Lịch Sử Giáo Hội

Các lạc giáo thời Giáo hội sơ khai

Quốc Anh
lac giao kito so khai
527 views

Ngay từ những thế kỷ đầu, trong Giáo Hội đã xuất hiện những vị thầy dạy giả hiệu với những lời giảng dạy sai lầm, gây chia rẽ trong Giáo Hội, gọi là lạc giáo hoặc dị giáo. Trong thư thứ nhất gửi cho Timôthê, thánh Phaolô Tông đồ đặc biệt đề cập đến chuyện này: “Khi đi Makêđônia, tôi đã khuyên anh ở lại Êphêxô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác, cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết” (1 Tm 1,3-4).

Thư thứ hai của thánh Phêrô cũng nói: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong” (2 Pr 2,1).

I. Các lạc giáo thế kỷ đầu

Trong những thế kỷ đầu, đã xuất hiện những lạc giáo chính như sau:

1. Ngộ đạo thuyết

“Ngộ” trong từ Ngộ đạo không phải là sai lạc, lầm lẫn như trong từ “ngộ nhận”, mà là sự hiểu biết, như trong từ “giác ngộ”. Ngộ đạo được dịch từ gốc tiếng Hy Lạp gnosis nghĩa là sự hiểu biết. Sở dĩ gọi là “Ngộ đạo” vì những người thuộc phái này nhấn mạnh đến sự hiểu biết giúp đạt tới sự giải thoát. Sự hiểu biết này do một nguồn mặc khải bí nhiệm khác ngoài mặc khải được thông truyền qua Kinh Thánh và lời giảng các tông đồ. Chỉ có một số ít người đạt được sự hiểu biết này.

Ngộ đạo thuyết xuất hiện vào thế kỷ I ở Palestine và Tiểu Á. Đến thế kỷ II, nó lan truyền tới Alexandria bên Ai Cập, biến nơi này thành trung tâm của Ngộ đạo thuyết. Đây là một sự kết hợp giữa triết học và tôn giáo, bao gồm những tư tưởng của triết học Platon, Pythagor của Hy Lạp, thần thoại Đông phương, Do Thái giáo và giáo lý Kitô giáo. Đại diện cho nhóm Ngộ đạo thuyết là Basilid, Valentinus, Carpocrates.

Những người theo Ngộ đạo thuyết chủ trương:

– Về Thiên Chúa: Có một Thiên Chúa, nhưng Ngài cao xa, tách biệt, không có liên hệ gì với vũ trụ này.

– Về việc tạo dựng: Thế giới loài người cũng như vật chất thì xấu xa, bị băng hoại. Nó không phải do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên mà xuất phát từ một vị “Hoá công” hạ cấp. Vị này xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng không hoàn thiện bằng Thiên Chúa. Vị này là Đức Giêsu.

– Về Đức Giêsu Kitô: Không có chuyện Nhập thể. Đức Giêsu không thể vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, vì nơi Đức Giêsu không thể có sự dữ. Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa làm người, nhưng chỉ mang dáng vẻ con người mà thôi. Ngài đến trần gian để khai sáng cho con người, giúp họ giải thoát khỏi vật chất nhờ sự hiểu biết. Vì Đức Giêsu không phải là người thực mà chỉ là người ảo nên Đức Maria không phải là Mẹ Đức Giêsu.

Cựu Ước dạy Thiên Chúa sáng tạo ra vật chất, nên Thiên Chúa của người Do Thái là một vị thần ác, khác với Thiên Chúa của Đức Giêsu trong Tân Ước .

– Về con người: Con người là tinh thần thuần tuý bị đày đoạ xuống một thế giới vật chất do sự dữ thống trị. Nhờ đạt được sự hiểu biết thần linh, con người mới có thể tự giải thoát khỏi vật chất.

Không có chuyện xác con người sẽ sống lại vì thân xác là vật chất xấu xa, không thể nào được hưởng ơn bất tử. Một số người thuộc nhóm Ngộ đạo thuyết chủ trương thuyết luân hồi, theo đó linh hồn cứ bị đày hết kiếp này đến kiếp khác để thanh luyện; chừng nào được tinh sạch rồi thì được trở về thiên giới.

– Về đời sống luân lý, có hai khuynh hướng ngược nhau. Có nhóm chủ trương rất khắt khe, phải hành hạ thân xác vì thân xác là mầm mống tội lỗi, phải kiêng thịt và rượu, thậm chí chỉ dùng nước lã khi cử hành Thánh lễ; họ cũng khước từ hôn nhân vì cho đó là tội lỗi. Ngược lại có nhóm vì coi thân xác vật chất là hoàn toàn sa đoạ, vô phương cứu vớt, nên chủ trương cứ tự do buông thả không cần kiềm chế, thậm chí có nhóm đặt mọi tài sản làm của chung, kể cả các bà vợ.

Để chống lại tư tưởng sai lạc của Ngộ đạo thuyết, thánh Irênê (140-200) đã viết cuốn “Chống lại các lạc thuyết”, trong đó ngài vạch ra những sai lầm và nguy hiểm của Ngộ đạo thuyết. Thánh Irênê nói rằng: “Thiên Chúa chỉ có một, chính Ngài là Đấng Tạo hóa, Ngài là Đấng cao cả, trí khôn loài người không thể hiểu thấu được, nhưng Ngôi Lời Con Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Ngôi Lời và Thánh Thần cũng là một Thiên Chúa với Chúa Cha”. Về thân xác con người bị Ngộ đạo thuyết khinh chê, thánh Irênê đã đề cao thân phận con người vì lẽ con người đã được Chúa Con xuống thế cứu chuộc. Ngài chính là Ađam mới. Thân xác con người hiện nay đã được tôn vinh nhờ cuộc Phục sinh của Đức Kitô.

Lịch sử Giáo hội:
Đế quốc La Mã theo Kitô giáo
Cuộc bách hại các Kitô hữu của Đế quốc Rôma (64-133)
Những nét chính về Giáo hội sơ khai thời các Tông đồ

2. Lạc thuyết Montanô

Sống trong thời bách hại, nhiều người mong ước ngày Chúa lại đến để chấm dứt đau khổ và trừng phạt kẻ bách hại. Năm 170, tại Phrygia ở Tiểu Á, một linh mục tên Montanô cho rằng Chúa Giêsu sẽ lại đến ngay vào thời ấy. Montanô tự xưng mình là người phát ngôn duy nhất của Thánh Linh, mở đầu cuộc mặc khải thứ ba, bổ túc cho giáo lý Đức Kitô. Montanô cho rằng các điều ông được mặc khải có giá trị ngang với các thư của thánh Phaolô cũng như bốn Phúc Âm.

Montanô còn đưa ra một thứ luân lý nghiêm khắc: cấm tái hôn; các trinh nữ phải đeo khăn che mặt khi tham dự phụng vụ; không nhận trở lại Giáo Hội những ai phạm tội sát nhân, ngoại tình hoặc thờ ngẫu tượng. Giáo thuyết của Montanô truyền bá nhanh chóng ở Đông phương và tràn sang Tây phương.

Để đối phó với lạc thuyết này, các Giám mục bắt đầu có những cuộc họp hàng năm theo vùng nhằm thiết lập đường hướng mục vụ cho các Giáo Hội địa phương. Đức Giáo hoàng Zephirinô chính thức lên án lạc thuyết này vào cuối thế kỷ II. Khi bị các Giám mục chống lại, phe Montanô khởi sự thành lập một giáo hội riêng và lôi cuốn được cả vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội ở Bắc Phi, là Tertulianô. Nhưng phe này tan rã ngay sau khi Tertulianô từ trần vào năm 220.

3. Lạc thuyết Marcion

Marcion, con trai của Giám mục Sinope ở Pontus, sinh quãng năm 110. Ông là một nhà buôn giàu có chịu ảnh hưởng sâu đậm Ngộ đạo thuyết.

Ông tin rằng có hai Chúa: một Chúa công thẳng dễ sợ của Cựu Ước và một Chúa nhân từ trong Tân Ước đến để phá Cựu Ước. Ông chối bỏ hết Cựu Ước, còn Tân Ước ông chỉ giữ lại Phúc Âm thánh Luca và 10 thư quan trọng của thánh Phaolô. Ông dạy rằng muốn được ơn cứu độ, chỉ cần yêu mến Thiên Chúa, Chúa tình yêu, ném mình vào khối tình sâu xa của Ngài, còn tất cả những cái khác như luật lệ, giới răn đều không đáng kể. Thế kỷ IV, lạc giáo Marcion lan rộng đến Ý, Syria, Ai Cập, Mesopotamia và Ba Tư.

Những lời dạy của Marcion đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Ông bị vạ tuyệt thông vào năm 144. Các giáo phụ đã lên tiếng chống lại lạc thuyết này qua các tác phẩm của mình. Thánh Justinô với tác phẩm Đối thoại với ông Tryphon và thánh Irênê với tác phẩm Chống lạc giáo (Adv. Haer. 3,11,8) nhấn mạnh rằng chỉ có một Thiên Chúa đã măc khải kế hoạch cứu rỗi cho nhân loại một cách tiệm tiến, qua nhiều chặng đường: mặc khải Cựu Ước chuẩn bị cho mặc khải Tân Ước. Giáo Hội xác định lại thẩm quyền của Bản Bảy Mươi và bắt đầu thiết lập thư quy cho bộ Kinh Thánh.

4. Lạc thuyết Ariô

Ariô (256-336) là một linh mục ở Alexandria. Ariô chủ trương: Thiên Chúa là Đấng duy nhất và tự hữu ; Mọi vật ngoài Thiên Chúa đều là thụ tạo, trong đó có cả Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Theo ông, Đức Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng, không đồng bản thể với Ngôi Cha. Ngài chỉ là một thụ tạo hoàn hảo nhất, có trước thời gian, nhưng không vô thủy vô chung. Ngài được nhận làm Con Thiên Chúa, được tham dự Thiên tính, được đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

Alexandrô, Giám mục Alexandria chống lại quan điểm của Ariô. Theo ngài, Chúa Con, Lời của Thiên Chúa hiện hữu từ thuở đời đời như Chúa Cha. Nếu Chúa Con không phải là Thiên Chúa làm người thì con người không thể được thần hóa hoàn toàn và không được cứu độ.

 Năm 318, Ariô bị vạ tuyệt thông. Ông không nhận vạ này. Khi ông đi thăm những người theo ông ở Đông phương, thì tại đây nhiều người cho rằng quan điểm của ông đúng với truyền thống. Cuộc tranh luận giữa hai phe bùng nổ. Hoàng đế Constantine I muốn có sự yên ổn ở Đông phương, nên ông khuyên mỗi bên phải cố gắng hòa giải vì đây chỉ là những tranh cãi về từ ngữ, nhưng xáo trộn vẫn tiếp tục, nên ông quyết định triệu tập các Giám mục họp lại để giải quyết. Đó là Công đồng Nicêa I.

II. Kinh Tin Kính Công Đồng Nicêa và Constantinopolis I

1. Công đồng chung Nicêa I (325)

Công đồng Nicêa là Công đồng chung đầu tiên, do Hoàng đế Constantine I triệu tập, quy tụ khoảng 300 Giám mục Đông phương và 4 Giám mục Tây phương. Đức Giáo hoàng Sylvester I vì già yếu không đến tham dự được, nên ngài cử 2 linh mục ở Rôma đến làm đặc sứ. Công đồng họp từ tháng 6 đến cuối tháng 8 tại Nicêa để bàn về giáo thuyết của Ariô, xác định ngày lễ Phục sinh cũng như một số vấn đề liên quan đến kỷ luật trong Giáo Hội.

Tại Công đồng, Ariô được yêu cầu trình bày về quan điểm của ông về Thiên tính của Đức Kitô. Công đồng đã lên án giáo thuyết của Ariô và khẳng định sự ngang bằng hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Con cùng một bản thể với Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha. Công đồng đã đúc kết một bản tuyên xưng đức tin gọi là Kinh Tin Kính Nicêa:

Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình.
Chúng tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha.
Người là Con Một, bởi bản thể Chúa Cha,Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Đức Chúa Cha.
Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,
cả trên trời và dưới đất.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã xuống thế, nhập thể và làm người.
Người chịu khổ hình, ngày thứ ba Người sống lại và lên trời.
Trong vinh quang Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Nhưng bây giờ kẻ nào dám nói:
“Đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu”,
“Người không hiện hữu trước khi được tạo thành”,
và “Người đã được tạo thành từ hư không”,
hay “Người là một bản thể khác”,
hoặc “Con Thiên Chúa đã được tạo thành,
bất toàn và thay đổi”
– những kẻ này bị lên án
bởi Hội Thánh Công giáo thánh thiện và tông truyền.

2. Công đồng Constantinopolis I (381)

Khoảng năm 360, Macedonius, Giám mục thành Constantinopolis phủ nhận Thánh Thần là Thiên Chúa. Một vấn nạn thần học mới được đặt ra. Năm 381, dưới triều Đức Giáo hoàng Đamasô I, Hoàng đế Theodosius I triệu tập các Giám mục về Constantinopolis họp. Có khoảng 186 Giám mục Đông phương dự. Khoá họp kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7năm 381.

Tại Công đồng, thánh Basiliô và Grêgôriô thành Nazianzen đã tìm thấy một cách trình bày mới, bằng cách phân biệt bản tính (Ousia) và ngôi vị (Personna). Một Chúa, một bản tính, ba ngôi vị. Công đồng lên án các lạc thuyết Ariô và Macedonius, xác nhận và triển khai Kinh Tin Kính Nicêa.

Công đồng Nicêa I (325)Công đồng Constantinopolis I (381)
Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình.Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình..
Chúng tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,
sinh bởi Đức Chúa Cha.
Người là Con Một, bởi bản thể Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.
Chúng tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.
Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, cả trên trời và dưới đất.Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể và làm người.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.
Người chịu khổ hình, ngày thứ ba Người sống lại và lên trời.Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
Trong vinh quang Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
 Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
 Chúng tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Chúng tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội. Chúng tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.
Nhưng bây giờ kẻ nào dám nói:
“Đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu”, “Người không hiện hữu trước khi được tạo thành”, và “Người đã được tạo thành từ hư không”, hay “Người là một bản thể khác”, hoặc “Con Thiên Chúa đã được tạo thành, bất toàn và thay đổi” – những kẻ này bị lên án bởi Hội Thánh Công giáo thánh thiện và tông truyền.
 

Bản Kinh Tin Kính của Công đồng Constantinopolis khác với bản Kinh Tin Kính của Nicêa ở những điểm sau:

  • Nói nhiều hơn về Chúa Giêsu Kitô.
  • Bỏ câu: “bởi bản thể Chúa Cha”.
  • Nói nhiều hơn về Chúa Thánh Thần.
  • Thêm những khoản về Hội Thánh, phép rửa, kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
  • Không có lời lên án tuyệt thông.

Kinh Tin Kính Nicêa mà Công đồng Constantinopolis thêm vào được gọi là Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa-Constantinopolis, thường được đọc trong Phụng vụ.

Riêng lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần: “Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra…” là do Giáo Hội Tây phương thêm vào sau này vào cuối thế kỷ VI để nói rõ hơn việc phát xuất của Chúa Thánh Thần. Từ ngữ này đã tạo ra cuộc tranh cãi kéo dài hằng bao nhiêu thế kỷ giữa hai Giáo Hội Đông phương và Tây phương.

III. Lạc Thuyết Nestoriô và Công Đồng Êphêsô (431)

Nestoriô (380-440) người Syria, Giám mục thành Constantinopolis là một nhà hùng biện đầy nhiệt huyết, đã từng chống trả các lạc giáo Ariô và Macedonius. Ông chủ trương chỉ nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Kitô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Đức Kitô (sinh bởi Đức Maria) chỉ là một người được phúc tiền định mặc thần tính trở nên Đền thờ của Ngôi Lời. Như vậy, Nestoriô phân tách Ngôi Lời ra khỏi Đức Kitô, phân tách Ngôi Hai Nhập thể thành hai Ngôi vị riêng biệt, được lồng vào trong nhau.

Thánh Cyrillô, Giám mục thành Alexandria, đã trình bày sự việc lên Hoàng đế Theodosius II và Đức Giáo hoàng Celestinô I. Để giải quyết vấn đề, Hoàng đế Theodosius II triệu tập Công đồng. Có khoảng 150-200 Giám mục Đông phương, 1 Giám mục Tây phương, 3 đặc sứ của Đức Giáo hoàng Celestinô I tham dự với 5 khoá họp từ 22-6 đến 17-7 năm 431 tại Êphêsô. Thánh Cyrillô thay mặt Đức Giáo hoàng Celestinô I chủ tọa Công đồng.

Công đồng lên án lạc thuyết Nestoriô, tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và xác định sự ngôi hiệp nơi Đức Kitô. Toàn thể giáo dân Êphêsô chào mừng Công đồng bằng một cuộc rước đèn vĩ đại, tung hô Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Kinh đó được soạn ra trong dịp này, và đã được Đức Giáo hoàng Celestinô I phê chuẩn.

IV. Lạc Thuyết Eutykes và Công Đồng Calcêđônia (451)

Eutykes (378-454) là một đan viện phụ ở Constantinopolis. Để chống lại Nestoriô, ông đi đến một sai lầm cực đoan, là tuyên bố rằng Ngôi Lời kết hiệp chặt chẽ với nhân tính, đến độ chỉ còn một bản tính duy nhất, tức Thiên tính. Giáo thuyết này thật nguy hiểm không kém thuyết của Nestôriô, bởi vì nó phủ nhận nhân tính đầy đủ và thần tính đầy đủ của Đức Kitô. Nếu Đức Kitô có nhân tính không đầy đủ, Ngài không phải là con người thật, và nếu Ngài không có đầy đủ thần tính thì Ngài không phải là Thiên Chúa thật.

Nhận thấy sự nguy hiểm của giáo thuyết này, vào năm 451, Hoàng đế Marcianus triệu tập Công đồng Calcêđônia. Có khoảng 600 Giám mục Đông phương, 2 Giám mục Phi châu, 3 đặc sứ của Đức Giáo hoàng Leô Cả tham dự 17 khoá họp từ 8-10 đến 1-11 năm 451. Công đồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutykes, tuyên bố Đức Kitô có một ngôi vị với hai bản tính riêng biệt.

Tóm lược

Ngay từ những thế kỷ đầu, trong Giáo Hội đã xuất hiện những thầy dạy những điều sai lạc, gây chia rẽ trong Giáo Hội, gọi là lạc giáo hoặc dị giáo.

I. CÁC LẠC GIÁO NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU

1. Ngộ đạo thuyết

Ngộ đạo thuyết xuất hiện vào thế kỷ I ở Palestine và Tiểu Á. Những người theo Ngộ đạo nhấn mạnh đến sự hiểu biết giúp đạt tới sự giải thoát. Sự hiểu biết này do một nguồn mặc khải bí nhiệm khác ngoài mặc khải được thông truyền qua Kinh Thánh và lời giảng các tông đồ. Đây là một sự kết hợp giữa triết học và tôn giáo, bao gồm những tư tưởng của triết học Platon, Pythagor của Hy Lạp, thần thoại Đông phương, Do Thái giáo và giáo lý Kitô giáo. Đại diện cho nhóm Ngộ đạo thuyết là Basilid, Valentinus, Carpocrates.

Những người theo Ngộ đạo thuyết chủ trương:

– Có một Thiên Chúa, nhưng Ngài cao xa, tách biệt, không có liên hệ gì với vũ trụ này.

– Thế giới loài người cũng như vật chất thì xấu xa, bị băng hoại, không phải do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên mà xuất phát từ một vị “Hoá công” hạ cấp là Đức Giêsu.

– Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa làm người, nhưng chỉ mang dáng vẻ con người. Ngài đến trần gian để khai sáng cho con người, giúp họ giải thoát khỏi vật chất nhờ sự hiểu biết. Vì Đức Giêsu không phải là người thực mà chỉ là người ảo nên Đức Maria không phải là Mẹ Đức Giêsu.

Thiên Chúa của người Do Thái là một vị thần ác, khác với Thiên Chúa của Đức Giêsu trong Tân Ước .

– Con người là tinh thần thuần tuý bị đày đoạ xuống một thế giới vật chất do sự dữ thống trị. Nhờ đạt được sự hiểu biết thần linh, con người mới có thể tự giải thoát khỏi vật chất.

Không có chuyện xác con người sẽ sống lại vì thân xác là vật chất xấu xa, không thể nào được hưởng ơn bất tử.

Để chống lại tư tưởng sai lạc của Ngộ đạo thuyết, thánh Irênê đã viết cuốn “Chống lại các lạc thuyết”.

2. Lạc thuyết Montanô

Do linh mục Montanô khởi xướng năm 170 ở Phrygia, Tiểu Á. Ông tự xưng mình là người phát ngôn duy nhất của Thánh Linh, mở đầu cuộc mặc khải thứ ba, bổ túc cho giáo lý Đức Kitô. Montanô chủ trương một thứ luân lý nghiêm khắc: cấm tái hôn; các trinh nữ phải đeo khăn che mặt khi tham dự phụng vụ; không nhận trở lại Giáo Hội những ai phạm tội sát nhân, ngoại tình hoặc thờ ngẫu tượng.

Đức Giáo hoàng Zephyrinô chính thức lên án lạc thuyết này vào cuối thế kỷ II.

3. Lạc thuyết Marcion

Do Marcion ở Pontus khởi xướng. Marcion cho rằng có hai Chúa: một Chúa công thẳng dễ sợ của Cựu Ước và một Chúa nhân từ trong Tân Ước. Marcion phủ nhận tất cả Cựu Ước, còn Tân Ước ông chỉ giữ lại Phúc Âm thánh Luca và 10 thư quan trọng của thánh Phaolô.

Để chống lại lạc thuyết Marcion, thánh Justinô đã viết quyển Đối thoại với ông Tryphon và thánh Irênê viết quyển Chống lạc giáo.

4. Lạc thuyết Ariô

Do Ariô (256-336), một linh mục ở Alexandria khởi xướng. Ariô chủ trương: Thiên Chúa là Đấng duy nhất và tự hữu, mọi vật ngoài Thiên Chúa đều là thụ tạo, trong đó có cả Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Theo Ariô, Đức Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng, không đồng bản tính với Ngôi Cha. Ngài chỉ là một thụ tạo hoàn hảo nhất, có trước thời gian, nhưng không vô thủy vô chung. Ngài được nhận làm Con Thiên Chúa, được tham dự thiên tính, được đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

Năm 318, Ariô bị vạ tuyệt thông. Để chấm dứt những xáo trộn trong Giáo Hội do lạc giáo Ariô gây ra, năm 235, Hoàng đế Constantine I đã triệu tập Công đồng Nicêa.

II. KINH TIN KÍNH CÔNG ĐỒNG NICEA VÀ CONSTANTINOPOLIS I

1. Công đồng chung Nicêa I (325)

Công đồng Nicêa I là Công đồng chung đầu tiên, do Hoàng đế Constantine I triệu tập, để bàn về giáo thuyết của Ariô, xác định ngày lễ Phục sinh cũng như một số vấn đề liên quan đến kỷ luật trong Giáo Hội.

Công đồng đã lên án giáo thuyết của Ariô và khẳng định sự ngang bằng hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Con cùng một bản thể với Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha. Công đồng đã đúc kết một bản tuyên xưng đức tin gọi là Kinh Tin Kính Nicêa.

2. Công đồng Constantinopolis I (381)

Khoảng năm 360, Macedonius, Giám mục thành Constantinopolis phủ nhận Thánh Thần là Thiên Chúa. Năm 381, dưới triều Đức Giáo hoàng Đamasô I, Hoàng đế Theodosius I triệu tập Công đồng Constantinopolis để giải quyết vấn đề. Công đồng lên án các lạc thuyết Ariô và Macedonius, xác nhận và triển khai Kinh Tin Kính Nicêa.

III. LẠC THUYẾT NESTORIÔ VÀ CÔNG ĐỒNG ÊPHÊSÔ (431)

Nestoriô (380-440) người Syria, Giám mục thành Constantinopolis chủ trương chỉ nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Kitô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Đức Kitô (sinh bởi Đức Maria) chỉ là một người được phúc tiền định mặc thần tính trở nên Đền thờ của Ngôi Lời. Để giải quyết vấn đề, năm 431 Hoàng đế Theodosius II triệu tập Công đồng Êphêsô. Công đồng lên án lạc thuyết Nestoriô, công bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và xác định sự ngôi hiệp nơi Đức Kitô.

IV. LẠC THUYẾT EUTYKES VÀ CÔNG ĐỒNG CALCÊĐÔNIA (451)

Eutykes (378-454) là đan viện phụ ở Constantinopolis. Để chống lại Nestoriô, ông cho rằng Ngôi Lời kết hiệp chặt chẽ với nhân tính, đến độ chỉ còn một bản tính duy nhất, tức Thiên tính. Nhận thấy sự nguy hiểm của giáo thuyết này, năm 451, Hoàng đế Marcianus triệu tập Công đồng Calcêđônia. Công đồng lên án lạc giáo Eutykes, tuyên bố Đức Kitô có một ngôi vị với hai bản tính riêng biệt.

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

ba thien than dam dao abraham

Ba thiên sứ viếng thăm Abraham

Thiên Chúa đã sai 3 sứ thần đến gặp gỡ và cảnh báo cho Abraham biết về đại họa sắp giáng xuống Sodom. Ông cầu xin sự khoan hồng

luân lý tính dục công giáo

Tính dục con người: Bối cảnh, ý nghĩa và tính luân lý | Phần 2

Xem phần 1 tại đây. Tính dục con người: Thực tại thế tục và mầu ...

khoi diem su song con nguoi

Khởi điểm sự sống của con người

Lm. Trần Mạnh Hùng, STD. Người ta đã đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau ...

duc giesu kito duong dau kho

Đức Giêsu Kitô – Đường Đau Khổ

Là con người, ai cũng phải gặp đau khổ. Đau khổ gắn liền với cuộc ...

Suy niệm về Gia Phả Ðức Giêsu Kitô

Đây là loạt bài giảng tĩnh tâm của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn ...

thap babel trong thanh kinh

Chuyện tháp Babel

Loài người lại sinh sôi nảy nở sau thời Noah và họ tiếp tục phạm tội. Lần này sự kiêu ngạo thúc đẩy họ xây tháp Babel vươn tới trời

Để lại bình luận