Lịch Sử Giáo Hội

Đế quốc La Mã theo Kitô giáo

Quốc Anh
thap gia kito giao chien thang rome
60 views

I. Từ tự do tôn giáo đến quốc giáo

Constantine I là con của Hoàng đế Constantius I Chlorus và hoàng hậu Helena, một Kitô hữu. Hoàng đế Constantius I Chlorus cai trị đế quốc Rôma phía Tây. Sau khi vua cha qua đời, Constantine I được quân đội tôn lên làm Hoàng đế. Sau đó đã xảy ra một cuộc nội chiến dành quyền lực giữa Constantine I và Maxentius. Maxentius là con trai của Maximianus, Hoàng đế của đế quốc Rôma phía Tây, thời Diocletianus (284-305) làm Hoàng đế của đế quốc Rôma phía Đông.

EN TOYTI NIKA: với dấu này ngươi sẽ chiến thắng
EN TOYTI NIKA: với dấu này ngươi sẽ chiến thắng

Năm 312, trong trận chiến với Maxentius, vào một buổi trưa, Constantine I nhìn lên trời và thấy một hình thập giá chiến thắng kết tụ bằng ánh sáng với hàng chữ: “Với dấu này ngươi sẽ chiến thắng”. Ông không hiểu dấu đó có nghĩa gì. Đêm hôm đó, ông mơ thấy Chúa Kitô xuất hiện với dấu lạ ban trưa và bảo ông làm các thuẫn đỡ có hình dấu ấy mà xông vào trận. Ông ra lệnh khắc dấu hiệu này trên khiên thuẫn của quân lính và ông đã chiến thắng Maxentius tại cầu Milvius trên sông Tiber. Ông cho rằng Thiên Chúa của người Kitô đã giúp ông chiến thắng. Nhờ đó ông đã lên ngôi Hoàng đế của đế quốc Rôma phía Tây. Năm 313, với sự đồng ý của Licinius, Hoàng đế của đế quốc Rôma phía Đông, ông ban hành chiếu chỉ Milanô cho phép tự do tôn giáo trên toàn đế quốc Rôma.

Lịch sử Giáo hội:
Cuộc bách hại các Kitô hữu của Đế quốc Rôma (64-133)
Những nét chính về Giáo hội sơ khai thời các Tông đồ
Sơ lược xã hội đế quốc Rome, bối cảnh của Giáo hội sơ khai

1. Chiếu chỉ Milanô 313

Trong chiếu chỉ Milanô, Hoàng đế Constantine I xác định sự tự do tôn giáo trong đế quốc như sau: “…ban phép cho tất cả Kitô hữu cũng như mọi người, quyền tự do và quyền theo tôn giáo mình chọn lựa… và từ nay trở đi, cho phép tất cả những ai quyết định theo Kitô giáo, được hoàn toàn tự do thực hành đạo, không bị quấy rối cũng như không bị làm khó dễ nữa.”

Sau đó Hoàng đế cũng ra chỉ thị phải trả lại cho Giáo Hội các tài sản đã tịch thu, đồng thời miễn thuế cho các linh mục. Hàng giáo sĩ cao cấp được trả lương, tặng bổng lộc và trao quyền xử án. Sau cùng, ông quyết định cho các công chức, tòa án, thợ thuyền được nghỉ ngày Chúa nhật.

Constantine I tặng Đức Giáo hoàng Miltiađê cung điện Latêranô làm nơi cư ngụ cho các Giáo hoàng. Qua việc tặng cung điện Latêranô, Constantine I đã tôn địa vị xã hội của các Giáo hoàng lên. Trên cung điện này, ông cũng đã cho xây ngôi thánh đường đầu tiên để kỷ niệm chiến thắng Maxentius, đó là đại vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô, ngôi thánh đường của Giám mục Rôma và cũng là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trên thế giới. Năm 325, Constantine I cho xây Đền thánh Phêrô ngay trên mộ thánh Phêrô. Các thánh đường khác lần lượt cũng được xây: Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, Nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem, Nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinopolis, v.v…

Constantine I học đạo, nhưng mãi đến năm 337 trước khi chết ông mới chịu phép Rửa tội.

2. Kitô giáo trở thành quốc giáo

Với chiếu chỉ Milanô, mọi người được tự do theo tôn giáo mình lựa chọn, nhưng Hoàng đế yểm trợ cách riêng Kitô giáo. Chính vì thế những người theo các tôn giáo khác không nhận được nhiều ủng hộ của Hoàng đế như trước. Năm 319, Hoàng đế cấm thực hành ma thuật và bói toán.

Các Hoàng đế sau Constantine I dần dần cấm các nghi lễ ngoại đạo. Năm 356, Hoàng đế Constantius II (con của Hoàng đế Constantine I) ra chỉ thị: “Những kẻ có đủ bằng chứng là đã tham dự việc dâng cúng hay thờ cúng các ngẫu tượng sẽ bị tử hình”. (Bộ luật Theodosius XVI, 10, 6 )

Năm 380, Hoàng đế Theodosius I tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo. Năm 392, Hoàng đế Theodosius I ra lệnh trưng thu hoặc phá hủy các đền thờ ngoại giáo và ra chỉ thị rằng: Nếu ai dâng hương tôn kính các thần tượng do tay con người làm ra (…); ai kết triều thiên vải cho cây cối; ai dựng bàn thờ bằng đất (…) họ đã xúc phạm nặng nề và nghiêm trọng đến tôn giáo. Và vì xúc phạm đến đạo, kẻ đó sẽ bị tịch biên nhà ở hay tài sản, nơi y đã tỏ ra là nô lệ cho lòng mê tín ngoại đạo. (Bộ luật Theodosius XVI, 12)

Tinh thần Kitô giáo thấm sâu vào các cơ chế của đế quốc. Xã hội được Tin Mừng biến đổi. Từ năm 325, Chúa nhật và các ngày lễ lớn của Kitô giáo cũng là những ngày lễ nghỉ của cả nước. Kitô giáo có ảnh hưởng trong pháp chế, nhất là về gia đình: cấm ngoại tình với nữ tỳ; Việc ly dị tuy chưa bị bãi bỏ nhưng bị hạn chế hơn. Chế độ nô lệ chưa bị đặt thành vấn đề nhưng được cải thiện: cấm chia rẽ gia đình của nô lệ, cấm đóng dấu trên mặt nô lệ. Việc giải phóng nô lệ rất dễ dàng, chỉ cần tuyên bố trong nhà thờ dưới sự chứng kiến của giáo sĩ. Chế độ nhà tù nhân đạo hơn. Cai ngục không được quyền bỏ mặc cho tù nhân chết đói. Họ phải được thấy ánh mặt trời mỗi ngày một lần. Giáo sĩ có quyền thăm viếng các nhà giam.

Tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ với những người nghèo, bất hạnh phổ biến trong xã hội. Các Kitô hữu quan tâm đến vấn đề thành lập các tổ chức từ thiện. Nhờ các việc đó sau này cơ cấu xã hội cũng được biến đổi. Thánh Basiliô vùng Xêdarê đã thành lập một thành phố Kitô giáo thật sự gồm nhà thờ, tu viện, bệnh viện và nhà trọ cho khách vãng lai. Khách lữ hành, bệnh nhân, người nghèo khổ được tiếp đón.

3. Vai trò của các Hoàng đế Công giáo

Các Hoàng đế Công giáo tự coi mình ngang hàng với các Tông đồ, hoặc một người lãnh đạo dân Chúa như một Môsê mới, một Đavít mới. Hoàng đế Constantine I đã nói rằng: “Các vị là Giám mục bên trong Giáo Hội, còn tôi là Giám mục bên ngoài”. Các Hoàng đế có những ảnh hưởng lớn trên Giáo Hội. Họ tham gia vào những cuộc hội họp, những chuyện nội bộ của Giáo Hội. Chẳng hạn Hoàng đế Constantine I đã triệu tập Công đồng Nicêa năm 325, Hoàng đế Theodosius I triệu tập Công đồng Constantinopolis I năm 381.

Các Hoàng đế Công giáo cũng có vai trò rất lớn trong việc truyền giáo và xây dựng Kitô giáo. Giám mục được coi ngang hàng với tổng trấn Rôma. Các Giám mục và linh mục được mời vào ban cố vấn trong triều đình và cơ quan hành chánh, để tinh thần Phúc âm được thấm nhuần vào luật pháp quốc gia. Các Hoàng đế hậu thuẫn cho công cuộc truyền giáo không những trong đế quốc mà cả những nơi Giáo Hội đang muốn cảm hóa Man dân. Nhiều thánh đường, đền đài được xây dựng. Hàng giáo phẩm có nhiều quyền hành, tài sản, ngay cả đặc quyền về pháp lý, tòa án của Giám mục.

II. Phụng vụ và việc truyền giáo

1. Phụng vụ

a. Phụng vụ Bí tích

Bí tích Giao hoà. Sau khi Kitô giáo được tự do, số người ngoại trở lại Kitô giáo tăng rất nhanh. Các dự tòng, do không còn được tuyển lựa kỹ càng, nên nhiều người không muốn tuân theo những đòi hỏi của Bí tích Rửa tội đặt ra như phải trải qua thời gian dài học hỏi và thử thách. So với 3 thế kỷ đầu, tiến trình sám hối vẫn giữ nguyên (bị trục xuất khỏi cộng đồng Giáo Hội, thời gian đền tội, hòa giải), nhưng quy tắc luật lệ dần dần xác định rõ hơn. Một số những luật lệ này nhằm sửa chữa những lạm dụng và chống lại những độc đoán.

Từ thế kỷ IV, định chế sám hối kèm theo một số những cấm đoán thay đổi tùy theo các Giáo Hội địa phương. Thánh Ambrôsiô, Giám mục Milanô (333-397) đòi các hối nhân phải từ bỏ những danh dự trần thế và kiêng cữ quan hệ vợ chồng. Đức Giáo hoàng Siricô (384-399) đòi các hối nhân phải kiêng cữ hoàn toàn quan hệ vợ chồng sau khi được hoà giải. Tại Phi châu, thánh Augustinô không để lại một luật lệ rõ ràng nào và Công đồng Carthagô năm 397 chỉ tuyên bố: “Đối với các hối nhân, tùy theo tội phạm, Giám mục sẽ xét và ấn định thời gian đền tội”.

Bí tích Thêm sức. Vào thế kỷ IV-V, trong bối cảnh các bè rối phát triển, việc đặt tay và xức dầu sau Rửa tội (tức là bí tích Thêm sức) được tách ra khỏi bí tích Rửa tội để làm nổi bật hơn vai trò của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Hội Thánh sống và làm chứng cho Đức Kitô. Chỉ có Giám mục là người được quyền ban bí tích Thêm sức vào những dịp ngài đến thăm cộng đoàn.

b. Thánh lễ, năm phụng vụ và các việc đạo đức

Vào thế kỷ IV, Thánh lễ ngày càng trang trọng hơn vì sự lộng lẫy của đền thờ, phẩm phục và đồ vật dùng trong phụng vụ. Các bài đọc, bài giảng và rước kiệu, ngày càng nhiều. Nhiều nhà thờ cử hành Thánh lễ mỗi ngày. Các Kitô hữu được khuyến khích rước lễ hằng ngày.

Đến thế kỷ IV, ngoài ba lễ chính: Chúa nhật, Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng thêm lễ Giáng sinh, Hiển linh và các lễ khác kính các thánh.

Bên Đông phương, Giáo Hội mừng lễ Hiển linh: mừng việc Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân vào ngày 6.1 Ngày 6.1 là ngày lễ mặt trời của người Ai Cập.. Bên Tây phương, năm 354, Đức Giáo hoàng Liberiô (352-366) chọn ngày 25.12 làm ngày lễ Giáng sinh. Mặc dù hai nơi mừng hai ngày khác nhau, nhưng cũng chỉ là một lễ duy nhất với hai tên gọi khác nhau: người Rôma gọi là lễ Sinh nhật của Chúa Kitô, còn bên Đông phương gọi là lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân.

Các việc đạo đức. Bước sang thế kỷ IV, các cuộc bách hại đã hết, lòng đạo đức không có dịp được minh chứng bằng máu với những gương hy sinh can đảm biểu dương bên ngoài, vì thế các Kitô hữu thiên về đời sống nội tâm nhiều hơn, nhất là đời sống bí tích. Tính cách tái sinh của phép Rửa được đề cao, việc rước lễ hằng ngày được khuyến khích, phong trào học Thánh Kinh lan tràn mạnh mẽ và làm nền tảng cho đời sống đạo đức. Trong những bài giảng thuyết của các giáo phụ, Lời Chúa được trưng dẫn rất nhiều, minh chứng giáo dân thời ấy thông thạo Thánh Kinh. Lòng sùng kính các mầu nhiệm của Chúa được cổ võ, nhất là những mầu nhiệm bị lạc thuyết phủ nhận. Lòng tôn sùng các thánh cũng được nêu cao, đặc biệt đối với các thánh tử đạo và tu hành. Còn việc tôn sùng Đức Maria được phát triển phong phú, qua nhiều tác phẩm văn chương Kitô giáo, đáng chú ý hơn cả là những thi ca của thánh Ephrem (306-373).

Đặc điểm trong sự biểu lộ lòng tôn sùng của thế kỷ IV là những cuộc hành hương và tôn kính hài cốt các thánh. Việc tôn kính các vị tử đạo phát triển mạnh. Trên mộ các thánh tử đạo, người ta xây cất các vương cung thánh đường đồ sộ (đền thờ thánh Phêrô ở Vatican). Rôma là một trong những trung tâm hành hương chính, nhất là vào dịp lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hoặc một vị tử đạo nổi tiếng. Đức Giáo hoàng Đamasô (366-384) khuyến khích các cuộc hành hương bằng cách tu sửa những hang Toại đạo.

Ở Đông phương, giáo dân đổ về Giêrusalem hành hương, nơi ghi lại những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, nhất là từ khi hoàng thái hậu Helena tìm thấy Thánh giá Chúa và xây dựng nhiều thánh đường.

2. Việc truyền giáo

Bước sang thế kỷ IV, sau khi đa số dân thành phố đã theo đạo, các Giám mục mở rộng việc truyền giáo về nông thôn, thay thế các đền thờ thần ngoại bằng nhà thờ. Ở miền Bắc Ý, thánh Virgiliô Giám mục thành Trentô đã sai nhiều nhà truyền giáo đến các làng mạc và những miền núi non hiểm trở. Ở Gaul, thánh Victri thành Rouen giảng đạo cho dân Flamand. Đặc biệt là thánh Martin (+397), Giám mục thành Tours, ngài thay thế các đền thờ thần ngoại bằng nhà thờ, thiết lập tu viện đầu tiên trên đất Gaul tại Ligugé (360) và nhiều tu viện khác. Ngài cùng với các đan sĩ đi khắp các vùng quê để rao giảng Tin Mừng. Khi ngài qua đời, rất nhiều làng mạc ở Gaul đã được nghe Tin Mừng, rất nhiều nhà thờ được xây dựng, nhiều họ đạo được thiết lập. Từ năm 313-400, số tòa Giám mục ở Bắc Ý tăng lên đáng kể từ 6 tòa lên 50 tòa, còn vùng Gaul từ 22 tòa lên 70 tòa.

Bên ngoài đế quốc, nhiều Giáo Hội địa phương đi vào ổn định: Giáo Hội Ba Tư đã được tổ chức lại sau Công đồng Bagdad (năm 410), Giáo Hội Armenia được thành lập vào thế kỷ IV nhờ sự đóng góp của thánh Mesrop (+441). Riêng Giám mục Wulfila (+383) đưa dân Germans (Đức) vào Kitô giáo nhưng thuộc lạc giáo Ariô.

III. Đời tu thuở ban đầu

Việc chấm dứt bách hại người Kitô hữu trong đế quốc Rôma cũng đưa đến kết quả là chấm dứt sự tử đạo. Trong thế kỷ IV một số anh hùng mới mẻ của đức tin xuất hiện: đó là các vị ẩn tu hay đan sĩ. Chữ “đan sĩ” được dịch từ tiếng Latinh “monos”: đan, độc, một mình.  Họ là những người đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu: đem bán tất cả của cải, phân phát cho người nghèo và đi vào sa mạc hoặc hoang địa, sống một mình trong cô tịch với Thiên Chúa. Cuộc sống ẩn dật và hy sinh như vậy được ví như một hình thức tử đạo, một cuộc tử đạo trắng. Phong trào này bắt đầu từ Ai Cập, bên Đông phương sau đó lan sang Tây phương.

1. Đời sống tu trì ở Đông phương

a. Thánh Phaolô ẩn tu (228-343)

Thánh Phaolô ẩn tu còn được gọi là thánh Phaolô thành Thebes. Ngài là người Ai Cập, sinh năm 228 tại miền hạ Ai Cập.

Ngài mồ côi khi mới 15 tuổi và phải sống ẩn trốn chính quyền vì cuộc bách hại người Kitô hữu. Khi được 20 tuổi, ngài đi vào sa mạc để ẩn náu vì anh rể của ngài tố cáo ngài với chính quyền nhằm chiếm đoạt tài sản của ngài. Tại sa mạc, ngài cảm nhận được ơn gọi ẩn tu nên ngài đã sống đời ẩn sĩ trong sa mạc đến cuối đời.

Thánh Phaolô ẩn tu. Tranh sơn dầu quãng năm 1656-1660
Thánh Phaolô ẩn tu. Tranh sơn dầu quãng năm 1656-1660

Khi về già, ngài được thánh Antôn viện phụ đến thăm và cũng chính thánh Antôn viện phụ đã chôn cất ngài khi ngài chết. Tài liệu về cuộc đời thánh Phaolô ẩn tu nằm trong cuốn “Cuộc đời Phaolô” (“Vita Pauli”) được viết bởi thánh Giêrônimô bằng tiếng Latinh và Hy Lạp.

b. Thánh Antôn viện phụ (251-356)

Thánh Phaolô ẩn tu là người khai sinh ra đời sống ẩn tu, nhưng chính thánh Antôn viện phụ là người đã phát triển phong trào này.

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai Cập, trong một gia đình giàu có và đạo đức.

Khi ngài được 18 tuổi thì cha mẹ ngài qua đời. Một hôm, ngài đến nhà thờ và nghe thấy câu Phúc Âm: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Về nhà, ngài đã bán hết của cải, đem phân phát cho người nghèo, rồi lui vào sa mạc, xa lánh cuộc sống đô thị phồn hoa, sống trong cô tịch, ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để tìm gặp Chúa. Sự thánh thiện của ngài đã thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Các ẩn sĩ sống cô tịch trong từng túp lều cách xa nhau trong sa mạc. Nhưng mỗi Chúa nhật họ lại quy tụ để làm việc thờ phượng và dùng bữa chung với nhau.

Thánh Antôn (bên trái) đến thăm thánh Phaolô ẩn tu. Tranh của Diego Rodriguez De Silva Y Velazquez
Thánh Antôn (bên trái) đến thăm thánh Phaolô ẩn tu. Tranh của Diego Rodriguez De Silva Y Velazquez

Các môn đệ đi theo thánh Antôn ngày càng tăng. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và muốn noi gương các vị tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ hơn nữa. Ngài tiến sâu hơn vào sa mạc, dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một túp lều nhỏ vừa đủ chỗ để ở. Đây là nguồn gốc đan viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một đan viện theo nghi lễ Cốp (Copte). Đây là một trong những đan viện cổ kính nhất thế giới. Khi ngài 90 tuổi, nhờ Thiên Chúa cho thị kiến về thánh Phaolô ẩn tu nên ngài đã đến thăm. Ngài qua đời lúc 105 tuổi. Những gì chúng ta biết được về cuộc đời thánh Antôn là do thánh Athanasiô kể lại.

c. Thánh Pacômiô (292-348)

Thánh Pacômiô là người sáng lập các đan viện sống thành cộng đoàn. Ngài sinh năm 292 ở Thebes, Ai Cập, trong một gia đình ngoại giáo. Ngài bị bắt đi lính và đưa xuống tàu theo sông Nil về Alexandria. Trên tàu, ngài bị một số chỉ huy và bạn bè đối xử tàn tệ, nhưng lại được các binh sĩ Kitô hữu đối xử tử tế. Cuộc gặp gỡ này đã chuyển hướng đời ngài. Hết hạn lính, ngài không trở về nhà, nhưng vào sống trong một ngôi đền bỏ hoang. Ngài chịu phép Rửa từ tay Palamon, một vị ẩn sĩ, nhưng vì thấy lối sống của Palamon quá khắc khổ, nên ngài đã đến đảo Tabennisi giữa sông Nil lập một tu viện riêng, đó là tu viện đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Phòng ở của các đan sĩ được bao quanh bằng một bức tường kín, nên tu viện này được gọi là nhà kín.

Thánh Pacômiô

Quy luật mà thánh Pacômiô lập ra cho tu viện của ngài không phải là lý thuyết cao xa, mà chỉ là những quy tắc ứng xử thường ngày. Nhưng những quy tắc đó đã ảnh hưởng trên đời sống tu trì nhiều thế kỷ sau này.

 Khi nhập tu viện, Pacômiô đặt cho mỗi người một tên mới và một con số. Cứ 24 người lập thành một nhóm, có một người đứng đầu. Các đan sĩ tự canh tác để sinh sống. Công việc lao động thường ngày của các đan sĩ là đan rổ, dệt chiếu và mền. Cuối tuần, sản phẩm tập trung về tu viện chính để mang ra chợ bán. Mặc dù thánh Pacomiô không đề cao việc trí thức, nhưng ngài buộc mọi đan sĩ ít nhất phải biết đọc để đọc được Sách Thánh. Pacômiô từ chối làm linh mục, vì thế, tu sĩ của ngài đều ở bậc giáo dân.

d. Thánh Basiliô Cả, Giám mục (329-379)

Thánh Basiliô Cả là người viết nên quy luật cho các tu viện. Ngài sinh năm 329 tại Cêsarêa, thủ phủ miền Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), trong một gia đình thánh thiện, bố là thánh Basiliô, mẹ là thánh nữ Emelia.

Sau khi cha qua đời, ngài được gửi đi Constantinopolis để học khoa hùng biện. Sau cùng, ngài đi Athena. Tại đây, ngài gặp thánh Grêgôriô thành Nazianze và hai người trở thành bạn thân của nhau. Sau khi hoàn tất các môn học, ngài dồn nỗ lực học Kinh Thánh và các giáo phụ.

Thánh Basiliô Cả đang đọc cho các môn sinh học thuyết của ngài.
Thánh Basiliô Cả đang đọc cho các môn sinh học thuyết của ngài. Tranh tại viện bảo tàng Louvre, Paris (1576-1656)

Lúc hai mươi bảy tuổi, ngài trở về quê nhà và biện hộ cho một vài vụ kiện. Tài lợi khẩu và thành công tưởng đã cột chặt ngài vào với pháp đình. Nhưng chị ngài là thánh nữ Macrina đã nói cho ngài biết về sự giả trá của những tài năng của cả loài người, và về những giá trị chân thực. Thế là ngài từ giã thế gian và đeo đuổi đời sống tu trì. Ngài đã viếng thăm các tu viện bên Đông phương để tìm kiếm gương mẫu và thầy dạy đường nhân đức. Một năm sau ngài trở về Cappadocia, rồi lui về miền Pont và thiết lập nhiều tu viện.

Bản qui luật ngài soạn ra cho các tu viện ngày nay vẫn còn được các tu viện Công giáo theo nghi lễ Byzantine áp dụng. Chính thánh Bênêđitô cũng chịu ảnh hưởng bản luật của thánh Basiliô qua bản dịch tiếng Latinh của Ruffinô. Thánh Basiliô chỉ sống năm năm như tu sĩ trong viện. Nhưng những việc ngài đã làm, đã viết là phần thành công trực tiếp và lâu bền nhất trong công trình đời ngài.

2. Đời sống tu trì ở Tây phương

Phong trào đan viện hay khổ tu dần dần lan rộng khắp Đế Quốc Rôma. Đời sống đan viện chứng minh rằng người Kitô không chỉ sống cho sự thành công hoặc vui thú ở đời này nhưng còn để thờ phượng Thiên Chúa và chuẩn bị cho sự sống đời sau. Thời ấy, các đan sĩ được các Kitô hữu kính trọng như các vị tử đạo mới, các nhân chứng mới cho Đức Kitô.

Mặc dù các đan sĩ đi vào sa mạc để thoát khỏi thế gian, một số được gọi trở lại để phục vụ với tư cách Giám mục, là các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Nhiều vị Giám mục vĩ đại của Đông phương và các Giáo hoàng cũng như các Giám mục Tây phương trong thế kỷ kế tiếp cũng đã xuất thân từ các đan viện.

a. Thánh Martinô, Giám mục thành Tours (315-397)

Thánh Martinô là người lập đan viện đầu tiên ở Âu châu. Ngài sinh khoảng năm 315 ở Sabaria miền Pannonia nay là Hungari, trong một gia đình ngoại giáo. Cha ngài là một sĩ quan Rôma.

Lúc 15 tuổi, Martinô nhập ngũ và được phái sang miền Gaul. Mặc dù chưa được rửa tội, nhưng trong trại lính, Martinô vẫn sống gương mẫu như một Kitô hữu. Ngài thường phân phát một phần tiền lương cho người nghèo. Một ngày mùa đông, ngài gặp một người ăn xin trần truồng ở cửa thành Amiens. Ngài nói: “Tôi chẳng có gì ngoài áo quần và khí giới”. Thế rồi ngài rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng trên mình cho người ăn xin.

Năm 20 tuổi, Martinô chịu phép rửa tội, nhưng vẫn phải ở lại trong quân đội. Năm 339, Martinô được giải ngũ.

Thánh Martinô. Tranh của hoạ sĩ Antoon van Dijck

Danh tiếng của thánh Hilariô Giám mục Poitiers đã thu hút Martinô trở thành môn đệ của ngài. Nhưng vì ao ước cho cha mẹ trở lại đạo, nên Martinô đã trở về Pannonia. Mẹ ngài trở lại, nhưng cha ngài thì không. Sau khi bị những người đồng hương bắt và đánh đòn, ngài đi Gaul. Khi nghe tin thánh Hilariô bị bắt đi đày, ngài chạy trốn vào một hoang đảo gần Ghênes. Sau này, ngài gặp lại thánh Hilariô trên đường lưu đày trở về. Năm 361, dưới sự bảo trợ của thánh Hilariô, ngài đã xây dựng một đan viện ở Ligugé, gần Poitiers. Đây là đan viện đầu tiên ở Âu châu.

Đan viện Ligugé hay còn gọi là đan viện thánh Martinô
Đan viện Ligugé hay còn gọi là đan viện thánh Martinô

Nổi tiếng vì sự thánh thiện nên ngài được chọn làm Giám mục thành Tours. Càng nặng trách nhiệm ngài càng cảm thấy cần hồi tâm. Năm 372, ngài lập tu viện Marmoutiers.

Ngài mất ngày 8 tháng 11 năm 397 và được an táng tại Tours.

b. Thánh Giêrônimô (347-419)

Thánh Giêrônimô là ông tổ của mẫu đan sĩ dấn thân phục vụ văn hóa Kitô giáo.

Ngài sinh năm 347, trong một gia đình ngoại giáo giàu có tại Stridon gần Aquileia, miền Dalmatia, thuộc nước Nam Tư. Lớn lên ngài được gửi đi du học ở Rôma. Tại đây, ngài được Đức Giáo hoàng Liberiô rửa tội năm 360.

Sau khi học thêm ở Treves, ngài đi Gaul và trở thành nhà khổ tu ở Aquileia vào năm 370. Năm 374, khi đang định cư ở Antiôkia, sau một cơn bệnh nặng, ngài có một thị kiến về Chúa Kitô yêu cầu ngài đến Chalcis trong sa mạc Syria. Ngài đến Chalcis, sống ẩn tu ở đó 4 năm, đắm mình trong chay tịnh, cầu nguyện, học tiếng Hípri và viết về cuộc đời thánh Phaolô ẩn tu.

Thánh Giêrônimô (347-419)
Thánh Giêrônimô (347-419)

Sau đó, ngài đến Constantinopolis để học Thánh Kinh với nhà thần học lừng danh là thánh Grêgôriô Nazianze. Năm 382, ngài được mời đi Rôma để tham dự Công đồng. Đức Giáo hoàng Đamasô đặt ngài làm thư ký riêng và trao cho ngài trách nhiệm phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh (bản Vulgata). Cũng tại Rôma, ngài truyền bá đời sống đan tu cho các bà quý tộc Rôma và dạy họ tiếng Hípri.

Năm 385, thánh Giêrônimô và nhóm phụ nữ của ngài đi hành hương đến Palestine và thăm các đan viện ở Ai Cập. Năm 386, ngài và nhóm phụ nữ định cư ở Bêlem. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrônimô, họ lập một tu viện, đứng đầu là thánh nữ Paula. Nhờ những cố gắng của ngài, Thánh Kinh đã trở nên của ăn tinh thần cho đan sĩ. Năm 419, quân Hung Nô chiếm Palestine, phá hủy tu viện của ngài tại Bêlem và ngài đã tạ thế tại đây.

c. Thánh Augustinô, Giám mục Hippô (354-430)

Thánh Augustinô là người nối kết đời linh mục triều với đời đan tu. Ngài sinh năm 354 tại Thagaste, Numidia, nay là Souk Ahras, nước Angiêri, Bắc Phi. Cha ngài là một người ngoại giáo, còn mẹ ngài là thánh Monica, một người mẹ đạo đức.

Thánh Augustino
Thánh Augustino

Lớn lên, ngài được gửi đi học ở Carthagô. Tại đây, Augustinô sống với một thiếu nữ và có một đứa con. Augustinô đi theo lạc giáo Manikê. Năm 30 tuổi Augustinô trở thành một nhà hùng biện tài giỏi, ngài muốn đem tài năng của mình ra thi thố tại Rôma. Tại Milanô, Augustinô đã được gặp thánh Ambrôsiô, người đã thay đổi hoàn toàn đời sống của Augustinô. Lời cầu nguyện chân thành của người mẹ thánh thiện đã được Chúa nhậm lời: Augustinô đã được chịu phép rửa tội trong đêm Phục sinh năm 387.

Sau khi trở lại, Augustinô đã sống đời đan tu cùng với một số bạn hữu. Sau này, dù được tấn phong làm Giám mục thành Hippô (nay là thành phố Annaba, Angiêri, Bắc Phi), thánh Augustinô vẫn sống như một đan sĩ. Ngài áp dụng những nét chính của đời tu cho hàng giáo sĩ địa phận. Ngài cũng đã thảo ra một quy luật cho các đan sĩ mà ngài sống chung với họ dưới hình thức những bức thư. Bộ luật của thánh Augustinô là tổng hợp những lời khuyên tổng quát về đời sống tu sĩ, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

d. Thánh Gioan Cassianô (360-435)

Thánh Gioan Cassianô là người đã thích ứng luật đời sống đan tu của Đông phương cho Tây phương.

Ngài sinh năm 360 tại vùng Scythia, nay là Dobrogea, Rômania, trong một gia đình giàu có. Ngài nhận được một nền giáo dục tốt, thông thạo tiếng Latinh và Hy Lạp.

Năm 380, ngài đến Palestine và sống đời ẩn tu gần Bêlem. Sau đó, ngài chuyển đến sống với các đan sĩ trên sa mạc Scete ở Ai Cập. Năm 400, ngài gia nhập nhóm môn đệ của thánh Gioan Kim Khẩu và đến Rôma để bào chữa cho thánh nhân trước Đức Giáo hoàng Innôcentê I.

Sau khi chịu chức linh mục ở Rôma, ngài đến miền nam nước Pháp, gần Marseille, lập một đan viện dành cho nam giới, sau này được gọi là đan viện Saint-Victor, và đan viện Saint-Sauveur dành cho nữ giới. Việc tổ chức hai đan viện này đã thúc đẩy ngài viết cuốn Qui chế dòng tu.

 Ngài còn viết cuốn Những cuộc đàm thoại với các nhà đại tu hành trên sa mạc. Hai tác phẩm này đã được thánh Bênêđitô ca ngợi và dùng làm tư liệu để soạn thảo cho quy luật nổi tiếng của mình. Tư tưởng của Gioan Cassianô vẫn còn ảnh hưởng trên đời sống thiêng liêng của hàng tu sĩ trong Giáo Hội Tây phương. Thánh Gioan Cassianô chết năm 435 tại Marseille.

e. Thánh Bênêđictô (Biển Đức) (480-547)

Thánh Bênêđictô (tiếng Việt thường gọi là Biển Đức), được coi là tổ phụ các dòng tu bên Tây phương.

Ngài sinh năm 480, trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Ý. Năm 14 tuổi, ngài được gửi tới Rôma để bổ túc việc học. Chán cảnh suy đồi của Rôma, ngài vào rừng Subiacô và sống ẩn tu ở đó. Danh tiếng của ngài lan rộng tới Rôma. Nhiều người tìm đến xin làm môn đệ. Tiếp nhận họ, ngài đã phải thiết lập 12 tu viện nhỏ. Đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn.

Chân dung thánh Benedict
Chân dung thánh Benedict

Khoảng giữa năm 520, ngài cùng với vài người bạn rời Subiacô tới Cassinô. Trên núi Cassinô có một ngôi đền cổ và một cánh rừng dâng kính thần Apollô. Ngài rao giảng Tin Mừng cho dân cư vùng này và phá rừng khai hoang. Sau khi triệt hạ ngôi đền cổ, ngài đã thiết lập hai nhà nguyện kính thánh Gioan Tẩy giả và thánh Martinô. Đó là nguồn gốc của đan viện nổi tiếng Montê Cassinô, nơi phát sinh dòng Biển Đức.

Thánh Bênêđictô đã sống tại đây cho tới hết đời. Cũng tại đây, ngài đã trước tác một bộ luật dòng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tu trì của Giáo Hội. Theo luật sống này, một ngày của tu sĩ được phân phối cho ba hoạt động chính là cầu nguyện, học hành và lao động.

Thành tựu lớn nhất của thánh Bênêđictô là bản “Tu luật thánh Biển Đức”. Ngày nay, bản tu luật này vẫn còn ảnh hưởng trên nhiều dòng tu ở Tây phương. Chính vì thế, thánh Bênêđictô được tôn vinh là Tổ phụ của nếp sống đan tu Tây Phương.

Tu viên Monte Cassino, phục dựng sau Thế Chiến II
Tu viên Monte Cassino, phục dựng sau Thế Chiến II

Tóm tắt

I. TỪ TỰ DO TÔN GIÁO ĐẾN QUỐC GIÁO

1. Chiếu chỉ Milanô 313

Năm 313, Hoàng đế Constantine I ra chiếu chỉ cho phép tự do tôn giáo trong đế quốc, chấm dứt việc bách hại Kitô giáo từ năm 64, kéo dài 2 thế kỷ rưỡi. Hoàng đế cũng ra lệnh trả lại cho Giáo Hội các tài sản đã tịch thu, trả lương cho các linh mục, tặng bổng lộc và trao quyền xử án cho hàng giáo sĩ cao cấp, cho các công chức, tòa án, thợ thuyền được nghỉ ngày Chúa nhật. Ông cũng tặng Giáo hoàng cung điện Latêranô, cho xây cất các vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô, Đền thánh Phêrô, v.v…

2. Kitô giáo trở thành quốc giáo

Năm 380, Hoàng đế Theodosius I tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo.

Từ năm 325, Chúa nhật và các ngày lễ lớn của Kitô giáo cũng là những ngày lễ nghỉ của cả nước. Kitô giáo có ảnh hưởng trong pháp chế, nhất là về gia đình. Tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ với những người nghèo, bất hạnh phổ biến trong xã hội. Các Kitô hữu quan tâm đến vấn đề thành lập các tổ chức từ thiện.

3. Vai trò của các Hoàng đế Công giáo

Các Hoàng đế có những ảnh hưởng lớn trên Giáo Hội, can thiệp vào chuyện nội bộ của Giáo Hội, triệu tập Công đồng. Các Hoàng đế hậu thuẫn cho công cuộc truyền giáo không những trong đế quốc mà cả những nơi Giáo Hội đang muốn cảm hóa dân Man di.

II. PHỤNG VỤ VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO

1. Phụng vụ

Bí tích Giao hoà. Tiến trình sám hối vẫn giữ nguyên nhưng quy tắc luật lệ dần dần xác định rõ hơn, nhằm sửa chữa những lạm dụng và chống lại những độc đoán.

Bí tích Thêm sức. Việc đặt tay và xức dầu sau Rửa tội (tức là bí tích Thêm sức) được tách ra khỏi bí tích Rửa tội để làm nổi bật hơn vai trò của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Hội Thánh sống và làm chứng cho Đức Kitô. Chỉ có Giám mục là người được quyền ban bí tích Thêm sức.

Thánh lễ ngày càng trang trọng hơn vì sự lộng lẫy của đền thờ, phẩm phục và đồ vật dùng trong phụng vụ. Các bài đọc, bài giảng và rước kiệu, ngày càng nhiều. Nhiều nhà thờ cử hành Thánh lễ mỗi ngày. Các Kitô hữu được khuyến khích rước lễ hằng ngày.

Đến thế kỷ IV, ngoài ba lễ chính: Chúa nhật, Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng thêm lễ Giáng sinh, Hiển linh và các lễ khác kính các thánh.

Các việc đạo đức. Phong trào học Thánh Kinh lan tràn mạnh mẽ. Lòng sùng kính các mầu nhiệm của Chúa được cổ võ. Lòng tôn sùng các thánh cũng được nêu cao, đặc biệt đối với các thánh tử đạo và tu hành, tôn kính hài cốt các thánh. Việc tôn sùng Đức Maria cũng phát triển.

Thế kỷ IV các tín hữu bắt đầu tổ chức những cuộc hành hương đến Đất Thánh (Giêrusalem).

2. Việc truyền giáo

Việc truyền giáo mở rộng về nông thôn. Tại Gaul, thánh Victri thành Rouen giảng đạo cho dân Flamand. Thánh Martin (+397), Giám mục thành Tours thiết lập tu viện đầu tiên tại Gaul ở Ligugé và nhiều tu viện khác. Từ năm 313-400, số tòa Giám mục ở Bắc Ý tăng lên đáng kể từ 6 tòa lên 50 tòa, còn vùng Gaul từ 22 tòa lên 70 tòa.

III. ĐỜI TU THUỞ BAN ĐẦU

Trong thế kỷ IV bắt đầu xuất hiện đời sống ẩn tu hay đời sống đan tu. Phong trào này bắt đầu từ Ai Cập, bên Đông phương sau đó lan sang Tây phương.

Những đan sĩ nổi tiếng bên Đông phương gồm có: Thánh Phaolô ẩn tu (228-343) người Ai Cập, khai sinh đời ẩn tu; Thánh Antôn viện phụ (251-356) người Ai Cập; Thánh Pacômiô (292-348) người Ai Cập, sáng lập các đan viện sống thành cộng đoàn; Thánh Basiliô Cả, Giám mục (329-379) người Thổ Nhĩ Kỳ, viết nên quy luật cho các tu viện.

Phong trào đan viện hay khổ tu dần dần lan rộng khắp Đế quốc Rôma. Mặc dù các đan sĩ đi vào sa mạc để thoát khỏi thế gian, một số được gọi trở lại để phục vụ với tư cách Giám mục, là các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Nhiều vị Giám mục vĩ đại của Đông phương và các Giáo hoàng cũng như các Giám mục Tây phương trong thế kỷ kế tiếp cũng đã xuất thân từ các đan viện.

Những đan sĩ nổi tiếng bên Tây phương gồm có: Thánh Martinô, Giám mục thành Tours (315-397), người Hungari, lập đan viện đầu tiên ở Âu châu; Thánh Giêrônimô (347-419) người Nam Tư, ông tổ của mẫu đan sĩ dấn thân phục vụ văn hóa Kitô giáo; Thánh Augustinô, Giám mục Hippô (354-430), người Angiêri, nối kết đời linh mục triều với đời đan tu; Thánh Gioan Cassianô (360-435) người Rômania, thích ứng luật đời sống đan tu của Đông phương cho Tây phương; Thánh Bênêđictô (Biển Đức) (480-547), người Ý, tổ phụ nếp sống đan tu Tây Phương.

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

giot nuoc mat chua giesu

Tâm sự của giọt nước mắt đã lăn trên gò má Chúa Giêsu

Hạt suy tư ĐỂ KHÍCH LỆ NIỀM TIN vào Chúa Giêsu và cuộc sống “Trong ...

Đi tìm đức tin đã mất

Đức tin của người trẻ và những cơn khủng hoảng Chủ nghĩa tiêu thụ, xu ...

Vẽ lên dịu dàng

Một buổi sáng, tôi đi tiêm vắc xin tại một bệnh viện chưa từng đến bao giờ. Khung cảnh khá đông đúc ồn ào vì khu vực tiêm cũng khá nhỏ hẹp. Sau khi tiêm cho tôi, vị bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít đã nói gì đó mà tôi nghe không rõ. Tôi đứng lên hơi lơ mơ một chút và bước đi vô định, bỗng một tiếng quát lớn: “Nói đi về phía sau ngồi chờ mà không nghe hả? Nói tiếng Việt chứ có phải tiếng Anh đâu bộ không hiểu tiếng Việt hả?” Tôi chợt hiểu là vị bác sĩ đó nói với tôi. Vội vàng đi về phía dãy ghế cô vừa chỉ, ngồi xuống và ngẫm nghĩ.

Tâm sự người linh mục

Chia sẻ về cuộc đời và ơn gọi

than hoc luan ly

Vài nét sơ lược về thần học luân lý

Thần Học Luân Lý là một phần trong khoa thần học. Thần học luân lý ...

chúa giêsu cầu nguyện

Chúa Giêsu, con người của cầu nguyện

Chúa Giêsu là con người của cầu nguyện. Ngài đã sống và dạy chúng ta cầu nguyện liên lỉ, không được nản lòng. Tác giả Hạt bụi tro gợi ý 4 đặc điểm của sự cầu nguyện nơi Chúa Giêsu

Để lại bình luận