Đọc lại chuyện cũ bằng một lăng kính mới…
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một trong những dụ ngôn quen thuộc, gần gũi và chất chứa rất nhiều ý nghĩa thâm thúy về tình yêu, về sự tha thứ và sự mở lòng đón nhận khiếm khuyết của người khác. Cho tới nay, không ai dám vỗ ngực xưng tên và tuyên bố đã khai thác hết các ý nghĩa của nó.
Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra được cột mốc quan trọng nhất làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo của câu chuyện, làm lộ ra nhiều điều chất chứa trong tâm hồn của các nhân vật. Đó chính là sự hồi tâm và trở về của người con thứ.
Về người con thứ
Khi nói đến việc trở về, có nghĩa là bấy lâu nay, anh đã đi sai, đi lạc, nên cần phải quay về. Lý do cho sự lầm đường lạc lối của anh có thể đến từ nhiều phía: vì chính anh muốn được tự lập nên bỏ đi, hoặc cũng có thể do anh bị hắt hủi và loại trừ nên buộc phải đi.
Anh đã ra đi thật xa với mộng ước của riêng anh, nhưng rồi thời thế không tạo anh hùng, khiến anh sớm nhận thất bại đắng cay và phải tính kế quay về. Tại sao anh lại muốn trở về? Bài Tin Mừng nói rất rõ: “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp… Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15, 14-15). Xin một miếng đồ ăn của xúc vật mà chẳng ai cho nói lên tình cảnh khốn khổ của anh: từ một đại gia khét tiếng, nay anh chỉ là một đứa đầy tớ rốt hết trong các đầy tớ chăn heo. Chắc chắn những người đó biết con người đại gia trước đây của anh, nên giờ, họ bĩu môi và khinh dể ra mặt.
Đó là cái kết thật bi thảm cho cái mộng tự lập và tự ý tách ra khỏi tình yêu của gia đình và cộng đoàn. Giờ đây, anh không chỉ bị đói khổ thể lý nhưng còn bị nhục nhã trong tâm hồn. Tuy nhiên, chính cái nghèo đói tột cùng, cộng với việc bị sỉ vả và lăng nhục là nguyên cớ cho sự hồi tâm để trở về của anh.
Chắc hẳn anh đã suy nghĩ rất nhiều tới đến việc mình có được đón nhận khi trở về hay không? Anh nghĩ về cha, nghĩ về anh trai của mình. Họ sẽ xử sự với anh như thế nào, có tha thứ và tiếp tục yêu thương anh không, hay muốn anh đi luôn cho khuất mắt họ? Như thế, sự hồi tâm chính là bước chân đầu tiên của hành trình trở về. Bước chân thứ hai là sự quyết tâm từ bỏ những gì đang níu kéo mình.
Người con thứ đã thể hiện quyết tâm trở về khi nói: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha…” (Lc 15,18)[i]. Trong câu này có ba từ thể hiện trọn vẹn một tiến trình của sự trở về. Hạn từ thứ nhất là từ thôi, nói lên sự dứt khoát từ bỏ cái cũ, để quyết tâm làm một cái gì đó mới mẻ, mang lại sự sống.
Từ thứ hai đáng chú ý hơn cả là động từ “đứng lên” – ἀναστὰς[ii] (anastas), có gốc từ là ἀνίστημι[iii] (to raise up, to stand up, to rise from among the dead). Động từ này không đơn giản chỉ mang nghĩa là đứng lên từ vị trí đang ngồi (Mt 26,62; Lc 4,16; 24,33), nhưng còn có nghĩa là sự hồi sinh, chỗi dậy từ cõi chết. Đây là động từ được dùng rất nhiều trong Tân ước để diễn tả sự phục sinh của Chúa Giêsu (Mt 17,9; Lc 24,46; Ga 6,39.44.54; 20,9), sự phục sinh của một người từ cõi chết (Mc 5,42; 12,25; Lc 8,55; 9,8; Ga 11,23), hay sự chỗi dậy khỏi một chứng bệnh hiểm nghèo nào đó (Mc 9,27; Lc 17,19).
Có thể thấy, thánh Luca đã rất thâm thúy khi sử dụng động từ này để diễn tả động tác đứng lên của người con thứ. Hành động của anh không đơn giản chỉ là đứng lên và đi về nhà cha, nhưng cái đứng lên ấy bao hàm một sự chỗi dậy khỏi cái đói nghèo thể lý, cái đói khát tình thương, sự cô độc, bị sỉ vả và nhục mạ. Hành động ấy như một sự hồi sinh, sống lại từ cõi chết, để trở về với cội nguồn của sự sống là nhà cha, hay nói chính xác hơn là trở về với chính người cha.
Động từ thứ ba cũng rất ý nghĩa là đi về cùng cha. Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ chọn dịch câu này là đi về cùng cha. Liên từ cùng như thể muốn nói: trên hành trình trở về, anh không chỉ đi một mình, nhưng đi cùng với cha. Rõ ràng lúc này, người cha không đi bên cạnh anh nhưng đi trong tinh thần, đi bằng dự phóng, đi bằng tình thương. Dẫu mình lỗi lầm, bất hiếu và phụ bạc nhưng anh vẫn tin rằng cha không bao giờ bỏ rơi anh, vì tình thương của cha quá lớn lao, lớn hơn sự bất hiếu và sai lỗi của anh. Niềm tin ấy đã giúp anh biết hồi tâm và trở về, dẫu cho động lực ban đầu là trở về để tìm cái ăn, để khỏi chết đói.
Về người cha
Phần tiếp theo của câu chuyện có lẽ là phần gây xúc động nhất, nêu bật hình ảnh của một người cha tuyệt vời. “Khi anh ta còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”(Lc 15,20).
Người con đã đi thật xa, nhưng trong trái tim người cha, anh vẫn luôn sống, luôn hiện diện. Ông tin một ngày nào đó con ông sẽ trở về, nên ngày ngày ông đều ngóng trông con đường hướng về phía nhà ông. Ông hiểu rất rõ đứa con mà mình hết mực yêu thương, nên ông luôn đặt hy vọng vào sự trở về của nó. Cái hay, cái tuyệt vời của người cha là ông không chỉ dừng lại ở việc hy vọng, nhưng còn dấn thân vào các việc làm cụ thể để hiện thực hóa niềm hy vọng. Hy vọng của ông đã được đền đáp khi ngày hôm ấy ông trông thấy bóng dáng ai giống con mình ở tận đàng xa, mặc cho bộ dạng tiều tụy, vóc dáng hao mòn vì đói ăn và đói khát tình thương của nó. Giây phút được thấy bóng hình của đứa con xa nhớ, ông chạnh lòng thương sâu thẳm.
Dẫu tuổi già sức yếu, ông không hề đợi cho đến khi nó về đến cửa và chào ông. Ông cũng không sai đầy tớ ra đón nó, nhưng tình thương đã thúc đẩy ông mau mắn chạy ra, rồi ôm lấy nó và hôn lấy hôn để, hôn cho thỏa nhớ thương. Cái chạy bất chấp nguy hiểm cho xương cốt già nua của ông. Cái chạy thỏa mãn niềm vui sướng, vì con ông nay đã phục sinh trở về với ông. Ông đang sống niềm vui phục sinh của nó, và rồi, ông chạy ra để niềm vui phục sinh ấy được trọn vẹn cả hai phía: ông và nó.
Cùng tác giả:
Tiếng tru bên đường
Cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến cuộc sống của tôi?
Khi diễn tả hành động chạy nhào ra ôm chặt lấy đứa con của người cha, thánh Luca sử dụng từ ἐπέπεσεν[iv] (epepesen), có gốc từ là ἐπιπίπτω[v] (I fall upon, press upon, come over). Nghĩa đầu tiên của từ này là fall upon: ngã vào, rơi vào, hạ mình xuống, mất địa vị. Như thế, chúng ta có thể hiểu hành động chạy ra ôm lấy đứa con của ông như một sự hạ mình xuống, chấp nhận mất địa vị người cha, để chạy nhào ra chào đón đứa con lầm đường lạc lối đang trên đường về; Và rồi, ông ngã vào người nó, như thể, nó là chỗ dựa cho sự đứng vững và sự sống còn của ông. Phân tích kỹ như thế để chúng ta nhận ra nét tài ba hiếm có của thánh Luca, khi viết nên dụ ngôn tuyệt vời này.
Tình thương của người cha thật lạ lùng. Dường như ông quên đi mọi lỗi lầm của đứa con. Ông không hề buông ra một lời trách mắng hay một cái nhìn liếc háy. Tình thương của ông đâu chỉ dừng lại ở hy vọng và tha thứ. Ông còn đi xa hơn thế, khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để chờ ngày đứa con ngỗ nghịch trở về. Câu nói của ông với các đầy tớ chứng minh điều đó: mau đem áo đẹp nhất ra cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân và bắt bê đã vỗ béo để ăn mừng.
Ngay khi nó chưa trở về, ông đã tính toán và làm trước tất cả mọi thứ, như thể, biết chắc chắn con ông sẽ trở về. Và rồi, khi nó còn ở tận đàng xa, chưa vào tới nhà, ông đã sai đầy tớ đem mọi thứ đẹp nhất, tốt nhất ra cho nó, để phục hồi địa vị và phẩm giá làm con của nó. Quả thật, ông là người cha quá tuyệt vời, xứng đáng được dùng để sánh ví với Thiên Chúa là người Cha luôn luôn yêu thương, tha thứ, hy vọng và làm mọi thứ để chờ ngày trở về của chúng ta.
Sự trở về như một sự hồi sinh của người con thứ, đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm thấy. Như thế, sự phục sinh của người con không thể hoàn tất nếu người cha không cho anh cơ hội để được phục sinh. Giả như khi trở về mà người cha không đón nhận, thì anh sẽ mất và sẽ chết mãi mãi.
Người cha trong bài Tin mừng này diễn tả một Thiên Chúa Cha luôn yêu thương, tha thứ, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và luôn chờ đợi để ban cơ hội hồi sinh cho từng đứa con. Nhờ đó, nó có thể có lại sự sống và phẩm giá của một người con, chứ không phải là phẩm giá của một nô lệ, hay một người làm công.
Về người anh cả
Thiên Chúa không bao giờ ôm hận trong lòng và chấp nhất lỗi lầm của chúng ta. Chỉ có con người mới hay chấp nhất và khó tha thứ cho nhau mà thôi. Người anh cả thể hiện điều đó. Anh đùng đùng nổi giận, không chịu vào nhà, khiến cha anh phải ra năn nỉ anh vào. Anh không muốn em anh trở về. Anh ghét nó. Anh không muốn nó tồn tại, vì nó không “ngoan” giống anh, và là cái gai trong mắt anh. Chính vì không coi mình là con của cha (đã bảo năm qua con làm công, hầu hạ cha – c.28), nên anh cũng không coi mình là anh em với nó (thằng con của cha đó – c.30).
Lúc này, người cha lại phải chạy ra khỏi nhà lần thứ hai, để năn nỉ người con cả vào nhà, để trả lại cho anh phẩm giá của người làm con, làm anh. Ông đâu chỉ thương mỗi mình đứa con đi lạc. Ông cũng thương cả đứa con không đi nhưng vẫn lạc lối trong bến mê do nó tạo ra. Nó ở với cha và mọi thứ của cha là của nó, nhưng tiếc thay, nó không hề cảm nhận được tình yêu của cha, nên chỉ sống và đối xử với cha với tư cách là người hầu với ông chủ, chứ không phải là người con với người cha. Chính vì nó không yêu cha, nên cũng chẳng yêu em nó.
Một lần nữa, chúng ta nhận ra tình thương và ân sủng của Thiên Chúa quá dạt dào, một tình thương luôn luôn đi bước trước, vượt qua mọi sự mê lầm và sai lỗi của chúng ta. Vấn đề được đặt ra là chúng ta có biết hồi tâm để trở về với Thiên Chúa là Cha, để sống trong cội nguồn của sự sống hay không?
Các giai đoạn của hành trình trở về
Khi đề cập đến sự trở về, chúng ta cần biết mình phải trở về đâu? Có thể chia hành trình trở về làm ba giai đoạn như sau: trở về với chính mình, trở về với Thiên Chúa và trở về với tha nhân. Xem ra hai giai đoạn đầu tiên là điều dễ thực hiện hơn cả.
Bước thứ nhất là trở về với chính mình. Bước này đã có sẵn nơi đáy lòng mỗi người, vì Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi mỗi người một tiếng nói lương tâm ngay chính. Tiếng nói ấy vẫn luôn vang vọng để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối mà quay về đường ngay nẻo chính. Bước thứ hai của hành trình là trở về với Thiên Chúa. Bước này cũng khá dễ dàng, vì Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện. Bước thứ ba là trở về với anh chị em của mình. Đây mới thực sự là chặng đường khó khăn nhất của hành trình trở về. Có phải như thế không?
Giáo Hội vẫn thường xuyên kêu gọi con cái mình thực hiện ba việc này (đặc biệt là trong Mùa Chay): ăn chay, cầu nguyện và sống bác ái, tương ứng với ba giai đoạn của hành trình trở về. Trước tiên, việc ăn chay, hy sinh và hãm mình phần xác giúp chúng ta dễ dàng hồi tâm để trở về với phần hồn của mình. Thứ đến là việc cầu nguyện. Đây là bước trở về với Thiên Chúa Cha, cội nguồn sự sống. Chính đời sống cầu nguyện nuôi dưỡng sự sống linh hồn và là nền tảng cho đời sống cụ thể của chúng ta. Cuối cùng là đời sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Chúng ta hay bó hẹp giai đoạn thứ ba này vào các việc làm bác ái mà thôi, nhưng thực ra giai đoạn này bao hàm trọn vẹn một đời sống bác ái – yêu thương, nghĩa là bao trùm toàn bộ đời sống Kitô hữu của chúng ta: từ suy nghĩ, ý hướng, đến lời nói và hành động với người khác.
Chúng ta học được gì qua dụ ngôn phong phú này?
Bài học từ người con thứ. Nếu chúng ta có hiểu sai, làm sai, đi sai… thì hãy biết hồi tâm và quay trở về. Đừng “trơ lì” trong cái sai lỗi đó nữa, nhất là khi đã được Thiên Chúa nhắc nhở qua người này người kia, bằng cách này cách khác. Sự sai lỗi là một phần của con người. Ai cũng như thế cả. Vì thế, đừng phóng đại lỗi lầm của mình cũng như của người khác, cũng đừng tự chôn mình trong lỗi lầm. Thiên Chúa muốn chúng ta được phục sinh chứ không phải tự đào hố chôn mình trong đau khổ.
Bài học từ người anh cả. Người anh dạy chúng ta đừng khép lòng mình lại với người khác khi họ đã biết lỗi và quay trở về. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Hãy cho người khác hơn một cơ hội để trở về, không phải chỉ ba hay bảy lần nhưng là n lần cơ hội. Hãy biết mở lòng mình ra, trước là để cảm nhận được tình thương dạt dào mà Thiên Chúa đang tuôn đổ trên chính mình, sau là để khoan dung và quảng đại hơn với anh chị em xung quanh mình.
Bài học từ người cha. Đứng trước mộtNgười Cha quá tuyệt vời, chúng ta được mời gọi hãy yêu thương, tha thứ, hy vọng, dám ước mơ và dấn thân làm mọi thứ để ước mơ đó trở thành hiện thực. Người Cha mơ ước sự trở về của hai đứa con. Ông không chỉ dừng lại ở việc ước mơ nhưng còn lao mình ra để làm và sống ước mơ đó. Thật là hay!
Thánh Luca khép lại dụ ngôn với một cái kết rất mở, nghĩa là ngài để chúng ta tự hồi tâm để trở về và sống tiếp vai diễn của từng nhân vật: người con thứ, người con cả và người cha. Hãy tự chọn vai cho mình. Tôi sẽ là ai đây?
[i] Kinh thánh, ấn bản 2011. Bản dịch do Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011.
[ii] https://biblehub.com/greek/anastas_450.htm
[iii] https://biblehub.com/greek/450.htm
[iv] https://biblehub.com/greek/epepesen_1968.htm
[v] https://biblehub.com/greek/1968.htm