Xem phần 1 tại đây.
Tính dục con người: Thực tại thế tục và mầu nhiệm thần linh
Tính dục con người kết hợp tính hấp dẫn, việc kết đôi, sự duy trì một mối liên kết và việc truyền sinh. Cùng chung với nhau, chúng hình thành nền tảng của đời sống gia đình và xã hội. Trong nhiều khía cạnh, sinh lực này là đá góc tường của nhân loại chúng ta và, như thế, đáng chiếm một vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Tiếc thay, vấn đề này đã trở thành một tình trạng kỳ cục, không phải vì thiếu sự mạc khải về ý nghĩa của nó, nhưng vì việc lý giải nó đã bị lãng quên suốt truyền thống Kitô giáo. (23)
Tính Dục Được Tạo Nên Cách Thánh Thiêng
Bài trình thuật thứ hai trong sách Sáng thế miêu tả Thiên Chúa đã nhận thấy sự cô đơn của người nam không thỏa đáng như thế nào: “Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.’” (St 2,18). Như vậy, trình thuật này cho thấy chìa khóa để hiểu tính dục con người phải tìm trong khái niệm về tương quan. Mặc dù điều này hết sức rõ ràng trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo, việc điều này đã không trở thành lời giải thích rõ ràng về ý nghĩa của tính dục con người trong các giới Kitô hữu là một trong những nhược điểm lớn nhất của tín ngưỡng này. Nhưng Thánh Kinh đã không dành chỗ nào cho nghi ngờ cả. Sau đoạn miêu tả về cách thức người nữ được dựng nên từ người nam, người nam nói rằng:
“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì được lấy ra từ đàn ông. Bởi thế, người đàn ông lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Bấy giờ, con người và vợ mình đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” (St. 2, 23-25)
Đoạn văn này hướng sự chú ý của chúng ta vào sự kiện là yếu tính của tính dục cho thấy mối tương quan giữa người nam và người nữ, mà sự hoàn hợp trọn vẹn của họ thể hiện đơn nhất tính của hành vi giao hợp. Điều này lại phản ánh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó ba ngôi vị luôn liên kết mật thiết với nhau trong một mối tương quan của tình yêu vốn làm cho ba ngôi vị nên một, tuy ba ngôi vị vẫn giữ căn tính riêng biệt của mình, giống y như đôi vợ chồng.
Chỉ khi nào đôi vợ chồng hình thành một mối tương quan mà mạc khải cho thấy phải là vĩnh viễn, thì việc truyền sinh mới được đặt ra. Sự ưu tiên rõ ràng thứ nhất là dành cho mối tương quan vợ chồng và thứ nhì mới dành cho việc truyền sinh, một trật tự cho các sự kiện mà thần học Kitô giáo giờ đây phải hiểu cách đầy đủ. Chỉ trong một mối tương quan tình yêu thì việc sinh sản mới mang ý nghĩa trọn vẹn, bởi vì nhu cầu trước hết của con cái là phải được yêu thương. Bằng việc yêu thương con cái, các bậc cha mẹ lăp lại kế hoạch của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi Ngài tạo dựng nên thế gian và cứu chuộc thế gian. Mọi mạc khải đều dẫn đến tình yêu, chứ không phải sinh học. Việc sinh sản là một phúc lành của Thiên Chúa, chứ không phải là một thứ bản năng giống như những loài vật.
Trong trình thuật đầu tiên về sáng thế, tác giả cho biết: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy làm đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Thế giới chúng ta đang sống chắc chắn đã được dựng nên để được tồn tại, và việc giao hợp là phương thế để thực hiện điều này. Nhưng việc sinh hoa kết trái này không phải là một sự tán dương của bản năng nhưng là tán dương của tình yêu, bởi vì những yếu tố yêu đương của hành vi giao hợp là những yếu tố thiết yếu của nó.
Ý niệm rằng tình yêu là thực tại bên trong của việc giao hợp được diễn tả kế tiếp trong khái niệm giao ước. Giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, dân được Ngài tuyển chọn, là một mối quan hệ đặc biệt của tình yêu. Đó là một mối liên kết có sự cam đoan và trung thành tuyệt đối về phần Thiên Chúa, điều này sinh ra một sự đáp trả bằng sự tuân phục và tình yêu từ dân Ngài. Mỗi khi dân Israel thất trung thì Thiên Chúa lại tỏ ra cho thấy lòng chung thuỷ của Ngài bằng sự tha thứ liên tục và một tình yêu luôn dạt dào.
Từ thời của ngôn sứ Hôsê, một cách phác họa mối quan hệ này là qua hình ảnh hôn nhân. Hôn nhân giao ước này cũng được gặp thấy trong các sách ngôn sứ Giêrêmia, Êdêkien và Isaia. Trong tất cả những sách ngôn sứ này, sự bất trung của dân Israel được miêu tả theo kiểu nói lứa đôi là sự ngoại tình của người vợ cư xử như một ‘gái điếm’ hay một ‘kỹ nữ’. Ý nghĩa trọn vẹn của hình ảnh này là Thiên Chúa vẫn mong muốn luôn trung thành, yêu thương, tha thứ, giữ gìn mối quan hệ giao ước này, mà giờ đây được xem như là mối liên kết phu thê. Do đó, trong sách ngôn sứ Hôsê chúng ta đọc thấy: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2, 21-22).
Bởi việc dùng hôn nhân như một biểu tượng về sự thân tình giữa Thiên Chúa và Israel, các sách ngôn sứ này đã cho chúng ta thấy bản chất của mối quan hệ hôn nhân, được đặt trên nền tảng của tình yêu. Vì thế tình yêu của con người, thực tại thế tục của hôn nhân, được nâng lên và trở thành một phản ánh cho mầu nhiệm thánh thiêng của tình yêu Thiên Chúa, và ở cốt lõi của tình yêu hôn nhân là sự cam kết, sự trường tồn và sự hợp nhất.
Những đặc tính này của tình yêu trong hôn nhân được đề cao bởi thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Êphêsô, trong đó mối tương quan giữa Thiên Chúa của Israel và dân Người bây giờ được tiếp diễn trong giao ước mới giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Lại một lần nữa, hôn nhân được sử dụng như một biểu tượng cho mối tương quan tình yêu này:
Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, hầu Người có thể thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh… Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình.
Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, bởi vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5, 25, 28 -32).
Trong các đoạn trích dẫn này, chúng ta thấy một dòng tư tưởng từ Thánh Kinh xem tính dục con người như một điều gì đó tốt lành tận căn, một thực tại thế tục được an bài cho tính cách hấp dẫn của các giới tính, tỏ bày lòng yêu thương trong sự kết hợp của đôi nam nữ trong hôn nhân và sinh hoa trái nơi con cái.
Sự phong phú này của thực tại thế tục nơi tính dục được đề cao trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, than ôi, lại không được tiếp tục trong truyền thống Kitô giáo. Đúng hơn, bản thân tính dục bị bủa vây, tệ hại nhất thì bởi sự nghi ngờ và sự thù địch và may mắn hơn thì tính toàn vẹn của tính dục được giữ gìn trong hôn nhân chủ yếu khi tính dục được sử dụng như là một chức năng truyền sinh. Không có gì quá đáng khi nói rằng: trong suốt phần lớn của hai ngàn năm Kitô giáo, tiếng nói của Hội Thánh đã đón nhận tính dục chủ yếu như là việc thông truyền cho sự sống mới. Thế giới bên trong về ý nghĩa phong phú của tính dục và sự liên kết của nó với tình yêu đôi khi cũng chỉ được nói bóng gió tới, nhưng chưa bao giờ được đề cao về thực chất. Tính thống trị của việc truyền sinh ở trên mối tương quan vợ chồng ở chừng mực ý nghĩa của tính dục có liên quan đến, vẫn còn có hiệu lực trong Hội Thánh Công giáo Rôma cho đến Công đồng Vaticano II, khi hai mục đích của hôn nhân được đặt ngang nhau. Bằng chứng có thể được tìm thấy ở điều 1013 của Bộ Giáo Luật 1917, ấn định rằng:
“Mục đích nguyên thủy của hôn nhân là hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái, và mục đích thứ hai của hôn nhân là nhắm đến sự tương trợ lẫn nhau và là phương dược cho sự ham muốn nhục dục.”
Như vậy, trước Công đồng Vaticanô II, việc truyền sinh là mục đích thứ nhất của hôn nhân và sự hiệp nhất giữa đôi vợ chồng là mục đích thứ hai của hôn nhân. Trong “Hiến Chế Mục Vụ của Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium et Spes”, ngôn ngữ thứ bậc về hai mục đích của hôn nhân bị bác bỏ và bản chất cũng như hành vi của con người được đánh dấu bởi một sự thay đổi và phát triển cơ bản trong giáo huấn về tính dục và trong nhân học Công giáo. Công đồng Vaticanô II đã gọi hôn nhân và gia đình là một cộng đoàn của tình yêu và sau đó lại nhấn mạnh tầm quan trọng tối thượng của tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình. Giờ đây, chúng ta đã thật sự chuyển đổi từ luật lệ sang tình yêu. Thay vì nhấn mạnh vào một khế ước pháp lý, thì sự chú trọng giờ đây được đặt vào hôn nhân trong ý nghĩa về giao ước của Thánh Kinh và qui chiếu về mối tương quan. Theo cách diễn tả của Công đồng Vaticanô II:
“Cuộc sống vợ chồng được gầy dựng trong giao ước hôn nhân của sự ưng thuận không thể rút lại của từng cá nhân. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai người phối ngẫu tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, một mối quan hệ phát sinh mà nhờ sự an bài của Thiên Chúa và sự nhìn nhận của xã hội sẽ là mối quan hệ vĩnh viễn” (Gaudium et Spes, số 48).
Mối quan hệ này được đặt nền tảng trên tình yêu vợ chồng và Công đồng Vaticanô II tiếp tục khẳng định:
“Tình yêu này có đặc tính nhân linh cao cả vì là tình yêu tự ý của một nhân vị hướng đến một nhân vị khác. Tình yêu ấy bao hàm điều thiện hảo của con người toàn diện…Tình yêu này Thiên Chúa đã nhận thấy là xứng đáng hưởng những ơn huệ đặc biệt, chữa lành, hoàn thiện, và những ơn huệ cao cả của ân sủng và bác ái.” (Gaudium et Spes, số 49).
Việc nhấn mạnh vào tình yêu cá vị được quân bình bởi ý niệm truyền sinh. “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng được quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, và tìm thấy nơi con cái sự kết hợp tột đỉnh của mình” (Gaudium et Spes, số 48).
Sau hết Công đồng Vaticanô II đã có thể loại bỏ ý niệm về cứu cánh đệ nhất và cứu cánh đệ nhị khi nói về mục đích của hôn nhân, cho dù ý niệm ấy đã được dùng qua nhiều thế kỷ. Các yếu tố cá vị và truyền sinh của hôn nhân nay được đặt trên cùng một cấp độ.
Ai đó có thể thắc mắc và đặt câu hỏi, vì sao Hội Thánh lại phải mất quá nhiều thời gian để cuối cùng mới nhận ra được ý nghĩa quan trọng của tính dục và sự tốt lành của giới tính vốn gắn liền với mối tương quan của con người với nhau, đặc biệt trong đời sống hôn nhân.
Có nhiều lý do cho vấn đề này, tuy nhiên, tôi chỉ muốn đề cập một ít lý do thôi. Thứ nhất, Hội Thánh sơ khai chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Hy Lạp và sự thờ ơ với đam mê đã đóng một vai trò quan trọng. Thứ hai, trong khi Hội Thánh sơ khai đã giũ sạch được những lạc thuyết của phái Ma-ni-kê, thì thái độ thù địch của phái ấy đối với tính dục vẫn còn lưu dấu. Thứ ba, trong khi cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Phaolô đã dùng nhiều điều tuyệt vời để diễn tả về hôn nhân, thì trong thực tế Chúa Giêsu vẫn là một người độc thân và Thánh Phaolô có một sự đề cao đối với bậc sống này. Trong khi Chúa Giêsu hoàn toàn chuẩn nhận đời sống hôn nhân, thì Người vẫn ca ngợi đời sống độc thân tận hiến cho Thiên Chúa. Thứ tư, một số Giáo Phụ thời Hội Thánh sơ khai đã rất đố kỵ với tính dục. Dưới ánh sáng của nhận thức tâm lý hiện đại của chúng ta về nhân cách con người, chúng ta có thể nhận thấy rằng một trong những cách giải quyết cho vấn đề tính dục đó là phủ nhận hoàn toàn giá trị của nó. Giải pháp này rõ ràng đã đóng góp một phần vào ít nhiều cách tư duy của các Giáo Phụ tiên khởi, đặc biệt trong trường hợp của Thánh Augustinô, người đã có ảnh hưởng quá lớn trên Hội Thánh về tính dục và hôn nhân và ngài cũng là người có vấn đề cá nhân đáng kể liên quan đến tính dục.
Nhưng, trên hết, không thể có một nền thần học phong phú về tình dục hôn nhân mà lại không có một sự trổi vượt của hôn nhân trong đời sống Hội Thánh. Một nền thần học phong phú về tính dục hay hôn nhân luôn cần đến những người đã kết hôn, vốn chiếm đến 90% toàn Hội Thánh. Những đóng góp quan trọng của chính họ (người giáo dân đã lập gia đình) liên quan đến khoa thần học trong Hội Thánh Công giáo La mã, chỉ được công nhận sau Công đồng Vaticanô II, và họ thật tình vẫn chưa tìm thấy tiếng nói của họ và sự tự tin để tỏ bày những suy nghĩ của chính mình. (26)
Tái khám phá sự phong phú về ý nghĩa của việc giao hợp
Có lẽ cho đến tận bây giờ trong Hội Thánh Công giáo Rôma, – mà thật ra, trong cả toàn thể thế giới Kitô giáo – sự phong phú của mầu nhiệm tính dục vẫn cần phải được tìm hiểu đúng mức. Tôi đã cố gắng cho thấy trong bài thuyết trình này là hôn nhân và tính dục là những phương thế chính yếu để diễn tả tình yêu, vốn là bản tính của Thiên Chúa, và chúng ta không được quên rằng trong các Kinh Thánh Do thái, tính dục, như được diễn tả trong hôn nhân, là một trong những biểu tượng chính yếu của Giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Vì thế, tôi cho rằng Kitô giáo vẫn cần phải tìm hiểu sâu hơn về mầu nhiệm tính dục.
Giờ đây quay trở lại với vấn đề tính dục về phương diện hấp dẫn về thể lý, cảm xúc và xã hội dẫn đến việc giao hợp: không có mấy nghi ngờ rằng món quà quý giá này của Thiên Chúa đã được ca ngợi cách trọn vẹn trong sách Diễm Ca (Dc 4,1-5) và trong một sách khác (St 1,31) đã nhận được sự quan tâm tương đối ít trong truyền thống Kitô giáo. Tương phản với một bối cảnh đề cao sự trinh khiết, thì việc giao hợp được bảo vệ an toàn khỏi bị xem là điều xấu, như thuyết Manikê, Ngộ Đạo Thuyết và những lạc thuyết sau này đã đánh giá nó; thế nhưng việc này đã được Hội Thánh Công giáo đề cập đến một cách hết sức thận trọng. Xét vì những đặc tính mang lại khoái lạc của việc giao hợp được tiếp cận với một mối nghi ngờ lớn, nên sự cứu thoát tối hậu của hành động này được tìm thấy trong mối tương quan của nó đối với việc truyền sinh. Từ những thế kỷ đầu tiên, sự biện minh mạnh mẽ nhất cho việc giao hợp là mối liên kết của nó với việc sinh sản con cái. Vì vậy, một sự chú trọng về khía cạnh sinh học đã hiện diện từ thời kỳ đầu của Kitô giáo cho đến tận ngày nay.
Sự nối kết ý nghĩa giữa giao hợp với tình yêu đã tốn rất nhiều thời để phát triển và những người ủng hộ quan điểm này lại rất ít, mặc dù những người ủng hộ này vẫn có trong suốt truyền thống Kitô giáo. Tình yêu, một sự biểu lộ chính yếu của việc giao hợp, chưa bao giờ tự thân được củng cố trong đời sống của Hội Thánh trong khi những mối nguy hại của việc giao hợp luôn hiện diện trong suy nghĩ của Hội Thánh.
Trở lại sáu mươi năm về trước hoặc khoảng thời gian gần như thế, chúng ta đã thấy cách ngôn ngữ của giáo luật và thần học truyền thống nhìn việc giao hợp như một liệu pháp cho chứng dâm dục (tính dâm dật hay sự ham muốn nhục dục mãnh liệt). Cách chung, dâm dục chỉ về sự rối loạn của những đam mê và bản năng không kiểm soát được của con người mà bản chất con người đã sa ngã dễ bị mắc phải do tội nguyên tổ. May mắn nhất là ý tưởng đằng sau cụm từ này (tội nguyên tổ), là khái niệm cho rằng ân sủng ban cho một sức mạnh chữa lành nhằm hướng dẫn tính dục theo một đường hướng có trật tự, được tổ chức và hoà hợp nhiều hơn cho việc biểu lộ xứng hợp phẩm cách của con người. Vì vậy, hôn nhân chuyển hóa việc chung chạ tính dục bừa bãi sang việc giao hợp chung thuỷ duy nhất giữa vợ chồng, và sự thoả mãn thuần bản năng sang tiềm năng truyền sinh liên kết với khoái cảm, một sự tưởng thưởng xứng hợp cho một hoạt động đích thực của con người. Có một chút nghi ngờ rằng ngôn ngữ của giáo luật trước Công đồng Vaticanô II hoàn toàn thiếu mối liên kết giữa việc giao hợp và tình yêu; trọng tâm lại đặt trên tiềm năng truyền sinh của việc giao hợp, và bầu khí ấy được phổ biến trong nhiều trường học Công giáo, và từ các tòa giảng của thánh đường trên khắp thế giới thì luôn nói về những mối nguy hại của tình dục. Đó là nền thần học và bầu khí mà người Công giáo bình thường thời đó đã được sinh ra và lớn lên.
Có những người lại muốn phủ nhận tất cả điều này và vẽ ra một bức tranh mầu hồng. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã lớn lên trong những thập niên ba mươi, bốn mươi và năm mươi – và thậm chí những thế hệ sau này nữa – sẽ không dễ dàng quên đi tính chất tiêu cực này.
Tuy nhiên, nhờ Công đồng Vaticanô II mới có được những điều tuyệt vời để nói về việc giao hợp:
“Tình yêu này (của vợ chồng) được biểu lộ và hoàn thiện cách duy nhất qua hành vi của hôn nhân. Những động tác trong hôn nhân nhờ đó đôi vợ chồng kết hợp cách mật thiết và thanh khiết đều cao quí và chính đáng. Được biểu lộ cách thật sự nhân bản, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến cho nhau, nhờ đó, đôi phối ngẫu làm cho nhau thêm phong phú trong niềm hoan lạc và lòng biết ơn”
(G.S. 49)
Chúng ta đã thấy ngôn từ mục đích đầu tiên và mục đích thứ hai đã bị loại bỏ bởi Công đồng Vaticanô II, và những yếu tố cá vị và truyền sinh của hôn nhân được đặt trên cùng một cấp độ. Tuy nhiên, Công đồng Vaticanô II khẳng định cách rõ ràng là việc sinh sản và giáo dục con cái thì tuyệt đối thiết yếu, và mối liên kết giữa việc giao hợp và sự truyền sinh mang một ý nghĩa tối quan trọng. Nhưng khi đã làm nổi bật sự thật sâu xa này, tôi nghĩ Hội Thánh Công giáo vẫn còn có nhiều công việc phải làm, để giới thiệu giáo huấn Hội Thánh về luân lý tính dục cách thuyết phục hơn và thích đáng hơn cho các đôi hôn nhân, đặc biệt những ai thấy mình đang dần xa lìa khỏi Hội Thánh bởi vì họ không thể toàn tâm toàn ý chấp nhận giáo huấn chính thức của Hội Thánh về những vấn đề liên quan đến tính dục.
Khi sự liên kết giữa việc giao hợp và việc truyền sinh phai mờ đi, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi hướng đi mù mờ này để nhận ra những cảnh quan rộng rãi hơn về ý nghĩa của tính dục. Cảnh quan đầu tiên và rõ ràng nhất là sự hấp dẫn tính dục chính là một nguồn năng lực mạnh mẽ nhất, một tặng phẩm quý báu của Đấng Tạo Hóa, mục đích chính của tính hấp dẫn này là để cho con người gắn bó hay liên kết với nhau. Sự hấp dẫn tính dục được an bài cách diệu kỳ, để dẫn đưa người nam và người nữ đến với nhau, để hình thành nên một mối tương quan riêng biệt trong hôn nhân, và sau đó, bởi việc giao hợp, nhằm duy trì mối dây ràng buộc cho chính họ và sự ràng buộc vì lợi ích của con cái. Khoái cảm của tính hấp dẫn tính dục và việc giao hợp không phải là một cứu cánh tự thân, nhưng nhằm phục vụ cho sự liên kết hai người lại với nhau. Mọi nền thần học muốn so sánh sự ham muốn tình dục với bản năng của thú vật nhằm hướng đến việc truyền sinh cơ bản đều sai lầm. Ham muốn tình dục nơi con người rõ ràng là khác biệt, và được gắn kết với một chiều kích nhân vị mà khuynh hướng của nhân vị là điều chúng ta đã tiến tới tìm hiểu: tình yêu.
Ý nghĩa của việc Giao hợp
Việc giao hợp giữa đôi vợ chồng luôn bao hàm nhiều khả năng. Trước hết, việc giao hợp chứng thực ý nghĩa cá vị của mỗi người trong hai người đối với nhau. Mỗi cử chỉ của việc giao hợp là một sự nhắc nhở rằng người nọ là người quan trọng nhất trong cuộc đời của người kia và họ nhận biết, mong muốn và trân quý lẫn nhau bằng việc dâng hiến toàn thể con người của họ cho nhau trong sự hợp nhất hoàn toàn về thể chất cũng như về tình cảm.
Theo ngôn từ tâm lý học, khi ân ái, hai vợ chồng cảm nhận thấy hành động tình dục trở thành thứ ngôn ngữ diễn tả chiều kích nhân vị của tình yêu. Sự kết hợp sinh lý trở thành biểu tượng cho sự trao hiến bản thân, trong đó hai người cảm thấy họ đón nhận nhau cách trọn vẹn và tận tình. Họ nói với nhau qua hành vi ân ái: “Anh/Em nhận biết em/anh là người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh/em; anh/em muốn em/anh làm người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh/em; và anh/em trân quý em/anh như là người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh/em”. Khi những bội ý riêng tư này bị tách ra khỏi hành vi ân ái thì sự liêm chính của con người bị méo mó đi.
Thứ hai, việc giao hợp là một trong những hành vi mạnh mẽ nhất qua đó đôi nam nữ củng cố căn tính giới tính cho nhau, khiến cho người nữ cảm thấy mình tràn đầy nữ tính nhất và người nam cũng thấy mình tràn đầy nam tính nhất.
Thứ ba, mọi mối liên kết đều bị đe doạ bởi những sự bất đồng. Sự hòa giải mau chóng là mệnh lệnh khẩn cấp, nhưng đôi khi sự tha thứ lại không dễ dàng. Sự tổn thương lại quá nghiêm trọng. Chính vào những thời điểm này việc ân ái có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải do niềm vui điều này có thể đem đến và chữa lành được vết thương.
Thứ tư, cốt lõi của sự gắn bó là lòng ham muốn sự gắn bó này được liên tục; giao hợp là thời điểm đỉnh của việc khẳng định cho mối tương quan hợp nhất này. Ham muốn tình dục là một niềm hy vọng mãnh liệt sự liên tục của một mối quan hệ yêu thương và nó tiên báo sự khao khát mãnh liệt sự liên tục hiện hữu mà chúng ta chờ đợi trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sau hết, mỗi lần đôi vợ chồng ân ái thì có tràn đầy một tâm tình tạ ơn được diễn tả bằng lời hay không. Vì thế, mỗi hành vi ân ái là một khoảnh khắc trao hiến sự sống của mình, đồng thời tăng cường mối quan hệ hôn nhân, là ý nghĩa quan trọng nhất của việc giao hợp: trong một ít trường hợp, việc giao hợp thật sự là việc trao ban sự sống của việc truyền sinh, nhưng mối liên hệ chính yếu của việc giao hợp với việc truyền sinh là nhằm thăng tiến sự hợp nhất và sự bền vững của các bậc cha mẹ vốn là thiết yếu đối với sự phát triển của con cái.
Tóm lược
Để tóm lược bài thuyết trình này, chúng ta hãy làm nổi bật cách vắn tắt những gì chúng ta đã tìm hiểu. Trước hết, rõ ràng là trải qua nhiều thế kỷ, ý nghĩa và luân lý tính của việc biểu hiện tính dục nơi con người chủ yếu được xác định theo luật tự nhiên, với sự chú trọng đến việc truyền sinh. Chỉ trong những năm gần đây, chúng ta mới đi đến một nhận thức đầy đủ hơn, phong phú hơn và có tính nhân bản hơn về tính dục con người, một sự nhận thức làm sáng tỏ chúng ta là ai, không chỉ về mặt sinh học mà còn bao hàm những mặt tâm lý, xã hội, tình cảm và thần học. Tính dục là một yếu tố nòng cốt và thiết yếu trong phận sự mà chúng ta phải đảm trách để làm người cách trọn vẹn. Nó cũng là yếu tố tối quan trọng trong sứ mạng chúng ta sống với tư cách là Kitô hữu, nghĩa là tiếp tục hay mở rộng thực tại tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Bởi vì chính bản chất của chúng ta là những hữu thể có tính dục khiến cho chúng ta trở thành những người yêu, và chính tình yêu phải là bối cảnh cho việc biểu hiện tính dục của chúng ta.
Chính vì lý do này mà chúng tôi đã nỗ lực trình bày ý nghĩa của tình yêu, và chúng tôi đã khám phá trong nỗ lực này rằng: bất kỳ một mối tương quan nhân bản nào đáng gọi là thương yêu, cũng đều gắn liền với sự quan tâm, chăm sóc và sẵn sàng nhận trách nhiệm đối với người khác. Sự ham muốn, lòng tự nguyện, lời hứa hẹn, sự quyết định để không chỉ sống với người tôi yêu mà thôi, nhưng cũng còn sống cho người tôi yêu, là một phần trọng yếu của sự thật được biểu lộ trong hành vi giao hợp. Đây là lý do khiến người ta không được thực hiện hành vi này một cách hời hợt. Ý nghĩa phong phú của việc giao hợp được diễn tả rất hay trong những lời này: “Giao hợp là một hành vi tự mạc khải, tự biểu lộ, và tự trao hiến bản thân một cách trọn vẹn đến nỗi nó mang một tiềm năng tạo nên sự sống của một con người khác. Như thế, hành vi này hết sức đáng lo ngại bị lâm nguy, nếu được thực hiện bởi một người không hiểu biết gì về cả vẻ đẹp lẫn những lỗi lầm của mình”.
Việc hiểu thấu ý nghĩa và hệ lụy của việc giao hợp là một con đường dài hướng đến việc giải thích tại sao khuôn khổ của sự giao ước trọn đời với nhau lại tạo nên một môi trường luân lý phù hợp cho việc biểu hiện tính dục cách trọn vẹn. Sự trao hiến cho nhau trong việc giao hợp được xem là trong sự phản ánh nơi máu thịt của việc tự hiến thân cho nhau vốn được bao hàm trong sự giao kết của đôi vợ chồng với nhau. Theo Masters và Johnson, sự giao kết có nghĩa là hai người trao phó hạnh phúc về cả thể chất lẫn tình cảm của họ cho nhau; sự giao kết như thế là một hành vi của niềm tin và là một sự chấp nhận cả điều không vừa ý. Vì lý do này, không phải sự giao kết mà cũng chẳng phải việc giao hợp có thể bị xem nhẹ; nếu có điều nào xảy ra như thế, thì không thể nào lại không bị trừng phạt.
Ai đó đã bình luận về tình yêu và hôn nhân như là khuôn khổ xứng hợp cho việc biểu hiện thể lý của tính dục đáng cho chúng ta chú ý:
Trong hôn nhân, người nam và người nữ cùng góp phần về cảm xúc, tâm lý và thể lý cho một sự hợp nhất vốn lớn hơn tất cả các phần của mỗi bên cộng lại. Chỉ trong cơ cấu tổng thể của sự sống và tình yêu này, việc giao hợp, hành vi đem lại khoái lạc thể chất tột đỉnh, mới tìm thấy được một nền móng nâng đỡ. Đây là sự hợp nhất về tình cảm và tinh thần của hôn nhân nhằm nuôi dưỡng thích đáng sự kết hợp thể lý của hành vi giao hợp. Khi hành vi tình dục chỉ đơn thuần là để mua vui, thì nó không thể tạo điều kiện cho việc phát triển của nhân vị và tâm linh. Như Woody Allen đã có thể nhận xét:
Tình dục mà không có tình yêu là một trải nghiệm trống rỗng, nhưng khi những trải nghiệm trống rỗng ra đi thì tình dục lại là một trong những điều tốt nhất.
Tuy nhiên, khi tình dục phát sinh từ tình yêu, thì chúng ta sẽ được giải thoát khỏi chính mình, khỏi mối bận tâm về mình, và bước vào trong ánh sáng của một mối tương quan năng động hoà nhập với tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người chúng ta. Tình dục không còn là một trải nghiệm bế tắc nữa, đó là một trải nghiệm cùng làm cho nhau được thỏa mãn, nhưng một cách độc lập và riêng biệt. Đúng hơn, trong tình yêu, tình dục được thừa nhận trở nên quà-tặng-cho-người-kia, thực sự là như thế. Cách chắc chắn, tình dục mà không có tình yêu thì khá là sảng khoái, nhưng sẽ khiến chúng ta không triển nở và phát huy bản chất con người. Tình dục mà không có tình yêu là điều gì đó giống như thủ dâm, ngoại trừ là thay vì chỉ lẻ loi một mình về phương diện thể lý, thì đôi nam nữ lại chỉ lẻ loi về phương diện tình cảm hay cảm xúc mà thôi. Tinh thần con người thì vẫn còn tự bao bọc và lạnh lùng. Tình dục mà không có tình yêu thì xem như là ích kỷ, và như thế, nó hàm chứa sự bực bội khó chịu như tất cả mọi hành vi ích kỷ. Người ích kỷ, người chỉ tìm cách chiếm hữu, thì rốt cuộc chỉ còn chiếm hữu chính bản thân họ mà thôi.
Kết luận
Hy vọng việc chúng ta nhìn lại những điểm mạnh và những điểm yếu của những quan điểm còn bất cập về tính dục con người đã làm sáng tỏ hơn nhân học kitô giáo căn bản của chúng ta về tính dục: đó là chúng ta nhìn nhận tính dục như một nguồn tổng hợp đụng chạm đến mọi bình diện của hiện hữu con người. Nhưng điều này nói gì về một nền thần học luân lý tính dục? Chúng ta đánh giá như thế nào trách nhiệm luân lý trong lĩnh vực tính dục con người? Để bắt đầu, nền thần học luân lý tính dục của chúng ta nên là Công giáo theo nghĩa nguyên thủy của từ này. Thần học luân lý của chúng ta cần phải nghiêm chỉnh mở ra cho mọi phương diện về tính dục con người, không được bỏ qua bất kỳ một khía cạnh quan trọng nào. Nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng. Chưa từng có và sẽ không bao giờ có ai hợp nhất toàn bộ mọi khía cạnh của tính dục con người. Vì thế, việc tìm kiếm một con người hợp nhất cách trọn vẹn về tính dục là một sự lãng phí thời gian. Tất cả chúng ta là những khách hành hương, những người lữ hành, thì biết bao giờ mới có thể đạt được đạo đức trọn vẹn trong lĩnh vực tính dục. Chính cũng vì lý do này- tình trạng kẻ lữ hành của chúng ta – mà tính dục luôn là một mối bận tâm luân lý liên tục và chính đáng. Tinh thần khổ hạnh và sự tiết chế trong lãnh vực tính dục sẽ tiếp tục là một nhu cầu cho chúng ta là những khách lữ hành, với tư cách là người lữ hành thì bao lâu mà chúng ta còn sống trên dương thế thì đời sống của chúng ta không thể nào đạt tới sự hoàn thiện và viên mãn. Hội Thánh Công giáo chủ yếu là đúng đắn trong việc chăm sóc và quan tâm luân lý về lãnh vực tính dục. Đôi khi những quan điểm của Hội Thánh về tính dục có thể là quá tiêu cực và quá thiên về thể lý, nhưng Hội Thánh chắc chắn đã đúng khi xem tính dục như là một lĩnh vực phức tạp của đời sống con người nhằm kêu gọi sự nhạy cảm về luân lý.
Để biểu lộ mối quan tâm của các tín đồ Công giáo và Kitô giáo liên quan đến lãnh vực luân lý tính dục, vấn đề then chốt ta có thể đặt ra như sau: tôi sử dụng ân huệ tính dục Thiên Chúa đã ban cho tôi như thế nào để tương giao một cách có trách nhiệm nhất với chính tôi, với những người khác (cả cá nhân lẫn xã hội), và với mầu nhiệm thánh thiêng của Thiên Chúa? Sự phục hưng Kinh Thánh, bằng cách xem xét nền thần học chủ đạo của cả Cựu ước lẫn Tân ước, đã cho thấy phạm trù về mối tương quan có trách nhiệm thì vượt lên trên phạm trù về quy tắc hay luật lệ trong việc đánh giá những vấn đề luân lý. Những tín điều căn bản của Kitô giáo như mầu nhiệm Nhập Thể (liên hệ Đức Kitô với mọi khía cạnh của nhân tính), và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (xác quyết các mối tương quan hữu vị hiện hữu ngay trong Thiên Chúa duy nhất), cũng khẳng định tầm quan trọng của phạm trù tương quan có trách nhiệm. Vấn đê luân lý căn bản của chúng ta về tính dục chấp nhận ý niệm về trách nhiệm này trong mối tương quan trên và làm cho nó trở thành ý niệm có hiệu lực trong một hệ thống luân lý tính dục Kitô giáo. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp những vấn đề tính dục đặc thù, câu hỏi ‘Ta phải tương giao một cách có trách nhiệm nhất trong tư cách của con người có tính dục như thế nào đối với Thiên Chúa, đối với bản thân, và đối với tha nhân?’ sẽ là một câu hỏi nền tảng làm cơ sở cho những tính toán, cân nhắc của chúng ta. Không phải mọi người đều sẽ trả lời câu hỏi về việc sử dụng có trách nhiệm món quà tính dục một cách giống nhau đâu (thí dụ: những người sống độc thân sẽ giải đáp nghi vấn này khác với những người sống trong đời sống hôn nhân), nhưng đây sẽ luôn luôn là một câu hỏi then chốt./. (Fine)
Linh mục Trần Mạnh Hùng
Tác giả giữ bản quyền – Copyright©2021