Thần học Luân lý

Phẩm giá con người, nền tảng luân lý cho xã hội

nhân phẩm con người
1.414 views

“Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay(Gaudium et Spes) đã nói rằng: phẩm giá (nhân phẩm) con người gắn liền với mối quan hệ của con người với Thiên Chúa.[1] Vì tất cả mọi người “đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, … được Chúa Kitô cứu chuộc, nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một mục đích nơi Thiên Chúa. Sự bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau phải ngày càng được nhìn nhận nhiều hơn.” (GS, số 29). Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người không cô lập nhưng có liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân. (GS, số 12). Chính sự tự hiến của Thiên Chúa cho mỗi con người là nền tảng để họ có phẩm giá và được tôn trọng.[2] Với nhận thức toàn diện này.

Vậy sự sống con người được ban cho tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ảnh tính bất khả xâm phạm của chính Đấng Tạo Hóa.”

Đức Gioan Phaolô II – (Evangelium Vitae, số 53).”[3]

Dẫn nhập

Giáo hội Công giáo tuyên bố rằng mạng sống của con người là thánh thiêng và phẩm giá con người[4]  là nền tảng cho quan điểm luân lý của xã hội. Niềm tin này là nền tảng cho mọi nguyên tắc nơi các giáo huấn đạo đức sinh học và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Trong thời đại hiện nay, mạng sống con người đang phải chịu sự tấn công trực tiếp từ nạn phá thai và an tử. Giá trị của sự sống của con người bị đe dọa từ việc nhân bản vô tính, nghiên cứu tế bào gốc ở phôi người, và việc áp dụng bản án tử hình, là những vấn đề mà chúng ta sẽ bàn thảo và trao đổi để cùng nhau học hỏi và rút ra những hướng dẫn thực tiễn cho việc thực hành luân lý với tư cách là người Kitô hữu, nhằm tôn trọng và bảo vệ sự sống là qùa tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Đức Giáo Hoàng[5] Gioan Phaolô II không ngừng nhấn mạnh sự độc đáo và phẩm giá của nhân vị trong các văn phẩm của ngài.[6] Ngài trở đi trở lại với chủ đề này cho dù là đang nói về hoà bình, nghèo đói, năng lượng, tính dục, phá thai hay tự do tôn giáo, như xã luận báo America nhận định:

“Ngài nhấn mạnh bằng cách nhắc đi nhắc lại rằng lợi ích nhân vị phải là thước đo tối hậu cho mọi mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, cho mọi hệ thống kinh tế, chính trị và cho mọi cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ hay về quyền ưu tiên quân sự.”[7]

Ví dụ, trong diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu về sự mưu cầu hoà bình:

“Mọi phân tích phải nhất thiết khởi đi từ tiền đề rằng tuy mỗi con người sống trong một cảnh vực lịch sử, xã hội cụ thể nhưng ai nấy đều được phú cho một phẩm giá mà không bao giờ được phép hạ thấp, gây phương hại hay hủy hoại, trái lại phải tôn trọng và bảo vệ nếu muốn xây dựng hoà bình thực sự.”[8]

Cùng một ý tưởng như thế, thông điệp này cũng được nhắc lại trong Tin Mừng Sự Sống – Evangelium Vitae.[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta: không một xã hội dân chủ đích thực nào có thể tồn tại “nếu không công nhận phẩm giá của mỗi con người và không tôn trọng các quyền của người ấy.” Hoà bình đích thực cũng không thể có được trừ khi “sự sống được bảo vệ và thăng tiến” (EV, số 101).[10]

Trong phần lớn những gì ngài soạn thảo, đặc biệt là thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  nại vào phẩm giá con người để nghiêm cấm sự tham gia tích cực vào an tử. Khi viết về nhân phẩm và quyền tự quyết, Ngài dường như đã khai thác tư tưởng của Kant về nhân vị như là cứu cánh[11] khi ngài cho rằng ý tưởng về nhân phẩm có bao hàm những hàng rào hạn chế. Đòi hỏi về nhân phẩm có tác dụng như sự hạn chế không những đối với những gì mà người khác có thể làm cho mình mà còn đối với những gì mình có thể làm cho chính mình nữa. Quyền tự quyết của con người được kiểm soát bởi chân lý về nhân phẩm.

Như là kết quả của suy tư ấy, trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tập trung cách đặc biệt vào những vấn đề thực tiễn liên quan đến tính thánh thiêng của sự sống con người như phá thai, an tử, án tử hình. Khi gửi thông điệp của mình đến với “tất cả mọi người thiện chí,”[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi người đọc hãy có suy tư luân lý sâu sắc hơn nữa. Ngài còn thúc giục mọi người hãy thẩm định “văn hoá sự chết” đang lớn mạnh và để chống lại nó, hãy ủng hộ cho “văn hoá sự sống.”[13]

Vì thế trong phần này, chúng tôi xin phát biểu rằng sự đòi hỏi về nhân phẩm là trung tâm của nhiều lập trường luân lý được công bố trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống. Do đó chúng tôi xin dùng thông điệp này như điểm tham chiếu chính yếu,[14] ngõ hầu thấy rõ các luận cứ đã được thần học luân lý Công Giáo trình bày dựa trên lý trí và đức tin như thế nào. Nói cách khác, các luận cứ này mang tính triết học và thần học ra sao?

Các luận cứ được trình bày bởi thần học luân lý Công giáo, ở khía cạnh nào đã được dựa trên lý trí?

Dường như có hai luận cứ cùng hoạt động trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống. Chúng đan xen với nhau và không thể tách rời ra một cách hoàn toàn.[15] Tuy nhiên, để tiện phân tích và trình bày cho rõ ràng, ta nên cố gắng tách rời chúng ra. Luận cứ thứ nhất có thể gọi là “luận cứ suy lý” (reasoned argument) hay “luận cứ triết học” (philosophical argument). Vì thông điệp nhằm gửi đến mọi người thành tâm và thiện chí nên ta có thể xem xét các luận cứ của thông điệp trong khuôn khổ triết học. Nghĩa là người ta có thể hiểu được luận cứ này mà không cần nại đến hay dựa vào đức tin Công Giáo.[16] Người Công Giáo luôn nhìn nhận rằng con người có thể bằng lý trí tự nhiên mà nhận biết được các chân lý về Thiên Chúa và luân lý.[17] 

Luận cứ thứ hai có thể gọi là “luận cứ thần học” (theological argument)[18] vì các lập luận căn bản của nó có nền tảng là Thánh Kinh, Thánh Truyền[19] và huấn quyền của Giáo Hội.[20]

Tôn trọng nhân phẩm: một luận cứ triết học

Trong thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II coi sự phát triển của những suy tư chính chắn về các vấn đề đạo đức hiện nay, liên quan đến sự sống như là một dấu hiệu của niềm hy vọng (EV, số 27). Nhưng đồng thời, ngài cũng nhận ra mối nguy hiểm của những luận cứ luân lý sai lầm hay méo mó khi chúng biện minh cho mhững hành vi đi ngược lại với những nền tảng của luân lý có trong Thánh Kinh và luật tự nhiên. Vì thế, Evangelium Vitae là một đáp ứng mãnh liệt và phủ định trước chủ trương ngày càng phổ biến và được ủng hộ, rằng trong một số hoàn cảnh, người ta có thể chấm dứt mạng sống của những người mắc phải những căn bệnh vô phương chữa trị hay trầm trọng, thể theo lời yêu cầu tự nguyện, rằng bệnh nhân có thể được “trợ giúp” bằng cách cung cấp phương tiện để họ tự gây ra cái chết cho mình hay tự kết liễu mạng sống của họ. Trước những chủ trương này, thông điệp Tin Mừng Sự Sống – Evangelium Vitae (số 65-77) đáp lại rằng an tử và trợ tử luôn luôn là trái luân lý một cách dứt khoát, nội tại và không có miễn trừ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II định nghĩa an tử là “một hành vi hoặc sự bất tác mà, do nó và do ý định, gây ra cái chết nhằm mục đích loại trừ (hay chấm dứt) mọi đau khổ” (EV, số 65). Lời kết án này, “dựa trên luật tự nhiên và lời được ghi chép của Thiên Chúa, nay được truyền thống Giáo Hội công bố và được truyền dạy bởi Huấn Quyền thông thường và phổ quát” (EV, số 66). Nó cũng áp dụng cho hành vi tự tử (EV, số 66). Lời kết án này không có miễn trừ (EV, số 57). Không hoàn cảnh nào, động cơ nào hay lợi ích giả định nào, có thể biện minh cho một hành vi vốn là sự dữ nội tại (hay còn gọi là sự xấu tự bản chất – intrinsic evil).

Lập luận của Evangelium Vitae đặt nền tảng căn cứ vào Thánh Kinh và luật tự nhiên.[21] Evangelium Vitae cho rằng hành vi kết liễu mạng sống con người là sự dữ nội tại, vì nó đối nghịch với quyền chủ tể của Thiên Chúa. Thiên Chúa dựng nên sự sống con người và ban cho con người quyền quản lý sự sống chứ không phải quyền làm chủ tuyệt đối.[22] Sự sống con người có một phẩm giá đặc biệt vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Vậy con người nhận được một cái gì đó thuộc về sự độc đáo của chính Thiên Chúa[23] và có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Cố ý chấm dứt mạng sống là xúc phạm đến tác động sáng tạo của Thiên Chúa, là lỗi phạm đến thánh ý và luật của Ngài. Theo giáo lý về luật tự nhiên, trí óc con người có thể nhận biết được thánh ý và luật của Thiên Chúa nhờ vào lý trí cũng như đức tin.[24]

Đối với người Công Giáo và các tín hữu khác thuộc Kitô giáo cũng như một số lớn người Do Thái và Hồi Giáo, luận cứ này có sức nặng và tính thuyết phục. Đối với người chủ trương vô thần hay theo thuyết bất khả tri (agnostics),* luận cứ này không thuyết phục chút nào. Thật vậy, nguồn gốc của luận cứ dưạ vào thiên luật sẽ được coi là không thể chấp nhận được. Những người này sẽ thắc mắc tại sao việc kết liễu mạng sống với ý định giải thoát đau khổ lại là hành vi sai trái ngay từ đầu. Về điểm này, Leon Kass đã xây dựng một luận cứ rất mạnh mẽ chỉ dựa trên nền tảng triết học mà thôi để đưa ra những lý do mà nó đã không được triển khai trong Evangelium Vitae. Luận cứ của ông cho thấy rằng sự ích lợi của an tử và trợ tử chỉ là ảo tưởng.[25]

Ông nêu câu hỏi: “Sự toàn vẹn (wholeness) và sự chữa trị có song hành được với sự cố ý giết chết bệnh nhân hay không? Ta có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân, xét như một toàn thể, bằng cách làm cho bệnh nhân ấy chết đi chăng?”[26] Tất nhiên là có khó khăn về luận lý học (lô-gíc): làm saođiều lợi ích có thể dành cho một con người khi con người đó không còn hiện hữu nữa? Nhưng sai lầm không chỉ nằm ở luận lý học: khi ta có ý định và ra tay hành động vì lợi ích của ai đó thì đòi hỏi người đó phải tiếp tục tồn tại để đón nhận lợi ích ấy. Đây phải là khởi điểm khi thảo luận bàn bạc về mọi lợi ích y tế của bệnh nhân: không thể có lợi ích nếu không có người hưởng lợi ích ấy.

Chống lại quan điểm này, chắc chắn sẽ có người nêu ra những trường hợp gai góc. Người bệnh trầm trọng phục vụ bởi thân xác của mình, nhưng nay anh ta không thể chịu nổi cảnh sống trong thân xác này nữa vì nó loang lổ ung thư và đầy đau đớn. “Chủ nhân” của thân xác hoảng hốt phản đối và nhất mực đòi được giải thoát khỏi thân xác này. Chẳng lẽ con người “bên trong thân xác” không được phép lên tiếng phản đối tất cả mọi thứ khác của thân xác và yêu cầu được chết vì những lý do “riêng tư”? Dù cảm thông đến mấy trước những yêu cầu này, ta cũng phải thấy rằng chúng không hợp lý. Không thể chấp nhận tư tưởng nhị nguyên con người-thân xác như thế. Chỉ trong thân xác sống động thì “nhân tính” (personhood) mới biểu lộ ra được trên cõi đời này; những chức năng trí tuệ thượng đẳng nhất của chúng ta được nâng đỡ bằng, và không thể tách rời khỏi, những thành phần hạ đẳng như sự chuyển hóa thức ăn (metabolism), hô hấp, tuần hoàn. Có thể máu không có ý thức, nhưng chắc chắn ý thức không thể thiếu máu. Vậy con người yêu cầu được chết để phục vụ cho nhân tính chẳng khác nào cái cây đòi được cắt lìa rễ vì sự phát triển của trái cây trên cao. Không thầy thuốc nào tận tâm vì lợi ích của bệnh nhân lại có thể phục vụ bệnh nhân xét như một nhân vị bằng cách chối bỏ và hủy hoại cái thể hiện nhân vị* của bệnh nhân.[27] Nói rõ hơn, hành vi đem lại hư vô thì không tương thích với hành vi phục vụ con người trong toàn thể: bác sĩ không thể chữa trị hay xoa dịu bằng cách hư vô hóa bệnh nhân, nghiã là giết chết bệnh nhân. Người chữa trị không thể hủy hoại hoặc giết chết nếu thật lòng chữa trị. Người thầy thuốc kiêm luôn vai trò người thi hành an tử là cả một sự tự mâu thuẫn chết người.

Khái niệm nhân phẩm

Theo Immanuel Kant, phẩm giá con người (nhân phẩm) là tiền đề cho bất cứ điều gì có giá trị. Về lô-gíc, sự sống và phẩm giá con người là có giá trị. Phẩm giá chẳng phải là một giá trị trong số những giá trị khác, mà đúng ra nó là “nguồn” giá trị.[28]  Lẽ đó, phẩm giá cho thấy một điều là nó không thuộc quyền tùy tiện sử dụng của bất cứ ai hay bất cứ vật gì. Vì thế hủy diệt người khác là hành vi mâu thuẫn, cho dù người ấy yêu cầu rõ ràng mong được chết. Đó là lý do khiến Callahan đã từng gọi an tử là “quyền tự quyết trơ thành cơn điên cuồng.”[29]

Kết quả là người ta hiểu rằng nhân phẩm có tầm quan trọng cho những hạn chế về luân lý được rút ra từ nó. Nhân phẩm đòi hỏi rằng mỗi con người phải được đối xử với lòng tôn trọng chứ không như một đồ vật hay một phương tiện. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau khi tìm xem cái gì làm nên “phẩm giá con người”[30] Cũng có những quan điểm khác nhau liên quan đến phạm vi và nội dung của yêu sách về nhân phẩm. Ví dụ, theo Helmut Thielicke, “giá trị vô hạn” của nhân vị thì không tính toán được, không lấy tiêu chuẩn gì mà đo lường được,[31] bởi lẽ nó không nằm ở bất cứ phẩm chất nội tại nào của con người, nhưng  tựu trung ở điều này là chúng ta được Thiên Chúa tạo tác và cứu chuộc. Giá trị của chúng ta là do tình yêu thương của Thiên Chúa ban cho. Vậy giá trị hay phẩm giá của con người là “alien dignity[32] được ban cho trong mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Chính hình ảnh của Thiên Chúa ở nơi chúng ta đã đem lại cho chúng ta phẩm giá chuyển nhượng. Vì thế, nói đến “hình ảnh Thiên Chúa” là nói đến tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta trong tình yêu, mời gọi chúng ta trong tình yêu và ban cho chúng ta giá trị con người. Do đó, khi ta nói giá trị con người như là “phẩm giá chuyển nhượng” thì chuyển nhượng ở đây có ý nói rằng phẩm giá mà chúng ta có đến từ Thiên Chúa. Phẩm giá chuyển nhượng được biện minh nơi Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa, Đấng đã ban nó cho chúng ta. Vậy theo lời Thielicke, nói đến phẩm giá chuyển nhượng của con người là nói đến giá trị vô hạn của con người, là nói đến mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và nói đến tình yêu thương của Thiên Chúa luôn ấp ủ con người.[33] Trái lại, một số quan điểm về nhân phẩm lại dựa vào giá trị xã hội của con người.[34] Một số quan điểm khác biện luận rằng: phẩm giá con người được thiết lập nơi khả năng của sự tự do. Một quan điểm khác nữa đặt phẩm giá con người vào khả năng của lý trí.[35] Ví dụ, trong cuộc tranh luận về trợ tử, có những người biện luận rằng việc nghiêm cấm trợ tử là hành vi kết án cho bệnh nhân hấp hối phải chịu những đau đớn và khổ sở không cần thiết, và như thế là xúc phạm đến phẩm giá con người.[36] Trong khi đó lại có người cho rằng tham gia vào trợ tử cũng là xúc phạm đến phẩm giá con người.[37] Tuy châm ngôn của Kant, “ta phải cư xử với mỗi nhân vị như là mục đích (cứu cánh) chứ đừng bao giờ chỉ như phương tiện mà thôi,”[38] khiến ta có thể có được sự tôn trọng và tôn kính đối với phẩm giá con người, nhưng đóng góp của Kant về nhân phẩm lại có tính tiêu cực, nhấn mạnh đến sự nghiêm cấm việc sử dụng con người như phương tiện. Trong khi đó ở triết học nhân bản, theo thuyết nhân vị (personalism) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “con người có giá trị, lý do đơn giản, vì người ấy là một nhân vị.”[39] Khẳng định mang tính tích cực này về phẩm giá con người đã hoàn toàn vượt qua những đánh giá của con người chúng ta về phẩm giá ấy. Nhân phẩm chính là khái niệm được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong thông điệp đầu tiên của ngài, Redemptoris Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con Người) và được nhắc lại trong tông huấn Christifideles Laici (Người Tín Hữu Giáo Dân), số 38 và trong thông điệp Centesimus Annus (Đệ Bách Niên), số 39.[40] Vì thế, trong suốt cả thông điệp Evangelium Vitae, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nại vào phẩm giá con người như những hạn chế kìm hãm khi con người đối xử với tha nhân và với chính bản thân mình. Vậy sự sống được ban cho tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ánh sự bất khả xâm phạm của chính Đấng Tạo Hoá (EV, số 53). Phẩm giá con người thường được nêu ra hòa chung với tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm là những điểm mà chúng ta sẽ chú ý đến ngay sau đây.

Tính bất khả xâm phạm sự sống: một tư duy mới về luân lý

Ngoài luận cứ về quyền chủ tể của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn cho chúng ta một cách xem xét khác về việc bảo vệ sự sống.[41] Trong diễn từ “Tôn Vinh Sự Sống” đọc tại Ba-lan, ngài đã phát biểu như sau:

Giáo Hội bảo vệ quyền được sống, không những vì có liên quan đến Tạo Hóa, Đấng ban sự sống này, mà còn vì tôn trọng sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị con người.[42]

Sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị đã trở nên nổi bật hơn theo giòng thời gian của triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nó thường xuất hiện khi ngài nói đến sự thánh thiêng của sự sống.[43] Trong các văn kiện của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, luận cứ tính thánh thiêng của sự sống có vị trí trung tâm. Năm 1987, trong tông huấn Christifideles Laici, Đức Giáo Hoàng nói về quyền bất khả xâm phạm của sự sống (CL, số 38). Ngài nhận xét: “Tính bất khả xâm phạm của con người, vốn là phản ảnh của tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của Thiên Chúa, tìm được sự diễn tả căn bản đầu tiên nơi tính bất khả xâm phạm của sự sống con người.”[44] Không có chỗ nào Đức Giáo Hoàng nói đến quyền chủ tể hay các đặc quyền của Thiên Chúa. Đúng ra, luận cứ của ngài chỉ nói rằng chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa; ngôi vị Thiên Chúa là bất khả xâm phạm thì nhân vị con người cũng thế.

Qủa thực, Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay(Gaudium et Spes)đã nói rằng: phẩm giá con người (nhân phẩm) gắn liền với mối quan hệ của con người với Thiên Chúa.[45] Vì tất cả mọi người “đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, … được Chúa Kitô cứu chuộc, nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một mục đích nơi Thiên Chúa. Sự bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau phải ngày càng được nhìn nhận nhiều hơn.” (GS, số 29). Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người không cô lập nhưng có liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân. (GS, số 12). Chính sự tự hiến của Thiên Chúa cho mỗi con người là nền tảng để họ có phẩm giá và được tôn trọng.[46] Với nhận thức toàn diện này, Đức Gioan Phaolô II viết: “Vậy sự sống con người được ban cho tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ảnh tính bất khả xâm phạm của chính Đấng Tạo Hóa.” (EV, số 53).

Tuy nhiên, dường như có sự giằng co nào đó trong thông điệp này. Một mặt, sự sống con người có điều gì đó nội tại làm cho chính nó trở nên bất khả xâm phạm. Mặt khác, điều ấy phát xuất từ Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng Chủ Tể của sự sống. Luận cứ về việc giữ gìn sự sống, dựa trên giá trị nội tại của con người, đã được sử dụng để tăng cường luận cứ về Chủ tể sự sống. Kết quả là luận cứ về Chủ tể sự sống bớt đi vẻ tuyên ngôn về tính chủ tể cùng đặc quyền của Thiên Chúa để tăng lên sự mô tả về Đấng Tạo Hóa. Trong Evangelium Vitae số 53, hai luận cứ này vang lên cùng một lúc và hỗ trợ cho nhau: “Thiên Chúa phán rằng Ngài là Chúa tuyệt đối của sự sống con người là loài được dựng nên giống hình ảnh Ngài (xem St. 1:26-28). Vậy sự sống con người được ban cho tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ảnh tính bất khả xâm phạm của chính Thiên Chúa.” Ở đây, rõ ràng là tự thân sự sống con người có tính cách bất khả xâm phạm. Vì thế, “sự sống được đóng dấu ấn không thể phai mờ bởi một chân lý của chính nó” (EV, số 48). Kết quả là cuộc sống trần gian của mỗi con người là một thực thể thánh thiêng (EV, số 2) và ngoài ra, do nguồn gốc và mục đích của mình, sự sống con người mang tính thánh thiêng từ khởi đầu đến khi chấm dứt. Đây cũng là quan điểm của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin được khẳng định trong huấn thị Donum Vitae (Quà Tặng Sự Sống) năm 1987:

Từ lúc tượng thai, sự sống của mỗi con người phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa đã “muốn cho chính Ngài” (16) và tâm linh của mỗi con người được Thiên Chúa “tác tạo tức thời”(17); toàn bộ hữu thể con người mang hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. Sự sống con người là thánh thiêng vì ngay từ đầu nó đã chứa đựng “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (18) và nó mãi muôn đời có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó. (19) Duy một mình Thiên Chúa là Chủ tể sự sống từ khi nó khởi đầu đến khi nó chấm dứt: không ai trong bất cứ hoàn cảnh nào được cho mình cái quyền hủy hoại trực tiếp một con người vô tội (20).[47]

Suốt thông điệp Evangelium Vitae, nhất là ở phần 2, ta thấy có sự mở rộng ở các nền tảng cho tính bất khả xâm phạm của sự sống con người. Đây không chỉ đơn thuần là nêu ra một quan điểm về tính thánh thiêng của sự sống. Triết học của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chịu ảnh hưởng hiện tượng luận (phenomenology) và nhân vị thuyết (personalism) của Max Scheler,[48]* điều này được phản ánh rõ qua thông điệp Evangelium Vitae. Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngành triết học này chủ trương rằng với tư cách con người, chúng ta có giá trị nội tại của mình vì chúng ta là con người.[49] 

Vậy mỗi người chúng ta được mời gọi để nhìn thấy bên trong sự sống con người một dấu ấn không thể xóa mờ về tính thánh thiêng của nó.[50] Thật vậy, có thể nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa một luồng sinh khí vào khái niệm sự thánh thiêng của sự sống. Bây giờ, khái niệm này không chỉ nói đến tính bất khả xâm phạm sự sống con người hoặc các giá trị của nó mà thôi, nhưng nói đến nền tảng của tính bất khả xâm phạm trong một vài quyền sở hữu, hoặc trong mối quan hệ hoặc một giá trị nào đó mà mỗi sự sống con người phải có. Ngài đã dùng cách nói “tính thánh thiêng” để thiết cấu một nền tảng mới cho giáo huấn Công Giáo về nền đạo đức liên quan đến hành vi hủy hoại sự sống con người, bao gồm việc phá thai, tự tử và an tử. Do đó, với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tính thánh thiêng của sự sống được phát triển thành một ý tưởng, trong đó cơ sở cho việc bất khả xâm phạm sự sống con người là nội tại, chứ không ngoại tại, đối với sự sống.[51]

Kết luận

Mặc dù lập luận của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Evangelium Vitae có thể được biện hộ bằng luật tự nhiên, nhưng đạo đức học căn bản trong lập luận của ngài có thể cùng một lúc đặt nền tảng trên nguồn mạch tối thượng của luân lý – đó là Kinh Thánh, tức thiên luật hay mạc khải.[52] Đặc tính này rất khác với đặc tính trần thế và xu hướng bài trừ tôn giáo của nhiều nền đạo đức sinh học hiện đại. Nhiều nhà đạo đức sinh học có thế giá nhất của thời đại chúng ta cũng không có được nguồn mạch tối thượng cho luân lý ngoài lý trí, ý chí, sự đồng tình và cảm tính.[53] Họ coi thường các luận cứ tôn giáo và không tin vào những người chủ trương các luận cứ tôn giáo. Cho dù người nào đó lập luận thuần về triết học (tức không trưng dẫn kinh Thánh, giáo huấn Giáo Hội hay các tư tưởng thần học) thì kết luận đưa ra cũng bị phủ nhận nếu người ấy là tín đồ của tôn giáo hay kết luận của người ấy hòa hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Sứ điệp của Evangelium Vitae rất rõ ràng, không lập lờ và không thỏa hiệp trong phương pháp lập luận. Sự sống con người có tính thánh thiêng; là tặng vật của Thiên Chúa; chúng ta là người quản lý sự sống chứ không phải là chủ của sự sống. Chúng ta không được phép chấm dứt sự sống một cách tuỳ tiện, như chủ ý phá thai hay tiêm thuốc tử vong cho các bệnh nhân được chết êm dịu, bằng hành vi an tử, cho dù có những lý do hiển nhiên và được xem như là hữu ích, ví dụ như để giải thoát đau khổ cho bệnh nhân. Chúng ta phải tôn trọng sự sống từ giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển, ngay từ khi trứng được thụ tinh cho đến khi sự sống chấm dứt một cách tự nhiên. Vì thế, chúng ta không được phép kết liễu sự sống sớm hơn, cho dù là nhân danh lòng từ bi nhân ái. Đây là giáo huấn chính thức của Giáo hội Công giáo được khẳng định trong huấn thị Donum Vitae (Qùa Tặng Sự Sống) do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành năm 1987:

Từ lúc tượng thai, sự sống của mỗi con người phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa đã “muốn cho chính Ngài” (16) và tâm linh của mỗi con người được Thiên Chúa “tác tạo tức thời”(17); toàn bộ hữu thể con người mang hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. Sự sống con người là thánh thiêng vì ngay từ đầu nó đã chứa đựng “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (18) và nó mãi muôn đời có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó. (19) Duy một mình Thiên Chúa là Chủ tể sự sống từ khi nó khởi đầu đến khi nó chấm dứt: không ai trong bất cứ hoàn cảnh nào được cho mình cái quyền hủy hoại trực tiếp một con người vô tội (20).[54]

Lm Trần Mạnh Hùng

Tác giả giữ bản quyền – Copyright©2021


[1] Xem Gaudium et Spes¸số 3,19, 26, 27, 29. Bản tiếng Anh trong Vatican Council II: More Post Conciliar Documents, Vol. 2. Austin Flannery chủ biên.

[2] Xem John Paul II, Crossing the Threshold of Hope [Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng] (New York: Alfred Knopf, 1994), tr. 201, Vittorio Missore chủ biên, trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 191.

[3] . Xem Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae: Giá Trị và Tính Bất Khả Xâm Phạm Của Sự Sống Con Người. Thông điệp ngày 25-03-1995. Bản tiếng Anh Evangelium Vitae: On the Value and Inviolability of Human Life. (Vatican City: Librebria Editrice Vaticana, 1995).

[4] . Human Dignity: phẩm giá con người hay còn gọi là nhân phẩm.

[5] . Danh xưng Đức Giáo Hoàng hay Đức Thánh Cha sử dụng trong tài liệu này đều đồng nghĩa như nhau.

[6] Ví dụ, John Paul II, Crossing the Threshold of Hope – Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng.(New York: Alfred Knopf, 1994); Redemptoris Hominis [Đấng Cứu Chuộc Con Người], số 10, Thông Điệp, ngày 4-3-1979, trong The Pope Speaks 24 (1979): 97-147; Christifideles Laici [Người Tín Hữu Giáo Dân], số 38, Tông Huấn, ngày 30-12-1988, trong The Pope Speaks 34 (1989): 1103-1168; Centesimus Annus (Đệ Bách Niên), số 39, Thông Điệp Xã Hội, ngày 2-5-1991, trong The Pope Speaks 36 (1991): 273-310.

[7] America 141 (1979): 185.

[8] Origins 9 (1979): 262. Tham chiếu Richard A. McCormick, S.J., “Notes on Moral Theology: 1979.” Theological Studies 41 (Tháng 3/1980): 98-99.

[9] Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae: Giá Trị và Tính Bất Khả Xâm Phạm Của Sự Sống Con Người. Thông điệp ngày 25-03-1995. Bản tiếng Anh Evangelium Vitae: On the Value and Inviolability of Human Life. (Vatican City: Librebria Editrice Vaticana, 1995), AAS 87 (1995): 401-522.

[10] Quan điểm này rất phù hợp với Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố theo Nghị Quyết 217 A (III) ngày 10-12-1948. Đại Hội Đồng kiên quyết chủ trương rằng “sự thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới.” Xem Lời Nói Đầu của Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền. Có thể tải xuống Tuyên Ngôn này ở địa chỉ http://www.un.org/Overview/rights.html. Và bản văn bằng tiếng Việt có ở http://www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.pdf.

[11] Đối với Immanuel Kant, “ta phải cư xử với mỗi nhân vị như là cứu cánh chứ đừng bao giờ chỉ như phương tiện mà thôi.” Tham chiếu Tom L. Beauchamp và LeRoy Walter, chủ biên, Contemporary Issues in Bioethics, Third Edition (Belmont, California: Wadsworth Publishing Company, 1989), tr. 24.

[12] Evangelium Vitae, số 5, 74, 91.

[13] Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997).

[14] Nhiều tác giả trong sách Choosing Life (Kevin Wildes và Alan Mitchell chủ biên) nhận định rằng các luận cứ luân lý trong Evangelium Vitae không thể ở ngoài sự quan tâm của người Công Giáo hoặc các thiết chế tự nhận là Công Giáo, bởi lẽ đây là một thông điệp của Đức Thánh Cha, được ngài công bố bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất và uy quyền nhất: “Do thẩm quyền mà Đức Kitô đã ban cho thánh Phêrô và các Đấng Kế Vị ngài, trong sự hiệp thông với các Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo, tôi xác định rằng hành vi an tử là sự lỗi phạm nặng nề luật của Thiên Chúa.” (EV, số 65).

[15] Theo Kaczor, không thể nói một cách dễ dãi rằng có mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và triết học, giữa tri thức tôn giáo và tri thức thế tục. Xem Christopher Kaczor, “Faith and Reason and Physician-Assisted Suicide.” Christian Bioethics 4 (1998): 183-201.

[16] Từ lâu, truyền thống thần học Công Giáo vẫn phân chia toàn thể luật luân lý ra thành thiên luật (các chân lý mạc khải) và luật tự nhiên (các chân lý không do mạc khải). Con người lĩnh hội được thiên luật là do Thiên Chúa tỏ cho biết (tức qua Kinh Thánh hoặc mạc khải). Luật tự nhiên được con người học biết không do sự mạc khải của Thiên Chúa (tức bằng lý trí nhân loại). Xem Frank Mobbs, “Is the Whole of Morality Contained in Revelation?” Irish Theological Quarterly 66 (2001): 157-164.

[17] Thánh Phaolô tin rằng có một luật được ghi khắc trong lòng con người (Rm 2:14-16) ngõ hầu con người có thể khám phá ra nó nhờ vào lý trí tự nhiên. Ý tưởng này cũng được khẳng định ở Công đồng Vatican I và trong thông điệp Veritatis Splendor của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

[18] Xem John Langan, “Catholic Moral Rationalism and the Philisophical Bases of Moral Theology,” Theological  Studies  50 (1989): 25-43.

[19] Theo McNamara, Thánh Truyền (Tradition) không chỉ có nghĩa đơn thuần là các tập tục phụng vụ và văn hóa kế thừa mà đúng ra là sự hiện diện như lời đã phán hứa của Chúa Thánh Thần với sự hướng dẫn và thẩm quyền được diễn tả qua Giáo Hội, nhất là qua sự dạy dỗ của Huấn Quyền (Magisterium). Thánh Kinh được coi là lời của Thiên Chúa được linh ứng cho con người, nhưng con người hệ tại vào Thánh Kinh theo những hình thức khác nhau: a) Thánh Kinh có thể được xem như mạc khải có thẩm quyền về các giá trị luân lý, và b) Có thể căn cứ vào Thánh Kinh như nguồn đức tin Kitô giáo, mà đức tin thì hàm chứa cách sống cụ thể cho Kitô hữu. Xem McNamara, Faith and Ethics: Recent Roman Catholicism. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1985), tr. 9-66. Tham chiếu G. Kevin Donovan, “Decisions at the End of Life: Catholic Tradition,” Christian Bioethics 4 (1997): 202; H. Tristram Engelhardt cũng bày tỏ một quan điểm tương tự: theo ông, Thánh Truyền không chỉ là lịch sử khẩu truyền. Thánh Truyền nghĩa là Chúa Thánh Thần tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội vốn được hưởng sự kế vị tông truyền, không phải bằng sự liên tục kế vị của các vị giám quản thời các Tông Đồ nhưng bằng một cộng đoàn vừa có phượng tự đích thực vừa có đức tin chân chính dưới quyền dẫn dắt của các giám mục kế vị. Thánh Truyền là một trong những điều mà Giáo Hội được Chúa Thánh Thần ban cho. Vì thế Thánh Truyền không bao giờ là sản nghiệp của những người không có đức tin. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, tức sự toàn vẹn của Thánh truyền, ngăn ngừa sự phát triển của những giáo thuyết mới ngõ hầu tính chất công giáo của Giáo Hội được gìn giữ chống lại lạc thuyết. Vì thế, “Thánh Truyền là sự hiện diện liên lỉ của Chúa Thánh Thần chứ không chỉ là sự ghi nhớ những lời những chữ.” Xem H. Tristram Engelhardt, Jr., “Physician-Assisted Suicide Reconsidered: Dying as a Christian in a Post-Christian Age.” Christian Bioethics 4 (1998): 164. Phân tích đầy đủ về Thánh Truyền, xin xem Brian V. Johnstone, C.Ss.R., “Can Tradition Be a Source of Moral Truth? A Reply to Karl-Wilhelm Merks.” Studia Moralia XXXVII/2 (1999): 431-451.

[20] John J. Conley, S.J., “Narrative, Act, Structure: John Paul II’s Method of  Moral Analysis,” trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 3-20.

[21] Xem James F. Keenan, S.J., “The Moral Argumentation of Evangelium Vitae,” trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 46-62; xem thêm Alan C. Mitchell, “The Use of Scripture in Evangelium Vitae,” trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 63-70.

[22] Điểm nền tảng về quyền quản lý như sau: con người được giao phó cho việc chăm sóc và tôn trọng những tặng vật của Thiên Chúa. Tặng vật này có thể dưới hình thức là sự sống và thân xác của ta. Tặng vật cũng có thể là ở nơi sự hiện diện của tha nhân. Ta xây dựng những mối quan hệ và những giao ước với tha nhân từ sự bình đẳng và độc lập đối với nhau. Như vậy, trách nhiệm của quyền quản lý buộc ta phải trả lẽ, không những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt tha nhân nữa. Xem Courtney S. Campbell, “Religious Ethics and Active Euthanasia in a Pluralistic Society,” Kennedy Institute of Ethics Journal 2 (1992): 268.

[23] Kinh Thánh dạy rằng con người được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa” nên có thể nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng nên mình và được Thiên Chúa đặt làm thụ tạo vượt trên hết mọi thụ tạo trần gian (Kn 1:26) để họ cai quản mọi thụ tạo và sử dụng chúng trong khi làm rạng danh Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh 8: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.” (Tv 8:5-8).

[24] Edmund D. Pellegrino, “Evangelium Vitae, Euthanasia, and Physician-Assisted Suicide,” trong Kevin Wm. Wildes & Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 240.

* . Chú thích của tác giả: Agnostic / Agnosticism: là người hay thuyết chủ trương cho rằng, nguyên nhân tối hậu (ngụ ý Thiên Chúa) và những bản chất nội tại của sự vật thì không thể biết được, cũng như tri thức của con người thì hữu hạn để xác nghiệm. Lẽ đó, họ khẳng định rằng: không có gì là xác thực về tri thức, sự hiểu biết của con người có tính cách tương đối, chứ không tuyệt đối.

[25] Xem Leon Kass, “Why Doctor Must Not Kill,” trong Michael M. Uhlmann, chủ biên, Last Rights? Assisted Suicide and Euthanasia Debated. (Washington. D.C.: Ethics and Public Policy Center, 1998), tr. 297-306.

[26] Sđd., tr. 302/

* Chú thích: “cái thể hiện nhân vị” chưa dịch thoát hết được personal embodiment của tác giả,rất ý nhị. Chúng tôi có nghĩ đến “hiện thân của nhân vị” (thân = body) nhưng cách dịch như thế trong ngữ cảnh này không thích hợp.

[27] Sđd., tr. 303.

[28] Xem Hadley V. Arkes, “The Rights to Die – Again” trong Michael M. Uhlmann, chủ biên, Last Rights? Assisted Suicide and Euthanasia Debated. (Washington. D.C.: Ethics and Public Policy Center, 1998), tr. 97-104.

[29] Daniel Callahan, “When Self-Determination Runs Amok.” Hastings Center Report 22 (Tháng 3-4/1992): 52-55.

[30] Xem “Diverse concezioni della dignità della persona umana – Những khái niệm khác nhau về phẩm giá con người.” Bài viết này trích từ tài liệu soạn thảo của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, nhan đề: “Dignità e diritti della persona umana – Phẩm giá và các quyền của con người.” (1984). Tham chiếu Francesco Compagnoni, I Diritti dell’ Uomo: Genesi, Storia e Impegno Cristiano. (Milano: Edizioni San Paolo, 1995), tr. 260-280, ở tr. 263-4.

[31] Xem Helmut Thielicke, “The Doctor as Judge of Who Shall Live and Who Shall Die,” trong Kenneth Vaux, chủ biên, Who Shall Live? Medicine, Technology, Ethics. (Philadelphia: Fortress Press, 1970), tr. 170.

[32] Khi bàn về giá trị con người là “alien dignity” (tạm dịch là phẩm giá chuyển nhượng), điều đó có ý là nó đến từ bên ngoài tôi chứ không phát khởi từ trong tôi. Nhưng theo Thielicke, nó đồng thời cũng là một phần thiết yếu của toàn bộ con người của tôi. Vì phẩm giá được ban cho tôi ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng nên tôi, và vì phẩm giá được Thiên Chúa ban cho từ khởi thủy do lòng thương yêu, nên nó luôn luôn ở với tôi, nó là của tôi một cách gắn bó, nó thực sự là của tôi như mọi đặc tính khác của tôi và còn bền vững hơn nhiều. Hơn nữa, vì phẩm giá con người là do “chuyển nhượng” nên con người không cần phải đạt lấy nó, nó cũng không bị mất bao giờ. Nó không tùy thuộc vào màu da, phái tính, trí khôn hay công trạng của tôi. Chính vì nó là giá trị “chuyển nhượng” nên tôi không thể đem nó cho ai và cũng không ai lấy mất nó của tôi được. Nó không thể xóa mờ vì là một dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa thấm nhuần tận cốt tủy cuộc sinh tồn của tôi. Vì phẩm giá chuyển nhượng của con người chỉ lệ thuộc vào tình yêu Thiên Chúa, và vì tình yêu Thiên Chúa chung thủy, vững bền nên phẩm giá của mỗi con người cũng bền vững, không  phai lạt. Vì thế khi bàn về “phẩm giá chuyển nhượng” là cách xứng hợp nhất để bảo đảm nền tảng giá trị không thể chuyển nhượng của mỗi nhân vị. Thật vậy, phẩm giá chuyển nhượng bảo vệ con người. Con người được bất khả xâm phạm. Về nguồn gốc và ý nghĩa của “phẩm giá chuyển nhượng” trong tư tưởng của Thielicke, xin xem một tiểu luận lý thú của Karen Lebacqz, “Alien Dignity: The Legacy of Helmut Thielicke for Bioethics” trong Neil Messer, chủ biên, Theological Issues in Bioethics. (London: Longman, Darton & Todd, 2002), tr. 50-62.

[33] Sđd., tr. 51.

[34] Thomas Hobbes,  Leviathan  (New York: Cambridge University Press, 1991), tr. 63.

[35] Ví dụ phái Khắc Kỷ (Stoics) chủ trương rằng phẩm giá con người là ở khả năng của lý trí. Không có khả năng của lý trí thì không có phẩm giá con người.

[36] Ví dụ, Magaret Pabst Battin, “Ethical Issues in the Physician-Assisted Suicide.” Trong Michael M. Uhlmann, chủ biên, Last Rights? Assisted Suicide and Euthanasia Debated. (Washington, D.C.: Ethics and Public Policy Center, 1998), tr. 114-115; Helga Kuhse, “Why Killing Is Not Always Worse – and Sometimes Better – Than Letting Die” trong Helga Kuhse và Peter Singer, chủ biên, Bioethics: An Anthology. (United Kingdom: Blackwell Publishers Ltd., 1999), tr. 236-239.

[37] Tuyên Ngôn Về An Tử

[38] Tham chiếu Tom L. Beauchamp và LeRoy Walter, chủ biên, Contemporary Issues in Bioethics, 3rd Edition (Belmont, California: Wadsworth Publishing Company, 1989), tr. 24. Mệnh lệnh này nhấn mạnh rằng ta phải đối xử với tha nhân như những con người có những mục đích riêng của họ được lập ra một cách tự quyết, chứ không bao giờ được đối xử với họ chỉ như những phương tiện để ta đạt được mục đích riêng của mình.

[39] John Paul II, Crossing the Threshold of Hope (Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng) (New York: Alfred Knopf, 1994), tr. 202, Vittorio Missore chủ biên.

[40] Xem Redemptoris Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con Người), số 10, Thông Điệp, ngày 4-3-1979, trong The Pope Speaks 24 (1979): 97-147; Christifideles Laici (Người Tín Hữu Giáo Dân), số 38, Tông Huấn, ngày 30-12-1988, trong The Pope Speaks 34 (1989): 1103-1168; Centesimus Annus (Đệ Bách Niên), số 39, Thông Điệp Xã Hội, ngày 2-5-1991, trong The Pope Speaks 36 (1991): 273-310.

[41] Cách lập luận “truyền thống” về việc duy trì sự sống được đặt trên nền tảng niềm tin rằng Thiên Chúa là tác giả của sự sống và sự chết, và Ngài dành quyền làm chủ sự sống con người cho chính mình Ngài. Vì thế bất cứ hành vi nào nhằm trực tiếp chấm dứt mạng sống con người cũng đều lỗi phạm đến đặc quyền của Thiên Chúa, tức tiếm quyền Ngài (xem Đức Giáo Hoàng Piô XI, Casti Connubii, Thông Điệp, ngày 31-13-1930 trong AAS 22 (1930): 539-592). James Keenan đã phê bình chủ trương này vì ông cho rằng chủ trương như thế gây ra sự khó chịu. Trước hết, chủ trương này gợi ra một cái nhìn dị thường về Thiên Chúa vì nó dành cho Thiên Chúa công việc giết người trong bao công việc khác. Quan trọng hơn nữa, chủ trương này chẳng khác gì luật lệ kìm hãm của thần linh, tức là nó không có lập luận gì để chống lại việc giết chết người vô tội mà chỉ chỉ tuyên bố luật cấm rồi thôi. Keenan cho rằng rất cần phải bàn lại về những hiệu quả của việc xây dựng nền tảng lý luận khi đưa ra chủ trương cấm giết chết bệnh nhân bằng cách nói truyền lệnh của thần linh. Xem James F. Keenan, S.J., “The Moral Argumentation of Evangelium Vitae.” (Washington D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 49. Quan điểm này cũng được Gerald Hughes cùng chia sẻ. Ông nhận định rằng nếu Giáo Hội muốn đáp ứng được sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ về những hành vi gây ra cái chết, chẳng hạn như an tử, thì quyết định chống lại làn sóng dâng cao này phải đặt nền tảng trên cơ sở lý trí chứ không phải ý chí. Xem Gerald Hughes, “Killing and Letting Die.” Month 326 (Tháng 2/1975): 42-45.

[42] John Paul II, “Celebrate Life.” The Pope Speaks 24 (1979): 371-374, ở tr. 372.

[43] Như xã luận báo America nhận định: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có được cơ hội kêu gọi lương tâm con người bằng cách thức độc đáo trong lịch sử các triều đại giáo hoàng.” America 141 (1979): 185. Tham chiếu Richard A. McCormick, “Notes on Moral Theology, 1979.” Theological Studies 41 (Tháng 3/1980): 98.

[44] Christifideles Laici, bản tiếng Anh đăng trong The Pope Speaks 34 (1989): 103-168.

[45] Xem Gaudium et Spes¸số 3,19, 26, 27, 29. Bản tiếng Anh trong Vatican Council II: More Post Conciliar Documents, Vol. 2. Austin Flannery chủ biên.

[46] Xem John Paul II, Crossing the Threshold of Hope [Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng] (New York: Alfred Knopf, 1994), tr. 201, Vittorio Missore chủ biên, trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 191.

[47] Xem Donum Vitae, Phần 5, dưới tiêu đề “Teachings of the Magisterium,” Congregation of the Doctrine of the Faith, Donum Vitae (22-02-1987), AAS 80 (1988): 70-72. Bản dịch tiếng Anh, Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation. Trong The Pope Speaks 32 (1987), tr. 137-156.

[48] Ronald Modras, “The Moral Philosophy of John Paul II.” Theological Studies 41 (1980): 683-697; George H. Williams, The Mind of John Paul II: Origins of His Thought and Action. (New York: Seabury, 1981).

* Chú thích về Max Scheler: Năm 1953, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bấy giờ là Karol Wojtyla, đã trình luận án tiến sĩ nhan đề “Thẩm Định Về Những Khả Năng Xây Dựng Nền Đạo Đức Kitô Giáo Dựa Trên Hệ Thống Của Max Scheler” (Evaluation of the Possibilities to Construct Christian Ethics Based on the System of Max Scheler). Triết gia Max Scheler được coi là môn đệ xuất sắc nhất của của cha đẻ hiện tượng luận là Edmund Husserl (1859-1938). Ngày 22-3-2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  đã tiếp phái đoàn Viện Hiện Tượng Luận Thế Giới, trụ sở ở Hoa Kỳ. Các vị này đến Rôma để họp nhân dịp trình bày bộ “Hiện Tượng Luận Thế Giới. Nền Tảng – Phát Triển – Cơ Động – Những Liên Hệ Trong Cuộc Sống. Kim Chỉ Nam Nghiên Cứu” (Phenomenology Worldwide. Foundations – Expanding – Dynamics – Life Engagements. A Guide for Research and Study). Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về những đóng góp của triết gia Max Scheler, vì Husserl “quả đã từng hy vọng là sẽ có được một cộng đồng nghiên cứu để đối diện với những thế giới lớn lao về con người và sự sống bằng những phương thức khác nhau song tương túc.” Đức Thánh Cha còn bày tỏ cảm tưởng như sau: “Tôi tạ ơn Chúa đã cho Tôi được tham dự vào công việc hào hứng này, bắt đầu từ những năm học hỏi và dạy học rồi ngay cả sau đó nữa, trong những giai đoạn nối tiếp nhau của cuộc đời cũng như của sứ vụ mục tử của mình.” Đức Thánh Cha đã mô tả hiện tượng luận “trước hết là một phong cách suy tư, một liên hệ giữa lý trí với thực tại, một thực tại mang những đặc tính cấu trúc thiết yếu mà người ta hy vọng thu tóm được trong khi cố tránh những định kiến và định hình. Tôi muốn nói rằng nó hầu như là một thái độ của lòng bác ái trí thức (intellectual charity) hướng về con người cũng như thế giới và, đối với Kitô hữu, hướng về cả Thiên Chúa, nguyên lý và cứu cánh của mọi sự.” – Theo bản tin Zenit 31-06-2003, địa chỉ internet:  http://arago.cprost.sfu.ca/marcelo/archives/001223.html)

[49] John Paul II, Crossing the Threshold of Hope.(New York: Alfred Knopf, 1994).

[50] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến “nhu cầu đưa Tin Mừng Sự Sống vào tâm hồn của mọi người và làm cho nó thẩm thấu vào mọi thành phần của xã hội,” do đó ngài kiên trì theo đuổi sứ vụ của mình là rao giảng Tin Mừng cho toàn bộ nền văn hóa bằng cách đem sứ điệp của các sách Tin Mừng đến với các vấn đề luân lý quan trọng của thời đại – cho tất cả mọi người, có đức tin cũng như không có đức tin. Giáo Hội, ngài nói, “hiện hữu để rao giảng Tin Mừng.” (EV, số 80).

[51] Xem John Paul II, Crossing the Threshold of Hope (New York: Alfred Knopf, 1994); xem thêm Joseph Boyle, “Sanctity of Life and Its Implications: Reflections on James Keenan’s Essay” trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 72-76.

[52] Xem John J. Conley, S.J., “Narrative, Act, Structure: John Paul II’s Method of  Moral Analysis” trong Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997), tr. 3-20.

[53] Ví dụ, xin xem A Companion to Bioethics. (Great Britain: Blackwell Publishers, Ltd., 1998), Helga Kuhse và Peter Singer chủ biên.

[54] Xem Donum Vitae, Phần 5, dưới tiêu đề “Teachings of the Magisterium,” Congregation of the Doctrine of the Faith, Donum Vitae (22-02-1987), AAS 80 (1988): 70-72. Bản dịch tiếng Anh, Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation. Trong The Pope Speaks 32 (1987), tr. 137-156.

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

chua gieu cau nguyen tren nui

Cái động và cái tĩnh của người tu – một góc nhìn về ơn gọi thánh hiến

Hạt suy tư được gợi hứng từ đoạn Tin Mừng Gioan 8, 1-11 Nếu đoạn ...

me maria lo duc

Đức Trinh Nữ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu Của Tôi

Đã từ lâu, tôi có ý định muốn viết và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình và bạn hữu thân thương của tôi về mối tình giữa tôi và Mẹ Thánh Maria, người mà tôi hằng yêu mến.

jacob danh lua cha

Chuyện Jacob đánh lừa cha

Jacob chiếm quyền trưởng nam của Esau bằng mánh khóe, và dùng mánh khỏe lừa nhận lấy chúc lành từ Issac, một cử chỉ có ý nghĩa quan trọng.

than hoc luan ly

Vài nét sơ lược về thần học luân lý

Thần Học Luân Lý là một phần trong khoa thần học. Thần học luân lý ...

Ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đã ban tình yêu của Ngài cho chúng ta

Trong những năm tháng gần đây, tôi thường xuyên tự chất vất và đặt câu hỏi cho chính mình. Tại sao tôi có thể yêu mến Thiên Chúa, là Đấng vô hình, bằng với tất cả sức mạnh tình yêu của trái tim tôi

lac giao kito so khai

Các lạc giáo thời Giáo hội sơ khai

Giáo hội thuở sơ khai phải tranh đấu với nhiều lạc thuyết về tín lý. Bảo vệ đức tin tinh tuyền và đúng đắn là một cuộc chiến đôi khi đẫm máu

Để lại bình luận