Những nhà văn lỗi lạc thì họ lỗi lạc một phần là vì sáng tạo ra những nhân vật có tính biểu tượng cao. Những nhân vật có tính biểu tượng cao là khi đọc về họ bạn thấu hiểu được điều mà họ biểu tượng. Giám mục Myriel trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ là một nhân vật như thế. Và điều mà ông biểu tượng là hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng xót thương.
Vài nét về tác phẩm Những Người Khốn Khổ
Đây là tác phẩm rất nổi tiếng, dù đã đọc nó hay chưa thì chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe tới cái tên này. Nó đã được soạn thành nhạc kịch trình diễn khắp các sân khấu, dựng thành phim chiếu trên toàn thế giới, dưới một cái tên khác có lẽ còn phổ biến hơn: Les Miserable.
Victor Hugo viết Những Người Khốn Khổ vào cuối thế kỷ 19, khoảng 150 năm trước, mô tả bức tranh xã hội Pháp, với một bên là tông màu tăm tối của sự bất công, nghèo đói, khốn khổ của các tầng lớp dân chúng, sự hà khắc của chế độ cầm quyền, và bên kia là tông màu hy vọng của tình người và những giá trị nhân văn. Chẳng riêng gì xã hội Pháp, những gì mà Victor Hugo mô tả, những nhân vật sống trong câu chuyện của ông, thì xã hội nào cũng thế, thời nào cũng vậy. Vậy nên Những Người Khốn Khổ vượt khỏi giới hạn không gian để trở thành tiếng nói chung của nhân loại, vượt lên trên thời gian và trở thành bất hủ.
Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, tác phẩm kinh điển là tác phẩm ai cũng khen nhưng mà không ai đọc. Những Người Khốn Khổ dài hơi, tình tiết chậm rãi và thường bị xen ngang bởi những đoạn độc thoại nội tâm có khi dài tới cả chương, điển hình của những tác phẩm kinh điển phương Tây. Có lẽ để theo tới những trang cuối cùng, bạn thực sự cần kiên nhẫn, thư thả, và thời gian. Chẳng dễ gì trong thời buổi sống vội và mọi thứ phải diễn ra nhanh chóng như ngày nay khi mà ai ai cũng bận rộn.
May mắn là bạn không cần phải đọc hết tác phẩm thì mới biết hết câu chuyện. Rất nhiều nhân vật chỉ xuất hiện trong một vài chương và không bao giờ trở lại. Mỗi người lại “khốn khổ” theo một cách nào đó, đồng thời mang một giá trị cao quý nào đó.
Đức cha Myriel là nhân vật quan trọng đầu tiên mà bạn sẽ gặp ngay những chương đầu. Theo dõi câu chuyện của ngài hẳn bạn sẽ nhận ra hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu và đầy lòng xót thương. Lòng xót thương ấy có khả năng chữa lành ngay cả những tâm hồn đau khổ nhất, thù hận nhất, và đổ đầy tình yêu vào ấy, như tâm hồn của nhân vật Jean Vanjean mà bạn sẽ thấy.
Đức cha Myriel là ai?
Victor Hugo, ngay những dòng đầu tiên của tác phẩm, giới thiệu:
Năm 1815, ông Sáclơ Frăngxoa Biêngvơnuy Mirien làm giám mục ở Đinhơ. Đó là một ông lão chừng bảy mươi lăm tuổi, được cử về đây từ năm 1806.
(Bản dịch của NXB Văn Học. Các trích đoạn trong bài đều lấy từ bản dịch này)
Ngài là giám mục giáo phận Đinhơ (Digne). Nhưng giám mục thì có gì đáng nói?
Tinh thần khó nghèo
Điều khác biệt là lối sống của ngài. Trái với các giám mục đương thời, vốn nắm cả thần quyền lẫn thế quyền vào thời gian ấy, và thực hành lối sống xa hoa, trịnh thượng, đức cha Myriel chọn đời sống thanh bần, và quảng đại đến mức tự biến mình thành một kẻ nghèo khó.
Tất cả bổng lộc Giám mục, 15.000 Franc một năm, ngài đều dùng cho công việc thiện nguyện:
- Cấp cho chủng viện 1500 Franc
- Hội giảng đạo 100
- Hội đức Thánh Thần 100
- Công cuộc cải thiện nhà lao 400
- Công uộc ủy lạo và phóng thích tù nhận 500
.v.v.
Chỉ giữ lại 1000 để chi dùng cho đời sống hàng ngày của ngài trong một năm, cùng hai chị giúp việc ở chung. Mà hai bà này phải tằn tiện đến từng đồng xu mới lo nổi bữa cơm hàng ngày cho ngài.
Bên cạnh tòa giám mục có một bệnh viện nhỏ, nhiều bệnh nhân nhưng lại ít giường nằm. Ngài giám mục kiên quyết nhường lại dinh giám mục rộng lớn làm bệnh viện, còn bản thân ngài thì dọn sang căn phòng nhỏ của nhà thương để ở.
Các khoản linh tinh như xin lễ, kết hôn, giảng phòng v.v. thì ngài hết sức tranh thủ với phương châm “cần làm phúc cho kẻ nghèo bao nhiêu thì ông ráo riết thu của người giàu bất nhiêu.”
Lối sống đó của đức cha khiến ngài “hóa ra người thủ quỹ chung của các nhà hảo tâm và phát ngôn viên của những người cùng khốn”. Ai cũng đến gõ cửa nhà giám mục. Và tuy ngài nhận rất nhiều tiền góp, nhưng lối sống và 1000 Franc chi tiêu cá nhân không thay đổi chút nào.
Phòng ngủ của đức cha rộng quá, mà mùa đông ở Pháp thì rất lạnh phải có củi sưởi. Nhưng củi thì đắt nên đức cha nghĩ ra một cách rất độc đáo. Ngài ngăn chuồng bò làm hai, che kín lại bằng vách. Hôm nào trời lạnh quá thì ngài xuống đó ở.
Và cũng theo lối sống thanh bần ấy, hầu như mọi gian phòng trong tòa giám mục đều giản tiện hết sức có thể, đồ đạc chỉ vừa đủ dùng. Đáng kể nhất trong số những gì mà đức cha có chỉ là bộ đồ ăn và hai chân đèn bằng bạc. Mà tất là cũng là đồ thừa tự của cô em gái sống với ngài.
Đó là vài nét về tinh thần khó nghèo của Đức cha Myriel. Ngài ở vào địa vị rất tôn quý, nhưng sống như một người bình dân. Thay vì tận hưởng những tiện nghi mà chức giám mục có thể mang lại, ngài dùng khả năng ấy giúp đỡ mọi người cách hiệu quả.
Tinh thần phục vụ
Tinh thần nghèo khó đã thế, tinh thần phục vụ của ngài còn đáng kể hơn.
Ngài được cấp 3000 Franc dùng làm “lộ phí” đi thăm mục vụ các xứ trong địa phận. Thường tiền này dùng để mua xe ngựa, hay mua vé tàu, cho các đức cha di chuyển. Nhưng với tinh thần nghèo khó nói bên trên, số tiền “mãi lộ” ấy ngài cũng đem chia hết cho những người cần tới, không giữ lại một đồng nào.
Tiền thì cho rồi, nhưng đi kinh lý thì ngài vẫn đi, và đi bằng bất cứ phương tiện nào có thể thu xếp được, kể cả đi bộ.
Giáo phận Đinhơ là vùng “đồng bằng thì ít, núi non thì nhiều… lại tới ba mươi hai xứ, bốn mươi mốt họ, và hai trăm tám mươi lăm chi. Đi thăm hết thẩy bấy nhiêu là cả một vấn đề. Ông giám mục vượt qua được tất cả.” Gần thì ngài đi bộ, xa thì đi xe bò, leo núi thì cưỡi la. Ngài chẳng nề hà điều gì. Và thường ngài đi một mình, không tiền hô hậu ủng, không cần người phụ giúp. Lắm khi người ta không tin được cái người cưỡi lừa vừa tới lại là giám mục. Những kẻ giàu thường giễu cợt ngài bắt chước Chúa Giêsu cưỡi lười, nhưng ngài chỉ đáp lại nhẹ nhàng: “Tôi chẳng thể làm khác được.”
Đến xứ nào thì đức cha cũng thân mật và hiền hòa với bà con giáo dân, chuyện trò nhiều hơn là giảng đạo. Cách ngài giảng dạy cũng thật gần gũi và dễ hiểu. Ngài chẳng bao giờ đặt một đức tốt nào một chỗ mà không ai với tới được, và thường tìm được ngay những ví dụ sống động cho điều ngài muốn dạy. Nói chuyện với dân xứ này, ngài thường nêu gương dân xứ bên cạnh, có lẽ nên dẫn ra đây một đoạn về cách giảng dạy của ngài, rất giống với Chúa Giêsu, ít nói đạo lý nhưng kể nhiều ví dụ, ít lời mà nhiều hình ảnh.
Ở những tổng mà người ta hẹp lòng đối với kẻ túng bấn, ông nói: – “Hãy xem người Briăngxông. Họ cho người nghèo, đàn bà góa, trẻ mồ côi quyền được cắt cỏ ở các đồng cỏ của họ trước mọi người khác ba ngày. Nhà cửa có bị đổ nát thì họ cất giùm lại cho, không lấy tiền. Vì thế, xứ ấy là một xứ được Chúa ban ân. Suốt một thế kỷ, một trăm năm nay, không hề có lấy một kẻ giết người”.
Đức mến của ngài Giám mục
Đức khó nghèo và đức hy sinh của ngài giám mục thật mẫu mực, nhưng so ra thì lòng xót thương của ngài mới thật tuyệt vời và biến ngài thực sự thành hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Lòng xót thương của đức cha Myriel phát xuất từ tâm can chứ không chỉ là một đức tính hay bổn phận. Lòng xót thương ấy như thế nào?
Đức cha không bao giờ buộc tội một cách vội vã mà không tính đến hoàn cảnh xung quanh. Ngài nói: “Phải xem xét tội lỗi đã đi tới bằng con đường nào.”
Quan điểm của ngài đối với tội lỗi rất gần gũi với lời dạy của Chúa Giêsu:
“Càng ít tội lỗi càng tốt, đó là luật của người. Không tội lỗi nào cả, đó là mơ ước của thiên thần. Đã thuộc trái đất này thì thoát sao khỏi tội lỗi. Tội lỗi cũng như luật hấp dẫn, chi phối mọi người.”
Có một tử tù sắp đến ngày hành hình và cần được một cha xứ tới an ủi vỗ về, như thông lệ thời ấy vẫn thế. Nhưng vị cha xứ thẳng thừng từ chối: “Việc đó liên quan gì đến tôi!”
Người ta đem câu trả lời ấy nói lại với đức cha Myriel, ngài gật đầu: “Cha xứ nói đúng. Không phải việc của ngài ấy đâu, của tôi đấy.” Và đức cha lập tức đến buồng giam của can phạm.
Cả ngày lẫn đêm ông ở cạnh hắn, quên ăn quên ngủ, chỉ cầu xin Chúa cứu vớt linh hồn cho người bị tội và cầu xin người bị tội tự lo cứu vớt lấy linh hồn mình. Ông nói hắn nghe những chân lý tốt đẹp nhất mà cũng là giản dị nhất. Như một người cha, một người anh, một người bạn; còn giám mục là chỉ để ban phúc mà thôi.
Ngài theo chân kẻ từ tù lên đoạn đầu đài, ôm hôn hắn trước khi lưỡi đao hạ xuống, và nói: “Kẻ bị loài người giết chết, Chúa Trời sẽ cho sống lại; kẻ bị anh em xua đuổi sẽ gặp lại được Cha. “Kẻ bị loài người giết chết, Chúa Trời sẽ cho sống lại; kẻ bị anh em xua đuổi sẽ gặp lại được Cha.” Thật giống lời Chúa Giêsu nói với tên tử tù cùng đóng đinh với Ngài.
Tình cảm của dân chúng dành cho đức cha
Rất yêu mến! Với lối sống và những đức tính như trên thì không ngạc nhiên khi đức cha Myriel rất được giáo dân yêu thương hết mực, và là sự yêu thường chân thành, chất phác, như đoạn văn sau miêu tả:
Chỗ nào ông có mặt cũng vui như hội. Có thể nói ông đi qua ở đâu là đem theo đó một cái gì ấm áp và sáng sủa. Trẻ con, người già dắt nhau ra tận cửa đón ông giám mục cũng như đón ánh mặt trời. Ông ban phúc cho mọi người và mọi người cầu phúc cho ông. Bất kỳ ai có cần việc gì, người ta đều chỉ đến nhà ông.
Thậm chí đến bọn cướp núi cũng có lòng thành kính đối với đức cha Myriel.
Một lần đức cha đi muốn thăm mục vụ một xứ vùng núi, nơi có bọn cướp Coravat khét tiếng đang hoành hành. Ai cũng khuyên đức cha rằng đi như vậy là quá nguy hiểm, và nếu nhất định đi thì nên có cảnh binh hộ tống. Nhưng ngài kiên quyết từ chối, và đi một mình.
Viên xã trưởng cảnh báo “Sợ Đức cha gặp cướp”, thì ngài đáp: “Ông nói có lý. Tôi có thể gặp họ lắm. Họ nữa, họ nhất định cũng cần nghe nói tới Chúa.” Ông xã trưởng tiếp tục cảnh báo: “Đức Cha đừng đi, xin Đức Cha, nguy đến tính mệnh mất.” Và ngài lại đáp: “Tôi có mặt trên thế gian này không phải để gìn giữ tính mệnh mình mà để chăn giữ các linh hồn.”
Thế là ngài cưỡi la đến cái xứ nghèo ấy, ở với họ nửa tháng trời, giảng kinh, làm lễ.
Trước khi rời đi ngài muốn tổ chức một thánh lễ trọng thể cho bà con trong xứ, nhưng khổ nỗi xứ này quá nghèo không kiếm đâu ra được các đồ lễ cho tươm tất. Đang lúc bối rối như vậy thì có người mang đến cho đức cha một hòm lễ vật. Mở ra thì toàn những phẩm phục và đồ lễ mà toán cướp Coravat đã trộm của nhà thờ Đức bà Ambroong tháng trước, nay chúng đem tặng đức cha Myriel với lời nhắn: “Coravat gửi Đức cha.”
Đức cha Myriel và tên tù khổ sai Giăng-van-Giăng (Jean Valjean)
Suốt 14 chương đầu của Những người khốn khổ chỉ kể chuyện lối sống và công việc của đức cha Myriel như trên, với rất nhiều dẫn chứng cùng những câu chuyện liên quan đến ngài. Cốt để cho độc giả nhận ra được chân dung đầy đủ của đức cha, cùng đức tin và lòng mến khôn cùng của ngài.
Có như vậy độc giả mới hiểu được ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa đức cha và nhân vật chính của toàn bộ cuốn tiểu thuyết, Jean Valjean, một tên tù khổ sai với số tù 24601 vừa được phóng thích.
Sự khốn khổ của Jean Valjean
Jean Valjean là một thanh niên cường tráng, xuất thân nghèo khổ, như hầu hết dân Pháp thời ấy. Anh ta có một người chị góa chồng, nuôi bảy đứa con dại vừa trai vừa gái. Jean vẫn ở với vợ chồng chị xưa giờ, và khi anh rể mất thì anh thành trụ cột gia đình, làm lụng giúp chị nuôi các cháu. Năm ấy anh 25 tuổi.
Cả thời trai trẻ, anh làm quần quật suốt ngày mới tìm nổi cái ăn nên chẳng nghe nói anh ta có nhân tình nhân ngãi gì, vì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương.
Tính tình nóng nảy, nhưng Jean hết lòng với chị và các cháu, chẳng ngại làm gì miễn đủ cơm cho cả nhà: đi xén cây, giặt thuê làm mướn, chăn bò, khuân vác v.v.
Nhưng vẫn không đủ sống, nhất là về mùa rét thì gia cảnh còn thê lương hơn. Bảy đứa nhỏ bụng đói thì kêu réo suốt ngày.
Một năm, trời làm rét quá, Giăng không có việc làm. Trong nhà không có lấy một mẩu bánh. Đúng y như thế. Không một mẩu bánh mà những bảy đứa trẻ thơ.
Buổi tối đó, Jean ăn trộm một chiếc bánh mì trong cửa hàng, cốt mang về cho các cháu đang đói lòng. Nhưng anh bị bắt tại trận.
Anh bị đưa ra tòa và truy tố về tội “ăn trộm ban đêm có phá cửa trong một nhà có người ở.” Thụ án 5 năm khổ sai, vì trộm một cái bánh.
Chịu cái án nặng như vậy vì trộm một ổ bánh lẽ dĩ nhiên Jean bất mãn đến cùng cực. Sẵn là người nóng nảy, anh bốn lần vượt ngục và bị bắt lại. Án chồng án, anh chịu 19 năm tù khổ sai đủ mọi sự cơ cực. Lúc này anh vừa được phóng thích với một tờ “chứng nhận” đã ở tù 19 năm. Hay nói cách khác, anh phải sống hết phần đời còn lại trong thân phận một tên tù, xã hội sẽ không bao giờ dung nạp. Nên tuy đã được phóng thích vẫn không khác gì một tù nhân.
Trong anh là một mối thù sâu sắc với xã hội và loài người. Anh thề sẽ phục hận, sẽ trả thù đời cho 19 năm oan nghiệt của tuổi trẻ đã bị cuộc đời cướp trắng.
Sau 14 chương mô tả giám mục Myriel, là 10 chương liền tác giả nói về thảm cảnh của Jean Valjean và cuộc đấu tranh nội tâm của anh. Có đoạn độc thoại nội tâm chiếm trọn một chương với tiêu đề Biển Cả và Đêm Tối, trong đó Jean Valjean tự ví mình như một thủy thủ bị quăng xuống biển, vẫy vùng tuyệt vọng, cả nhân loại, tiêu biểu bằng hình ảnh con tàu với những thủy thủ trên đó, bỏ rơi. Anh thẳng thừng trách mắng Chúa, nhưng rồi lại nghĩ rằng làm gì có Chúa. Vì nếu có, lẽ nào Chúa lại để cho một người phải chịu sự bất công lớn lao nhường này, phải bị đày đọa tới thế này. Anh đi đến suy nghĩ cay đắng:
Biển cả ở đây là đêm tối cay nghiệt của xã hội, nơi pháp luật vứt bỏ những nạn nhân của mình.
Biển cả, đó là sự khốn khổ mênh mông.
Linh hồn, trôi dạt trong vực sâu ấy, có thể trở nên một thây ma. Ai là kẻ làm cho nó sống lại?”
Đức cha Myriel và tù khổ sai Jean Valjean gặp gỡ
Cuộc gặp gỡ giữa Đức cha Myriel và Jean Valjean là cuộc gặp giữa tình yêu vô biên và hận thù tột cùng. Giữa ánh sáng và bóng tối. Liệu tình yêu có chiến thắng? Liệu tình yêu có xóa tan hận thù?
Câu trả lời là: Có. Nhưng không phải một chiến thắng dễ dàng.
Jean Valjean ra tù với tờ giấy thông hành màu vàng trên tay, một thứ “chứng minh thư” của tù khổ sai mà chỉ cần nhìn vào màu sắc là người ta biết ngay gã là ai. Gã lang bạt nhiều ngày trong mùa đông tuyết giá, và một đêm trời lạnh thấu xương thì đến địa phận của ngài giám mục.
Vì tờ giấy thông hành màu vàng, không một ai cho gã ở trọ hay bán đồ ăn cho, và xua đuổi gã như đuổi tà. Gã tìm được một cái ổ rơm nằm cho đỡ lạnh, nhưng té ra ổ rơm đã có chủ là một con chó, nó sủa nhặng đuổi gã đi. Gã ra công viên nằm trên một cái ghế đá, và chắc mẩm là cái lạnh mùa đông sẽ đưa gã sang thế giới bên kia vào sáng mai. Một bà già đi ngang qua, trỏ tay vào dinh giám mục bảo gã: “Tới đó mà gõ cửa.”
Lúc đó thì đức cha của chúng ta đang chuẩn bị dùng cơm tối. Nghe tiếng gõ cửa, ngài bảo “Cứ vào”, vì cửa nhà ngài chẳng khóa bao giờ. Jean bước vào. Sau đó là một đoạn đối thoại thú vị giữa hai người. Có lẽ nên trích lại “lời chào hỏi” của Jean với chủ nhà, tuy hơi dài:
Thế này này, tôi tên là Giăng Vangiăng, tù khổ sai. Tôi đã ở mười chín năm trong nhà lao. Tôi được thả bốn hôm nay và bây giờ tôi đương đi về Pôngtácliê. Bốn ngày nay tôi đi bộ từ Tulông về đây. Ngày hôm nay đi những mười hai dặm. Lúc chập tối đến đây, tôi vào một hàng cơm, họ đã đuổi tôi vì tấm thông hành màu vàng tôi đưa trình ở thị xã. Không đưa trình sao được! Tôi lại đến một quán khác, chỗ nào họ cũng bảo: “Cút đi”. Chẳng ai muốn chứa tôi cả. Tôi đến đằng chỗ nhà giam người gác không chịu mở cửa. Tôi chui vào một cái ổ chó, chó cũng cắn tôi và đuổi tôi y như người vậy, ý chừng nó cũng biết tôi là người như thế nào. Tôi bỏ ra ngoài đồng định tìm chỗ ngủ dưới ánh sao trời. Trời lại tối đen, không có sao. Tôi sợ mưa. Có Đức Chúa nào tốt để ngăn khỏi mưa đâu, nên tôi lại trở vào tỉnh tìm một xó cửa. Đến quảng trường, tôi đã định ngủ trên ghế đá thì có một bà già phúc đức trỏ nhà ông và bảo: “Cứ gõ cửa mà vào”. Thế là tôi gõ cửa. Đây là đâu? Có phải là một quán trọ không? Tôi có tiền. Tiền lưu công đấy. Một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu tiền công của tôi làm trong mười chín năm ở tù. Tôi sẽ trả tiền. Có hề gì đâu! Tôi có tiền mà. Cuốc bộ những mười hai dặm, bây giờ tôi mệt quá rồi và đói lắm. Ông có cho tôi ở lại đây không?”
Dễ thấy gã đã tự ái đến cùng cực vì đã bị xua đuổi trước đó, và chẳng trông mong gì sẽ được đón tiếp.
“Bà Magơloa, dọn thêm một người ăn nữa.” Đức cha trả lời ngắn gọn.
Dường như nghĩ rằng đối phương chưa hiểu hết những gì mình nói, Jean tiếp tục khẳng định thân thế của mình và cảnh báo gã là một tên tù khổ sai rất nguy hiểm.
“Bà Magơloa, dọn thêm một người ăn nữa.” Đức cha nói.
Trước sự kinh ngạc của gã, đức cha lại tiếp: “Kìa ông, ngồi xuống đây mà sưởi cho ấm. Một lát nữa chúng ta sẽ ăn cơm. Trong khi ăn sẽ có người dọn giường để ông nghỉ.”
Liền sau đó là bữa ăn đàng hoàng nhất trong đời Jean.
Đức cha còn mang bộ đồ ăn bằng bạc ra đãi gã, sai thắp nến bằng hai cây đèn bạc cho sáng sủa gian phòng để gã ăn, là những điều ngài chỉ làm khi tiếp một vị khách quý.
Trong bữa ăn, ngài ân cần thăm hỏi Jean, cảm nhận được nỗi thống khổ cả về thể xác lẫn tinh thần của gã. Ngài chỉ nói những lời an ủi và động viên, chẳng mảy may hỏi về quá khứ.
Jean kinh ngạc trước sự tử tế của đức cha, điều mà gã cho rằng không còn tồn tại trong xã hội loài người nữa. Nhưng gã cũng chỉ có chút cảm kích và coi “cụ xứ” là một người đàng hoàng có lòng thương người mà thôi, và thậm chí còn nghĩ ông cha xứ này thật ngây thơ ngu ngốc. Chẳng thế mà gã đã để ý đến bộ đồ ăn và hai chân đèn bằng bạc, tính kế ăn trộm làm vốn cho những ngày sắp tới.
Cơm nước xong xuôi, Jean được dọn cho chỗ ngủ tươm tất nhất trong dinh giám mục. Sáng ra khi mọi người thức dậy, gã đã biến mất cùng với bộ đồ ăn bằng bạc, thứ duy nhất có giá trị của ngài giám mục.
Bà người làm tá hỏa, còn đức cha vẫn thản nhiên như không, vẫn cười nói vui vẻ.
“Nó lấy trộm bộ đồ bạc của nhà ta còn gì.” Bà ta bực tức nói với đức cha, trách ngài đã tiếp một tên chẳng ra gì.
Đức cha vui vẻ giải thích: “Bà Magơloa này, lâu nay ta cứ giữ mãi bộ đồ bạc ấy là sai đấy. Nó là của kẻ khó. Mà người ấy là hạng người nào? Chính là một kẻ khó mà.”
Cảm hóa
Sự việc tưởng vậy là xong. Nhưng sau bữa ăn sáng, quân lính giải Jean Valjean đến cho ngài giám mục, tang chứng vật chứng vẫn còn nằm trên tay gã. Gã đã bị cảnh binh bắt sáng nay.
Cái tội ăn trộm một ổ bánh mì của một nhà thường dân mang lại cho gã 19 năm tù khổ sai. Giờ đây là tội trộm đồ bạc của ngài giám mục thì đời gã coi như xong rồi. Ánh mắt gã tuyệt vọng khi bị điệu đến trước mặt đức cha, người vừa tiếp đãi gã tử tế tối qua.
Đến đoạn này thật cảm động, là đoạn then chốt tạo nên sự biến đổi mãnh liệt trong tâm hồn kẻ tù, và ta thấy gợi ra nhiều hình ảnh trong Thánh kinh.
Vừa thấy Jean Valjean bị điệu tới, đức cha Myriel hiểu ngay đã xảy ra chuyện gì. Như người cha thấy đứa con hoàng đàn của mình, ngài vội vàng chạy tới nắm tay gã mà nói:
“A, anh đấy à! Thấy anh tôi mừng làm sao! Nhưng này, tôi còn cho anh cả đôi chân đèn nữa kia mà, cũng bằng bạc đấy, có thể bán được hai trăm phơrăng. Sao anh lại không mang đi một thể với bộ đồ ăn?”
Với câu nói tràn đầy tình yêu này, đức cha Myriel đã gỡ cho Jean cái tội trọng đại là ăn cắp của đức giám mục, và cứu vớt cuộc đời còn lại của gã.
Từ chỗ tuyệt vọng, Jean “ngẩng lên nhìn, kinh hoàng.” Và “vẻ mặt anh bây giờ tưởng không còn ngôn ngữ nào có thể tả rõ được.”
Đã có đức cha bảo lãnh, Jean được cảnh binh buông tha, cuộc đời anh vừa bước tới mép vực thẳm đã được cứu vớt. Cái cứu vớt anh không là gì khác ngoài tình yêu chân thành và lòng thương xót vô biên của ngài giám mục.
Jean đã được cảm hóa ngay giây phút ấy. Đức giám mục đã cứu rỗi một cuộc đời. Và chính Jean, xuyên suất cuốn tiểu thuyết, sẽ cứu vớt nhiều cuộc đời khốn khổ khác như cách mà anh đã được cứu.
Trước khi chia tay, đức cha Myriel nói với Jean:
Giăng Vangiăng, người anh em của tôi ơi, từ nay anh không còn là kẻ ác nữa, anh thuộc về phía người lương thiện rồi. Linh hồn của anh, ta đã mua đây, ta đem nó ra khỏi cõi hắc ám, ra khỏi tư tưởng sa ngã, ta đem dâng nó cho Chúa.
Ta nghe vọng lại thật rõ ràng những gì Chúa Giêsu từng nói với người phụ nữ ngoại tình: “Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Kể từ đây, đức cha Myriel không còn xuất hiện nữa. Ngài lùi về phía sau, và Jean Valjean (Giăng van Giăng) trở nhân vật chính xuyên suất tác phẩm. Nếu không biết tới ngài giám mục, nếu không thấu tỏ sự khốn cùng và lòng thù hận của Jean, độc giả sẽ không hiểu được ý nghĩa lớn lao trong sự cải hóa bằng tình yêu ấy. Victor Hugo đã gián tiếp khẳng định rằng Tình yêu sẽ chiến thắng Thù hận. Một con người dù đã chìm sâu vào bóng tối tới đâu thì luôn có thể lôi lên trở lại, miễn tình yêu đủ nhiều.
Kim Lưu