność – Vì sự tự do của bạn và của chúng ta. Ở trung tâm gian giữa của nhà thờ là quan tài bằng bạc của thánh Stanislaw, người khơi dậy truyền thống các giám mục Krakow trở thành người bảo vệ các quyền của dân chúng. Một trong những vị đại diện cho truyền thống đó và sống gần với chúng ta nhất là Đức hồng y Adam Stefan Sapieha, được an táng ngay trước bàn thờ thánh Stanislaw; vị Tổng giám mục này đã thách thức tên thổ phỉ Phát Xít Hans Frank.

Việc tôn kính thánh Stanislaw lại không bắt đầu từ Wawel, nhưng từ nơi ngài chịu tử đạo, cách đó nửa dặm, tại Skalka, nghĩa là “tảng đá nhỏ”; khu vực này của thành Krakow cho ta biết cách sâu sắc nhất về sự tự do tôn giáo và tầm quan trọng của sự tự do này đối với xã hội dân sự và đời sống cộng đồng. Tại đây vào năm 1079, Đức giám mục Stanislaw của Szczepanow, đôi khi được biết đến tại các nước nói tiếng Anh như “Becket của Ba Lan”[8], bị vua Boleslaw Người hào phóng hạ sát, vì vua nghĩ giám mục Stanislaw là mối đe dọa với vương quyền của ông. Việc tôn kính vị giám mục tử đạo này không chỉ khiến cho ông vua đó bị lưu đày[9]. Bằng việc khắc sâu sự tự do của Giáo hội vào kí ức quốc gia Ba Lan, việc tôn kính thánh Stanislaw như một mảnh ghép trong bức tranh ghép hình phức tạp về sự phát triển của một xã hội dân sự độc lập và về sự tự do tôn giáo tại Ba Lan: đây là một đối lập rõ ràng với sự lệ thuộc của tôn giáo vào thẩm quyền chính trị, vốn chiếm ưu thế tại phương Đông với Chính Thống giáo Nga.

Thi hài thánh Stanislaw (1030-1079) nằm trong quách bạc, tại vương cung thánh đường Wawel, Krakow, Ba Lan. Sinh thời ngài là Giám mục Krakow.

Vị giám mục tử đạo này không phải là người Krakow duy nhất đã khắc ghi sự tự do tôn giáo và sự ưu việt của niềm tin tôn giáo trên sự áp bức vào trong kí ức văn hóa và căn tính của Krakow và Ba Lan. Còn phải kể đến Pawel Wlodkowic, một giáo sư ở thế kỷ XV của Học viện Krakow (tiền thân của Đại học Jagiellonian); vị giáo sư này đã tranh luận tại Công đồng Constance chống lại việc các Hiệp sĩ Teutonic dùng gươm ép người khác cải đạo. Ngoài ra, còn có vua Zygmunt August, vị quốc vương cuối cùng của triều đại Jagiellonian; trong suốt giai đoạn nổ ra các cuộc tranh cãi Cải cách ở thế kỷ XVI, vua đã nói với giới quý tộc Ba Lan rằng ông không phải là “vị vua cai trị lương tâm mọi người”.

Quảng trường chính, Wawel, Skalka và Đại học Jagiellonian (nơi khẩu hiệu Plus ratio quam vis – Lý trí hơn vũ lực được khắc vào phiến đá nơi lối dẫn vào Aula Magna của Collegium Maius) là bốn biểu tượng của kí ức văn hóa quốc gia Ba Lan: truyền thống sống động này giữ vai trò quan yếu trong việc gìn giữ quốc gia của người Ba Lan khi chính quyền Ba Lan bị xóa sổ khỏi bản đồ châu Âu trong đợt Phân chia Ba Lan lần thứ ba năm 1795[10], phần lãnh thổ còn lại của một quốc gia 800 năm tuổi bị phân chia cho Nga, Phổ và Áo. Phải mất 123 năm sau, tức vào năm 1918, sự độc lập của Ba Lan mới được hồi sinh. Trong khoảng thời gian đó, quốc-gia-Ba-Lan sống sót nhờ sức sống mãnh liệt của kí ức văn hóa của mình: chính ngôn ngữ, văn học và đức tin tôn giáo đã nuôi dưỡng lý tưởng về một Ba Lan mà người Nga đã cố diệt trừ, người Phổ cố chiếm giữ và người Áo thì cố cô lập ít nhiều. Nằm trong phần lãnh thổ Ba Lan bị chia tách và chịu sự kiểm soát của Áo, Krakow được tự do hơn trong việc bảo tồn kí ức quốc gia, và do đó, có cả niềm khát vọng độc lập nữa. Chính Phố Cổ Krakow, trung tâm của thành phố thời trung cổ, từng có tường cao và cổng lớn, sau là vành đai xanh, tức công viên Planty, bao quanh, là hiện thân cho các kí ức về sự tự do trong quá khứ của một chính thể nhìn nhận sự tự do của Giáo hội, sự độc lập của văn hóa và học thức, cùng các đặc quyền của xã hội dân sự.

Trong suốt giai đoạn Ba Lan bị lưu đày khỏi số các quốc gia độc lập, Krakow đã trở thành chiếc két sắt lưu giữ căn tính mà từ đó, một Ba Lan mới được hạ sinh. Và điều cốt lõi của căn tính ấy chính là niềm tin rằng, đức tin tôn giáo, được lí trí thanh lọc, là một lực lượng giải phóng các vấn đề nhân sinh và là một người cầm vô lăng của lịch sử.

– 03 –

Krakow : Thành phố phản kháng


Với tất cả những gì được thể hiện trên sách vở và phim ảnh về Thế Chiến II, khá ít người đương thời ở phương Tây biết đến những điều khủng khiếp đã xảy ra tại Ba Lan từ năm 1939 đến 1945. Một phần năm dân số, gồm hầu hết những người Do Thái Ba Lan, đã bỏ mạng trước khi cuộc chiến kết thúc. Các thành phố của Ba Lan bị tàn phá tan hoang. Chính từ hành động trả đũa của Hitler theo lối Carthage đáp lại cuộc khởi nghĩa Warsaw diễn ra vào tháng 8-9/1944, mà sau khi thế chiến kết thúc, thủ đô Ba Lan không còn một công trình nào cao hơn 3 feet[11]. Từng người một trong số 23 ngàn người, gồm các sĩ quan Ba Lan thuộc nhiều cấp bậc, là những người được kì vọng sẽ lãnh đạo Ba Lan thời hậu chiến, đã bị xử bắn bởi mật cảnh Soviet NKVD, trong cuộc thảm sát tại rừng Katyn tháng 4-5/1940. Sau khi được Hồng quân Liên Xô giải phóng khỏi Phát Xít, thì trong giai đoạn hậu chiến, một lần nữa, Ba Lan lại bị chiếm đóng: cuộc chiếm đóng của Cộng sản, bị dân Ba Lan kháng cự nhưng lại được hậu thuẫn bởi sự tàn ác của mật cảnh và quân đội Soviet. Bị phương Tây bỏ rơi tại các hội nghị Tehran và Yalta, Ba Lan năm 1945 bắt đầu bước vào một giai đoạn bị giam lõng khác, kéo dài 44 năm sau đó.

Krakow là thành phố lớn duy nhất tại Ba Lan không bị bình địa trong cuộc chiến: năm 1939, quân Đức đánh chiếm thành phố quá nhanh, và đã vội vã rút quân vào tháng 01/1945, để thỏa mãn thú tàn sát vô cớ của lính Phát Xít[12]. Trong khi cuộc chiếm đóng diễn ra khốc liệt ở mọi phương diện có thể hình dung được với mục tiêu tàn sát người Ba Lan để mưu danh hơn nữa cho Đế Chế Ngàn Năm[13] thì tinh thần của Krakow vẫn đứng vững. Cuộc sống ở giai đoạn đó, mà Hồng y Karol Wojtyla gọi là “đêm tối dài đằng đẵng của cuộc chiếm đóng” ngày nay có thể được khám phá tại một bảo tàng tráng lệ, được dựng tại khu các nhà máy sản xuất đồ pháp lam trước đây của Oskar Schindler[14]. Sự kiên cường của người dân Krakow trong việc đấu tranh giành tự do vẫn tồn tại trong suốt giai đoạn bị chiếm đóng dưới nhiều hình thức phản kháng khác nhau, trong đó có Rạp Rhapsodic của Wojtyla[15], một nỗ lực bảo tồn kí ức văn hóa như một thứ thuốc giải cho sự tuyệt vọng. Sự kiên trì liên lỉ đòi độc lập đó đã nhanh chóng bày tỏ được tiếng nói của mình trong giai đoạn Cộng sản hậu chiến. Krakow là nơi có phần trăm số phiếu bài Cộng sản cao nhất trong hai cuộc “bầu cử” trá hình, được tổ chức nghiêm ngặt vào năm 1946 và 1947; hai cuộc bầu cử này chính là tấm áo ngụy trang thô bỉ cho tính hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan mới thành lập và Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan cầm quyền.

Phát xít Đức hành quyết công khai các tu sĩ và dân thường Ba Lan tại Quảng trường chính, 1939, trong sự kiện quân Phát xít chiếm đóng Ba Lan trong Thế Chiến II

Lời đáp trả của chính quyền độc đảng này trước sự cương quyết của người dân Krakow chính là việc xây dựng một thành phố mới, một thành phố thay thế, sẽ sinh ra Người Soviet Mới cùng với thép. Do đó, Nowa Huta[16] ở ngoại ô phía Đông Krakow trở thành “thành phố công nhân kiểu mẫu”, người trẻ trên khắp Ba Lan sẽ được thuê đến đây làm việc. Nowa Huta không chỉ là nơi đầu tiên trong lịch sử Ba Lan được chủ đích xây dựng mà không có một nhà thờ, mà còn là một thành phố không có một ràng buộc truyền thống nào với quê hương, là nơi cha mẹ, linh mục, nữ tu dạy người trẻ một trật tự luân lý và một thái độ sống khác hẳn với thứ được người Cộng sản Ba Lan cổ xúy, là những người rao bán tình yêu tự do trong khi Haight-Ashbury lúc ấy chỉ là một khu phố ở San Francisco[17].

Mọi thứ diễn ra tại Nowa Huta đều là chủ trương phản trắc với Phố Cổ Krakow. Nghệ thuật công cộng là biểu dạng thô bỉ nhất của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thì tầm thường đến nỗi khiến Walter Gropius và các kiến trúc sư theo Phong cách Quốc tế lại có vẻ giống với Gian Lorenzo Bernini hay Christopher Wren[18]. Những đại lộ rộng lớn của Nowa Huta được xây dựng trên một quy mô dã man và khổng lồ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc diễu hành rầm rộ của các robot hình người[19] vào ngày Quốc tế Lao động và các dịp lễ hội khác của Cộng sản. Rồi còn có những dãy căn hộ rộng lớn, nhưng các căn hộ bên trong lại nhỏ, để hạn chế số các gia đình đông người. Ở trục dài giữa mỗi tòa nhà, không có một lối đi nào. Để có thể thăm hàng xóm sống ở căn hộ bên cạnh, bạn phải xuống lầu, rời tòa nhà, đi vào một cánh cửa khác, rồi lại lên lầu. Cách thức này tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của mật cảnh ẩn nấp khắp nơi trong khi vẫn ngăn cản được việc thành lập các cộng đồng ngoài Đảng.

Nhưng chủ trương vô thần của Nowa Huta mới là đặc điểm đáng chú ý nhất, và thành điểm trọng tâm trong một chiến dịch phối hợp dài hơi chống lại cuộc thử nghiệm tái tạo con người của Cộng sản Ba Lan.

 Không lâu sau khi Nowa Huta được xây dựng, đám đông dân chúng đã bắt đầu tụ họp tại một cánh đồng rộng lớn, yêu cầu được cử hành Thánh lễ, nói cách khác, để đánh dấu khu đất họ muốn dùng để xây dựng một nhà thờ. Ngày 24-25/12/1959, Giám mục Karol Wojtyla cử hành thánh lễ đêm Giáng Sinh tại cánh đồng rộng lớn đầy tuyết đó với sự tham dự của hàng ngàn người dưới cái lạnh cắt da cắt thịt. Ngài vẫn còn tiếp tục truyền thống này khi đã trở thành Tổng giám mục vào năm 1964. Stanislaw Dziwisz, vị thư ký của ngài trong một thời gian dài, sau này nói, cuộc đấu tranh với chế độ Cộng sản Ba Lan để đòi xây một nhà thờ tại Nowa Huta đã vĩnh viễn định hình cho chương trình mục vụ của Tổng giám mục Wojtyla, như cách nó đã vĩnh viễn khuôn hình tính cách của ngài như người bảo vệ bất khuất các quyền con người, các quyền tự do lương tâm và tôn giáo”.

Trong hơn 14 năm đức cha Wojtyla thi hành sứ vụ Tổng giám mục Krakow, “điểm gặp gỡ” nổi bật giữa vị giám mục và thành phố của ngài dần hình thành. Đức Tổng giám mục Wojtyla là con người của học thức và văn hóa, sống trong một thành phố từ lâu đã là trung tâm quan yếu của nghệ thuật, khoa học và giáo dục khai phóng. Đức hồng y Tổng giám mục Sapieha, người đã truyền chức linh mục cho Wojtyla, đã huấn luyện Wojtyla trong truyền thống Stanislaw về một vị giám mục như là defensor civitatis. Wojtyla thấu hiểu người dân sống ở nội thành lẫn ngoại thành nhờ những cuộc viếng thăm mục vụ các giáo xứ và nhờ việc tiếp xúc, gặp gỡ dân chúng thuộc mọi tầng lớp. Có lần ngài chia sẻ, “mỗi phiến đá và mỗi viên gạch của thành phố này đều thân thương với tôi”. Chính tại thành phố này, trong cuộc rước Thánh Thể hàng nằm gần Wawel, một thi sĩ, cũng là một học giả, vốn không quen ăn to nói lớn đã học biết cách trở thành một nhân vật vĩ đại của công chúng, khi khảng khái tuyên bố, không chỉ riêng đoàn chiên Công giáo mà cả mỗi người dân Krakow, mỗi người dân Ba Lan đều có quyền thụ hưởng sự tự do tôn giáo và các quyền tự do cơ bản khác của con người.

Trong chuyến tông du anh hùng đầu tiên đến Ba Lan vào tháng 6/1979, vào bốn ngày cuối cùng trong hành trình 9 ngày, mà từ đó lịch sử thế kỷ XX bắt đầu xoay chiều, Đức Wojtyla đã quay trở lại nơi mà ngài gọi là “Krakow thân yêu của tôi”. Tại đây, ngày 10/6/1979, Đức Wojtyla đã hợp nhất tất cả những gì ngài đã học tại và từ Krakow trong một bài giảng thời danh, trước một cộng đoàn hơn một triệu tín hữu tại Blonia Krakowskie, công viên Blonia. Trong bài giảng được xem là kiệt tác của nghệ thuật truyền giáo ấy, Đức Gioan Phaolô II đã đan kết bề dày lịch sử Wawel với Skalka, vẻ đẹp của Mariacki với sự rộng mở của Quảng trường chính, truyền thống giáo dục khai phóng của Đại học Jagiellonian với các bài học rút tỉa từ cuộc đấu tranh tại Nowa Huta. Ngài kêu gọi nhân dân Ba Lan xây dựng một tương lai mới, và để làm được điều đó, họ phải phục hồi và nhìn nhận kí ức quốc gia, truyền thống sống động của dân tộc mà họ chính là người thừa kế và trông giữ. Ngài nài xin quyền năng Thánh Thần tuôn đổ trên họ, và tha thiết xin họ: “Đừng tự cắt bỏ chính mình khỏi cội rễ mà nhờ đó ta được sinh ra. Hãy tin tưởng, và hãy luôn tìm kiếm sức mạnh thiêng liêng nơi Thánh Thần, mà vô số thế hệ cha ông chúng ta đã tìm thấy sức mạnh ấy nơi Ngài. Đừng bao giờ đánh mất sự tự do thiêng liêng của anh chị em”.

Họ đã nghe ngài. Và cùng với nhiều người trên khắp Ba Lan, họ bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng lương tâm, mà qua hơn 10 năm gian khổ, sẽ thiết tạo nên một dạng thức mới của cuộc cách mạng chính trị, mà vũ khí hạng nặng của chủ nghĩa Cộng sản không thể địch lại được. Thân xác của Phong trào Công đoàn Đoàn kết đã được thụ thai, thành hình và được hạ sinh tại cảng Gdansk ở vùng biển Baltic; còn linh hồn của nó đã trưởng thành ngay tại Krakow.

– 04 –

Krakow : Thành phố của Lòng Chúa Thương Xót


Có nhiều lý do giải thích vì sao vào tháng 6/1979, Đức Gioan Phaolô II có thể làm điều mà không ai khác có thể làm trước đó. Chắc chắn một trong những nguyên nhân đó là, ngài là một người con của Krakow, tại đây Lòng Chúa Thương Xót và quyền năng chữa lành những mảnh đời tan vỡ đã được mặc khải cho một nữ tu đơn thành, người nhờ xác tín nơi Chúa, Jezu ufam tobie – Lạy Đức Giêsu, con tín thác nơi Ngài, đã giúp người khác can đảm phó thác nơi Đấng có quyền năng vượt trên sự áp bức, và trên cả cái chết nữa.

Karol Wojtyla khi còn trẻ chưa từng gặp sơ Maria Faustina Kowalska, người qua đời vào tháng 10/1938. Nhưng trong suốt nhiều năm thời chiến làm công nhân tại một nhà máy hóa học tại quận Borek Falecki của Krakow, ngài đã từng tản bộ ngang qua tu viện, nơi sơ Faustina lìa đời và được an táng, và ngài cũng thường dừng lại đây để cầu nguyện. Câu chuyện về sự hy sinh của cha Maximilian Kolbe tại Auschwitz đã gợi hứng cho ngài về một đời linh mục anh hùng thế nào, thì sơ Faustina cũng ảnh hưởng đến ngài như thế trong hệ trật ân sủng. Điều này cũng đúng với các thánh Krakow khác, mà di sản của các ngài đã vun đắp đời sống thiêng liêng phong phú của Wojtyla. Stanislaw, Jadwiga, Albert Chmielowski, Jan Kanty và tất cả những ai mà nhân đức anh hùng của họ đã chạm đến cuộc đời của Wojtyla thì đều vun đắp tâm hồn của người mà vào đúng thời đúng lúc sẽ được phong thánh nhanh hơn bất kỳ ai đã gợi hứng cho ngài.

Trong số đông các chứng nhân vĩ đại ấy, thánh Faustina đứng ở một vị thế rất riêng, có lẽ như một cây cầu lạ thường bắc giữa Công giáo Trentô, mà sơ là một đại diện, với Công đồng Vatican II, sau được Đức Gioan Phaolô II diễn giải cách tường tận[20].

Trong lá thư gửi cho Ủy ban Tiền Trù bị đang soạn thảo nghị trình của Công đồng, Đức cha Karol Wojtyla đã viết rằng, một cuộc khủng hoảng nhân loại, trong cách hiểu của phương Tây là về chính con người, là lý do thực sự gây ra màn cảnh kinh sợ của thế kỷ XX: các trại tử thần của Phát Xít và Cộng sản, nạn đói ở Ukraine, cuộc bách hại lớn nhất trong lịch sử Kitô giáo, và tất cả những gì gây ra bởi các học thuyết chủng tộc điên rồ hay bởi chủ thuyết Marxist giản hóa nhân loại cùng lịch sử nhân loại chỉ còn là những tư liệu sản xuất[21]. Chế độ cực quyền chuyên chế đã giết chết hàng chục triệu người; và nó còn đào khoét nhiều hố sâu trong nền tảng luân lý nhân loại. Những hố sâu đó không thể được vá lấp chỉ bằng sự thịnh vượng hay sự tự do chính trị mà thôi. Cả hai điều đó sẽ tự diệt nếu chúng không được đặt nền trên chân lý về con người, bao gồm chân lý rằng khuynh hướng con người nghiêng về sự dữ có thể được chặn lại nhờ quyền năng ân sủng của Thiên Chúa, như tội lỗi nhân loại có thể được xoa dịu nhờ kinh nghiệm về Lòng Chúa Xót Thương.

Và ta có thể tìm thấy mặc khải về ân sủng và lòng thương xót của Chúa ở đâu? Cũng trong lá thư trên, Wojtyla viết, người Kitô hữu chỉ có thể tìm thấy mặc khải ấy nơi Đức Giêsu Kitô. Đó là lý do vì sao ngài đề nghị Công đồng Vatican II tiến hành cuộc đại giải cứu quy Kitô, giúp dự phóng nhân văn của phương Tây khỏi sa lầy hơn nữa vào thuyết duy ngã cố hữu bằng cách khẳng định rằng, trong Đức Kitô chúng ta gặp được cả gương mặt Chúa Cha thương xót và chân lý về nhân loại chúng ta.

 Wojtyla sau đó đã giúp ghi niềm tin ấy vào đoạn 22 của Gaudium et Spes, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay của Công đồng. Đó cũng là niềm tin của người Krakow, mà có lẽ đã được đâm rễ từ những buổi chiều muộn ngài cầu nguyện tại nhà nguyện tu viện của sơ Faustina. Chính tại nơi đây, trong suốt cuộc chiếm đóng gần như hơn một lần đã có thể giết chết mình, một chàng trai trẻ trong chiếc quần bò và đôi guốc gỗ đã tìm thấy câu trả lời cho những kinh hoàng đang bủa vây. Và chàng trai ấy tìm thấy câu trả lời trong đức tin. Đó là đức tin đã dạy ngài biết rằng, lòng thương xót của Chúa thì mạnh hơn những tàn bạo của con người. Đó là đức tin đã nuôi dưỡng trong ngài sự can đảm rất riêng và dạy ngài phản kháng lại sự dữ mà thế giới này nghĩ là không thể đánh bại và không thể thay đổi. Đó là đức tin giúp ngài dám đòi hỏi người khác: “Đừng sợ!”. Sự can đảm phát xuất từ ân sủng mà ngài tin tưởng có thể làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Trong kinh nghiệm của người Krakow, chính Lòng Chúa Thương Xót có khả năng thay đổi và biến đổi thế giới. Đây không phải là lời “Tôi ổn, bạn ổn” theo kiểu cách Kitô hữu, cũng không phải là lá bùa hộ mạng. Lòng thương xót của Thiên Chúa mà Karol Wojtyla học biết được tại Krakow và giảng truyền cho cả thế giới, cũng đã thúc đẩy Đức giáo hoàng Phanxicô mở Năm thánh Lòng Thương Xót mà người Công giáo hoàn vũ sẽ cử hành trong năm nay, là một kinh nghiệm phong phú, đã qua thử lửa, về ân sủng.

– 05 –

Những bài học từ Krakow


Krakow cùng kinh nghiệm riêng biệt của thành phố này trong thế kỷ XX nhắc chúng ta nhớ đến sức mạnh của văn hóa trong lịch sử. Kí ức quốc gia, được văn hóa quốc gia nuôi dưỡng, đã bảo tồn căn tính quốc gia trong 125 năm bản đồ châu Âu không có tên “Ba Lan”, theo cách mà nó đã bảo tồn căn tính ấy để chính phủ Ba Lan có thể tái sinh từ đống hoang tàn của Thế Chiến I. Kí tức quốc gia, được văn hóa quốc gia nuôi dưỡng, cũng đã bảo tồn căn tính quốc gia trong suốt thời gian Ba Lan bị Phát Xít chiếm đóng và nền tự do của Ba Lan bị Cộng sản tước đoạt. Đối mặt với sự lấn át của sức mạnh vật chất và trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, sức mạnh của kí ức quốc gia, được cưu mang nơi một truyền thống sống động và đang lớn lên từng ngày, đã trao cho Ba Lan khả năng lập lại lời hứa về sự tự do và hạ sinh một tương lai mới và nhân văn hơn.

Kinh nghiệm này như một lời khiển trách dành cho những ngụy biện của phái Jacobin và Marxist. Theo phái Jacobin, chính trị, được hiểu như là việc truy tìm quyền lực và được giải thích như khả năng áp đặt ý chí lên người khác, mới là tác tố chính của lịch sử[22]. Còn theo chủ thuyết Marxist, “lịch sử” chỉ là thứ sản phẩm phụ sinh ra từ những lực lượng kinh tế khách quan[23]. Cả hai thứ ngụy biện này đã tạo ra cái lò sát sinh của thế kỷ XX. Và sự bác bỏ của Krakow với chúng lại là một món quà tuyệt vời cho tương lai.

Tuy nhiên, để được tự do, kí ức văn hóa buộc phải đặt nền trên chân lý, nhất là chân lý về con người, mà chúng ta có thể nhận biết bằng lí trí và mặc khải. Như Đức Gioan Phaolô II đã giải thích trong chuyến tông du 9 ngày vào tháng 6/1979: một kí ức như thế, nhờ đặt nền trên chân lý, mới có thể lan tràn cách hiệu quả như một phương tiện phản kháng sức mạnh vật chất đang chiếm ưu thế.

“Ý tưởng sinh kết quả” đã trở thành một sáo ngữ[24]; lịch sử Krakow là một lời nhắc nhở hữu ích rằng, lời sáo rỗng ấy phơi bày một chân lý quan trọng về hoàn cảnh nhân sinh. Khi các hình thức mới của chủ nghĩa duy vật, vì tàn bạo cách kín kẽ hơn nên có sức quyến rũ hơn chủ thuyết Marxist, đe dọa dự phóng khai hóa của phương Tây, thì chúng ta lại cần đến mẫu gương của Krakow. Chủ nghĩa duy vật về cái mà Leon Kass gọi là dự phóng về sự bất tử, trở nên khả dĩ nhờ khoa tân di truyền học và nhờ cuộc cách mạch công nghệ sinh học, được gói lại cách bắt mắt trong lớp áo của lòng trắc ẩn[25]. Giữa ý niệm của chủ nghĩa duy vật sinh học về con người như đối-tượng-có-thể-thao-túng với những suy biến của nhân loại do kinh tế và phân biệt chủng tộc, là gốc rễ sinh ra Đức Quốc Xã và Cộng sản Soviet; thật chẳng có khác biệt rõ ràng nào. Sự khác biệt duy nhất có giữa chúng chính là ở sự tô vẽ của chủ nghĩa duy vật sinh học. Hậu quả của vấn đề này đã được Aldous Huxley vạch rõ trong tiểu thuyết Brave New World[26]: sự tự do bị phân rã và thứ chủ nghĩa độc đoán mới được thai nghén.

Krakow cũng đã dạy chúng ta rằng, đức tin và lí trí không đối kháng nhau. Là trung tâm học thức trong hơn nửa thiên niên kỷ, Krakow là hiện thân cho chân lý được Đức Gioan Phaolô II giảng giải trong Fides et Ratio: nếu niềm tin tôn giáo không muốn suy thoái thành mê tín dị đoan, thì đức tin phải được lí trí thanh lọc. Tại Krakow, Copernicus đã bắt đầu xét lại mối tương quan giữa hành tinh của chúng ta với toàn vũ trụ. Tại Krakow, Karol Wojtyla đã bắt đầu xét lại các nền tảng triết học của sự tự do. Cả hai công việc này đều được thực hiện bởi những người của đức tin và của lí trí, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến “thế giới thực” của những nhà yếm thế.

Ngoài ra, lịch sử hiện đại của Krakow cũng cho ta thấy, lí trí nếu tách rời khỏi đức tin có thể thoái giảm thành sự phi lí, kèm theo là những hậu quả khủng khiếp về một “thế giới thực”. Hai chế độ cực quyền chuyên chế ở thế kỷ XX đã gây ra nhiều đau thương cho Krakow chính là thứ chủ nghĩa siêu thế tục[27] tự cho mình là hợp lí, nhưng thực ra lại hoàn toàn phi lí và đồi bại đến kệch cỡm. Thật xuẩn dại khi đánh cuộc rằng, dạng thức ngày nay của chủ nghĩa siêu thế tục, mà sự hung hăng của nó ngày càng nhan nhản quanh ta, sẽ làm cho cuộc sống cá nhân, tương quan nhân loại hay đời sống cộng đồng được hạnh phúc hơn.

Cuối cùng, Krakow, và Wawel cách riêng, dạy chúng ta rằng, lịch sử cứu độ và lịch sử thế giới không chảy trên hai dòng song song không bao giờ giao nhau. Hơn hết, Krakow dạy rằng, lịch sử cứu độ – thuật ngữ được tôn giáo Kinh Thánh dùng để mô tả hành động của Thiên Chúa trong thế giới – chính là hạt nhân của lịch sử thế giới. Bên trong loại lịch sử được phân kì thành “Nền văn minh cổ đại”, “Hy Lạp và La Mã”, “Thời Trung cổ”, “Phục hưng và Cải cách”, “Thời đại Lí trí”, “Thời đại Khoa học” và “Thời đại Không gian” là một loại lịch sử khác năng động hơn với các kì “sáng tạo”, “lời hứa”, “ngôn sứ”, và “cứu chuộc”. Những ai hiểu được sức mạnh của loại lịch sử ấy và sống theo dòng chảy lịch sử ấy đều có thể rút ra cái tốt từ cái xấu, vì họ có thể nhìn thấy ánh sáng ở nơi tối tăm nhất. Ánh sáng của Đấng Quan Phòng, thông qua những cách thức nhân loại mở ra với ân sủng, có thể truyền cảm hứng cho đời sống cá nhân và cộng đồng, ngay cả giữa những tàn bạo chết người nhất.

Krakow, thành phố nơi thế kỷ XX bắt đầu, dạy chúng ta, rằng trong dòng chảy lịch sử, không gì là không thể tránh được; rằng mọi việc đã có thể không như bây giờ; rằng con người, nhờ đặt niềm tin nơi chân lý, có thể thành công trong việc phản kháng lại sự dữ trong mọi hình thức tồn tại của nó, gồm cả chủ nghĩa yếm thế. Krakow dạy chúng ta rằng, cái tốt có thể được rút ra từ cái ác, và thảm kịch lịch sử cuối cùng sẽ là cái mà Dante biết nó sẽ là: một vở kịch của Thiên Chúa[28]; theo đó, sự thanh luyện trí óc và con tim nhờ gặp được lòng thương xót của Chúa sẽ giúp con người nhận biết được Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, và nhờ đó mà tìm ra được một giải pháp đúng đắn cho các vấn đề nhân sinh.

Bài viết trích dịch từ tác phẩm: City of Saints: A Pilgrimage to John Paul II’s Krakow của các tác giả George Weigel, Carrie Gress, Stephen Weigel.

Người dịch: QMartinez

CHÚ THÍCH BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT


[1] The Geography of Genius (xuất bản lần đầu năm 2016) là một công trình mà tác giả của nó, Eric Weiner, xem là “một cuộc tìm kiếm những nơi tiến bộ nhất trên thế giới, từ Athens cổ đại đến Thung lũng Silicon”; cụ thể, tác giả đã khảo qua Athens, Florence, Edinburgh, Calcutta, Thượng Hải, Vienna và Thung lũng Silicon.

[2] Giễu nhại (irony, gốc Hy Lạp là εἰρωνεία, tức giả vờ) nói đến thái độ chủ đích nói gì đó trái ngược với sự thật dưới lớp vỏ ngôn ngữ có vẻ ủng hộ sự thật (nghĩa bề mặt và nghĩa hàm ẩn không giống nhau). Yếm thế (cynicism, gốc Hy Lạp là κυνισμός, tức giống chó) vốn là một học thuyết triết học Hy Lạp cổ (gọi là thuyết khuyển nho hay thuyết yếm thế), đề cao việc sống theo bản tính sẵn có, tối giản và khước từ mọi thứ (nhất là của cải, quyền lực và danh dự); từ thế kỷ XIX, nó trở thành một thái độ sống tiêu cực: không tin tưởng và cũng không hy vọng vào các giá trị đạo đức và xã hội (tiếng Việt, “yếm thế” là chán đời, muốn rời bỏ thế gian). Văn hóa bị bão hòa bởi giễu nhại và yếm thế là văn hóa không còn tôn vinh các giá trị chân, thiện, mỹ nữa.

[3] Thung lũng Silicon tọa lạc ở phía Bắc California, Hoa Kỳ. Ban đầu, tên gọi này được dùng để chỉ các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chíp silicon; sau được dùng rộng rãi để nói đến các khu thương mại công nghệ cao. Thung lũng Silicon là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của công nghệ, chứng minh khả năng sáng tạo của con người, và như thế, cách nào đó, nó dần loại bỏ Thiên Chúa. Khi gọi Thung lũng Silicon là kho hàng siêu tục hóa (hyper-secular entrepôt), có lẽ ý tác giả muốn nói, Thung lũng Silicon là nơi để con người vừa “giải thiêng” cuộc nhân sinh, vừa đề cao cách tối đa khả năng của con người.

[4] Đệ Tam Đế Chế, tức Đức Quốc Xã, là nước Đức giai đoạn 1993-1945, đặt dưới sự toàn trị độc tài của Adolf Hitler và Đảng Quốc Xã. Năm 1923, Arthur Moeller van den Bruck gọi Đế quốc La Mã Thần Thánh (962-1806) là Đệ Nhất Đế Chế và Đế quốc Đức (1871-1918) là Đệ Nhị Đế Chế.

[5] Homo Sovieticus, tức người Soviet, được phổ biến bởi nhà xã hội học Liên Xô, Aleksandr Zinovyev. Chính thể Soviet muốn tạo ra một dân tộc Soviet mới và tốt hơn – Người Soviet Mới – bằng cách ban hành nhiều chính sách. Cụm Homo Sovieticus hiện nay được dùng để mỉa mai các kết quả phản chiều từ các chính sách của Soviet, chẳng hạn như sự thờ ơ với kết quả công việc, thiếu sáng tạo và tránh hết mức việc chịu trách nhiệm cá nhân, không quan tâm lợi ích chung và ăn cắp vặt vì lợi riêng, bài ngoại, buộc phải chấp nhận những gì chính quyền ban hành, ham mê rượu bia.

[6] Quyền Madgeburg (còn gọi là Luật Madgeburg) là một tập hợp các đặc quyền của một thị trấn được Otto Đại đế (936-973) của Đế quốc La Mã Thần Thánh đặt ra, và gọi theo tên thành phố Madgeburg ở Đức, quy định mức độ tự trị của các thành phố hoặc làng do người địa phương đứng đầu.

[7] Cuộc cách mạng lương tâm được Đức Gioan Phaolô II kêu gọi trong chuyến tông du đến Ba Lan vào tháng 6/1979. Cuộc cách mạng này sau đó đã định hình cho cuộc cách mạng chính trị, khiến cả hệ thống Cộng sản Trung-Đông Âu sụp đổ.

[8] Thomas Becket (1119-1170) là Tổng giám mục Canterbury, được cả Giáo hội Công giáo và Anh giáo nhìn nhận như là một vị tử đạo. Do xung đột với hoàng đế Henry II về quyền lợi và đặc quyền của Giáo hội mà ngài bị ám sát ngay tại nhà thờ chính tòa Canterbury

[9] Vì tội ngoại tình và nhiều tội khác, vua Boleslaw Người hào phóng (tức Boleslaw II) đã bị đức cha Stanislaw ra vạ tuyệt thông sau nhiều lần kêu gọi nhà vua sám hối. Ngày 11/4/1079, vì nghi đức cha Stanislaw có âm mưu cùng với các nam tước lật đổ mình (do sự bội tín của ông) và cũng vì nhiều thù hằn trước đó, vua Boleslaw đã dùng gươm giết chết đức cha Stanislaw đang khi đức cha đang cử hành thánh lễ. Sở dĩ gọi là Người hào phóng vì vua đã cho xây dựng nhiều nhà thờ và đan viện khắp Ba Lan, nổi bật như các đan viện Biển Đức tại Mogilno, Lubin và Wroclaw; thậm chí chính vua là người đã tái lập Tổng giáo phận Gniezno và giáo phận Plock. Vì giết chết đức cha Stanislaw mà ông bị các nam tước Ba Lan truy bắt, phải tị nạn nơi vua Ladislaus của Hungary; nhưng không lâu sau đó, ông bị hạ độc chết ở tuổi 40.

[10] Phân chia Ba Lan là một loạt ba đợt phân chia diễn ra trong nửa cuối thế kỷ XVIII, được thực hiện bởi Đế quốc Nga, Vương quốc Phổ và Đế quốc Habsburg trong kế hoạch thâu tóm dần lãnh thổ này. Sau ba đợt phân chia, Khối Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva không còn tồn tại cho đến năm 1918, là năm Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan được thành lập.

[11] Carthage là một đế quốc hùng mạnh ở Bắc Phi ở thế kỷ III B.C.. Carthage từng tiến hành hai cuộc chiến tranh Punic chống lại Cộng hòa La Mã để tranh quyền kiểm soát Tây Địa Trung Hải. Tại thành phố nào mà quân Carthage nhắm không thể giữ lâu sau khi chiếm hoặc có phản quân, họ sẽ đốt phá thành phố. Cách Hitler đáp trả cuộc khởi nghĩa Warsaw cũng tương tự: đốt phá sạch sẽ.

[12] Tác giả đang muốn nhắc đến Blitzkrieg (nghĩa là chiến tranh chớp nhoáng). Đây là cách thức tiến hành chiến tranh của Đức Quốc Xã, với mục tiêu nhanh chóng bao vây và tiêu diệt chủ lực đối phương. Hiệu quả của phương án tác chiến này được quyết định chủ yếu bởi việc tấn công bất ngờ, khiến đối phương bị tê liệt trước khi kịp phản ứng. Với Ba Lan, ngày 01/9/1939, Đức bất ngờ tấn công; đến ngày 27/9/1939 đã chiếm được thủ đô Warsaw; và ngày 6/10/1939, Đức hoàn toàn làm chủ Ba Lan. Ba Lan lại chính là trận địa đầu tiên được Đức áp dụng kỹ thuật tác chiến này.

[13] Đế Chế Ngàn Năm là điều Hitler hướng đến khi tiến hành chiến tranh, xây dựng Đệ Tam Đế Chế theo cách thức của Charles Đại Đế. Trong lịch sử, Charles Đại Đế được Đức Giáo hoàng Leo III phong danh hiệu Imperator Augustus (Hoàng đế vĩ đại): sau khi Đế quốc La Mã cổ đại sụp đổ, chính vị hoàng đế này đã phục hưng vương quốc ấy; và giai đoạn trị vì của ông là thời kỳ phục hưng của Giáo hội La Mã. Ngày nay, Pháp và Đức xem ông là Cha già dân tộc; có người còn xem ông là pater Europae (Người cha của châu Âu) hay capus orbit (Nguyên thủ của thế giới). Adolf Hitler xem hoàng đế là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Đức. 

[14] Oskar Schindler (1908-1974) là kỹ nghệ gia người Đức, được cho là đã cứu mạng 1.200 người Do Thái trong thời kỳ Holocaust bằng cách cho họ làm công nhân trong các nhà máy sản xuất đồ pháp lam (tức đồ đồng tráng men) của mình. Ông là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Schindler’s Ark. Ngày nay có hai bảo tàng được dựng tại các khu nhà máy này: Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Krakow và Bảo tàng Lịch sử thành phố Krakow.

[15] Rạp Rhapsodic được Karol Wojtyla, Mieczyslaw Kotlarczyk cùng một nhóm những diễn viên trẻ khác đồng sáng lập. Đây được xem như một cử chỉ phản kháng thông qua văn hóa chống lại Phát Xít. Rạp không có một nhà hát hẳn hoi, bất cứ nơi nào có thể diễn thì đều thành nhà hát: rạp phải hoạt động âm thầm.

[16] Nowa Huta (nghĩa là Nhà máy thép mới) được xây dựng theo kiểu thành phố không tưởng (a utopian ideal city), được xây dựng như một thành phố tách biệt với Krakow (sau này được sáp nhập vào Krakow). Đây là trung tâm công nghiệp nặng. Nowa Huta là nơi thử nghiệp phong cách kiến trúc hiện thực xã hội chủ nghĩa. Với giới Cộng sản Ba Lan bấy giờ, kiến trúc được xem là vũ khí tối ưu của những người góp phần tạo một trật tự xã hội mới; và dáng vẻ của một tòa nhà không đơn thuần mang giá trị thẩm mỹ nữa, nhưng phải thể hiện được lý tưởng chủ nghĩa xã hội.

[17] Haight-Ashbury là một quận thuộc thành phố San Francisco, được đặt tên theo hai con đường Haight và Ashbury. Ban đầu, Haight-Ashbury chỉ là một khu phố; nhưng sự kiện Mùa hè Tình yêu (Summer of Love) năm 1967 đã khiến nó nổi danh, khi 100.000 người tụ hội ở đây khai mào cho cuộc Cách mạng của người Hippie. Lúc đó, San Francisco tràn ngập mùi chính trị, âm nhạc, rượu bia, ma túy, sự sáng tạo quyện chặt với tự do tình dục, tự do yêu đương. Hiện tượng xã hội này sau đó tạo ra các phong cách sống mới, dần phổ biến khắp nơi. Ở đây, có lẽ tác giả muốn nói, đang khi Haight-Ashbury chỉ là một khu phố vô danh, chưa trở thành một hiện tượng đạo đức xã hội thì những người Cộng sản Ba Lan đã cổ xúy cho tự do yêu đương (đặc trưng của Haight-Ashbury); sự so sánh này cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của luân lý ở Ba Lan lúc bấy giờ.

[18] Walter Gropius (1883-1969) là một kiến trúc sư người Đức, được xem là người đặt nền tảng cho phong cách Bauhaus, còn gọi là Phong cách Quốc tế (International Style) với các đặc điểm: chú trọng sức chứa hơn sự đồ sộ; nhấn mạnh đến sự cân bằng hơn đối xứng; loại bỏ các họa tiết và màu sắc trang trí, và các hình dáng lặp đi lặp lại. Phong cách này chủ trương, nhà là một cỗ máy để ta sống trong đó. Kiểu kiến trúc này khác hẳn với các trường phái kiến trúc trước đó, gần nhất là trường phái Baroque với đại biểu là Gian Lorenzo Bernini (1598-1680), điêu khắc gia và kiến trúc sư người Ý, người sáng tạo nên phong cách Baroque và thiết kế Quảng trường thánh Phêrô; và Christopher Wren (1632-1723), kiến trúc sư người Anh vĩ đại nhất thế kỷ XVII, người dẫn đưa kiến trúc Baroque bước vào thế kỷ XVIII và thành lập Hội Hoàng gia, quy tụ nhiều nhà khoa học uy tín để nghiên cứu và thảo luận các vấn đề khoa học. Hai kiến trúc sư này chú trọng cảm thức thẩm mỹ, xem kiến trúc là phương tiện làm phong phú tâm hồn; trong khi Phong cách Quốc tế xem kiến trúc chỉ là những chiếc hộp, những cỗ máy vận hành. Nowa Huta lúc bấy giờ cũng được xây dựng theo kiểu cỗ máy như thế.

[19] Tác giả đang mỉa mai Người Soviet Mới là robot hình người.

[20] Công đồng Vatican II và Công đồng Trentô là hai công đồng cải cách. Nhiều người xem Vatican II là một đứt gãy xét ở nhiều phương diện, gây ra nhiều tranh cãi; đến hiện nay, nổi bật nhất là vấn đề nghi thức cử hành Thánh lễ mới (do đức Phaolô VI ban hành) và nghi thức Thánh lễ Trentô (được dùng từ Công đồng Trentô đến trước Vatican II).

[21] Đối với chủ thuyết Marxist, những người khác nhau sở hữu tư liệu sản xuất nào đó sẽ cấu thành một giai cấp xã hội. Các biến đổi xã hội đều được lí luận trên học thuyết kinh tế: quan hệ sản xuất, yếu tố vật chất sẽ quyết định phương thức sản xuất, yếu tố tinh thần; quan hệ sản xuất sẽ quyết định tất cả các quan hệ khác trong xã hội. Theo đó, quan hệ đầu tiên và cơ bản nhất giữa người với người được quy giản thành quan hệ giữa các lực lượng sản xuất trong quá trình sản xuất. Chính quan hệ sản xuất là hạ tầng cơ sở, quyết định thượng tầng kiến trúc, tức đời sống tinh thần và văn hóa của con người.

[22] Câu lạc bộ Jacobin là câu lạc bộ chính trị ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc Cách mạng Pháp. Ban đầu, câu lạc bộ này hoạt động ôn hòa, nhưng dần trở nên tàn ác, đỉnh điểm là Thời kỳ khủng bố (6/1793-7-1794), họ lê máy chém khắp nước Pháp để hành quyết các kẻ thù của Cách mạng Pháp.

[23] Theo chủ thuyết Marxist, quan hệ sản xuất là cơ sở hiện thực của mỗi xã hội, là cơ sở hạ tầng, trên đó dựng lên kiến trúc thượng tầng, là chính trị, pháp luật và các hình thái ý thức xã hội khác (trong đó có lịch sử). Trong quá trình phát triển, các lực lượng sản xuất đặt ra yêu cầu phải thay đổi; sự thay đổi đó được thực hành bằng cách mạng xã hội. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi, toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi. Hình thái kinh tế-xã hội sẽ được thay mới. Do đó, lịch sử nhân loại là lịch sử của sự thay thế của những hình thái kinh tế-xã hội khác nhau – tức chỉ là “sản phẩm phụ”.

[24] Ideas have consequences (Ý tưởng sinh kết quả) là một tác phẩm triết học của Richard M.Weaver, xuất bản năm 1948, đã chỉ ra nền văn minh phương Tây đã bắt đầu thoái trào từ thế kỷ XIV với William Ockham và thuyết duy danh (nominalism) do ông đề xướng. Thuyết này chối bỏ sự hiện hữu của cái phổ quát hay cái trừu tượng, duy chỉ cái dị biệt, cụ thể mới có thực. Điều này dẫn đến việc phủ nhận chân lý tuyệt đối. Richard Weaver đề xuất ba phương cách cứu vãn tình hình ấy: sở hữu tư nhân mà ông xem là quyền lợi siêu hình, thánh thiêng cuối cùng của con người; phục hồi vai trò của ngôn ngữ như một thần tố; và cổ võ lòng đạo đức, công bằng và sự tôn nghiêm. Tuy nhiên, dần dà, Ideas have consequences trở nên sáo rỗng, vì nó cứ được nói đi nói lại nhưng thực tế thì chẳng có gì khác; càng thế thì càng rõ hoàn cảnh con người thế nào. Thậm chí đôi khi nó còn trở thành: Ideas have consequences, bad ideas have victims.

[25] Khoa tân di truyền học và công nghệ sinh học giúp con người hiện đại có thể kiểm soát được tính di truyền, bằng việc xét nghiệm di truyền, từ đó giúp chẩn bệnh di truyền, tăng chất lượng việc chăm sóc sức khỏe và đời sống xã hội. Ngoài ra, hai lĩnh vực khoa học này còn có thể giúp kiểm soát quá trình lão hóa sinh học, tạo kì vọng về một loại thuốc không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, mà còn tăng tuổi thọ. Hai lĩnh vực này còn đặt ra vấn đề ưu sinh học (cải tạo loài người: giảm gen xấu và tăng gen tốt; Đức Quốc Xã và Soviet cũng đã từng muốn cải tạo con người). Tóm lại, mặt tiêu cực nhất là hai lĩnh vực này có thể mở ra tham vọng về khả năng bất tử của con người. Đó là một kiểu dạng chủ nghĩa duy vật mới (gen là một loại vật chất), gọi là duy vật sinh học; bề ngoài thì có vẻ như vì con người: loại bỏ gen xấu, tăng khả năng sinh ra con người siêu việt.

[26] Brave New World là một tiểu thuyết phản địa đàng (dystopian novel), mô tả một thế giới trong tương lai được thiết kế dựa theo bộ gen. Vì được thiết kế theo bộ gen nên từ nhỏ, trẻ em đã không còn xúc cảm và tính cá nhân (hai yếu tố không thể di truyền), được sinh ra mà không cần đến bào thai của người mẹ. Mỗi người là một phôi thai, sống trong các ống nghiệm và lò ấp, được nuôi dưỡng bằng hóa chất và hormone. Những phôi thai được tiền định gia nhập tầng lớp cao hơn sẽ nhận được các hóa chất giúp họ hoàn thiện thể lý và tinh thần. Thế giới gồm 5 tầng lớp xã hội, lần lượt theo thứ tự là Alpha (giới lãnh đạo), Beta, Gamma, Delta, và Epsilon (nhóm lao động thấp kém).

[27] Chủ nghĩa siêu thế tục không chỉ cố gắng loại bỏ tôn giáo ra khỏi xã hội lẫn tâm trí con người, mà còn đề cao lí trí con người (thể hiện nơi sự phát triển của công nghệ kỹ thuật). Thung lũng Silicon biểu trưng cho dạng chủ nghĩa này, như tác giả nhắc đến ban đầu.

[28] Divine Comedy (Divina Commedia, Thần khúc) là một trường ca của thi sĩ Công giáo Dante Alighieri (1265-1321). Với ba phần: Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio), Thiên đường (Paradiso), tác phẩm mô tả hành trình con người tiến về thế giới vĩnh hằng của Thiên Chúa. Cấu trúc chính của Hỏa ngục và Luyện ngục là tội lỗi; còn cấu trúc chính của Thiên đường là ba nhân đức đối thần và bốn nhân đức luân lý. Chất liệu nổi bật nhất để Dante sáng tác trường ca này chính là bộ Summa Theologiae và một số tác phẩm khác của thánh Tôma Aquinô; do đó, có người gọi Thần khúc là phiên bản chương hồi của bộ Summa.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

dieu ky dieu cua chua

Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm

(Thánh vịnh 104, 4-5) Hôm nay là ngày thứ 5 của tuần thứ 5 mùa ...

me maria lo duc

Đức Trinh Nữ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu Của Tôi

Đã từ lâu, tôi có ý định muốn viết và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình và bạn hữu thân thương của tôi về mối tình giữa tôi và Mẹ Thánh Maria, người mà tôi hằng yêu mến.

bible quizz 1

Bible Quiz #1 – Trắc nghiệm Thánh Kinh

1. “Bà đừng khóc nữa!” Chúa Giêsu đã an ủi một người đàn bà đang ...

Thanh xuân và những điều hối tiếc

Nguyên Nhi Những ngày cuối năm, cũng là khoảng thời gian cuối cùng của thập ...

noah và đại hồng thủy

Câu chuyện ông Noah và nạn Đại Hồng Thủy

Sau Adam và Eva loài người đã sinh sôi khắp địa cầu, nhưng họ tội lỗi đến mức Chúa muốn tận diệt, trừ ông Noah là người công chính

Để lại bình luận