Kiến thức

Hành trình Ephesus – Ngôi nhà của Đức Mẹ

thanh ephesus
25 views

Hành trình Ephesus bắt đầu thật kỳ diệu. Sau khi kết thúc Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ 34 tại Panama, chúng tôi trở về thành phố Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ. Cha trưởng đoàn gợi ý xem thử có đi Ephesus được không? Vì ở đây có một địa điểm vô cùng linh thiêng – ngôi nhà nơi Đức Mẹ sống vào những năm cuối đời. Và cũng vì, theo như lời Cha: “Qua đến đây mà không tìm để viếng thăm nhà Đức Mẹ thì quá tiếc.”

Hành trình kỳ diệu

Khi nghe Cha trưởng đoàn gợi ý, cả đoàn đều háo hức. Một cảm giác ngạc nhiên và thiêng liêng dâng trào trong tôi, vì tôi chưa bao giờ nghe đến ngôi nhà của Đức Mẹ. Thế mà bây giờ, không những được nghe, chúng tôi còn sắp được tận mắt thấy nơi Đức Mẹ từng sống “bằng xương, bằng thịt”. Không chần chừ, cả nhóm nhanh chóng tìm hiểu các thông tin về đường đi, phương tiện, cách di chuyển,… Sau khi tìm kiếm và vượt qua những toan tính về tiền bạc (chúng tôi phải bay, cách Istanbul 500km), thông tin mù mờ (rất ít thông tin về địa điểm này vì Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Hồi giáo), ngôn ngữ (ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải ai biết tiếng Anh), thời gian (trở về không kịp là rắc rối to cho chuyến bay về Việt Nam) v.v…, chúng tôi quyết định “chơi lớn”: mua vé để bay “ngay và luôn” trong chuyến bay sớm nhất vào sáng hôm sau.

Ephesus là một thành phố quan trọng của Hi Lạp cổ đại, cũng là thành phố quan trọng nhất của Đế quốc Roma, nơi có đền Artemis là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Đối với tôi, Ephesus đặc biệt hơn vì địa danh này gắn với rất nhiều sự kiện của Công giáo. Nơi đây, có một giáo đoàn gắn liền với những lá thư nổi tiếng của thánh Phao lô: Giáo đoàn Ephesus. Nơi đây, Thánh Phaolo đã rao giảng Tin mừng từ năm 53 đến năm 57 trước khi đi Macedonia (Ngài tử đạo tại Roma năm 64). Các nhà lịch sử cũng cho rằng thánh Luca viết Tin mừng ở Ephesus. Thánh Macco được cho là người đã tháp tùng thánh Phero khi ngài tới Ephesus. Thánh Philipphe cũng đã ở đây trước khi đến Hierapolis, cách Ephesus 150 km về phía đông, nơi Thánh nhân rao giảng và tử đạo. Do vậy, được tới Ephesus là một cuộc hành trình đi ngược về quá khứ, nơi những mầm sống của đức tin đã nảy nở mạnh mẽ và lan truyền trên toàn Châu Âu nhiều thế kỷ sau đó. Quả là một nơi đầy ý nghĩa cho cuộc hành trình đức tin.

Hơn 1 tiếng bay từ Istanbul đến sân bay Adnan Menderes (thuộc tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), chúng tôi tiếp tục tìm phương tiện để đến nhà Đức Mẹ, cách sân bay 70km. Cả nhóm khá vất vả để tìm được Uber. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được tài xế cho cuộc “rẽ nhẹ” này.

Đường đến nhà Đức Mẹ vô cùng vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi chạy ngang. Chúng tôi thầm tạ ơn Chúa, vì nếu không tìm được xe, có lẽ chúng tôi đã công cốc ra về. Con đường chạy ngang qua những cánh đồng trồng cam, ô liu xanh tốt của đồng bằng Ephesus. Những dãy núi trơ trọi toàn đá và đá. Cây cối mọc lưa thưa, chủ yếu là các cây bụi. Bản thân tôi tự hỏi tại sao Đức Mẹ có đủ sức khỏe để đi từ Gierusalem tới đây? 2000 km chứ đâu phải ít. Thật phi thường!

Xe bắt đầu rẽ vào hướng Ephesus. Những quảng trường cổ, đường cổ, nhà cổ dần dần hiện ra. Nhưng, Đức Mẹ không ở đó. Xe bắt đầu rẽ qua đường nhỏ để lên núi Nightingale. Những con đường nhỏ hẹp, vòng vèo bao xung quanh núi hiện ra. Cảm giác thật “lạ lùng” khi Đức Mẹ không chọn chốn “phồn hoa đô thị” mà lại chọn nơi “khỉ ho cò gáy” này. 20 phút lắc lư cùng xe, cuối cùng chúng tôi cũng đã tới được nhà Mẹ.

Ngôi nhà linh thiêng

 Nhà Đức Mẹ yên tĩnh, được bảo về nghiêm ngặt bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (đây là quốc gia đi đâu cũng thấy quân đội, kể cả các trung tâm thương mại – vì họ sợ đánh bom). Ngôi nhà bé xíu, làm bằng đá xếp chồng lên nhau. Nhìn giống một nhà nguyện hơn là một ngôi nhà bình thường. Có một lò sưởi nằm ngay giữa cuối góc nhà. Có lẽ đây là nơi ấm áp nhất của của ngôi nhà. Xung quanh các bức tường là vô số các vật phẩm, tranh ảnh mà các vị Giáo hoàng, những cộng đồng tôn giáo (kể cả Hồi giáo) đến tặng cho Mẹ. Chúng tôi, không ai bảo ai, mỗi người chọn cho mình một góc thinh lặng cùng Mẹ, với Mẹ.

Một thánh lễ ngay lập tức được suy nghĩ đến. Và chúng tôi tìm người quản lý ngôi nhà để trình bày ước muốn. Một nữ tu dòng Phan sinh đã đón tiếp chúng tôi. Sr vui vẻ dẫn chúng tôi vào khu vực nhà nguyện, nơi có thể cử hành thánh lễ.  Một thánh lễ cảm động và ấm cúng đã diễn ra. Tất cả thật ngọt ngào.

Tôi thầm ngưỡng mộ Mẹ, một bà cụ khi ấy đã hơn 60 tuổi, dám rong ruổi cùng Thánh Gioan, cùng các tông đồ  vượt biển, vượt núi, hơn 2000 cây số để nâng đỡ tinh thần các Ngài. Mẹ đã giúp các Ngài mạnh mẽ loan Tin Mừng Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất. Mẹ tuy không để lại gì trên các văn bản, chứng từ, nhưng lòng yêu mến Mẹ được Tông truyền qua nhiều thế hệ, kể cả Công giáo, Chính Thống giáo chứng minh cho điều hiển nhiên này. Chính những hoạt động truyền giáo tại khu vực Tiểu Á này mà Kitô giáo đã vượt biên giới Gierusalem để đến ngày hôm nay, hơn 1 tỷ người đã có được niềm tin vào Chúa Giêsu cứu thế.  

Tôi lững thững bước tới những vòi nước suối nhà Đức Mẹ, nơi dòng nước mát lạnh cho khách hành hương và cũng là “vị thuốc” cho những ai đang ai khát, những ai đang tìm một sự an ủi về tâm linh. Lòng Mẹ như dòng suối, mát rượi và tràn trề. Giữa không gian ấy, lòng tôi cảm thấy thanh thản lạ lùng, vui tươi như một đứa trẻ đi về với Mẹ…

Xin Mẹ cầu bầu cho tất cả chúng con, những người đang ở dương thế, đang chiến đấu từng ngày với những vấn đề riêng của mình. Xin cho Giáo hội Việt Nam ngày hôm nay can đảm gieo hạt mầm đức tin trên mảnh đất quê hương thân yêu này, như Mẹ đã từng dấn thân, như hành trình của các Tông đồ khi xưa và như tấm gương anh dũng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.

Saonuidl

—–

Những biến cố chính liên quan đến Nhà Đức Mẹ:

  • Địa điểm: Sultaniye, 35920 Selcuk/ Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ
  • Đầu thế kỷ XIX, chân phước Anne Cathrine ( 1774 -1824), thuộc dòng Augustino trong các thị kiến của mình đã mô tả vị trí ngôi nhà, đặc điểm và thời khắc Đức Mẹ qua đời. Nhà văn Clemens Brentano đã ghi chép lại các thị kiến này và xuât bản thành sách.
  • Hơn 50 năm sau, Cha Julien Gouyet, linh mục người Pháp vì quá ấn tượng với cuốn sách đã lên đường tới Ephesus để tìm ngôi nhà và cha đã toại nguyện khi tìm ra nó vào ngày 18/10/1881. Cha đã báo cáo những phát hiện của mình cho Tòa Giám mục Paris và Vatican nhưng không nhận được sự quan tâm thích đáng.
  • 10 năm sau, dựa trên những mô tả của cha Gouyet, cha Poulin và Jung thuộc dòng Vinh sơn đệ Phalo (Lazaris), dưới sự bảo trợ của Sr Marie de Mandat – Grancey –  dòng Nữ tử bác ái (Sisters of Charity) một lần nữa đi tìm ngôi nhà và phát hiện ra nó ngày 29/7/1891. Báo cáo của nhóm nghiên cứu bắt đầu được Giáo hội chú ý. Sr Grancey được Giáo hội bổ nhiệm làm người sáng lập quỹ “nhà Maria”, chịu trách nhiệm mua, trùng tu, bảo quản ngôi nhà.
  • Tháng 4/1895 Đức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên bố nhà Đức Mẹ là nơi để hành hương.
  • 1/11/1950 Đức Pio XII tuyên bố tín điều “Đức Mẹ hồn xác về trời” và tuyên bố Nhà Đức Mẹ là địa điểm hành hương chính thức cũng như được ơn toàn xá.
  • Đức Phaolo VI là Giáo Hoàng đầu tiên tới thăm nhà Đức Mẹ (26/7/1967), tiếp theo sau là Đức Gioan Phaolo II (30/11/1979) và gần nhất là Đức Benedicto XVI (29/11/2006).

Nguồn tham khảo:

  1. Mary’s House – Donald Carroll
  2. www.veritasbooks.co.uk

** Thông lấy hình trong số hình mình đi nhà Đức Mẹ nhé.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

8 lý do thanh thiếu niên không đọc Kinh Thánh (& Những gì nên nói với các em)

Bài viết bởi chuyên gia Darren Sutton, anh hoạt động gần 30 năm trong nhóm ...

nguoi con yeu dau

Ơn ta đủ cho con

Linh mục Giuse Nguyễn Hạ Huy “Tuần trăng mật” của tôi mở đầu và kết ...

kien vung truoc thu thach

Càng gặp thử thách, ta càng bám chặt vào Chúa

Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên, trước những ngọn núi to lớn và nhìn thật vĩ đại đang đứng sừng sững trước mặt tôi.

thanh ephesus

Hành trình Ephesus – Ngôi nhà của Đức Mẹ

Hành trình Ephesus bắt đầu thật kỳ diệu. Sau khi kết thúc Đại hội Giới ...

chua giesu

Ngài có ở đó không?

Dillon Duke Therese.LÁ lược dịch từ lifeteen.com Trong một quyển sách tác giả tình cờ ...

Hàn Mặc Tử và thi phẩm Ave Maria

Hàn Mặc Tử (1912-1940) là thi nhân đương đại nổi tiếng Việt Nam. Thơ của ...

Để lại bình luận