Nguyên Nhi
Những ngày cuối năm, cũng là khoảng thời gian cuối cùng của thập niên, mình có cơ hội được nhìn ngắm một Myanmar vừa vội vã vừa thanh bình, vừa hiện đại vừa xưa cũ, đang trở mình từng ngày, như Việt Nam độ chục năm về trước.
Mình không giỏi về kinh tế, cũng không rành rọt về các con số, để có thể phân tích tình hình của một đất nước. Nhưng với mình, ấn tượng về Myanmar là một nơi phảng phất điều gì đó của Việt Nam xưa cũ. Con người ở đây lam lũ, nét mặt đa phần nhìn rất khắc khổ. Đàn ông lúc nào cũng quấn xà rông, nhai trầu. Phụ nữ lẫn trẻ em ở đâu cũng có mấy vệt “thanakha”. Xe ô tô tuy nhiều nhưng đa số là xe thương hiệu cũ. Xe đạp, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu. Mình cũng không biết họ trồng cây gì, nuôi con gì. Suốt dọc hành trình, mình không nhìn thấy cánh đồng lúa nào, cũng không hề thấy biển, rất ít nghe tiếng tàu lửa. Có những cung đường bụi mù mịt, ổ gà ổ vịt chen nhau dưới lối đi. Duy nhất chỉ có đền đài, cung điện, chùa chiền, những câu chuyện lịch sử, giai thoại về các vị Vua,… là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Thế nhưng, Myanmar vẫn là một nơi nên đến một hoặc một vài lần; đặc biệt nên ghé thăm trước khi đất nước này vươn mình đứng dậy, để cảm nhận đủ đầy những điều còn nguyên vẹn ở đây.
1. Yangon
Tuy không phải là thủ đô của Myanmar như nhiều người lầm tưởng, nhưng Yangon là một trong những trung tâm kinh tế của đất nước này. Mỗi ngày, từ Việt Nam chỉ có 1 chuyến bay duy nhất (hãng Vietnam Airline) từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Yangon, và ngược lại. Bạn có thể tìm thấy sự hào nhoáng ở một số trung tâm thương mại mới, một số nhà hàng, cửa hiệu. Nhưng hầu như, Yangon vẫn thấp thoáng đâu đó âm vang của ngày cũ.
Sáng thức dậy, từ cửa sổ khách sạn nhìn ra, bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước cảnh tượng tháp chuông nhà thờ Chính tòa in từng nét rõ rệt lên nền cam, có pha chút sắc tím của bầu trời buổi sớm. Những cánh chim bồ câu chao lượn trong làn sương, đâu đó nghe vọng lại tiếng còi tàu từ một ga xe lửa của thành phố.
Bước chân xuống đường, đi dọc các con phố, xe cộ không quá tấp nập, người đi bộ không quá nhiều, cũng không vội vã. Bạn sẽ chỉ giật mình khi băng qua ngã tư, nhìn về phía xa thấy bảo tháp của chùa Shwedagon sừng sững phía sau cây cầu vượt mới xây của thành phố. Yagon cứ thế hòa quyện giữa cổ kính và hiện đại, giữa sự chậm rãi và vội vàng của thời gian và tâm hồn con người.
Mình ghé thăm chùa Shwedagon vào buổi tối, một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất, là niềm tự hào của người Myanamar. Mình cảm thấy biết ơn, khi không đến đây vào ban ngày. Vì nếu đặt chân đến chùa Shwedagon lúc nhiệt độ ngoài trời tầm 33OC, nắng gắt và mồ hôi nhễ nhại, mình sẽ không cảm nhận hết được sự linh thiêng và cảm giác an bình của nó. Khung cảnh Shwedagon vào buổi tối làm mình nhớ lại cảnh trong phim “Friend Zone”, hai nhân vật chính hẹn gặp nhau ở một ngôi chùa, vào một đêm trăng đẹp. À, còn phần mình, lúc đến thăm chùa cũng gần đến giờ đóng cửa. Từ trên cao nghe vọng xuống tiếng cầu kinh, hàng ngàn ngọn nến được thắp sáng xung quanh bảo tháp. Khách ngồi rải rác cầu nguyện trong thinh lặng, hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ, hoặc đi lại chậm rãi, chốc chốc dừng lại thắp thêm một ngọn nến, cắm thêm một cành hoa,… Mọi thứ nhẹ nhàng, yên ả…
2. Bagan
Bagan nổi tiếng với đền tháp và khinh khí cầu. Mặt trời ở Bagan có vẻ đẹp huyền thoại khi đậu trên đỉnh những toà tháp cổ kính và màn sương mờ ảo.
Cả đoàn mình đến Bagan lúc 2 giờ sáng, sau một ngày dài vật vã trên xe, với đủ thứ trò được bày ra để giết thời gian. Sau khi nhận phòng, ai nấy nằm lăn ra ngủ, nên không được ngắm bình minh. Ai cũng có ước mơ được một lần ngồi trên khinh khí cầu ngắm toàn bộ khu di tích đền đài ở Bagan, nhưng không ai đủ giàu để có thể tiêu xài hoang phí, nên kế hoạch cũng bất thành.
Một ngày ở Bagan, hướng dẫn viên sẽ có một lịch trình phù hợp để dẫn bạn tham quan hết các đền đài. Theo một số tư liệu, Bagan rộng hơn 100 km2, có khoảng 13.000 chùa tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ 11. Sau trận động đất tháng 8/2016, Bagan chỉ còn hơn 3.000 chùa tháp. Hiện tại, người bản địa vẫn tiếp tục tu sửa, làm mới và kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện xa xưa về xuất xứ của những ngôi chùa. Có vẻ như, lẽ sống của người dân ở đây là được xây dựng đền đài, như một biểu tượng tinh thần của Bagan.
Bình minh và hoàng hôn ở Myanmar, khoảnh khắc nào cũng khiến mình ngỡ ngàng. Bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh mặt trời đi ngủ ở Tháp Shwesandaw hoặc từ nhiều vị trí khác. Hôm đó, anh hướng dẫn viên dẫn cả đoàn đến một ngọn đồi, nơi có thể hình thấy những tia nắng cuối ngày xuyên qua từng lớp bụi mù, chiếu xuống những đỉnh tháp thấp thoáng trên những tán cây. Ánh sáng vàng như rót mật khiến khung cảnh trở nên vô cùng kỳ ảo. Mình đã liên tục hỏi, tại sao mặt trời ở đây lại đẹp đến như thế? Một số câu trả lời là, có thể do kinh độ, vĩ độ, sự khúc xạ ánh sáng, góc chiếu của mặt trời,… Nó hơi phức tạp nên mình tạm chọn một đáp án nghe có vẻ văn chương nhất: Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho Bagan những khung cảnh lung linh, huyền ảo từ mọi góc nhìn.
3. Mandalay
Mandalay với mình cực kỳ quyến rũ và đầy bí ẩn.
Buổi sáng ở Mandalay, bạn sẽ có cảm giác như đang ở Đà Lạt. Khí trời mát mẻ, trong lành. Các cửa hiệu bắt đầu bán quần áo ấm, khăn len, mũ len,…
Đến Mandalay, bạn có rất nhiều chọn lựa về địa điểm tham quan. Nhưng riêng mình, chùa Hsinbyume (nổi tiếng ở làng Mingun) đẹp như một miền cổ tích và cầu U Bein (bắc qua hồ cạn Taungthaman) huyền ảo hòa mình trong ánh hoàng hôn là hai địa điểm khiến mình ấn tượng nhất.
Chùa Hsinbyume nằm phía cuối làng Mingun, được thêu dệt với giai thoại về vua Bagyidaw và câu chuyện tình yêu hết sức lãng mạn với người vợ là Hsinbyume. Ngôi chùa được thiết kế với kiến trúc đặc biệt, đường lên chính điện hệt như những tầng mây. Nằm giữa một quần thể những phế tích còn lại của Mingun, ngôi chùa này cùng với câu chuyện của nó không khỏi khiến người ta phải nao lòng.
Chiều xuống, cả đoàn lại vội vã đến cầu U Bien để ngắm hoàng hôn. Tuy du khách khá đông, đi lại tấp nập, chen nhau những chỗ đứng ưng ý nhất trên cầu. Nhưng đúng lúc khoảnh khắc mặt trời từ từ khuất bóng, tất cả dường như dừng lại, lặng im và nhìn ngắm. Mặt trời lặn rất nhanh, chừng chưa đầy 2 phút. Sau đó người đi lại tiếp tục vội vã. Mình lặng lẽ đi về phía chân cầu, hơi thất vọng vì cây cầu trong huyền thoại lại trở nên xô bồ như thế. Vô tình mình phát hiện có một lối đi bộ xuống phía dưới sông, khu đất nhô lên vì đang mùa nước cạn. Phía dưới có khá nhiều xe khách đang đậu, nên mình lững thững đi xuống, ngắm cầu U Bien từ phía này xem sao. Bỗng bầu trời chuyển sang cam cả một vùng rộng lớn. Từ phía dưới, nhìn xuyên qua cây cầu, khung cảnh dường như khác hẳn, như trong một bức tranh chỉ 2 sắc đen và cam, với những chuyển động chậm rãi, lặng lẽ. Mandalay trở nên quá đỗi yên bình…
Khoảnh khắc này, đối với mình, có lẽ là vô giá…
————–
Trong lúc ngồi chờ ở sân bay, vô tình mình đọc được một bài viết với đại ý: Bạn đang sống bận rộn hay bận rộn để sống? Và một loạt câu hỏi: Bạn có đang đánh mất chiếc neo hạnh phúc của chính mình? – Rốt cuộc mình bận rộn như thế để làm gì?. Sau đó, mình nhận được một email, trong đó có một dòng: Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu một thập kỷ mới chưa?
Tất cả những câu hỏi trên đều khiến mình suy nghĩ. Mỗi người bạn đi chung với mình đợt này, đều phải gần như giành giựt với thời gian để có để sắp xếp đi với nhau. Những ngày sắp về, ai cũng ngao ngán khi công việc đang chất đống nằm chờ ở nhà. Đến bạn mình cũng phát hiện ra, mình đã nói câu “sắp phải về VN rồi” tận hơn 10 lần trong ngày. Cuộc sống chính là một chuỗi những sự bận rộn có ý nghĩa. Vì vậy, hãy khiến sự bận rộn trở nên ý nghĩa từng phút, từng giây, để về sau nhất định sẽ không hối tiếc. Và thật tốt khi mình được đến Myanmar dịp này, nhìn ngắm một Burma còn thanh bình, xưa cũ; nhìn ngắm cách mọi người chung sống, vui chơi, làm việc; nhìn ngắm chính mình từ những xúc cảm và cả những điều tưởng chừng như vô cảm.