Suy Tư

Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và mầu nhiệm Nhập Thể

duc me vo nhiem nguyen toi
119 views

Hôm nay (ngày 8 tháng 12 năm 2022), chúng ta cùng nhau hợp ý với Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới mừng kính cách long trọng lễ: Đức Trinh Nữ Maria, vô nhiễm nguyên tội.

Thuở còn bé, thú thực tôi chẳng có hiểu gì về đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ Maria, và tôi cũng chả có am tường ý nghĩa sâu sắc thần học về đặc ân Mẹ Maria đã được cưu mang trong dạ mẹ, ngay từ giây phút đậu thai, mà không hề mắc phải bất kỳ một vết nhơ tội lỗi nào, do ảnh hưởng của tội tổ tông. Mãi đến sau này khi tôi lớn lên và bước vào Đại chủng viện và tham dự các khóa thần học, nhất là các môn học về Thánh Mẫu học, lúc đó, tôi mới từ từ cảm nhận được cái ý nghĩa độc đáo về tín điều: “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” do Đức Giáo Hoàng Piô IX đã xác định vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong Tông Sắc Ineffabilis Deus.

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thể thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến… nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12  năm 1854, trước sự hiện diện của 54 Hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã xác định tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 với những lời lẽ như sau:

Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được tượng thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên Tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.”[1]

Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Tại đây, tôi chỉ xin mạn phép điểm qua một vài lý do cơ bản khiến Giáo hội công bố tín điều: Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

  1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa!
  2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ. Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).[2]

Giáo hội Công giáo dưới sự hướng dẫn của các vị Giáo Hoàng qua nhiều thời điểm đã đưa ra các lối giải thích và lý do tại sao Đức Maria lại được đón nhận hồng ân cao cả và đó chính là một đặc ân đặc ân độc nhất vô nhị (có một không hai) mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ Maria, Mẹ yêu dấu của chúng ta.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Thiên Chúa đã chọn một người phụ nữ đặc biệt để làm Mẹ Chúa Con. Chúa tôn vinh và ban đặc ân cho người phụ nữ này. Một trong những đặc ân chúng ta mừng lễ hôm nay là ơn vô nhiễm, nghĩa là từ giây phút đầu tiên Đức Maria thụ thai trong lòng bà thánh Anna, Người đã được khỏi mọi tì ố của tội lỗi, ngay cả tội nguyên tổ, nhờ công nghiệp của Con Người.

Được hưởng trước công nghiệp cuôc tử nạn của Chúa Kitô. Mà Đức Mẹ được gìn giữ không vướng mắc tì ố của mọi tội lỗi cùng nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời Thánh kinh đã được quy về Mẹ: Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.

Người ta có thể tự hỏi, làm sao Đức trinh nữ Maria lại có đặc ân cao cả như thế? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. 

Trong Kinh tiền tụng mà các linh mục thường đọc khi cử hành Thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, trong ngày hôm nay mà tôi xin phép được trích dẫn: “Thiên Chúa Cha đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Mẹ được đầy ân sủng để Mẹ xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Mẹ, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất xinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Đức Kitô.”[3]

Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố:

Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.

Việc Giáo hội Công giáo mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng (ngày 8 tháng 12) có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng “cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết.”[4]

Bởi vậy mà tôi rất đỗi vui mừng khi ngày hôm nay (8 tháng 12 năm 2022), khi trong bầu khí tĩnh  lặng của ngày đầu tiên trong 5 ngày tĩnh tâm (silent retreat) tại Tu Viện Thánh Gia của Tu Đoàn Nhà Chúa, vùng Washougal – Thành phố Portland (Mỹ), tôi đã có thời gian để suy tư và tìm hiểu…, rồi nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, tôi đã khám phá ra cho chính mình một liên quan mật thiết giữa mầu nhiệm Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội và mầu nhiệm Nhập Thể, hay còn gọi là mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã được vị cha chung của chúng ta là Thánh Giáo Hoàng Phaol ô VI đã viết trong Tông Huấn của Ngài phát hành ngày 2 tháng 2 năm 1974 nói về cách sắp xếp đúng đắn và phát triển lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Bài viết này tôi xin đề tặng cho Lm Giuse Vũ Hải Đăng, SDD và cho tất cả các anh em linh mục và tu sĩ của Tu Đoàn Nhà Chúa tại Mỹ.

Tu Viện Thánh Gia, Washougal, ngày 8 tháng 12 năm 2022.

Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD.


[1] . Đức Giáo Hoàng Piô IX, Tông Sắc Ineffabilis Deus, số 18.

[2] . Xem Các Bài Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Ngày 08/12. Website Giáo phận Long Xuyên http://gplongxuyen.org/tin-tuc/cac-bai-suy-niem-le-duc-me-vo-nhiem-ngay-0812.html

Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022.

[3] . Xem Kinh tiền tụng, Thánh lễ Trọng thể Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội.

[4] . Xem Pope Paul VI, Marialis Cultus, số 3. Apostolic Exhortation: For the Right Ordering and Development of Devotion to The Blessed Virgin Mary. February 2, 1974.

https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/apost_exhortations/documents/hf_p-vi_exh_19740202_marialis-cultus.html  (Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022).

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

duc me vo nhiem nguyen toi

Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và mầu nhiệm Nhập Thể

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thể thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến

cay vi cam ky dieu

Điều kỳ diệu – cây đàn vĩ cầm

Câu chuyện nói về cây đàn vĩ cầm cũ kỹ. Giống như chúng ta, nó ...

Suy niệm về Gia Phả Ðức Giêsu Kitô

Đây là loạt bài giảng tĩnh tâm của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn ...

Những nét chính về Giáo hội sơ khai thời các Tông đồ

Giáo hội trong chương trình của Thiên Chúa Từ ngữ Giáo Hội hay Hội Thánh, ...

Đức Giêsu – Hoàng Tử Bình Anh

Trong gia đình nhân loại, ai cũng muốn có bình an. Xin cho hai chữ 'bình an' là câu nói của nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người có quan niệm khác nhau về bình an. Thông thường, người ta quan niệm rằng đạt được điều mình mong muốn là có bình an.

thap gia duc kito

Thập Giá Đức Kitô là chóp đỉnh tình yêu của Thiên Chúa

“Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian.”

Để lại bình luận