DẪN NHẬP TỔNG QUÁT
Thế giới ngày nay đưa ra nhiều vấn đề hoàn toàn mới mẻ, đôi khi lại thật khó khăn giải quyết về mặt luân lý. Điều này rất đúng trong các lãnh vực liên quan đến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và y khoa. Đặc biệt nhờ vào các khám phá mới, và vì có được các dụng cụ và phương tiện máy móc tiên tiến về y khoa, cũng như trong các lãnh vực khác về kỹ thuật mà con người hôm nay đã tạo nên được các bước nhảy vọt về một số mặt, đáng chú ý nhất là ngành điện tử, cụ thể là sự xuất hiện của các máy vi tính và hệ thống internet, kỹ thuật không gian và sự tiến triển không ngừng của y khoa. Tuy nhiên điều này cũng phát sinh và tạo nên một số vấn nạn luân lý mà dường như trước đây, Kinh thánh hoặc các truyền thống giáo phụ, chưa bao giờ có thể suy đoán được.
Từ năm 1960, xã hội đã có một biến chuyển lớn trong lãnh vực Đạo Đức Sinh Học (ĐĐSH). Nhờ vào môn học mới mẻ này mà người ta bắt đầu quan tâm và đặt câu hỏi cho một số vấn đề liên quan đến y khoa. Thí dụ nhờ vào việc phát minh và chế tạo thành công loại thuốc trụ sinh, máy hô hấp nhân tạo và cấy ghép các bộ phận như tim, thận… Con người gần đây có thể duy trì đời sống sinh vật (Biological existence) dường như vô tận, ngay cả khi mà bệnh nhân đang ở trong tình trạng hôn mê bất tỉnh nhân sự (deep coma) hoặc trong đời sống thực vật vĩnh viễn (Persistent Vegetative State (PVS). Trong các thế hệ trước đây, nếu ai trong chúng ta rơi vào một trong các tình trạng nói trên, có lẽ đã phải bằng lòng ra đi cách êm đềm trong bàn tay từ ái của Thiên Chúa.
Như đã đề cập ở trên, một trong những yếu tố góp phần vào đã tiến triển mạnh của ngành Đạo Đức Sinh Học, đó chính là sự giới thiệu các phương tiện kỹ thuật mới trong ngành y, điều này cùng lúc tạo nên các vấn đề nan giải về phương diện luân lý. Trong thập niên 60, máy lọc thận được giới thiệu và đưa vào hoạt động trong các bệnh viện, tuy nhiên, máy này chỉ được cung cấp cho một số bệnh nhân nào đó mà thôi, chứ không thể đáp ứng cho hết thảy mọi bệnh nhân mang chứng bệnh đau thận, hoặc thận bị hư hỏng. Vì lý do đó, người ta cần thanh lọc và cứu xét xem ai là người đủ tiêu chuẩn để có thể sử dụng các loại máy đó. Liền lập tức một trung tâm về máy lọc thận được thành lập, và những người làm việc trong các trung tâm đó, có bổn phận và trách nhiệm phân chia ngân quỹ còn bị rất nhiều giới hạn và tuyển lựa xem ai, là người đủ tiêu chuẩn để xứng đáng nhận các phương tiện trị liệu, bằng các máy móc hiện đại này, cũng như ai là ngừơi sẽ bị từ chối. Một số người cảm thấy các vấn đề trên không chỉ đơn thuần là về lãnh vực y khoa, mà nó cần sự tham vấn của các triết gia, các nhà lãnh đạo tinh thần, và đông đảo thành viên của cộng đồng.
Và rồi vào khoảng giữa thập niên 60 việc ghép tim và máy hô hấp nhân tạo lại một lần nữa đặt ra các vấn nạn hóc búa và khó giải quyết về sự kiện cụ thể là khi nào thì người ta/ bệnh nhân thực sự chết và chúng ta cần kéo dài sự sống của các bện nhân cho đến bao lâu? Những câu hỏi như khi nào thì ta có thể đình chỉ hay ngưng chữa trị cho các bệnh nhân mà xét thấy cơ may sống sót của họ rất mong manh, hoặc chí ít là khi việc kéo dài sự sống của họ sẽ làm cho họ thêm đau đớn thể xác, đặc biệt là khi ta phải đối xử với các bệnh nhân không còn khả năng hay không còn tỉnh táo nữa. Trong một vài trường hợp như vậy, bác sĩ và gia đình đôi khi không thể giải quyết vấn đề cách êm đẹp bèn phải chạy đến toà án để tham kiến.
Một sự kiện nữa là ngày nay những khoa học mới về y khoa, đã góp phần vào việc thay đổi sự việc con người được cưu mang và sinh sản. Và điều này cũng tạo nên vô số vấn đề nan giải cho các bác sĩ, cha mẹ tương lai và cho cộng đồng nói chung. Những tiến bộ y khoa trong các kỹ thuật mới về sinh sản và di truyền học đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh có thể thụ thai và cưu mang con riêng của họ qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc sử dụng tinh trùng hay trứng của người cho/ hiến tặng ngay cả việc thuê mướn một phụ nữ khác mang thai hộ cho vợ của họ. Và có lẽ không bao lâu nữa họ sẽ nhờ các khoa học gia thực việc nhân bản vô tính người cho chính họ [1]
Do đó với những phát triển vượt bậc trong lãnh vực kỹ thuật y-sinh đã đề ra và nêu lên một số các vấn nạn liên quan đến các vấn đề, tỉ dụ như vai trò làm cha mẹ và kỹ thuật sinh sản mới, việc gây nên cái chết êm dịu cho bệnh nhân (An tử) và quyết định cho ngưng các chữa trị nhằm kéo dài sự sống vô ích. Việc sử dụng tế bào gốc lấy từ phôi nhằm cấy ghép cho các cơ mô hay các tế bào không còn hoạt động nữa. Mỗi một lãnh vực này đều đưa ra các vấn nạn khó xử xét về mặt luân lý. Lẽ đó chúng ta cần đào sâu và am tường thấu đáo bộ môn Đạo Đức Sinh Học. Đây là vấn đề hiện đang gây sự chú ý và quan tâm của các nhà thần học luân lý và các triết gia, cũng như các thành viên y khoa và các nhà chịu trách nhiệm về luật pháp. Họ cùng nhau suy tư và nỗ lực đưa ra các phương hướng và cách thức giải quyết sao hợp tình, hợp lý đối với các vấn đề nan giải nói trên, nhất là trong phương cách sử dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại trong y khoa. Tất cả các kỹ thuật tân tiến trong ngành y đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Điều quan trọng là làm sao ta khôn ngoan và sáng suốt đủ để biết áp dụng các điều đó một cách hợp lý và nhân bản cho cộng đồng nhân loại.
Cho nên tôi mạn phép và hết sức khiêm tốn xin được trình bày một số đề tài trong lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, mà hiện nay đang gây sự chú và quan tâm cho nhiều giới: từ xã hội cho đến tôn giáo, nói tóm lại là cả đời lẫn đạo. Những vấn đề này đã và đang gây tranh cãi tại nhiều nơi trên thế giới, cho nên, tôi thiết nghĩ sẽ không dễ gì để chúng ta có được một câu trả lời cho chính xác và thoả đáng. Dù biết thế đi chăng nữa, tôi cũng sẽ hết sức cố gắng để tìm tòi nghiên cứu và sắp xếp các bài viết của mình, sao cho nó có thứ tự và mạch lạc để cống hiến cho quý vị độc giả và các bạn trẻ người Việt. Tôi hy vọng rằng: những đề tài mà tôi sắp sửa trình bày ngang qua các bài viết của mình trong thời gian tới đây sẽ gây được sự hứng thú và đánh động óc tò mò của quý vị và các bạn trẻ, và tôi hy vọng sau này, nếu như quý vị có cơ hội và thời gian thì quý vị và các bạn trẻ sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa để có thể am tường và hiểu sâu sắc hơn về bộ môn Đạo Đức Sinh Học. Tôi cầu chúc cho toàn thể quý vị độc giả, nhất là các bạn trẻ luôn có được một tinh thần cởi mở và biết tiếp thu những gì là mới mẻ, hầu nâng cao trình độ và kiến thức cho chính mình, nhằm giúp cho cuộc sống của quý vị trở nên phong phú và ý vị hơn mỗi ngày.
[1] . Hiện nay theo như tôi được biết thì chưa có một quốc gia nào trên thế giới chấp thuận hoặc cho phép các khoa học gia nhân bản vô tính người, vì đây là điều hoàn toàn trái nghịch với đạo đức y khoa. Một số quốc gia, thông qua quốc hội đã hợp pháp hoá việc cho nhân bản phôi hầu sử dụng cho việc thâu hoạch tế bào gốc phôi cho các công trình nghiên cứu, nhưng luật đòi buộc là các chuyên gia và bác sĩ chỉ được duy trì phôi ấy trong vòng 14 ngày mà thôi, sau đó phải huỷ diệt, chứ không được phép cho phôi tiếp tục cho phát triển sau ngày thứ 14.
Cha Trần Mạnh Hùng, STD.