Đầu năm 2013 thế giới đón nhận một tin như tiếng sét nổ giữa trời quang khi Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố thoái vị, điều mà trong nhiều thế kỷ chưa từng xảy ra, và trong lịch sử 2000 năm của Giáo hội cũng chỉ một đôi lần. Nắm giữ tâm hồn của hơn 1,3 tỉ tín đồ trên khắp thế giới, đủ mọi dân tộc và nền văn hóa, Công giáo có sức ảnh hưởng mãnh liệt đến bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống. Vậy nên, ai sẽ là người kế vị ngai tòa quyền lực nhất hành tinh là vấn đề hệ trọng không chỉ riêng gì với Công giáo.
Câu trả lời đến vào buổi tối ngày 13/3/2013 khi làn khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine báo cho hàng trăm ngàn người tụ tập trên quảng trường thánh Phêrô và hàng tỉ người đang theo dõi qua mọi phương tiện truyền thông của thời đại 4.0 rằng “Chúng ta có giáo hoàng.” Trước sự chờ đợi của thế giới, vị tân giám mục thành Rome xuất hiện trên ban công đền thánh. Bằng cử chỉ rất mực khiêm nhường là xin mọi người cầu nguyện cho ngài, và qua tước hiệu Phanxicô, vị thánh của người nghèo, Đức thánh cha đã định hình triều đại giáo hoàng sắp tới của mình: phục vụ và khiêm hạ, như tôi tớ của những người tôi tớ.
Tầm nhìn mục vụ của Giáo hoàng Phanxicô không phải từ trời cao rớt xuống trong ngày ngài được chọn làm thủ lĩnh của Giáo hội, nhưng là một quá trình dài được chuẩn bị và hướng dẫn bởi chính bàn tay quan phòng của Chúa, để cùng với vị các giáo hoàng tiền nhiệm ngài tiếp tục lèo lái con thuyền giáo hội vượt qua sóng gió của thời đại. Để phần nào đó hiểu được những gì ngài làm và rao giảng, ta cần tìm hiểu về quá trình chuẩn bị ấy, từ những ngày ban sơ cho đến khi trở thành giáo hoàng.
Vạn dặm tha hương
Thế giới những năm đầu sau Thế Chiến I rất hỗn loạn. Cuộc chiến không những không chấm dứt mâu thuẫn giữa các đế quốc, mà còn tạo ra những xung đột mới dữ dội hơn, sâu sắc hơn, không sớm thì muộn sẽ phải giải quyết bằng một cuộc chiến khác. Cả châu Âu sống trong mối lo thường trực ấy. Trong bối cảnh như vậy, từng đoàn người nối nhau di cư đến Nam Mỹ, nơi họ tin rằng chưa bị bóng ma chiến tranh vươn tới. Trong số đó có gia đình Bergoglio, ông bà nội của vị giáo hoàng tương lai.
Họ đến Buenos Aires, Argentina, vào mùa hè nóng nực năm 1929. Buenos Aires là một thành phố cảng sầm uất, nơi đón tiếp nhiều đoàn di dân tư khắp nơi trên thế giới. Và chính các cộng đồng di dân đã xây dựng nên thành phố này. Trong một hồi tưởng của ĐTC Phanxicô, ngài chia sẻ:
Có người nói rằng Buenos Aires quay lưng về dòng sông vì thành phố này được các di dân xây dựng. Họ phải chịu cảnh tha phương, mất gốc, nên họ xoay mặt thành phố về hướng Đồng cỏ Nam Mỹ, biểu tượng cho tương lai tươi sáng.
Từ đây, Buenos Aires sẽ là quê hương thứ hai của nhà Bergoglio.
Đoàn tụ với những người anh em đã di cư từ trước, đại gia đình Bergoglio dựng một tòa nhà 4 tầng chung sống cùng nhau. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1932 thổi bay sự nghiệp của các thành viên trong gia đình khiến họ phân tán tứ phương. Ông bà Bergoglio trụ lại, chật vật đưa gia đình qua thời khốn khó.
Di dân Ý thường họp nhau đi lễ ở nhà thờ San Antonio. Nơi đó anh Mario José Bergoglio đã gặp chị Regina Maria Sivori. Họ yêu nhau ngay từ ánh mắt đầu tiên, và cưới nhau một năm sau đó, thêm một năm nữa thì hạ sinh Jorge Mario Bergoglio. Ẵm trên tay đứa con đầu lòng, có lẽ họ không thể hình dung được rằng sau này đứa bé sẽ trở thành Giáo hoàng, và là một giáo hoàng vĩ đại.
Thời thơ ấu và ơn gọi diệu kỳ
Tuổi thơ của Bergoglio được nuôi dưỡng bằng tình cảm gia đình nồng nàn, sự dạy dỗ của mẹ, và niềm cảm hứng của ông bà.
Với quan điểm lao động là cần thiết cho sự trưởng thành và tự lập, cha của Bergoglio buộc cậu phải đi làm sau khi xong tiểu học năm 13 tuổi. Cậu phụ việc lặt vặt trong công ty của cha, lên đại học thì xin được việc trong một phòng thí nghiệm. Công việc mà cậu tin rằng mang lại nhiều ơn ích cho mình.
“Tôi rất biết ơn cha đã bắt tôi làm việc. Công việc là một những thứ giúp tôi trưởng thành. Trong phòng nghiệm tôi được quan sát cả những cái hay và cái dở trong mọi nỗ lực của con người”.
Kinh nghiệm đi làm cũng giúp chàng trai Bergoglio có được cái nhìn phong phú hơn về cuộc sống, về tuổi trẻ, về lao động, và những bất công xã hội. Đó là những kinh nghiệm đầu tiên góp phần cho vai trò mục tử của ngài sau này.
Bergoglio là một thanh niên thông minh và tài hoa, thích khiêu vũ, mê nhảy Tango, thích tụ tập bạn bè, có nhiều dự định cho tương lai, và có một cô bạn gái xinh đẹp. Tuy giữ đạo sốt sắng nhưng cho đến lúc ấy chưa bao giờ nghĩ tới việc đi tu.
Thời khắc có ý nghĩa quyết định cho cả cuộc đời sau này của Bergoglio đến vào một buổi xế chiều ngày 21/9/1953, ngày tựu trường của sinh viên tại Argentina, họ thường mở party ăn mừng ngày này. Bergoglio ăn mặc bảnh bao, chải chuốt hơn ngày thường, phấn khởi ra phố đi đón bạn gái rồi cả hai sẽ cùng dự buổi khiêu vũ với bạn bè. Nhưng tất cả thay đổi khi anh đi ngang qua nhà thờ San Jose de Flores. Chúa gọi anh ngay lúc đó. Một cảm giác hồi hộp lo lắng trào dâng trong lòng. Anh dừng lại, bước vào nhà thờ, đến tòa giải tội nơi có một vị linh mục xa lạ đã ngồi đó đợi anh từ bao giờ.
“Có điều gì đó lạ lùng đã xảy ra với tôi trong lần xưng tội ấy. Tôi không biết đó là gì, nhưng nó thay đổi đời tôi. Giống như thế nó bắt lấy tôi.” Vị giáo hoàng khả kính nhớ lại khoảnh khắc định mệnh ngày xưa.
Sau sự kiện ấy, Bergoglio quyết chí đi tu, và chia sẻ ý định đó với gia đình. Bố ủng hộ nhưng mẹ thì không vì không muốn mất đứa con trai. Bà ngoại lúc này đã già, nhưng lời khuyên của bà ngài ghi khắc mãi trong lòng:
“Nếu Chúa gọi con, thì bà sẽ cầu nguyện cho con. Con nhớ rằng cửa ngôi nhà này luôn mở và không ai la rầy nếu con có trở về.”
Lòng nhân hậu và đức khôn ngoan của bà ngoại để lại dấu ấn trong lòng Bergoglio. Nhờ đó mà sau này trong cuộc đời mục tử ngài biết bao dung hơn và thấu hiểu hơn với những người đang đứng trước những quyết định lớn trong đời.
Trong các huấn từ ĐTC Phanxico thường xuyên nhắc chúng ta phải trân trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm sống của người già, khuyên người trẻ phải tìm cách kết nối với thế hệ đi trước để tận dụng kho báu kiến thức của họ. Có lẽ chính ngài đã trải nghiệm điều ấy trong thời thanh niên của mình.
Dòng Tên, con đường khổ giá
Năm 1958 Bergoglio gia nhập dòng tên, chính thức bước vào đời sống tu trì. Bà mẹ đau khổ cuối cùng cũng phải chấp nhận chuyện ấy. Lúc này ngài vẫn còn là một thanh niên, nhiều năng lượng, đầy nhựa sống, và cũng đầy cám dỗ bao quanh. Mà đôi khi những cám dỗ ấy lại rất trong sáng, như tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy trỗi dậy mạnh mẽ trong một buổi tiệc cưới gia đình, khi ngài gặp một cô gái xinh đẹp.
“Tôi bối rối trước nhan sắc và sự sắc sảo của cô gái ấy, đến nỗi đứng tần ngần mất một lúc. Rồi tôi cứ nhớ mãi về cô. Trở về tu viện sau đám cưới, liền một tuần tôi không thể nào tập trung cầu nguyện được. Vì mỗi lúc như vậy thì hình dáng cô lại hiện ra trong đầu.”
Tình yêu đôi lứa thiếu chút nữa đã bắt được Bergoglio. Thật may mắn là tình yêu dành cho Chúa đã chiến thắng. Từ đây trở đi ngài dành trọn cuộc đời và tâm tư cho Chúa.
Những kinh nghiệm phong phú của Jorge Bergoglio trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, đặc biệt là sự giáo dục của gia đình, là nền tảng quan trọng cho những suy tư của ngài sau này về mục vụ.
Bergoglio chọn dòng Tên cho con đường theo Chúa. Dòng Tên là một trong những dòng tu lớn nhất trên thế giới, đặc biệt có sức ảnh hưởng tại châu Mỹ La Tinh. Ngay từ khi thành lập vào thế kỷ thứ 16 dòng đã được xem là đạo binh của Giáo hoàng trong cuộc chiến chống lại Phong trào Kháng Cách bùng nổ tại châu Âu khi đó. Tu sĩ của dòng được xem là giới tinh hoa và quân tiên phong của Giáo hoàng. Họ là những người tuyệt đối vâng phục quyền bính Giáo hoàng.
“Chân tình mà nói ban đầu tôi không biết mình nên đi tu thế nào. Tôi chỉ biết mình khát khao điều đó. Cuối cùng, tôi gia nhập Dòng Tên, vì tôi bị nhận ra nơi họ là lực lượng thúc đẩy Giáo hội, nói theo ngôn ngữ nhà binh thì họ vâng phục và quy củ.” Ngài chia sẻ.
Đối với vị giáo hoàng tương lai, ta chỉ có thể cảm nhận tiếng gọi của Chúa khi dừng lại và lắng nghe. Chàng trai Bergoglio ngày ấy đã tìm đến Chúa như một nơi an nghỉ. Đối với ngài, cầu nguyện không chỉ là xin, nhưng trên hết phó thác. Khi chấp nhận sự yếu đuối của bản thân, Chúa sẽ hoạt động trong đời sống chúng ta.
Nhưng Chúa không chỉ gửi đến Bergoglio ơn gọi, mà cả thử thách về nỗi đau thân xác. Năm 21 tuổi, ngài được chẩn đoán viêm phổi và u nang nặng, đe dọa đến tính mạng. Bergoglio phải chịu những cơn đau kinh khủng kéo dài, đến nỗi tưởng như cái chết đã đến gần. Trong cơn đau thân xác là sự dằn vặt tinh thần: Chính Thiên Chúa đã gọi ngài một cách mãnh liệt giờ đây lại giáng trên ngài sự đau khổ lớn lao đến vậy. Nhưng sự đau khổ ấy để lại cho ngài kinh nghiệm đức tin về sự gần gũi với nỗi đau của Chúa.
Căn bệnh ấy buộc Bergoglio phải cắt bỏ một bên phổi. Sức khỏe suy giảm khiến khát khao được truyền giáo ở vùng viễn đông đành phải bỏ. Thay vào đó, Bergoglio dành thời gian cho học tập và giảng dạy.
Ngài lần lượt lấy được bằng cử nhân hóa học, bằng thạc sĩ triết học năm 1960, giảng dạy văn chương và tâm lý học trong những năm 1964-1966.
Năm 1967 ngài nghiên cứu thần học tại Khoa Triết-Thần học, đại học San Miguel. Cùng trong năm nay Bergoglio được thụ phong linh mục, sau đó trở thành giáo sư thần học.
Chiến binh và hiền triết
Năm 1973 đánh dấu một bước ngoặt mới của vị tu sĩ trẻ tuổi này. Đó là năm ngài khấn lời khấn cuối cùng của dòng Tên, lời khấn vâng phục tuyệt đối quyền bính Giáo hoàng.
Chỉ ba năm sau, ngài được bổ nhiệm làm giám tỉnh dòng Tên tại Argentina ở tuổi 36, độ tuổi trẻ hiếm thấy cho trọng trách ấy. Ngay lập tức vị tân giám tỉnh thấy mình phải đối mặt với hai thử thách lớn lao: trong Giáo hội và ngoài xã hội.
Cuộc cải tổ Giáo hội sau công đồng Vatican II năm 1962 tạo ra nhiều thay đổi có tính cách mạng với đời sống đức tin của Kitô hữu. Không chỉ thế, các dòng tu lớn cũng phải thay đổi theo xu thế chung. Những năm đầu sau Công đồng là thời gian dòng Tên phải thích nghi và điều chỉnh. Cộng với những rắc rối chung của thời đại tạo ra một bối cảnh mà trong đó nhiều hoạt động của dòng có dấu hiệu chệch hướng. Cha Bergoglio, với sức trẻ cần thiết, lao vào công cuộc tái lập trật tự. Nhiệt tâm và sự quyết liệt của ngài khiến nhiều người phải phàn nàn.
Giữa lúc ấy đất nước Argentina xảy ra nội chiến đẫm máu được biết đến với tên gọi Dirty War, gây ra bởi chính quyền quân đội nhằm tiêu diệt các chủ thuyết đối nghịch, và bất kỳ ai ngả theo những chủ thuyết ấy. Hơn 30,000 người Argentina mất mạng trong cuộc chiến này. Bối cảnh xã hội làm lu mờ những rắc rối trong giáo hội.
Chiến dịch càn quét nhanh chóng biến thành cuộc khủng bố bất phân thị phi trên toàn đất nước. Súng ống chĩa vào mọi tổ chức. Dòng Tên chịu chung tình cảnh. Nhiều cơ sở bị đóng cửa, nhiều tu sĩ bị bắt bớ.
Cha giám tỉnh Bergoglio chọn cách đối phó là cố gắng bảo vệ được càng nhiều càng tốt và hết sức có thể các thành viên của dòng thay và giáo dân của mình, ngài không công khai lên án về mặt chính trị chính quyền quân đội, hành động như thế có thể phải trả giá bằng đàn áp bạo lực và nhiều người sẽ phải chết. Nhiều người không đồng ý với cách làm của cha, cho rằng trong bối cảnh này cần phải công khai phản đối chính quyền. Một số tu sĩ của dòng còn đi xa hơn bằng cách quy tụ giáo dân chống đối bằng bạo lực.
Đối với cha Bergoglio, bổn phận của một tu sĩ, và nhất là tu sĩ dòng tên, là rao giảng đức tin chứ không phải làm chính trị. Và đó cũng là chuẩn mực chung của Giáo hội. Giáo hội tuy không đứng ngoài thời cuộc và sẵn sàng hòa chung với những biến động của xã hội. Nhưng Giáo hội chọn chăm sóc và bảo vệ con chiên của mình như một người mẹ làm hết sức vì con cái, và không tự biến mình thành một thế lực chính trị và sử dụng giáo dân như một lực lượng.
Thời chiến loạn qua đi và nhiệm kỳ giám tỉnh 6 năm của cha Bergoglio chấm dứt với nhiều tranh cãi. Sau khi rời chức vụ cha được bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện San Miguel. Trong vai trò lãnh đạo giáo dục, ngài công kích các phong trào, các giáo thuyết về sự khai phóng nở rộ tại châu Mỹ La Tinh đi ngược lại với giá trị mà Giáo hội rao giảng. Ngài là người cứng rắn và hành động dứt khoát. Đằng sau sự khiêm nhường và giản dị của vị linh mục khả kính ấy là tư tưởng cải tổ mạnh mẽ và đức tin sâu sắc vào sự quan phòng của Chúa.
Sự quyết liệt của ngài gây ra khó chịu và bất bình cho nhiều người.
Đêm tối của tâm hồn
Kết thúc nhiệm kỳ 6 năm, ngài được sai qua Đức hoàn thành luận án thần học. Được ít lâu ngài lại trở về Argentina. Thái độ cứng rắn của ngài về việc như thế nào là một tu sĩ dòng Tên đúng nghĩa một lần nữa gây ra nhiều tranh cãi. Để dẹp yên chuyện đó, nhà dòng sai ngài đến ở một nhà thờ nhỏ tại Cordoba, cách Bunos Aires 600km. Ở đó trách nhiệm chỉ của ngài chỉ là giải tội cho giáo dân. Tất cả thời gian còn lại ngài suy tư và cầu nguyện, giam mình trong phòng, gần như không tham gia bất kỳ hoạt động nào khác. Cha Bergoglio xem thời gian ẩn dật tại Cordoba là thời gian thanh luyện cho bản thân mình.
Đó là khoảng thời gian tăm tối khi mà một con người không nhìn thấy gì nhiều. Tôi cầu nguyện, đọc, và viết. Ngài nói. Những gì tôi đã làm tại Cordoba là cho đời sống nội tâm của mình.
Trong thời gian này ngài đọc nhiều. Một trong số đó là tiểu luận có tên gọi Thinh lặng và Lời.
Ngài nói, cuốn sách này được viết ra là để giúp những cộng đồng tôn giáo vượt qua những bất hòa chia rẽ nội bộ. Ngày từ câu đầu tiên, bài luận đã gây một cảm giác mãnh liệt.
Khi chúng ta thấy mình rơi vào nghịch cảnh. Bergoglio viết. Đôi lúc im lặng không phải là vì ta đạo đức, mà đơn giản chỉ vì không còn lựa chọn nào khác.
Với những trải nghiệm trong suy tư và cầu nguyện, ngài khám phá ra sự khác nhau giữa sự hy sinh và sự tự thương cảm.
Chúng ta có thể rơi vào sự suy sụp tinh thần, cha Bergoglio viết, nếu cứ nghĩ rằng ‘người ta vô cớ làm tổn thương tôi’.
Cách duy nhất để tránh suy nghĩ đó theo ngài là phải sống khiêm nhường và để cho Chúa làm việc. Dù ta biết rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng cảm nghiệm được bàn tay của Chúa.
Trong thời gian tại Cordoba, cha Bergoglio viết một tiểu luận nhan đề “Cuộc lưu đày thân xác” trong đó ngài suy tư về sự cô độc của một người bị lưu đày.
“Những ai phải chịu lưu đày sẽ cô đơn gấp bội.” ngài viết. Họ cô đơn giữa đám đông, giữa những người lạ trên một miền đất lạ. Và họ còn cô đơn trong tâm hồn.
Trong sự cô độc ấy cha Bergoglio đã cảm nhận thời gian chịu “lưu đày” tại Cordoba đã giúp cha trưởng thành về đức tin, và nhận ra sứ mệnh của mình trước Chúa.
Đọc thêm: Cuộc đời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Giám mục, Hồng y, và Giáo hoàng khiêm nhường
Sau hai năm tại Cordoba, cha Bergoglio được phong Giám mục Phụ tá giáo phận Buenos Aires. Sáu năm sau trở thành Tổng giám mục của giáo phận này, giáo phận lớn nhất Argentina.
Đó là một sự chuyển biến mạnh về sứ vụ cũng như trọng trách. Ta nhận thấy rằng, thời gian chiêm nghiệm tại Cordoba đã giúp ngài sẵn sàng cho trọng trách mới này.
Bạn phải sống cuộc sống lưu đày, ngài chia sẻ, thì khi trở lại bạn mới có lòng thương xót, tử tế hơn, và muốn phục vụ hơn.
Cha Bergoglio trở thành một vị giám mục của người nghèo và những người bị bỏ rơi. Ngài thúc giục giáo hội đi đến với người nghèo và nâng đỡ họ. Đồng thời, như một minh chứng sống động cho những gì ngài rao giảng, cha Bergoglio chọn sống một cuộc sống giản dị, đi xe bus công cộng thay vì dùng xe riêng của giám mục, ở một căn nhà nhỏ thay vì dinh giám mục. Rất nhiều khía cạnh khác trong đời sống ngài giữ đúng mẫu mực ấy.
Năm 2001 cha Bergoglio được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong hồng y. Ở cương vị này cha lần lượt giữ nhiều vị trí quan trọng trong giáo triều.
Năm 2005 cha tham gia mật nghị bầu Giáo hoàng Benedicto XVI. Và khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, cha Bergoglio được hồng y đoàn chọn làm giáo hoàng mới. Đó là vào ngày 13/3/2013: vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ dòng Tên, vị giáo hoàng đầu tiên chọn tước hiệu Phanxicô.
Giáo hoàng Phanxicô không thay đổi gì nhiều so với trước. Ngài rao giảng đúng những gì ngài vẫn rao giảng khi là giám mục, hồng y: hướng sự chú ý của thế giới đến người nghèo và những người bị bỏ rơi; phê phán chủ nghĩa tiêu thụ đang biến con người thành những cỗ máy; bảo vệ những giá trị của giáo hội. Ngài sống đúng như ngài vẫn sống: từ chối lâu đài nguy nga dành cho giáo hoàng và chọn sống trong một căn phòng giản dị, từ chối phẩm phục lộng lẫy để ăn vận đơn sơ nhất có thể, từ chối xe bọc kính chống đạn vì cản trở ngài đến với mọi người v.v. Và trong quản trị ngài rất cứng rắn và dứt khoát: cải tổ ngành tài chính, thiết lập ban cố vấn, liên tục tổ chức những Thượng Hội đồng với quy mô lớn chưa từng có, và không ngần ngại lên án bạo lực, bất công trên thế giới.
Ngài chính là tiếng nói của Chúa trong thời đại mới.
Tham khảo
Daniel Burke (2015). The Pope’s Dark Night of the Soul. <https://edition.cnn.com/interactive/2015/09/specials/pope-dark-night-of-the-soul/>
Jimmy Burns (2015). Francis, Pope of good promises. St. Martin’s Press, New York.
Mario Escobar Golderos (2013). Francis, Man of Prayer. W Pulishing Group, US.
Matthew E. Bunson, D.Min (2013). Pope Francis. Our Sunday Visitor, Inc, US. Stephanie Watson (2014). Pope Francis: first pope from Americas. Lerner Publishing Group, Inc.