Người con Ba Lan
Năm 1978 là một năm khó quên của Giáo hội, vì đây là năm của ba vị giáo hoàng. Người thứ nhất là Đức Phaolô VI, qua đời vào tháng 8 do đau bệnh kéo dài. Trong cương vị giáo hoàng ngài đã kết thúc Công Đồng Vatican II do người tiền nhiệm là Đức Gioan XXIII khởi xướng, một Công đồng với mục đích “mở cánh cửa sổ để thế giới nhìn vào Giáo hội, và Giáo hội nhìn ra thế giới”.
Kế vị ngài đức Gioan Phaolô I, “vị giáo hoàng luôn mỉm cười”. Nhưng chỉ 33 ngày sau ngài đột ngột từ trần. Hồng y đoàn một lần nữa phải nhóm họp chọn ra thủ lĩnh mới cho giáo hội.
Mật nghị Hồng y bầu giáo hoàng lần thứ hai trong năm 1978 bắt đầu từ ngày 15/10, và thế giới đồn đoán bất tận về giáo hoàng mới. Nhiều cái tên được nhắc đến và ai cũng tin rằng đó sẽ là một người Ý, truyền thống hơn 400 năm nay.
Tối ngày 16 tháng 10 năm 1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, ước tính khoảng 100.000 người, vừa đạo vừa đời, sốt sắng chờ đợi. Cuối cùng thì khói trắng cũng bốc lên từ ống khói nhà nguyện, báo hiệu cuộc bầu chọn đã có kết quả. Dân chúng xôn xao bàn tán và ngước nhìn lên ban công nơi vị giáo hoàng mới sẽ gửi lời chào tới toàn thế giới.
Cửa từ từ mở ra, hồng y niên trưởng xuất hiện: “Tôi xin báo cho anh chị em một niềm vui trọng đại”, ngài cất tiếng. “Chúng ta có giáo hoàng mới!”. Đám đông hoan hô, rồi lắng nghe tên của người đã được chọn.
Vị hồng y chậm rãi nói, cố gắng phát âm chính xác một cái tên ngoại quốc: “Ngài là hồng y Karol Wojtyla, và ngài chọn tước hiệu Gioan Phaolô II”. Sự ồn ào và kinh ngạc tràn qua đám đông. Cuối cùng một số người nhận ra cái tên ấy và thốt lên “Ngài là một người Ba Lan! Ngài là một người Ba Lan!”
Đó là thời khắc lịch sử. Hồng y đoàn đã gạt bỏ truyền thống để chọn một giáo hoàng đến từ Ba Lan, một quốc gia Cộng sản tại Đông Âu. Sau 455 năm, người đầu tiên không phải người Ý đã lên ngai Giáo hoàng. “Các hồng y”, báo Time viết, “đã làm một điều không chỉ hoàn toàn bất ngờ, mà còn là không thể lý giải nổi.”
Tuổi thơ
58 năm trước đó, 18/05/1920, khi đón đứa con thứ hai chào đời, vợ chồng Karol và Emilia Wojtyla sao có thể nghĩ được rằng họ vừa hạ sinh một giáo hoàng vĩ đại trong tương lai. Là những giáo dân mộ đạo, gia đình Wojtyla có lẽ chỉ dám mong Karol, con trai họ, sau sẽ đi tu, nhưng đó còn tuỳ vào ơn Chúa. Như mọi bậc cha mẹ khác tại Ba Lan, ông bà Karol và Emilia hy vọng bé Lolek, như cách họ gọi ngài, lớn lên sẽ là đứa con trung thành và năng nổ của đất mẹ Ba Lan.
Quê hương của Wojtyla là thị trấn Wadowice, cách thành phố Krakow của Ba Lan 30 dặm về hướng tây nam. Cha là viên chức trong quân đội Ba Lan; mẹ là giáo viên có dòng máu Litva. Hai vợ chồng sống khiêm tốn trong một căn hộ nhỏ nơi Lolek chào đời.
Karol Wojtyla chịu phép rửa tội ngày 20/6 tại thánh đường Wadowice. 7 tuổi cậu đi học và đặc biệt sáng dạ. Nhưng bi kịch gia đình sớm xảy đến ngay khi cậu còn ấu thơ.
04/1929, bà cố Emilia qua đời trong khi sinh cùng với đứa bé. Gia đình xuống dốc từ ấy. Ông cố yêu thương đứa con, và hai người rất gần gũi nhau. Nhưng yêu con là một nhẽ, ông rất nghiêm khắc và lên thời khoá biểu sát sao cho con. Nhưng Lolek vẫn có chút thời gian chơi bóng với bạn bè. Cậu lớn lên khoẻ mạnh, yêu bóng đá và thích vận động.
Năm 11 tuổi Lolek lên trung học. Và chỉ một năm sau bi kịch thứ hai xảy đến. Anh trai của cậu, Edmund, một bác sĩ, qua đời khi đang cứu chữa bệnh nhân.
Còn lại hai cha con, họ càng nương tựa nhau hơn. Karol đã giải ngũ dành thời gian để chăm sóc đứa con độc nhất còn lại. “Ông cố lo lắng việc nhà, giặt giũ cơm nước, cả chuyện may vá cho con.” Một tác giả viết. “Ông còn dạy con học cho tới khi cậu đỗ đại học. hai cha con thật là không thể chia lìa.”
Với tình yêu và sự nâng đỡ của cha, Lolek học tập xuất sắc, và dần bộc lộ năng khiếu văn chương sân khấu. Nhưng đức tin mới là điều quan trọng nhất với cậu, xuyên suốt những năm tháng thiếu niên. Ba Lan là gốc Công giáo. Đức tin và lòng yêu nước nơi đây hoà trộn trong tâm trí người Ba Lan. Hai ông bà cố đều rất mộ đạo, và Lolek kế thừa đức tin đó của cha mẹ. Cậu vào lễ sinh, giúp lễ hàng ngày, và đứng đầu một hội cầu nguyện trong nhà trường.
Trưởng thành
Tuy mộ đạo là vậy nhưng đến năm 18 tuổi Karol Wojtyla cũng chưa hề nghĩ tới việc đi tu. Anh nuôi chí đại học. Mùa hè năm đó, 1938, hai cha con từ biệt làng giềng, khăn gói lên Krakow. Ở đó Karol đã ghi danh vào Đại học Jagellonian, một trong những ngôi trường lâu đời nhất châu Âu.
Với hai cha con, Krakow là thế giới khác. Wadowice chỉ là một thị trấn nhỏ với vài ngàn dân, còn nơi đây là trung tâm văn hoá của Ba Lan và của cả Đông Âu. Cố đô của đất nước này và vẫn luôn là biểu tượng nghệ thuật khoa học của Ba Lan.
Đại học Jagellonian nằm tại trung tâm thành phố Krakow, do một vị vua Ba Lan sáng lập năm 1364. Trong năm thế kỷ đây là nơi gọt giũa những khối óc Ba Lan. Nicolaus Copernicus, người chứng minh Trái Đất xoanh quanh Mặt Trời, từng học ở đây. Lenin, cha đẻ của cách mạng Cộng Sản cũng từng là học sinh trường này.
Năm thứ nhất, Karol nghiêm túc tập trung vào ngành sân khấu. Anh đăng ký các lớp diễn thuyết ngoài giờ, và tham gia đội kịch với những người cùng sở thích. Tuy rất được bạn bè yêu mến, nhưng Karol sống khép kín, hiếm khi tham gia các cuộc liên hoan vui chơi. Người bạn tâm giao của anh chính là cha, và anh thường xuyên đến nhà thờ.
Kết thúc năm học thứ nhất, Karol bước vào khoá học quân sự mùa hè bắt buộc dành cho sinh viên. Tháng 8, anh trở lại trường để học năm hai. Nhưng từ đây, thế giới đã hoàn toàn bị đảo lộn chỉ trong vài tuần ngắn ngủi.
Tinh mơ ngày 1/9/1939, Đức xâm lược Ba Lan, Thế Chiến Thứ 2 bắt đầu. Quốc trưởng Adolf Hitler muốn nuốt chửng Ba Lan để mở rộng lãnh thổ Đức. Xe tăng, binh lính, máy bay Đức tràn qua biên giới, đánh úp quân đội Ba Lan mà không gặp trở ngại gì đáng kể. Hitler gọi chiến dịch này là chiến tranh thần tốc.
Sau một tháng, chính quyền Ba Lan đầu hàng. Với những hiệp ước mới ký kết giữa Đức và Liên Xô, Ba Lan bị chia cắt thành hai vùng lãnh thổ. Tuy Đế Quốc Anh và Pháp thề sẽ cứu Ba Lan và đã tuyên chiến với Đức, nhưng họ án binh bất động. Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng hơn năm năm trời và tàn sát hơn 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Do Thái.
Năm tháng chiến tranh
Cuộc xâm lược của người Đức đã thay đổi triệt để đời sống của mọi người dân Ba Lan, bao gồm Karol Wojtyla. Ít lâu sau khi Krakow thất thủ, chính quyền quân sự đóng cửa toàn bộ đại học. Hitler tuyên bố người Ba Lan không cần học, chỉ cần làm nô lệ cho người Đức là đủ.
Để ngăn chặn các cuộc nổi dậy của dân Ba Lan, Đức bắt hết các giáo sư trí thức. 06/11/1939, ban giám hiệu trường Jagellonian được mời dự một cuộc họp với lý do bàn việc mở lại trường. Nhưng khi đến nơi các thầy cô giáo bị bắt trói và giải đến các trại tập trung. Phần lớn họ không bao giờ trở lại.
Là một sinh viên, Karol có nguy cơ sẽ bị bắt giải đến trại tập trung như nhiều bạn bè của mình. Để tránh điều đó, Karol tìm được một việc làm và được cấp thẻ lao động. Đầu năm 1940, anh may mắn được công ty Solway Chemical Works thuê làm công nhân khai thác đá.
Tuy an toàn, nhưng công việc cực kỳ nặng nhọc, đục đá, chất lên xe rùa, và chở đến chỗ tập kết. Ít lâu sau anh được thuyên chuyển đến làm việc cho một nhà máy hoá chất.
Năm 1940-1941, Karol tiếp tục làm việc và trợ cấp cho người cha già. Bên ngoài anh sống thầm lặng và nhẫn nhịn. Nhưng Karol không từ bỏ tinh thần Ba Lan, anh triệu tập một số bạn bè và thành lập Sân khấu kịch Rhapsody, diễn những vở kịch yêu nước. Việc này nếu bị phát giác, Karol sẽ bị tử hình.
Không chỉ dừng lại ở sân khấu kịch, Karol còn đánh cược tự do và mạo hiểm mạng sống “đi hết thành phố này đến thành phố khác giúp đỡ các gia đình Do Thái thoát khỏi khu tập trung, làm căn cước cho họ, giúp họ tìm nơi ẩn náu.” Một người bạn của anh kể lại. “Anh đã cứu mạng sống của nhiều gia đình.”
Chiến tranh đã thay đổi tâm hồn Karol Wojtyla. Đau khổ, khủng bố, và tàn sát, tất cả làm anh tự vấn về bản chất của thiện và ác trong cuộc đời. Cái chết của ông cố vào năm 1941 càng làm anh thêm trầm mặc. Đó một cú sốc lớn. Anh cầu nguyện cạnh thi hài của người cha suốt 12 giờ, cố gắng đè nén nỗi đau. Vậy là ở tuổi 20, Karol Wojtyla bơ vơ trong thế giới đang bị chiến tranh tàn phá.
“Sau khi cha tôi mất,” vị giáo hoàng hồi tưởng, “tôi dần nhận ra con đường của mình. Tôi làm việc tại nhà máy và dành hết thời gian rảnh rỗi cho văn chương và kịch nghệ. Ơn gọi tu trì hình thành từ ấy, như một thôi thúc không thể khước từ trong thâm tâm. Một năm sau, mùa thu, tôi biết tôi được gọi mời.”
Wojtyla được nhiều người giúp đỡ trong đời sống thiêng liêng, nổi bật nhất là Jan Tyranowski, một thợ may. Tyranowski là một nhân vật bí ẩn, một triết gia và thần học gia tự học, và gấp đôi tuổi của Wojtyla. Ông trở thành người đỡ đầu cho anh, dạy anh hiểu và trân trọng những triết gia Công giáo thế kỷ 16 như Thánh Gioan Thánh Giá.
Tháng 10/1942, Wojtyla theo học một khoá thần học bí mật do thầy cô trường đại học Jagellonian tổ chức vào buổi tối. Ban ngày anh vẫn tiếp tục làm công nhân tại xưởng hoá chất.
Tháng 8/1944, người Đức bị quân đội Nga đánh đuổi khỏi Ba Lan. Đáp trả trước những làn sóng nổi dậy của dân Ba Lan, quân Đức vây bắt và giết hại hàng ngàn thanh niên Ba Lan. Lo sợ Wojtyla và các sinh viên khác sẽ thành nạn nhân của cuộc tàn sát, giám mục Krakow đã che giấu họ trong nơi ở của ngài cho tới khi người Đức hoàn toàn bị đuổi khỏi thành phố.
Tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô chiếm quyền kiểm soát Ba Lan. Karol Wojtyla là một sinh viên xuất sắc trong những năm tháng bí mật học tập. Anh dễ dàng lấy bằng thần học khi nhà trường mở cửa trở lại. Và với sự xuất sắc ấy, anh được chỉ định làm trợ giảng trong năm học cuối.
01/11/1946, Karol Wojtyla được giám mục giáo phận Krakow phong chức linh mục. Năm ấy anh 26 tuổi. Và từ đây Giáo hội là nhà của linh mục trẻ Wojtyla, từ đây anh sẽ dành hết sức mình để cứu giúp và hồi sinh đất mẹ Ba Lan.
Linh mục, giáo sư, giám mục
Người Đức đã tàn phá Ba Lan. Dân chúng đói khổ. Các miền quê bị quân đội Đức và Liên Xô cày nát. Các thành phố hoang tàn đổ nát.Trong những năm 1945-1949 hậu chiến tranh, Ba Lan đối mặt với một tương lai vô định. Sau khi Liên Xô đánh đuổi quân Phát-xít, Ba Lan bước vào giai đoạn tái thiết. Nhưng một thử thách khác xuất hiện, đó là chính quyền mới.Sau chiến tranh Ba Lan không được tự do chọn lựa chính thể, nhưng phải chấp nhận sự cai trị của chính quyền Cộng sản trực tiếp chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Các quân đoàn Hồng Quân vẫn đóng tại Ba Lan để gây áp lực. Các đảng bộ được dưới sự chỉ huy của Boleslaw Bierut thực thi nhiều chương trình nhà nước. Nhưng ai cũng biết những quyết định ấy đến từ Moscow, thủ đô của Liên Xô.Trong những năm tháng tăm tối này, Giáo hội đóng vai trò xoa dịu cả vết thương thể xác lẫn tinh thần cho người dân Ba Lan. Các nhà thờ được hồi phục, trường học bệnh viện được tái thiết, và thêm nhiều linh mục chịu chức. Ngay cả những người cộng sản vô thần cũng phải biết ơn những nỗ lực của giáo hội.Linh mục trẻ Wojtyla không trực tiếp tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước ấy, vì ngài khi đó không có mặt tại Ba Lan, nhưng đang theo học Thần học tại Rome. Ba Lan cần những giáo sư thần học để đào tạo các thế hệ linh mục sau này, và Wojtyla với trí tuệ tuyệt vời hoàn toàn phù hợp.Wojtyla là một tri thức xuất sắc, học rộng hiểu sâu.
Với luận văn “Những vấn đề về Đức tin trong các trước tác của Thánh Gioan Thánh Giá” ngài lấy được bằng tiến sĩ năm 1948. Quãng thời gian tại Rome ngài đi nhiều, thấy nhiều, qua đó giúp ngài hiểu sâu sắc hơn bối cảnh xã hội thời hậu chiến thế nào.Wojtyla trở lại Ba Lan vào mùa hè 1948 giữa lúc nhà nước và Giáo hội đang xảy ra căng thẳng. Chính quyền rơi vào tay phe bảo thủ và họ hạn chế việc thực hành đức tin tôn giáo nói chung, và Công giáo nói riêng. Lãnh đạo mới chỉ muốn nhân dân trung thành với nhà nước. Căng thẳng gia tăng khi giáo hoàng Piô XII cắt phép thông công tất cả những người Công giáo theo đảng Cộng sản. Đáp trả, chính quyền Ba Lan đàn áp và cưỡng chế các tài sản của Giáo hội. Một số đông các tu sĩ và giáo dân bị bỏ tù do những hoạt động đức tin.
Trong thời gian này, Wojtyla làm phó xứ ở một ngôi nhà thờ nhỏ tại làng Niegowic, cách Krakow 120 dặm. Nhưng công việc chính của ngài là giảng dạy thần học. Woytyla yêu mến những người thôn quê chất phác, và họ cũng yêu mến ngài. Nhưng vị linh mục trẻ không bao giờ sao nhãng việc học. Năm 1948 ngài lấy bằng tiến sĩ thứ hai từ trường đại học Jagellonian. Sau đó ngài được thuyên chuyển đến giáo xứ Thánh Florian gần Krakow hơn. Và Wojtyla rất sốt sắng với chuyện ấy vì ngài xem Krakow là nhà.Wojtyla không ngừng học tập. Ngài tập trung nghiên cứu Max Scheler, một nhà hiện tượng học (là bộ môn nghiên cứu nhận thức và sự tự nhận thức của con người). Wojtyla tiếp tục lấy thêm một bằng tiến sĩ nữa.Với học vấn uyên thâm đến vậy Wojtyla được bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại chủng viện Krakow bằng một bài diễn văn về đạo đức. Bài giảng này ngài phải soạn trong bí mật vì chính quyền đã đóng cửa chủng viện và sẵn sàng bỏ tù bất kỳ ai làm trái lệnh.
Tuy các buổi học diễn ra bí mật, nhưng tiếng tăm về tài năng của Wojtyla vẫn lan đến phân khoa triết học tại đại học Lublin, một trong những học viện Công giáo tại Ba Lan chính quyền chưa đóng cửa. Khoa mời Wojtyla về với tư cách giáo viên thỉnh giảng năm 1953, và bài giảng của ngài nhanh chóng được đưa vào giáo án giảng dạy. Thời gian tu học của Wojtyla rơi vào giai đoạn căng thẳng giữa chính quyền và Giáo hội. Số phận các tu sĩ tại Ba Lan đầu thập niệm 1950 rất bấp bênh. Khi ngày càng nhiều linh mục giám mục bị kết tội “không trung thành” với tổ quốc và bỏ tù vô thời hạn, Wojtyla tự hỏi rồi đây mình sẽ ra sao. Chính quyền Ba Lan muốn bẻ gãy sức mạnh của Giáo hội. Ngay cả hồng y Stefan Wyszynski cũng bị tống ngục khi từ chối hợp tác với chính quyền. Đến tháng 12/1953, một phần tư tu sĩ tại Ba Lan đã bị bắt giam. Số còn lại – bao gồm cả Wojtyla – bị buộc phải thề trung thành với nhà nước. Căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang trong 2 năm sau đó, đến 1955, hai ngàn giám mục, linh mục và giáo dân phải vào tù.
Các chuyển biến xảy ra khi các nhà lãnh đạo mới lên cầm quyền. Họ có những động thái tích cực để giảm căng thẳng giữa đôi bên. Hồng y đáng kính Wyszynski cùng hàng ngàn người khác được phóng thích. Tháng 12/1956, Gomulka ký một bản thoả thuận với đức hồng y bảo đảm tự do thực hành tín ngưỡng cho Giáo hội và các hoạt động đức tin trong mọi khía cạnh đời sống. Về phân mình, Giáo hội từ chối tham gia vào các vấn đề chính trị.Trong thời gian hoà bình này, Giáo hội tại Ba Lan hồi sinh. Số tu sĩ tăng vọt. Nhiều nhà thờ và nhà nguyện mọc lên. 97% người Ba Lan theo đạo Công giáo. Và 90% số họ đi lễ Chủ Nhật mỗi tuần.Với tài năng giảng dạy, Wojtyla có uy tín lớn trong cả Giáo hội lẫn xã hội. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi vào năm 1958 ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Krakow.Tin tức về việc bổ nhiệm đến với Wojtyla khi ngài đang leo núi gần Krakow. Người truyền tin nói “Đức Thánh Cha muốn cha làm giám mục, cha đồng ý không?”. Sau một phút suy nghĩ Wojtyla đáp “Xin vâng, nhưng để tôi về đã.”
Đức cha Karol Wojtyla và Công đồng Vatican II
Trong tư cách giám mục, Đức cha Wojtyla không còn thời gian dã ngoại nữa. Ngài chú tâm vào công việc mục vụ, thăm viếng các giáo xứ, nhà nguyện, tu viện trong giáo phận. Ngài cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ các linh mục. Ngài tin rằng một nhà lãnh đạo tốt thì phải nắm rõ mọi nguồn lực của mình.Đức cha Wojtyla dành nhiều sức lực để lôi kéo những người đã bỏ đạo trở lại với Giáo hội. Một trong những việc ngài đã làm là bảo trợ cho những nhóm thảo luận đêm, và mới những người vô thần và những ‘con chiên lạc’ thảo luận về triết học và đức tin.
Dù không phải lúc nào cũng lôi kéo được người ta trở về với Chúa, nhưng ngài đã xây được những chiếc cầu nối giữa Giáo hội và những lĩnh vực khác.Đức cha Wojtyla cũng thường xuyên viết thư mục vụ cho giáo dân. Năm 1960 ngài xuất bản một tác phẩm bàn về đạo đức trong hôn nhân. Cuốn sách có tên là Love and Responsibiliy (Tình yêu và Trách nhiệm) nhấn mạnh rằng tình yêu phải dựa trên sự hy sinh dành cho nhau, và cả người nam lẫn người nữ phải nhận thức được trách nhiệm của mình để gìn giữ hôn nhân bền vững. Ngài cũng đưa những ý tưởng ấy vào trong một vở kịch có tên The Jeweler’s Shop – Cửa hàng người thợ kim hoàn, một vở kịch dựa trên bản chất của hôn nhân. Với kinh nghiệm những ngày tháng biểu diễn văn nghệ bí mật, đức cha Wojtyla biết rằng kịch bình dân là công cụ hiệu quả để truyền đạt thông điệp cho mọi người. Vở kịch The Jeweler’ Shop chính là bằng chứng cho tài năng soạn kịch của ngài. Vở kịch này đến nay vẫn còn được diễn lại.
Năm 1962, giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II, một sự kiện lịch sử của Giáo hội. Đây là cuộc họp toàn diện đầu tiên của Giáo hội trong hơn một trăm năm qua. Các giám mục khắp nơi trên thế giới, đáp lời kêu gọi của thủ lĩnh, đã triệu tập tại Rome để thương nghị giáo lý, và thảo luận những vấn đề liên quan đến Giáo hội.Ban đầu, giáo hoàng Gioan XXIII thực sự chưa hình dung rõ mục đích chính xác của công đồng này. Khi được hỏi về điều ấy ngài chỉ bày tỏ mong muốn xây những cây cầu nối kết Giáo hội và thế giới. Vậy thì, mục đích của công đồng có phải là để hiện đại hoá giáo lý và giáo luật Công giáo không? Không có lịch trình xác định khiến cho các phiên họp luôn trong bầu khí bí ẩn, biến đổi, và kích động. Cả thế giới Công giáo dõi theo công đồng.Khi Công đồng khai mạc tháng 10/1962, đức cha Karol Wojtyla là một trong số 2500 giám mục nghị sự. Đây quả là khoảng thời gian cởi mở và hạnh phúc cho vị giám mục trẻ. Vui sướng được trở lại Rome (trước đó ngài lo lắng không biết chính quyền có cấp hộ chiếu cho đi không) đức cha Wojtyla ngạc nhiên nhận ra thành phố này đã thay đổi nhiều. Và ngài còn ngạc nhiên hơn nữa khi các sự kiện của công đồng xảy ra.
Là một giám mục trẻ nên ngài khiêm tốn, chỉ lắng nghe các bậc lão thành. Công đồng mở màn bằng bài diễn văn của giáo hoàng bày tỏ những hy vọng nơi công đồng. Giáo hoàng nhấn mạnh rằng công đồng phải là một niềm vui khi các giám mục trên thế giới quây quần lại với nhau để đổi mới tinh thần Giáo hội. Ngài bày tỏ mong muốn công đồng phải nối kết tất cả mọi tín hữu. Sau đó giáo hoàng mời các giám mục cải biên và khảo cứu lại những cách diễn giải giáo lý hội thánh dưới ánh sáng của thế giới hiện đại. Ngài hy vọng công đồng sẽ diễn tiến theo chiều hướng tích cực.Có lẽ không có giám mục nào tâm đắc với những lời của giáo hoàng cho bằng đức cha Wojtyla. Bài diễn văn khai mạc đã tạo cảm hứng cho ngài đóng góp tích cực trong những buổi tranh luận.Trong phiên họp đầu tiên, từ tháng Mười đến tháng Mười Hai 1962, đức cha Wojtyla có hai lần phát biểu. Lần đầu ngài nói về phụng vụ, và lần thứ hai nói về mạc khải.
Cuối phiên họp thứ nhất người ta nhận thấy rõ vị giám mục trẻ người Ba Lan là một nghị viên rất tích cực của công đồng.Sang phiên họp thứ hai, vào mùa thu 1963, đức cha Wojtyla ghi dấu ấn. Ngày 23/11, ngài phát biểu về hiến chế giáo hội. Vì ngài đại diện cho giáo hội Ba Lan vốn có tiếng là bảo thủ nên người ta nghĩ rằng Wojtyla sẽ bảo vệ cơ chế phẩm trật trong việc quản trị giáo hội. Với cơ chế ấy thì giáo hoàng và các giám mục sẽ ra lệnh, và giáo dân tuân lệnh mà thôi. Nhưng vị giám mục đến từ Krakow lại làm các nghị viên ngạc nhiên khi ngài nhấn mạnh rằng mọi thành viên của giáo hội đều có trách nhiệm với tương lai của giáo hội. Giám mục Wojtyla khẳng định rằng giáo hoàng cần phải hỏi ý kiến các giám mục, và các giám mục phải hỏi ý kiến các linh mục và giáo dân – cần biết rằng ngôi giáo hoàng từ xưa đến nay vốn nắm quyền độc nhất khi ban hành các huấn thị chính thức về giáo lý. Đến đây thì giám mục Karol Wojtyla trở thành một trong những giám mục điều hướng cho cuộc thảo luận.
Cuối kỳ họp thứ hai, giám mục Wojtyla gần như đã thuyết phục được các giám mục chấp nhận quan điểm tiến bộ về trách nhiệm chung này. “Trung tâm của cộng đoàn Dân Chúa,” ngài nói trong một buổi phát thanh radio ngày 26/11 của đài Vatican, “là sự nhận thức giá trị của con người, không chỉ về mặt vật lý, mà còn về mặt tinh thần. Chúng ta phải nỗ lực gìn giữ nhận thức về phẩm giá con người này, dù có phải đổ máu vì nó, như Đức Kitô đã đổ máu vì chúng ta.”Đức cha Wojtyla cũng phát biểu về vấn đề tự do tôn giáo. Ngài ủng hộ quyền tìm kiếm Chúa của mỗi người. Ngài thúc giục các nghị viên tránh phê phán chủ nghĩa vô thần. Thay vì đó hãy đối thoại, tìm kiếm nền tảng chung với những người không tin đạo. “Vai trò của giáo hội không phải là giảng giải cho những người không tin,” ngài nói, “chúng ta hãy tránh tự cho mình độc quyền về sự thật.”Ngài tiếp tục chứng tỏ mình là một nghị viên quan trọng cho đến phiên họp cuối cùng.
Công đồng đã có tác động mạnh mẽ tới đức cha Wojtyla. Kết thúc công đồng ngài trở thành một nhà lãnh đạo trưởng thành, và trở nên nổi tiếng. “Thật vui khi mọi suy nghĩ đều được xem trọng như nhau,” ngài viết về công đồng, “những suy nghĩ toát lên trong ánh mắt của bạn và tôi một cách khác nhau dù chất liệu của chúng là như nhau.”Với đức cha Wojtyla, công đồng đại diện cho hy vọng và tương lai của Giáo hội Công giáo. “Ngài là người được đào luyện từ Công đồng,” một người bạn của đức cha Wojtyla nói, “một người trưởng thành cách rõ rệt nhờ Công đồng.” Công đồng Vatican II, cùng với những kinh nghiệm về bi kịch gia đình, chiến tranh, mối quan hệ với chính quyền độc tài, đã tôi luyện nên bản lĩnh của đức cha Wojtyla.Giám mục Karol Wojtyla trở về Krakow với một con người khác. Ngài tự tin và trưởng thành, và giáo hoàng đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục giáo phận Krakow tháng 1/1964. Nhiều người vui cho ngài, đồng thời cũng thật sự ngạc nhiên vì ngài còn quá trẻ khi nhận trọng trách mới này, chỉ mới 44 tuổi. Họ kính trọng, ngượng mộ, và yêu mến đức cha Karol Wojtyla, nhưng cũng rất băn khoăn liệu ngài có thể lãnh đạo được một tổng giáo phận phức tạp như Krakow không?.
Một con người giản dị
Đức cha Wojtyla sớm cho thấy ngài hoàn toàn đủ sức đảm đương tổng giáo phận phận Krakow rộng lớn và phức tạp. Công việc mục vụ đầu tiên của ngài là thực thi tinh thần Công đồng Vatincan II tại nhiệm sở. Chẳng hạn như bàn thờ được xoay về phía cộng đoàn, cử hành thánh lễ bằng tiếng bản xứ thay vì tiếng La Tinh. Những thay đổi mạnh mẽ này tạo mối gắn kết giữa mục tử và giáo dân – mối gắn kết ấy chính là trái tim của Công giáo Ba Lan.Công đồng cũng kêu gọi tín hữu phải hoà nhập vào thế giới rộng lớn. Đức Gioan XXIII, qua đời sau phiên họp thứ nhất của Công đồng, thường xuyên nhấn mạnh tính cấp thiết của sự hoà nhập này.
Vị giám mục trẻ của chúng ta đáp lời kêu gọi của Công đồng một cách đầy tích cực. Ngài dành sự quan tâm đặc biệt đến người đau yếu và tàn tật tại Krakow. Y tế là một nan đề hệ trọng tại Ba Lan trong những năm tháng ấy. Giường bệnh và thuốc men không đủ, ngay cả cho những bệnh nhân trầm trọng nhất. Với nhiều người Ba Lan, đức tin chính là niềm an ủi duy nhất trong khi đau bệnh. Để giúp đỡ họ, tổng giám mục Wojtyla đã xây dựng một chương trình đặc biệt chăm sóc bệnh nhân và người hấp hối. Nêu gương cho việc này, ngài chọn một linh mục bị bệnh kinh niên. “Con là người thích hợp nhất cho việc này,” ngài bảo vị linh mục. “Con đã trải nghiệm bệnh tật nên con biết cảm thông.” Và ngài đã đúng. Chương trình cùng những người làm chương trình ấy rất thành công.Đức cha Wojtyla cũng quan tâm đến các gia đình Ba Lan hiện đại. Trong vai trò mục tử ngài thao thức trước vấn nạn ly hôn và bạo hành gia đình đang gia tăng tại Krakow. Còn chính quyền thì cổ vũ cho việc kiểm soát sinh sản và ngừa thai. Trước những “vấn nạn” ấy, đức cha Wojtyla đã mở một cơ quan thuộc toà giám mục tập trung vào các vấn đề mà những gia đình Ba Lan hiện đại đang phải đối mặt.
Cơ quan này cân bằng giữa xã hội, đức tin, và y khoa. Mọi gia đình Ba Lan gặp vấn đề gì đều có thể tìm đến đây để xin trợ giúp. Mang thai vị thành niên, nghèo đói, thiếu niên phạm pháp, nghiện ngập, bạo lực gia đình là những vấn đề phổ biến. Chính đức cha Wojtyla vào những giờ nhất định trong ngày cũng đến cơ quan này làm việc để nêu gương cho mọi người.Y tế và hôn nhân gia đình chỉ là một trong số vô vàn các vấn đề cần đức tổng giám mục giải quyết. “Ngài làm việc miệt mài,” một cuốn tiểu sử viết, “có khi tới 24 tiếng một ngày, và ngài có thói quen viết và đọc trong khi đối thoại khiến người ta phải khó chịu.” Ngài tận dụng mọi cơ hội để làm việc – ngay cả khi ngồi trên xe đi thăm các giáo xứ. “Thời khoá biểu hàng ngày của ngài sát đến từng phút”, một người bạn cho hay. “Nhưng dù bận thế nào ngài cũng không bao giờ quên mình là một mục tử. Mỗi ngày từ 11h trưa đến 1h chiều ngài mở cửa nhà xứ để tiếp bất kỳ ai muốn gặp ngài.”Tuy nhiên đức cha Wojtyla không phải người nghiện công việc đến mức quên hết mọi thứ. Ngài vẫn yêu thể thao, mê leo núi cắm trại và các hoạt động ngoài trời khác.
Một số ngày trong năm ngài tạm gác công việc để đi leo núi Tatra, tây nam Ba Lan. Mùa xuân và mùa hè ngài tản bộ trên những sơn đạo, hít thở khí trời và ngắm cảnh. Mùa đông thì lại một hoạt động khác. Ngài là một tay trượt tuyết cừ khôi, và không hề có ý định sẽ bỏ thú vui này chỉ vì đã làm tổng giám mục. Nhiều người kinh ngạc khi ngài trượt tuyết một cách chuyên nghiệp; trên những cung đường tuyết trắng ấy vị giám mục quả thật là một người không biết sợ là gì.Phần đông giáo dân yêu mến ngài, nhưng vẫn có những người chê trách cách sống phóng khoáng ấy. Họ nghĩ rằng một người quan trọng như tổng giám mục thì nên nghiêm túc hơn. Họ muốn ngài phải cư xử như tầng lớp thượng lưu chứ không trông đợi một đức cha Wojtyla khiêm nhường, giản dị như một công nhân như trước đây ngài từng làm. Nhưng đức cha Wojtyla vẫn luôn yêu mến họ hết lòng, đồng thời ngài giữ vững lập trường, ngài sẽ lãnh đạo giáo hội như một mục tử, chứ không phải bá tước.Một nhóm người khác cũng không ưa gì vị giám mục mới. Chương trình xã hội rất hiệu quả của ngài làm chính quyền thấy khó chịu. Vì nó vô hình chung cho thấy rằng dịch vụ y tế cộng đồng của nhà nước kém hiệu quả. Nhất là khi đức cha Wojtyla còn công khai chỉ trích các chương trình kiểm soát sinh đẻ và phá thai do chính quyền đỡ đầu.
Nhà nước đáp trả ngài bằng cách hạn chế tối đa việc cấp phép xây dựng các nhà thờ mới. Nếu đức cha Wojtyla và các giám mục khác dám nói động tới các chương trình của nhà nước thì họ sẽ dẹp luôn diễn đàn của giới chức sắc. Căng thẳng đôi bên dẫn tới hệ quả mỗi năm chỉ có vài nhà thờ được xây mới tại Ba Lan.Một câu chuyện điển hình cho sự xung đột này xảy ra tại thị trấn Nowa Huta, cách Krakow vài dặm. Khu công xưởng thép Lênin, Nowa Huta được xem là một cộng đồng xã hội chủ nghĩa gương mẫu, biểu tượng cho thành công của chính quyền Ba Lan. Tất cả mọi cơ sở cần thiết đều được chính quyền xây dựng, ngoại trừ nhà thờ.Người dân Nowa Huta muốn có nhà thờ, và đức tổng giám mục Karol Wojtyla ủng hộ họ. Năm 1967, sau một thập kỷ thương lượng, chính quyền cuối cùng cũng chịu cấp đất cho xây nhà thờ, nhưng phải thêm 10 năm nữa mới cấp cho giấy phép xây dựng.
Năm 1978, hơn 20 năm đấu tranh, cuối cùng ngôi nhà thờ cho dân Nowa Huta cũng được xây dựng và làm lễ cung hiến.Năng lực và thành tựu của đức tổng Wojtyla đã được Toà Thánh ghi nhận. Năm 1967, ngài được giáo hoàng Phaolô VI vinh thăng hồng y. Giờ đây ngài đã thuộc thành phần ưu tú của giáo hội, số ít những người có quyền bầu cử giáo hoàng.Tuy quan hệ giữa giáo hội và nhà nước không hề hạ nhiệt, nhưng hồng y Wojtyla là người rất khéo léo. Không những thế, với uy tín của mình ngài còn là trung gian hoà giải các xung đột dân sự, sắc tộc tại Ba Lan. Vì ngài rất am hiểu văn hoá, chủ nghĩa Mácxít.Trong mối quan hệ với chính quyền, ngài không bao giờ đi quá mức cần thiết. Năm 1968, chính quyền Ba Lan kiểm duyệt một vở kịch học đường. Việc này làm dấy lên làn song phản đối khắp các trường đại học tại Ba Lan. Hồng y Wojtyla là một trong số rất ít những người có danh tiếng đứng về phía các sinh viên.
Làn sóng phản đối ấy là mào đầu cho một sự bất mãn dâng cao và lan rộng tại Ba Lan. Căng thẳng lên đến tột độ vào Giáng sinh, khi chính quyền tăng giá thực phẩm lên tới 25%. Các cuộc nổi dậy khắp Ba Lan dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền ông Wladyslaw Gomulka. Một chính quyền mới do Edward Gierek lập lên đã nhanh chóng rút ra bài học – họ phải biết điều hơn với dân chúng. Gierek cố gắng cải thiện quan hệ với giáo hội, và giáo hội hoan nghênh điều ấy.Hồng y Wojtyla đã gặp gỡ hàng trăm hồng y, giám mục, tu sĩ qua nhiều kỳ Thượng Hội đồng tại Rome. Và rất nhiều người có thiện cảm với ngài, mời ngài thăm đất nước của họ. Còn hồng y Wojtyla thì không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để đi đây đi đó nhiều nhất có thể. Ngài thăm Canada, Mỹ, Úc, và nhiều nước Đông Âu. Và người ta thường phỏng vấn ngài như một đại diện của Đông Âu. Vì giỏi nhiều ngoại ngữ nên hồng y Wojtyla dễ dàng lan toả thông điệp của mình đến hang triệu người Công giáo trên khắp thế giới.
Dù là hồng y nhưng cha Wojtyla không hề thay đổi phong cách lãnh đạo của mình. “Ngài là một người không biết mình là hồng y,” một cha khác nhận xét ngài. “Ngài quả là người giản dị và đầy đức khiêm nhường.” Uy tín của ngài tại giáo triều lên cao qua nhiều cuộc họp, cuộc gặp gỡ, và trò chuyện, nhất là trong những kỳ Thượng Hội đồng, một ý tưởng phát sinh trong Công đồng Vatican II về sự gắn kết mật thiết hơn giữa các giám mục. Và hồng y Wojtyla là người nhiệt tình ủng hộ ý tưởng này.Năm 1971 , ngài được chọn vào uỷ ban tổ chức thượng hội đồng. Ngài rất được tôn trọng từ cả phía các giám mục cấp tiến lẫn bảo thủ vì sức làm việc và sự thông thái của mình. “Ngài là một trí tuệ siêu phàm,” một giám mục làm việc với ngài cho hay, “một trong những bộ óc tuyệt vời nhất tôi từng biết tới.”Với những gì ngài đã thể hiện cách xuất sắc, cuối thượng hội đồng 1974 ngài tiếp tục được bầu vào uỷ ban thượng hội đồng với số phiến lên tới 115/184, cho thấy sự ủng hộ gần như tuyệt đối của mọi người. Một sử gia viết rằng các giám mục và hồng y dần nhận ra Wojtyla “là một cá nhân kiệt xuất ngay giữa lòng giáo hội; họ yêu mến và ngưỡng mộ tài năng của ngài.”Năm 1976, giáo hoàng Phaolô VI mời hồng y Wojtyla giảng phòng tĩnh tâm mùa chay. Một dấu chỉ cho thấy sức ảnh hưởng và uy tín rất lớn của vị hồng y. Trong dịp này, hồng y Wojtyla đã soạn 22 bài giảng chỉ trong 2 tuần. Tác động của những bài giảng này thật không thể đo đếm được. Ngay sau đó chúng đã được xuất bản bằng tiếng Ý và tiếng Anh với nhan đề Sign of Contradiction. Đây chính là dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều người, gồm cả giáo hoàng, kỳ vọng Wojtyla sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới.
Habemus Papa – Chúng ta có giáo hoàng
Giáo hoàng Phaolo VI từ trần này 6/8/1978 ở tuổi 80, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Tin tức nhanh chóng truyền ra toàn cầu, và tới giáo phận Krakow của đức hồng y Karol Woytyla. Ngài đau buồn trước mất mát của Giáo hội.Thời gian trị vị của giáo hoàng Phaolô VI có nhiều biến động và tranh cãi, khiến cho số giáo dân tham dự thánh lễ hàng tuần có phần suy giảm. Thực trạng ấy là thử thách lớn và là trọng trách dành cho vị giáo hoàng chuẩn bị kế nhiệm.Hồng y đoàn nhanh chóng tụ họp tại kinh đô của Giáo hội, thành Rome, để đưa tiễn một giáo hoàng, và chọn ra giáo hoàng mới. Hồng y Wojtyla khăn gói lên đường.
Trong nhiều ngày liền ngài đã trăn trở về phẩm chất và đức tính cần phải có ở vị giáo hoàng mới để lèo lái con thuyền giáo hội trong thời gian đầy biến động này.Mật nghị Hồng y tổ chức cuối tháng Tám. Như thường lệ, giới truyền thông đưa ra nhiều cái tên ứng cử viên cho ngai Giáo hoàng. Và người đắc cử là hồng y Albino Luciani, đến từ Venice của nước Ý. Ít ai nghĩ ngài sẽ đắc cử, và càng ít người nghĩ là đắc cử chỉ trong vòng một ngày bỏ phiếu. Hồng y Luciani, người có nụ cười thân thiện, chọn tước hiệu Gioan Phaolô I để vinh danh hai người tiền nhiệm.
Nhưng chỉ 33 ngày sau, giáo hoàng Gioan Phaolô I đột ngột từ trần. Cả thế giới bàng hoàng và tiếc thương.Và lần thứ hai chỉ trong vòng sáu tuần, hồng y đoàn phải tề tựu về Rome một lần nữa, vẫn là để đưa tiễn một vị giáo hoàng và chọn ra một vị giáo hoàng khác.Lần này hồng y đoàn biết rằng họ phải chọn một người trẻ, có đủ sức khoẻ để đảm đương guồng máy Giáo hội đang rất bừa bộn trong giai đoạn cải tổ sau Công đồng Vatican II. Họ cần một người có thể giải quyết các vấn đề tranh cãi mà Giáo hội đang phải đối mặt. Ai sẽ là người ấy, trong khắp nước Ý? Truyền thông vẫn tin rằng giáo hoàng mới nhất định phải là người Ý.
Đức hồng y Wojtyla quay lại Rome lòng đầy bồi hồi và lo lắng. Các học giả nổi tiếng tại Vatican đều nhận ra rằng sự lo lắng ấy là vì hồng y Wojtyla đang nhận được sự ủng hộ lớn trong lần bầu cử trước đó. Và lần này nếu trên nước Ý không có vị hồng y nào có đầy đủ các phẩm chất như ngài, thì khả năng hồng y đoàn sẽ hướng sự quan tâm tới ngài là rất cao.
Sau tang lễ đưa tiễn cố giáo hoàng Gioan Phaolô I, hoòng y Wojtyla trú tại Đại học Ba Lan trong thành Rome để chờ tham gia mật nghị. Trong những cuộc trò chuyện, vị hiệu trưởng nhà trường đưa ra dự đoán rằng lần này người ta sẽ chọn Wojtyla. Nhưng đức hồng y chỉ cười và vui vẻ đáp “Xin thầy yên tâm, sẽ là một người Ý.”Rồi mật nghị diễn ra từ ngày 15/10. Truyền thông như thường lệ tiếp tục đồn đoán về danh tính người sẽ được chọn: Siri, Benelli, hay Felici. Đó là những cái tên nổi bật. Cái tên Wojtyla cũng được nhắc tới nhưng tỉ lệ thắng cuộc dành cho ngài, như cách nói của báo chí, là rất thấp vì ngài chỉ là một nửa người Ý. Và ngay cả trong giới không phải người Ý cũng không hoàn toàn ủng hộ ngài.
Vì tính tuyệt mật của mật nghị nên không ai biết những gì đã xảy ra trong hai ngày tiếp theo. Nhưng có vẻ như đã xảy ra một “cuộc chiến”, như báo chí viết, giữa ba ứng viên người Ý, đó là các hồng y Siri, Benelli, và Felici. Nhưng không ai trong số cả ba vị có đủ số người ủng hộ để chiến thắng.Và hồng y đoàn phải cân nhắc lại về những phẩm chất cần thiết cho sứ mệnh giáo hoàng mới. Đó phải là một vị giáo hoàng còn trẻ, còn khoẻ, phải có trí tuệ siêu việt, đủ bản lĩnh giải quyết mọi tranh cãi thần học phức tạp. Đồng thời ngài cũng phải là một vị mục tử thánh thiện, một nhà giảng thuyết tài ba, để dẫn dắt bảy trăm triệu con chiên hoàn vũ. Và cuối cùng, ngài phải là một người có tài quản trị để lãnh đạo giáo hội.Một khía cạnh khác cũng thú vị trong lần bầu cử này.
Qua hai lần gia tăng số lượng hồng y cử tri bởi giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolo VI trước đó thì giờ đây tỉ lệ hồng y đến từ ngoài nước Ý đã cao hơn. Vậy nên, việc lựa chọn một giáo hoàng không phải người Ý, tức là phá bỏ truyền thống gần 500 năm nay, về phía diện nào đó chính là nối tiếp chí hướng của hai vị giáo hoàng nói trên.Với những cân nhắc như trên thì hồng y đoàn hướng sự chú ý tới các ứng viên nằm ngoài nước Ý. Một số cái te6n nổi bật đó là hồng y Franz Koenig của Áo, Aloisio Lorsheider của Brazil, Basil Hume của Anh, và cuối cùng là Karol Wojtyla của Ba Lan. Càng về những vòng bỏ phiếu sau thì sự chú ý dành cho nhóm này càng tăng lên. Ngay cả những vị hồng y bảo thủ nhất cũng đã bắt đầu nghĩ rằng cần phải chọn một người ngoài nước Ý.
Đến ngày 16/10 thì sự ủng hộ gần như đã dành trọn cho hồng y Koenig, giám mục giáo phận Vienna, nước Áo. Nhưng ngài bày tỏ rằng nếu được chọn ngài sẽ từ chối. Và ngài muốn mọi người hãy chú ý đến giám mục Krakow, hồng y Wojtyla.Hồng y đoàn có lẽ đã trải qua những thời khắc cân nhắc khó khăn và phó thác nơi Chúa. Nhưng càng về sau thì sự ủng hộ cho ngài càng tăng nhanh. Ban đầu là các hồng y người Đức, rồi Tây Ban Nha, tiếp theo là các hồng y người Mỹ. Cuối cùng, sau tám vòng bỏ phiếu thì nhiều hồng y người Ý cũng ủng hộ. Và ở vòng bỏ phiếu thứ chín, Wojtyla đạt được 100 trên 130 phiếu. Ngài đã được chọn làm giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rome.Vào thời khắc ấy, hồng y Wojtyla thực sự căng thẳng và thậm chí sợ hãi. “Ngài có chấp nhận không?” vị hồng y niên trưởng hỏi ngài.“Con đến từ một giáo hội đang chịu bách hại đức tin, và con là một phần trong sự đau khổ ấy.” Ngài đáp. “Giờ đây các cha muốn con gánh vác một trọng trách giáo hoàng còn nặng nề hơn nữa ư?”. Ngài ngừng lại một thoáng, và hồng y đoàn hồi hộp sợ rằng ngài sẽ từ chối. “Con chấp nhận.” Ngài nói tiếp. “Vì lòng mến, tình yêu, và sự tận tuỵ dành cho đức Gioan Phaolo, và đức Phaolo VI, những người đã cho con nguồn động lực và sức mạnh. Con sẽ lấy tước hiệu là Gioan Phaolo.”Hồng y đoàn thở phào nhẹ nhõm.
Ít phút sau, cửa ban công mở ra. Hồng y Felici tiến ra và nhìn xuống quảng trưởng thánh Phêrô.“Habemus Papam.” Ngài tuyên bố bằng tiếng La Tinh với đám đông bên dưới đang lắng tai nghe. “Chúng ta có giáo hoàng!”Chừng nửa giờ sau, tân giáo hoàng Gioan Phaolo II bước ra ban công. Theo truyền thống bấy lâu tân giáo hoàng sẽ chỉ xuất hiện và chúc lành cho dân chúng, không làm gì thêm. Nhưng lần này giáo hoàng Gioan Phaolo II đã phá bỏ truyền thống ấy. “Tôi sẽ nói vài lời với giáo dân.”
Và sau khi chúc lành bằng tiếng La Tinh, vị tân giáo hoàng ngay lập tức chiếm cảm tình của dân chúng bằng cách ngỏ lời bằng tiếng Ý.“Các hồng y đã chọn một vị đến từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phú thác hoàn toàn cho Mẹ Người, Ðức Trinh Nữ Maria.Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không… bằng tiếng Ý của chúng ta không” (lại một tràng pháo tay dài nữa của dân chúng).
Mối thiện cảm giữa Vị Giáo hoàng mới và dân chúng gia tăng thêm mãi. “Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi. Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của Giáo hội.”Trong cương vị giáo hoàng, đức Gioan Phaolô II đã làm nhiều kỳ công cho giáo hội. Ngài đã truyền tinh thần của Công đồng Vatican II vào đời sống phụng vụ và đức tin. Ngài là cây cầu kết nối Giáo hội với thế giới. Ngài là vị giáo hoàng đã dẫn dắt đàn chiên Chúa tiến vào thiên niên kỷ mới, định hướng cho con thuyền Giáo hội vững tiến trong tương lai.Ngày 27 tháng 4 năm 2014, cùng với giáo hoàng Gioan XXIII, ngài được tuyên thánh. Ngài cũng là vị thánh quan thầy cho Đại hội Giới Trẻ Thế Giới, một phong trào do chính ngài thiết lập để nối kết người trẻ toàn cầu lại với nhau dưới chân thập giá.