Linh mục Trần Mạnh Hùng
Đã từ lâu, tôi có ý định muốn viết và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình và bạn hữu thân thương của tôi về mối tình giữa tôi và Mẹ Thánh Maria, người mà tôi hằng yêu mến. Có thể nói tình cảm mà tôi dành cho Đức trinh nữ Maria là một tình yêu thắm thiết, mãnh liệt và nồng ấm. Và tình yêu ấy đã phát triển và lớn lên theo thời gian trong trái tim nhỏ bé của tôi.
Thuở còn bé, tôi hay cầu nguyện với Mẹ Maria, vì tôi cảm nhận được sự gần gũi giữa tôi và Mẹ. Mỗi khi tôi bị hiểu lầm hay bị ức hiếp mà tôi không thể giải bày hay minh oan cho chính mình, thì tôi lại đến bên Mẹ và âm thầm tâm sự với Mẹ. Tôi kể cho Mẹ nghe những nỗi uẩn ức của tôi, vì tôi biết Mẹ hiểu nỗi lòng của tôi, vì Mẹ có thể nhìn thấy được tất cả những gì đã xảy ra đối với tôi. Bởi lẽ đó, tôi đặt niềm tin ở nơi Mẹ và tôi thường xuyên chạy đến với Mẹ, nhất là những khi tôi cần đến sự giúp đỡ của Mẹ, và cứ thế theo dòng thời gian, tôi đã cảm nhận được sự ưu ái và lòng yêu thương đầy tình mẫu tử mà Mẹ Thánh Maria đã dành cho tôi.
Đến khi tôi bước vào tuổi vị thành niên, và trở thành giảng viên giáo lý, tôi đã tận hiến cho Mẹ tại nhà thờ giáo xứ Dục Mỹ, nơi gia đình tôi đã từng sinh sống từ năm 1963 và cho đến nay, một vài thành viên của gia đình vẫn còn sống và sinh hoạt tại đây.
Tôi gia nhập nhóm tận hiến trong cung lòng Mẹ với mục đích để nhờ Mẹ cưu mang và hướng dẫn tôi trong đời sống thiêng liêng, hầu tôi có thể trở thành một chiến sĩ tinh nhuệ của Mẹ, sẵn sàng chiến đấu cho vương quốc của Đức Giêsu Kitô và đem nhiều linh hồn lầm lạc trở về với Chúa.
Thú thực vào thời điểm này (1975–1979), tôi không hề hay biết đó chính là chương trình của Chúa và Mẹ Maria muốn huấn luyện và chuẩn bị tôi cho hành trình tương lai, để mai ngày khi thời gian chín mùi, chính Chúa đã gọi và mời tôi dấn thân theo Ngài, hầu trở thành người môn đệ của Chúa qua thiên chức linh mục.
Trước khi tôi gia nhập Chủng viện Lâm Bích, được xem như là Chủng viện hầm trú tại Giáo phận Nha Trang vào năm 1979,[1] tôi từng là ca viên và là giảng viên giáo lý. Tôi cũng đã giữ chức vụ là Trưởng ban thiếu nhi bàn thánh, lo việc coi sóc các em thiếu nhi giúp lễ tại giáo xứ. Nhờ đảm trách công việc này mà tôi có cơ hội gần gũi bàn thánh của Chúa mỗi ngày, và có lẽ trong tâm hồn tôi đã được Chúa nhóm lên ngọt lửa yêu mến bàn tiệc thánh thể của Chúa, tức là thánh lễ. Sau này khi tôi đã bắt đầu gia nhập Chủng viện tại Giáo phận Nha Trang, và nhất là khi tôi rời Việt Nam bằng hành trình vượt biên (1981) để có thể tiếp tục hành trình ơn gọi của mình tại nước Úc, nơi mà tôi đã được định cư, sau thời gian sống trong trại tị nan ở đảo Pulau Bidong – Mã Lai. Tôi càng lúc, càng nhận ra ý định của Thiên Chúa và những gì mà Ngài đã an bài cho tôi, ngay cả khi tôi mới có trí khôn. Tôi xác tín ơn gọi làm linh mục của tôi đã được Chúa chuẩn bị rất chu đáo từ khi tôi còn thơ bé, và với thời gian sự kiện này càng ngày càng rõ rệt hơn, và đến thời điểm mà Chúa đã ấn định, thì Ngài đã tỏ lộ cách minh bạch ý định của Ngài, và mặc khải điều đó đối với tôi.
Thoạt tiên, khi tôi khám phá ra thánh ý của Chúa muốn tôi đi tu làm linh mục, tôi rất sợ hãi và cảm thấy mình bất xứng… Tôi lo sợ rằng mình sẽ không có khả năng và trí thông minh để theo đuổi chương trình học trong Đại chủng viện, vì tôi biết điều này không có dễ dàng tí nào, thêm vào đó, tôi nghĩ mình không có đủ tư cách và lòng đạo đức để có thể trở thành người môn đệ của Chúa, nên tôi đã nhiều lần thối thác và từ chối lời mời gọi của Chúa. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì mà Ngài không thể làm được[2] và không ai có thể chạy khỏi bàn tay của Chúa, nếu một khi mà Ngài đã muốn chọn người ấy để dấn thân theo Ngài. Kinh nghiệm của những ai đã được Chúa gọi làm linh mục hoặc nam nữ tu sĩ sẽ minh chứng cho tôi về điều này. Vì khi tôi có dịp để gặp gỡ các anh em linh mục và các nam nữ tu sĩ, chúng tôi chia sẻ và tâm sự với nhau về kinh nghiệm ơn gọi của mỗi người, và làm sao để anh chị em chúng tôi có thể khám phá ra thánh ý của Chúa và xác tín rằng: đây là ơn gọi của chính mình. Hầu hết những lần chia sẻ như vậy, tôi đã được nghe các anh em linh mục thố lộ rằng: ban đầu họ cũng đã thối thác và tìm mọi cách để chối từ lời mời gọi của Chúa, vì đại đa số anh em chúng tôi đều cảm thấy mình bất xứng trước sứ mạng cao cả mà Chúa muốn trao phó cho chúng tôi. Nhưng đúng như anh em đã nhận xét: “Chạy đằng trời cũng không khỏi nắng!” Anh em chúng tôi đều khẳng định rằng: không ai có thể vượt ra khỏi tầm tay và ánh mắt của Chúa, nếu một khi mà Ngài đã chấm.
Thánh vịnh 139: 1-14 đã xác tín điều này:
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Giờ khi tôi nhìn lại sau khi đã làm linh mục được 28 năm, tôi càng lúc càng xác tín rằng: đi tu cần có ơn gọi và ân sủng của Chúa. Nếu Chúa gọi và Chúa chọn ta thì ta mới có thể trung thành đi theo Chúa, bằng không với sức riêng của con người thì không thể nào ta có thể làm được điều này. Dù ý chí của ta có mạnh đến cỡ nào đi chăng nữa, hoặc bố mẹ hay người thân trong gia đình có muốn ta đi tu để làm linh mục hay trở thành nữ tu, thì điều này cũng sẽ không có thành tựu, vì nếu Chúa không gọi và chọn thì không ai có thể tiến bước, và trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Thực sự riêng đối bản thân của tôi, khi khám phá ra điều này, tôi rất vui mừng và cảm tạ ơn Chúa, vì chính Ngài đã gọi và chọn tôi làm linh mục. Đây quả là một hồng ân cao cả mà Chúa đã ân ban cho tôi và tôi nghĩ suốt đời tôi sẽ không bao giờ có thể đền đáp và cảm tạ Chúa cho đủ, vì đó là điều vĩ đại mà Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của tôi.
Bây giờ tôi muốn quay trở lại để chia sẻ sâu xa hơn nữa về mối tình mà Mẹ Maria đã dành cho tôi trong suốt hơn 60 năm vừa qua. Nhiều lần tôi cũng đã tâm sự với bạn bè thân thương là trong cuộc đời của tôi, có hai người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất, đó chính là người Mẹ ruột yêu dấu đã cưu mang và sanh hạ ra tôi. Mẹ đã dầy công nuôi nấng, dạy bảo và hướng dẫn tôi trong đời sống đức tin và lòng biết tôn kính và yêu mến Thiên Chúa. Người Mẹ thứ hai, chính là Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ tinh thần, chính Mẹ Maria cũng đã cưu mang tôi trong đời sống thiêng liêng và đã sanh hạ tôi ra với tư cách là người con cái của Thiên Chúa. Thực sự nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu và học hỏi về vai trò của Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Thiên Chúa thì chính Chúa Giêsu đã trao phó người Mẹ yêu dấu của Ngài cho chúng ta, khi Ngài bị treo lên thập tự giá.
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người, cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas và Maria Mađalêna.
Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27).
Chúa Giêsu khi biết mình sắp sửa từ giã cõi đời này để trở về với Chúa Cha thì chính Ngài đã yêu thương các môn đệ của Ngài đến cùng, và Ngài đã gởi gấm và trao phó mỗi người trong chúng ta cho người Mẹ yêu dấu của Ngài là Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ thay mặt Ngài hầu tiếp tục chỉ bảo, dậy dỗ và hướng dẫn chúng ta trở thành “người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu quý.”[3]. Ngài mong muốn chúng ta hãy rước Mẹ về nhà mình, nghĩa là hãy đón nhận Mẹ vào trong tâm hồn của chúng ta, vào trong mái ấm gia đình của mình, để Mẹ sẽ trở thành người Mẹ tinh thần, người Mẹ thiêng liêng, người Mẹ của các Kitô hữu và người Mẹ của các môn đệ đã được Chúa Giêsu tuyển chọn.
Khi xưa Chúa Giêsu đã được Mẹ chỉ dạy như thế nào từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi khôn lớn, và bắt đầu sứ mạng rao giảng công khai của Ngài, thì ngày nay Mẹ Maria sẽ tiếp tục vai trò ấy đối với chúng ta, là những con cái của Mẹ. Mẹ sẽ dùng các ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ để bao bọc chúng ta, và đồng thời Mẹ cũng sẽ dùng các đặc ân mà Chúa đã ban cho Mẹ để thánh hiến chúng ta, biến chúng ta thành những người con ưu tú của Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại câu truyện bà Rebecca đã lấy lông trừu bọc tay cho Giacóp. Đó là câu truyện về Giacóp là người đã nhận được phúc lành của người cha Isaac của mình nhờ sự chăm sóc và tài khéo của mẹ mình.
Nội Dung Câu Truyện về Giacóp
Mấy năm sau khi Esau bán quyền thừa kế của mình cho Giacóp,[4] bà Rebecca, mẹ của họ, người âu yếm thương yêu Giacóp, đã chiếm được phúc lành này cho Giacóp bằng một mưu kế thánh hảo đầy huyền nhiệm đối với chúng ta.
Khi thấy mình đã cao tuổi, Isaac muốn chúc phúc cho con cái mình trước khi chết. Ông đã gọi Esau tới, người con yêu quí của ông mà bảo Esau đi săn bắt một cái gì đó về cho ông ăn, rồi ông sẽ chúc phúc cho. Rebecca lập tức bảo Giacóp những gì đang diễn tiến và sai Giacóp đi bắt hai con dê nhỏ trong đàn. Khi Giacóp đưa chúng cho mẹ mình, bà đã nấu chúng theo cách thức Isaac vẫn thích ăn. Rồi bà mặc cho Giacóp những quần áo của Esau mà bà có được, và lấy da dê bao phủ hai bàn tay và cổ của Giacóp. Người cha mù lòa mặc dù nghe thấy tiếng Giacóp cứ nghĩ rằng đó là Esau khi ông chạm tới da bàn tay của Giacóp.
Dĩ nhiên Isaac đã lấy làm lạ khi nghe thấy tiếng nói mà ông nghĩ là tiếng của Giacóp nên mới bảo Giacóp tới gần ông. Isaac sờ thấy lông lá trên làn da bao bọc đôi tay của Giacóp và nói rằng tiếng nói thì quả thực là tiếng của Giacóp nhưng bàn tay lại là bàn tay của Esau. Sau khi ông ăn uống xong, Isaac đã hôn Giacóp và gửi thấy mùi thơm nơi y phục của Giacóp. Ông đã chúc phúc cho Giacóp và xin tuôn đổ xuống trên Giacóp sương trời và hoa trái của trái đất. Ông đã đặt Giacóp làm chủ tất cả mọi anh em mình và kết thúc bằng những lời này: ‘Vô phúc cho những ai nguyền rủa con và may phúc cho những ai chúc tụng con’.[5]
Câu truyện này (St 25:19-34) giúp chúng ta nhận thức và hiểu được tầm quan trọng về sự can thiệp của bà Rebecca là vợ của ông Isaac trong việc chúc phúc cho người con thứ là Giacóp. Nhờ được bà Rebecca là mẹ hướng dẫn và trợ giúp, Giacóp đã được cha mình là ông Isaac chúc phúc lành cho. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa và vai trò của Mẹ Maria trong việc cầu bầu cùng Thiên Chúa để xin Ngài chúc phúc lành cho chúng ta là những người con của Mẹ. Mẹ Maria sẽ biết cách trang điểm cho chúng ta bằng những đặc ân mà Mẹ có được, mỗi khi chúng ta ra trước ngai tòa của Thiên Chúa, và nhờ sự trang điểm lộng lẫy này mà chúng ta sẽ can đảm và hiên ngang tiến ra trước thánh nhan Chúa, và Ngài sẽ chúc phúc và tuôn đổ muôn vàn hồng ân xuống trên cuộc đời của chúng ta. Chính vì lý do đó mà Thánh Louis de Montfort đã khuyến khích và đề nghị chúng ta hãy tận hiến cho Đức trinh nữ Maria và ngài đã giải thích hết sức rõ ràng, đầy sự thuyết phục về cách sùng kính Đức Mẹ trong tác phẩm, True Devotion to Mary.[6] Lối sùng kính này đã được nhiều vị Giáo hoàng trong giáo hội Công giáo công khai lên tiếng ủng hộ.[7]
Cùng tác giả:
Thánh ý Chúa là sự bình an của con
Cầu nguyện: 10 điểm bạn cần ghi nhớ và thực hành
Trong cái rủi có cái may – suy niệm về sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa
Trước khi tôi chính thức tận hiến cho Mẹ Maria, tôi đã có dịp đọc qua tác phẩm nói trên (True Devotion to Mary) của Thánh Louis de Montfort bằng Việt Ngữ và cuốn sách ấy đã có tầm ảnh hưởng rất lớn trên tôi, nhất là qua cách giải thích của Thánh Louis de Montfort, làm cho tôi thấy được tầm quan trọng của việc tận hiến cho Mẹ Maria, vì qua đó, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta trực tiếp đến Chúa Giêsu, con chí ái của Mẹ. Đồng thời Mẹ cũng sẽ trao ban cho chúng ta là những con cái của Mẹ những đặc ân mà Mẹ đã đón nhận được từ Thiên Chúa để thánh hóa chúng ta, và biến chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu một cách hoàn hảo nhất. Đây chính là đường lối nên thánh an toàn và bảo đảm nhất mà Thánh Louis de Montfort muốn hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng ta.
Trước khi tôi quyết định vượt biên để tìm kiếm tự do và hy vọng sẽ có cơ may để tiếp tục con đường ơn gọi của mình. Tôi đã khấn xin cùng với Đức Mẹ ba ý nguyện như sau:
- Xin Mẹ Maria cho tôi được đi vượt biên thành công
- Xin Mẹ cho tôi được làm linh mục
- Xin Mẹ cho anh rể của tôi là Trần Đình Việt lúc bấy giờ đang cải tạo tại trại giam Vĩnh Phú ở miền Bắc được thả tự do và đoàn tụ với gia đình của anh.
Tất cả ba lời khấn ấy của tôi đã được Mẹ nhậm lời và ban cho tôi Lời khấn xin đầu tiên của tôi đã được Mẹ ban cho. Vì vào cuối năm 1981, tôi đã tham dự cuộc vượt biên bằng đường thủy với con tàu mong manh và nhỏ bé, tuy nhiên sau nhiều ngày chống chọi với sóng to, gió lớn, và các cơn bảo tố khủng khiếp, chiếc tàu gỗ sơ sài của chúng tôi đã cập bến bình an tại đảo Pulau Bidong nước Mã Lai, sau 5 ngày lên đênh trên biển cả. Đối với chúng tôi là thuyền nhân, thì đây là một phép lạ vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện để biểu lộ quyền năng và cánh tay oai hùng của Ngài để giải cứu chúng tôi thoát khỏi mọi gian nan và cho chúng tôi một cơ hội sống sót để làm lại cuộc đời.
Lời khấn xin thứ hai của tôi cũng đã được Mẹ Maria chuyển cầu và Chúa đã ban cho tôi được thụ phong linh mục vào tháng 7 năm 1994 sau gần 12 năm tôi được định cư trên nước Úc.
Lời khấn xin sau cùng là cho anh rể của tôi được ra khỏi trại tù cải tạo ở trại giam Vĩnh Phú. Sau gần 10 năm học tập tại đây, vào năm 1984 anh rể của tôi đã được nhà nước cộng sản thả tự do và cho về đoàn tụ với gia đình. Đây là nỗi vui mừng lớn lao của gia đình chị cả của tôi, khi nhận được tin là chồng của chị (tức anh rể của tôi) sẽ được ra khỏi trại và trở về sinh sống với gia đình.
Đối với tôi thì đây chính là những dấu chỉ tỏ tường của lòng nhân ái và tình yêu bao la mà Mẹ đã dành cho tôi, vì tất cả những gì tôi khấn xin thì Mẹ đã đều ban cho tôi hết. Cho nên, tôi vô cùng hạnh phúc và hết lòng cảm tạ và tri ân Mẹ Maria cũng như Thiên Chúa. Giờ đây những gì mà Mẹ ban cho tôi, tôi xem đó là những hồng ân do lòng quảng đại của Mẹ, vì tôi ngại không dám xin Mẹ thêm điều gì nữa. Chỉ có những năm gần đây, tôi trộm nghĩ và tôi muốn thưa với Mẹ một điều mà tôi ước mơ cuối cùng, đó chính là: xin Mẹ hãy đến đón con về trời khi tôi nhắm mắt từ giã cõi đời này.
Đây có lẽ là niềm mơ ước sâu thẳm và cuối cùng của tôi. Tôi hy vọng là Mẹ sẽ nhậm lời tôi cầu xin.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ yêu dấu của con. Mẹ biết con yêu mến Mẹ đến chừng nào. Đời con thật sự hạnh phúc vì con có Mẹ luôn đồng hành với con. Mẹ đã cứu chữa con khỏi cái chết trên hành trình vượt biên, và Mẹ cũng đã phù trợ và giúp đỡ con vượt qua biết bao gian nan nguy khó, mà biết bao lần con đã muốn thối lui, vì con cảm thấy các điều ây vượt quá sức lực của mình. Tình yêu của Mẹ đã nâng đỡ con trên suốt hành trình vừa qua, và Mẹ đã ban ơn giúp sức cho con để con có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn… nhờ đó mà con mới có được ngày hôm nay. Cho nên con muốn viết ra tất cả những điều này để cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa cũng như Mẹ vì đã yêu thương con, dù con muôn vàn tội lỗi và yếu đuối. Nhưng tình thương của Mẹ đã khỏa lấp tất cả.
Con xin hết lòng cảm tạ Mẹ và Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin cho con được trung thành với tình yêu bao la mà Thiên Chúa và Mẹ đã ban cho con, để con luôn luôn là người con hiếu thảo đối với Mẹ và là người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến.
Viết để bày tỏ lòng biết ơn và lòng sùng Mẹ Maria.
Con của Mẹ,
Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng
Mercy Center in Colorado Springs
Thứ Bẩy ngày 1 tháng 10 năm 2022
[1] . Vì vào thời điểm này chính quyền cộng sản tại Viêt Nam chưa cho phép Chủng viện Lâm Bích được mở cửa trở lại và sinh hoạt bình thường.
[2] . Xem Trần Mạnh Hùng, “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-vi-khong-co-thay-anh-em-chang-lam-gi-duoc-cn-vi-pc-nam-c–46028 – Đăng ngày 22/05/2022
[3] . Cái độc đáo và rất thâm thúy của tác giả Phúc Âm thứ 4 (hiểu ngầm là của Thánh Gioan) là không nêu rõ tên của “người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu quý”. Như thế ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người môn đệ ấy, với điều kiện là chúng ta không có sợ hãi và từ bỏ Ngài trong cuộc khổ nạn, nhưng can đảm bước theo Chúa và dám đứng dưới chân thập giá. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là “người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu dấu. (Ga 19:26-27).
[4] . Xem Sách Sáng Thế (25:29-34) “Ông Ê-xau nhượng quyền trưởng nam
29 Lần kia, Gia-cóp đang nấu cháo, thì Ê-xau từ ngoài đồng về, mệt lả. 30 Ê-xau nói với Gia-cóp: “Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả.” Vì thế, người ta đặt tên cho nó là Ê-đôm. 31 Gia-cóp nói: “Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã!” 32 Ê-xau nói: “Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh?” 33 Gia-cóp nói : “Vậy anh thề ngay với em đi.” Ê-xau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cóp. 34 Bấy giờ Gia-cóp cho Ê-xau bánh và cháo đậu. Ê-xau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Ê-xau đã coi thường quyền trưởng nam.” Trích Sách Sáng Thế (25: 29-34).
[5] . Trích bài viết của Thánh Louis de Montfort, “Hình Ảnh Thánh Kinh về Việc Tôn Sùng này: Bà Rebecca và Giacóp.” Do Lm Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch
http://www.thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Toa%20Thanh%20Roma/GHHT_08/Thang_5_08/19-5-thuhai.htm (Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2022)
[6] . Xem Saint Louis De Montfort, True Devotion To Mary (London, UK: by Catholic Way Publishing, 2013).
[7] . Pope Saint Pius X (1903–14): “I heartily recommend True Devotion to The Blessed Virgin, so admirably written by [Saint] De Montfort, and to all who read it grant the Apostolic Benediction.” . . .” There is no surer or easier way than Mary in uniting all men with Christ.”
Pope Benedict XV (1914–22): “A book of high authority and unction.”
Pope Pius XI (1922–39): “I have practiced this devotion ever since my youth.”
Pope Pius XII (1939–58): “God Alone was everything to him. Remain faithful to the precious heritage, which this great saint left you. It is a glorious inheritance, worthy, that you continue to sacrifice your strength and your life, as you have done until today.”
Pope Paul VI (1963–78): “We are convinced without any doubt that devotion to Our Lady is essentially joined with devotion to Christ, that it assures a firmness of conviction to faith in Him and in His Church, a vital adherence to Him and to His Church which, without devotion to Mary, would be impoverished and compromised.”
Blessed Pope John Paul II (1978–2005): “The reading of this book was a decisive turning-point in my life. I say ‘turning-point,’ but in fact it was a long inner journey . . . This ‘perfect devotion’ is indispensable to anyone who means to give himself without reserve to Christ and to the work of redemption.” . . .” It is from Montfort that I have taken my motto: ‘Totus tuus’ (‘I am all yours’). Someday I’ll have to tell you Montfortians how I discovered De Montfort’s Treatise on True Devotion to Mary, and how often I had to reread it to understand it.”
Vatican Council II (1962–1965): ‘The maternal duty of Mary toward men in no way obscures or diminishes this unique mediation of Christ, but rather shows its power. All her saving influence on men originates not from some inner necessity, but from the divine pleasure. It flows forth from the superabundance of the merits of Christ, rests on His mediation, depends entirely on it and draws all its power from it.’ . . . ‘The practices and exercises of devotion to her recommended by the Church in the course of the centuries [are to] be treasured.’ (Lumen Gentium: 60, 67).