Tìm Hiểu Thánh Kinh

Tìm hiểu trình thuật Đức Chúa Giêsu bị bắt

Đức Chúa Giêsu bị bắt
67 views

Dưới đây là bài chú giải Tin Mưng của cha Nguyễn Thế Thuấntrích trong phần “Thương Khó và Phục Sinh

Phần trước: Cơn hấp hối của Chúa Giêsu tại Jerusalem

TRÌNH THUẬT CỦA MARCÔ.

Sau cơn hấp hối, đến cảnh kế tiếp : Đức Yêsu bị bắt tại Ghetsêmani. Ở đây cũng thế, ta nên bắt đầu bằng trình thuật của Marco :

Ngay đó, Ngài còn đang nói thì Yuđa, một người trong nhóm 12, xuất hiện.

Ngay đó”, cách nhập đề này là đặc trưng của Marco. Dù được linh hứng, mỗi thánh sử vẫn giữ nguyên cách nói của họ và cả những “tật” riêng. Cũng như chúng ta, khi chuyển ý, hay dùng “thế rồi”, “sau đó”, “phải không”, “anh hiểu không”, thì các thánh sử cũng có cách của họ. Marco thích nói : “Ngay đó” vì ông là người bộc phát, thấy mọi sự cách đột ngột. Mattheu lại dùng “bấy giờ”, một chữ rất thường. Luca cảm hứng văn chương Thánh Kinh, đã tìm được thuật ngữ : “Và xảy ra là”. Còn Yoan thì nói : “Sau khi”. Ngày nay, bài Tin Mừng ngày Chúa nhật vẫn thường bắt đầu bằng những chữ “Trong những ngày ấy”.

Ngay đó, Ngài còn đang ngủ; những lời đang nói ở đây là những lời mở màn trước : “Dậy! Ta đi! Kẻ nộp Ta đã gần”. Yuđa xuất hiện. Lại một lần nữa, Marco dùng động từ ở đây thì hiện tại, tạo nên không khí sống động cho câu truyện. Yuđa, một người trong nhóm 12 : ta có thể đoán được tất cả sức nặng và cái giá quá đắt của chi tiết này, mà Mattheu và Luva cũng sẽ lấy lại. Nó nhắc lại tính cách bi thảm của cảnh này : Kẻ nộp Thầy lại là một người trong nhóm 12 ! Chẳng phải là một người xa lạ, một bên Dothái chống đối, nhưng là một người thân cận, một trong những kẻ đã được Chúa Yêsu chọn để đi theo Ngài. Đây là cả một mầu nhiệm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Làm sao Đức Yêsu, vốn biết trước kết thúc này, lại chọn hắn làm một người trong nhóm 12 ? Làm sao Yuđa, vốn được chọn vì những đức tính của hắn, lại đi đến kết cuộc này ? Bí mật về tâm lý của Yuđa thật là kỳ lạ. Chúng ta ngỡ ngàng trước tấn thảm kịch của một tâm hồn được ưu tuyển, nhưng đã quay ngang. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho phép sự ấy xảy đến để thực hiện kế hoạch đời đời của Ngài, cho Chúa Con bị bắt và bị giết.

Và cùng với y có đoàn lũ mang gươm giáo và gậy gộc.

Câu này gợi lên hình ảnh một đoàn người hơi có vẻ vô trật tự. Đây không phải là những người lính trang bị vũ khí tối tân. Chúng ta thấy họ vũ trang sơ sài và tài tử. Vũ khí của họ là một con dao chibrich mà ngày nay mỗi người Ả rập vẫn còn giắt trong mình, hay một cây gậy lượm ở bất cứ đâu. Không phải là quân đội chính quy, nhưng là những người được công nghị huy động đến, có lẽ những nhân viên chăng. Vì công nghị Dothái là một thứ pháp đình, một hội đồng đứng đầu Israel và có quyền về chính trị, lập pháp và tư pháp (cách riêng vào thời kỳ trước khi bị Roma đô hộ). Các quyết định của họ được đem thi hành do những nhân viên được tổ chức như một cảnh binh nhỏ. Ở đây không nói đến công nghị, nhưng Marco viết rằng những người đó do các thượng tế ký lục và hàng niên trưởng sai đến, và ba hạng người này chính là ba thành phần của hội đồng công nghị.

Công nghị Do thái giữ một vai trò quan trọng trong Tin Mừng. Chữ “công nghị” là do từ tiếng Hy lạp “Sunedrion” chỉ đến một hội đồng đã xuất hiện trong lịch sử Dothái từ sau khi lưu đày tại Babylon trở về, i.e vào thế kỷ 3-2 trước công nguyên. Nghị viện này gồm những thành phần lãnh đạo dân tộc, đã được thiết lập tại một nước Israel theo chế độ thần quyền để thay cho vương quyền không còn nữa sau thời lưu đày Babylon. Dưới quyền tối thượng của Thiên Chúa, Đấng lãnh đạo dân tộc, một cơ quan tập thể (i.e công nghị) giữ việc cai quản, xét xử và chỉ đạo dân Dothái. Nhưng rồi dưới thời các vua dòng Hasmônê, rồi Hêrôđê, rồi người Roma, công nghị dần dần mất bớt quyền hành, nhất là trong địa hạt chính trị. Họ chỉ còn giữ một vai trò tôn giáo : Lập luận và coi chừng việc giữ luật, cho đến chỗ có thể trừng trị những kẻ vi phạm. Công nghị được hợp thành bởi ba nhóm chính:

Các thượng tế. Trước hết là vị thượng tế đương kim, lâu lâu lại bị thay đổi vì bị vua hay chính quyền Roma truất phế; rồi đến các thượng tế tiền nhiệm; sau cùng là thành viên của các đại gia đình tư tế, mà con cái thường được chọn để làm thượng tế. Vậy “các thượng tế” có nghĩa là giai cấp tư tế quí tộc, những người đứng đầu đền thờ, chỉ đạo tôn giáo Do thái.

Các ký lục.Lại khác hẳn -Đó là những luật sĩ. Ký lục có nghĩa là những người biết viết, làm công việc biên chép (td : thư ký), nhưng đừng lầm họ với những viên thư ký quèn. Vào thời đó, rất ít người biết viết, nên biết viết là đã nắm được chìa khóa của sự hiểu biết rồi đấy. Trong thực tế, họ là những luật sĩ, những tiến sĩ luật. Tuy nhiên, họ phần lớn là giáo dân thuộc giai cấp thấp kém trong xã hội. Họ rất được lòng dân, và là yếu tố chủ yếu đã nhú lên sau cuộc lưu đày, ảnh hưởng của họ không ngừng lớn mạnh và cạnh tranh với các thượng tế. Các thượng tế biểu hiện trong truyền thống, nhưng dân chúng trách họ không còn có tinh thần tôn giáo nữa, và vào thời Macabê lại còn cộng tác với quân xâm lược. Dân chúng ưa thích các ký lục, là những người đạo đức, trong sạch, phần lớn thuộc giới Biệt phái, chăm chú nghiên cứu Lề luật, tìm cách đánh bạt giới thượng tế để đưa ra một cái nhìn nghiêm chỉnh hơn về đạo Dothái. Có một thời gian, các ký lục đã bị trục xuất khỏi công nghị, nhưng rồi họ đã trở lại được, và vào đầu thế kỷ I, họ có một ảnh hưởng rất lớn. Trong suốt cả sứ vụ của Ngài, Đức Yêsu đã nhiều lần tranh luận với các luật sĩ ấy, phần đông thuộc Biệt phái, nghĩa là nói chung, những thần học gia giáo dân, đối chọi với hàng tư tế cao cấp.

Hàng niên trưởng. Gồm những người giàu đó, gia trưởng của các đại gia, nghĩa là hạng đại điền chủ. Họ không phải là những chuyên viên về tư tế hay phượng tự hoặc là những nhà thần học, nhưng là các thủ lãnh chi tộc, là yếu tố rất quan trọng tạo thế quân bình cho công nghị.

 Đó là 3 thành phần của pháp đình tối cao của Dothái giáo, sai người đến bắt Đức Yêsu.

Kẻ nộp Ngài đã ra hiệu cho họ rằng : “Tôi hôn ai thì chính là người ấy, các ông đã bắt lấy và dẫn đi cẩn thận(Mc 14:44).

Những nhân viên Đền thờ không biết mặt Đức Yêsu. Và cho dù họ có gặp Chúa rồi đi nữa, thì liệu họ có nhận ra được Ngài trong đêm, dưới những tàn cây Ghetsemani chăng ? Họ có thể lầm, nhưng Yuđa thì không; vì thế, hắn căn dận : Xem tôi đây này, tôi sẽ đi về phía ông ta và các anh hãy bắt lấy. Và hắn lấy cái hôn để làm dấu. Cử chỉ này thật ghê tởm, nhưng không có gì là lạ lùng; đó là cách chào hỏi thông thường của môn đệ với Thầy. Cũng như ngày nay chúng ta bắt tay hay hôn tay để tỏ lòng tôn kính vậy. Hẳn Yuđa, cũng như những người kia, vẫn thông cảm cử chỉ ấy với Đức Yêsu. Vì thế các Tông đồ không thấy gì là lạ cả : Yuđa đến trễ, hắn tiến về Đức Yêsu và hôn Ngài. Nhưng hắn đã đặt vào trong cử chỉ xem ra vô tội ấy là cả một sự phản bội. Đó là cái bi thảm, và càng bi thảm hơn nữa, vì cử chỉ bên ngoài rất thường.

Điều này nhắc lại một trường hợp tương tự, một cử chỉ khác cũng rất đơn giản nhưng ẩn chứa một thực tại nghiêm trọng : Miếng bánh mà Đức Yêsu đã đưa cho Yuđa vào đầu bữa tiệc ly. Đức Yêsu vừa loan báo Ngài sẽ bị phản bội. Các môn đệ xôn xao không biết ai là kẻ sẽ làm việc đó, và theo lời thánh Yoan thuật lại, Phêrô và Yoan nằm ngay gần Thầy liền hỏi Ngài. Đức Yêsu nói riêng với họ : “Ta trao miếng bánh cho ai thì là kẻ đó”, nói rồi Ngài lấy một miếng bánh trong đĩa và đưa cho Yuđa. Đây cũng là một cử chỉ rất thông thường cho phép xã giao phương đông. Trong những bữa tiệc lớn dưới lều, quanh món cơm thịt cừu, vị tộc trưởng thường cắt một miếng thịt ngon rồi đưa cho một trong những thực khách như một vinh dự, để tỏ lòng kính trọng. Đó cũng là cử chỉ thân ái và tôn trọng mà Đức Yêsu đã làm với Yuđa. Đức Yêsu biết sự phản bội của hắn, và qua dấu đó, Ngài báo cho hắn cũng như cho Phêrô và Yoan biết. Nhưng Ngài lại chọn một cử thỉ tôn kính, không làm nhục Yuđa và như thể còn kêu gọi hắn lần cuối cùng. Yuđa đã nhận. Và qua cử chỉ thường ngày đó xảy đến một thực tại nghiêm trọng, như qua cái hôn tại Ghetsêmani, nhưng theo chiều ngược lại. Về phía Chúa là cả một sự yêu thương hạ cố, còn về phía con người là ngoan cố và sa ngã.

Tại Ghetsêmani, Yuđa đã tỏra rất cẩn thận : Khi các ông nhận ra người ấy rồi, thì hãy bắt lấy và dẫn đi cẩn thận. Chữ cẩn thận ở đây dịch từ một tiếng Hylạp có nghĩa là “không trượt”. Không được để “trượt” khỏi tay những kẻ bắt Ngài. Yuđa nhớ lại rằng đã nhiều lần Đức Yêsu vượt khỏi tay họ tại Nazareth và ở nhiều nơi khác nữa. Như Tin Mừng thuật lại, họ định bắt Ngài nhưng Ngài vẫn đi khỏi được như Ngài muốn. Yuđa sợ lần này cũng thế, nên dặn dò kỹ lưỡng : chú ý nhé, nắm cho chắc.

Vừa đến, lập tức y tiến lại mà nói với Ngài : “Rabbi” và hôn Ngài  (Mc 14:45).

Yuđa chào Chúa bằng một cái hôn như thường ngày. Ở đây câu văn Hylạp của Marco trục trặc không xuôi, Mattheu sẽ chau chuốt lại. Ta cũng nên chú ý là trong Marco, Đức Yêsu không đáp lại lời nào sau cái hôn.

Còn họ thì tra tay bắt lấy Ngài (Mc 4:46).

Bản văn rất đơn giản : Tay túm cổ, không có sự chống cự, không một lời :

Nhưng một người trong những kẻ có mặt tuốt gươm và đánh nhằm tên đày tớ của thượng tế và chặt đứt tai nó (Mc 14:47).

Đọc bản văn Hylạp, ta có cảm tưởng đây là một bản văn quen thuộc (do tiếng dùng ở đây), và Yoan sẽ nói rõ đó là thánh Phêrô, Marco thì không nói rõ. Phải chăng Phêrô không muốn thuật lại nghĩa cử hùng hổ nhưng hơi lố bịch này ? Còn người đầy tớ của thượng tế đây là ai ? Một số người cho rằng đó là một viên chức cao cấp của Đền thờ, nhưng đúng hơn có lẽ là một người hầu mà thượng tế cử đi quan sát tình hình để thông tin lại cho ông ta. Thượng tế không đích thân đến đó, nhưng muốn biết sự việc xảy ra làm sao. Dường như Phêrô quen biết người đầy tớ; để báo thù thượng tế, ông đã chặt đứt vành tai của người hầu.

Và Đức Yêsu lên tiếng nói với họ : “Như thể đi đánh cướp sao, mà các ông phải mang gươm giáo gậy gộc đến bắt tôi?” (Mc 14:48).

Với một vẻ ung dung mỉa mai, Đức Yêsu nhận xét rằng không cần chuẩn bị kỹ đến thế để bắt Ngài. Một số nhà chú giải cho rằng chữ “cướp” ở đây ám chỉ đến những tên khủng bố phiến loạn thời đó (nhóm sicaires) vũ trang gươm giáo chống lại chính quyền. Theo họ, Chúa Yêsu muốn nói đến những người này và không nhận mình có ý đồ chính trị như vậy. Nhưng có lẽ không phải, ở đây hiểu theo nghĩa thường là đủ rồi. Như ta đã gặp trong Tin Mừng qua câu truyện người Samarie bị cướp bóc lột, hay người chăn chiên tốt bảo vệ đàn chiên chống quân trộm cướp. Cũng chữ đó dùng để chỉ hai người cùng bị đóng đinh với Đức Yêsu. Vậy Đức Yêsu có ý nói : “Tôi không thuộc hạng đó đâu mà phải vũ trang đến thế để bắt tôi”.

Rồi Đức Yêsu thêm :“Hằng ngày tôi ở giữa các ông, giảng dạy nơi đền thờ, vậy mà các ông không bắt tôi”  (Mc 14:49).

Này tôi đây, tôi đâu có chống cự, các ông muốn bắt thì cứ bắt đi. Thái độ này sẽ càng được Mattheu và Luca nêu rõ hơn, cho thấy ý nghĩa thâm sâu của cảnh đó : Đức Yêsu làm chủ tình thế và chấp nhận mọi sự. Đây là lúc Cha Ngài muốn và Ngài phải để cho họ bắt Ngài. Và ngay trong Marco, Ngài còn nói thêm: “Âu là để sách Thánh được nên trọn”. Đức Yêsu biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa, lời loan báo về cuộc khổ nạn của Người tôi tớ phải được hoàn tất nơi mình Ngài. Ngài chấp nhận diễn tiến các sự kiện như Kinh Thánh đã tiên báo. Có lẽ Ngài còn nghĩ đến một bản văn Kinh Thánh xác định mà Luca sẽ trích dẫn (Lc 22:37), trong đó Ysaya nói rằng người tôi tớ đã bị liệt vào hàng quân trộm cướp.

Và môn đồ bỏ mặc Ngài mà chạy trốn hết (Mc 14:50).

Câu nói ngắn gọn nhưng có cả một sức nặng to lớn ! Sau khi đã ngủ mê trong lúc Đức Yêsu canh thức, các môn đệ lại còn thối lui ngay khi vừa gặp hiểm nguy : Chỉ chém được một nhát gươm duy nhất, rồi khi thấy Đức Yêsu chấp nhận bị bắt, họ đều trốn hết, kể cả Phêrô. Sau này ông sẽ hối hận và theo dõi từ xa cho đến dinh thượng tế. Nhưng hiện giờ thì tất cả đều bỏ trốn. Chúng ta có thể cho các tông đồ là hèn nhát, nhưng thử đặt mình vào chỗ của họ, liệu chúng ta sẽ làm gì ?

Một thanh niên nọ đi theo Ngài, trên mình trần chỉ quấn chiếc khăn và người ta túm lấy anh, nên anh bỏ lại chiếc khăn mà chạy trốn mình trần (Mc 14:51-52).

Tiết truyệt lạ lùng này tại sao có ở đây ? Một số nhà chú giải cho rằng Marco muốn thêm một nhân chứng, hay muốn cho thấy mức độ hốt hoảng càng lúc càng tăng : Các người có mặt chạy trốn hết, ngay cả một thanh niên trên mình chỉ quấn chiếc khăn. Một số khác cho rằng chi tiết này được thêm vào để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, cách riêng Am 2:16, tả lại sự hoảng hốt trong ngày Thiên Chúa trừng phạt : Ngày ấy, kẻ dũng cảm nhất cũng chạy trốn mình trần. Nhưng lối giải thích này quá gượng ép. Đúng hơn, ta nên nhận là nó thật đã xảy ra như vậy. Nhưng tại sao nó được thuật lại ở đây ? Nhiều nhà chú giải cho rằng người thanh niên đó là chính thánh Marco nên ông thuật lại một kỷ niệm riêng, như thể để ký tên vậy. Cũng thế, có lẽ Mattheu đã ký tên vào sách Tin Mừng của mình khi nói đến “Người ký lục trở nên môn đệ của Nước Trời… biết rút từ kho mình những cái mới và cái cũ” (Mt 13:52), nhưng sao Marco lại ở trong vườn Ghetsemani mình trần ? Khó có thể trả lời được mà không rơi vào tưởng tượng tiểu thuyết như một số tác giả đã làm. Dù sao thì trong số các thánh sử, chỉ một mình Marco đã ghi nhận chi tiết phụ đó như một kỷ niệm riêng tư còn in đậm trong ký ức.

TRÌNH THUẬT CỦA MATTHEU.

Trái với cảnh hấp hối, ở đây Mattheu cung cấp cho chúng ta nhiều chi tiết khác với Marco và sử dụng những thuật ngữ của người Sêmit. Điều này rất đáng chú ý vì cho thấy rằng Mattheu không chỉ tùy thuộc Marco, mà còn thuộc một nguồn khác, có nhiều chi tiết Sêmit hơn, và có lẽ còn cổ hơn nữa.

Ngài còn đang nói thì này Yuđa, một người trong nhóm 12 đã đến.

Hai nhận xét nhỏ : “Thì này” là một tiếng thường được Mattheu và Luca sử dụng, rút từ Thánh kinh. “Đã đến” Mattheu dùng thì quá khứ chứ không dùng hiện tại như Marco.

Và cùng với y có lũ đông mang gươm giáo, gậy gộc, do các thượng tế và hàng niên trưởng của dân sai đến (Mt 26:47).

Tại sao Mattheu bỏ qua các ký lục ? Có lẽ Mattheu thuộc giới này nên tránh nhắc đến họ. Đây không phải là trùng hợp duy nhất trong Tin Mừng mà Mattheu tránh nói tới các ký lục. Nếu quả thật ông là một người thu thuế, một ký lục đã trở nên môn đệ Đức Yêsu, thì dễ hiểu việc ông không thích đưa họ ra trong những lúc khó khăn. Một chi tiết khác : Mattheu nói rõ “hàng niên trưởng của dân” để cho thấy các vị này đại diện cho quần chúng.

Kẻ nộp Ngài

Đoạn tiếp giống hệt Marco, chỉ trừ khúc “dẫn đi cẩn thận”, vì Mattheu coi đó là một nhận xét quá thừa thải hay còn vô lễ nữa.

Và ngay đó y tiến đến gặp Đức Yêsu mà nói : “Chào Rabbi” và hôn Ngài (Mt 26:49).

 Văn Hylạp của Mattheu ở đây xuôi chảy hơn Marco, và Mattheu cũng ghi lại một câu trả lời của Đức Yêsu, không có trong Marco : Đức Yêsu bảo y : Này bạn, (nguyện được thành sự) điều làm bạn có mặt ở đây” (Mt 26:50). Câu này bắt người dịch phải chọn giữa nhiều nghĩa. Chữ Hylạp mà ta dịch là “bạn” có nghĩa là người đồng hành, thân hữu, một tiếng vừa thân mật vừa dễ mến. Còn khúc sau rất khó dịch, nghĩa đen là: “điều làm bạn có mặt ở đây”. Nhiều người cho đó là câu hỏi : “Tại sao bạn có mặt ở đây?”, như trong bản Vulgata. Nhưng dịch như thế không đúng. Câu truyện viết thiếu một phần, làm cách nào để bổ túc ? Có người hiểu là “tôi biết điều làm bạn có mặt ở đây”, người khác (như cha Lagraufe chẳng hạn) lại dịch : “Một cái hôn để thực hiện điều làm bạn có mặt ở đây ư?”. Riêng tôi cho rằng đây là một thuật ngữ thông dụng để nhắc cho một người nào đó việc họ phải làm. “Hãy thực hiện điều làm bạn có mặt ở đây”. “Hãy làm công việc của bạn”. Đây là lời trách mắng vừa dịu dàng vừa uy nghi, Đức Yêsu nói: “Thôi đủ rồi! Đã đến lúc chúng ta hành động, bạn hãy làm công việc của bạn”. Cho tới nay, Chúa vẫn kiên nhẫn, nhắm mắt bỏ qua và tìm cách lôi kéo Yuđa trở về; nhưng đã đến hồi kết thúc, Đức Yêsu chặn y lại, không còn phải là lúc hôn nhau: “Này bạn, đừng giở trò nữa, hãy làm công việc của bạn”.

Thánh Yoan cũng nhắc lại một lời tương tự, trong bữa tiệc ly (Yn 13:27) : Sau khi trao miếng bánh để tỏ dấu rằng Ngài đã biết rõ sự phản bội của Yuđa, Đức Yêsu nói : “ngươi tính làm gì thì làm mau đi”. Các môn đệ không hiểu Ngài nói gì, tưởng Ngài bảo y đi bố thí cho người nghèo hay sắm sửa lễ Vượt qua. Nhưng Đức Yêsu lại nghĩ đến sự phản đội, Đức Yêsu nói : “Thôi lẹ lên ! Hãy làm công việc của ngươi”.

Bấy giờ, họ lấn lại, tra tay bắt Đức Yêsu (Mt 26:50).

Bản văn giống với Marco. Và này một trong những người ở bên Đức Yêsu giơ tay tuốt gươm(Mt 26,51). Ta nhận xét thấy rằng không cần phải nói “giơ tay tuốt gươm”, chỉ “tuốt gươm” thôi cũng đủ, nhưng đây là một lối nói của Kinh Thánh. Khi Samson cầm lấy cái hàm lừa để tấn công địch thủ, thì cả bản Kinh Thánh bằng tiếng Hipri lẫn bản Hy lạp đều viết : Ông giơ tay cầm lấy cái hàm (Tph 15:15). Cũng thế, như Đavít chiến đấu với Goliath, ông cũng giơ tay lấy một hòn đá trong bọc để giết hắn (1S 17:49). Ở đây Mattheu lấy lại một thuật ngữ của Kinh Thánh, và điều đó cho thấy Mattheu không chỉ hoàn toàn tùy thuộc Marco, nhưng còn có một nguồn khác nữa.

Và chém nhằm tên đầy tớ của thượng tế và chặt đứt tai nó (Mt 26:51).

Như sau cái hôn, ở đây Mattheu cũng thuật lại một câu trả lời của Đức Yêsu không có trong Marco : Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai cầm gươm sẽ bị hại vì gươm (Mt 26:53). Chúng ta cảm thấy đây là một câu châm ngôn, tương tự như câu Kn 13:10. Dùng gươm sẽ bị hại vì gươm, đó là luật trả thù của con người. Nhưng Đức Yêsu tự đặt mình trên một bình diện cao hơn. Ngài sẽ nói với Philatô : Tôi không có quân lính, nước tôi không thuộc thế gian này”(Yn 18:36). Ở đây Ngài lại nói thêm: Hay ngươi tưởng Ta không thể xin cùng Cha Ta cấp ngay cho Ta hơn 12 cơ binh thiên thần ư? (Mt 26:53). Đức Yêsu cho thấy rằng quân lính của Ngài, nước Ngài thuộc một trật tự khác hẳn. Nếu Ngài muốn, Ngài có thể sử dụng sự toàn năng của Thiên Chúa và các thiên thần sẽ phục vụ Ngài; vậy nếu Ngài để cho họ bắt, chính vì Ngài muốn thế và không đặt việc này trên bình diện chính trị.

Tại sao lại 12 cơ binh thiên thần ?

Một lối nói lạ lùng, gợi lên các đạo binh La mã. Vậy các thiên thần cũng có đội ngũ, cơ binh sao ? Câu hỏi này đã được giải đáp nhờ những văn kiện tìm thấy ở Qumrân, bên bờ biển Chết, các văn kiện của giáo phái Dothái đồng thời hay có trước Tân ước một chút này có nói đến một giáo thuyết trong đó các thiên thần chiếm một vị trí quan trọng, cách riêng chia làm hai loại : Thiên thần tốt và thiên thần xấu. Họ phân biệt con cái của ánh sáng với con cái của bóng tối như hai phe đối địch nhau, phe thiện và phe ác, Satan và Thiên Chúa. Vị vua của bóng tối và vị vua của ánh sáng đều có dưới tay mình không những con người mà cả các thiên thần nữa. “Cuốn nói về chiến tranh” là tập sách bàn đến cuộc đấu cuối cùng, đã tả lại mọi trận chiến giữa các đạo binh nhân loại ở dưới đất, và các đạo binh thiên thần ở bên trên. Lời trên đây của Đức Yêsu phải được nối kết với môi trường tư tưởng này:  Các thiên thần ở với Ngài như những trợ thủ từ trời xuống, như là đạo binh thật của Ngài. Nếu muốn, Ngài có thể kêu các thiên thần đến, nhưng :

Vậy thì làm sao nên trọn lời sách thánh, là phải xảy ra như vậy ?(Mt 26:54).

Đức Yêsu nói : “Nếu ta nhờ các thiên thần của Thiên Chúa để tự vệ thì ta sẽ không chết. Nhưng Sách Thánh muốn ta chịu chết, nên ta phải chấp nhận để cho họ bắt mà không chống cự”. Đức Yêsu tự nguyện chọn thái độ thụ động.

Tất cả đoạn tiếp đều giống trình thuật của Marco, cho đến cuối. Nhưng Mattheu bỏ chi tiết về người thanh niên mình trần vì không liên quan gì đến ông, chúng ta đã biết tại sao.

TRÌNH THUẬT CỦA LUCA

Trong Luca, trình thuật việc Đức Yêsu bị bắt có vẻ ngắn.

Ngài còn đang nói thì này một đoàn lũ và tên Yuđa, một người trong nhóm 12, đi trước họ (Lc 22:47).

Luca không hề nhắc đến gươm giáo, gậy gộc, các thượng tế hay ký lục; ông cũng không nói đến dấu hiệu họ dặn nhau, mặc dù không phải là ông không biết. Ở đoạn sau ta sẽ thấy câu trả lời của Đức Yêsu cho Yuđa, giả thiết Ngài đã hiểu cái hôn của y như một dấu hiệu, và sẽ nhắc tới các thượng tế trong c.52. Luca để dành các chi tiết ấy đến sau và đi thẳng đến cái hôn. Ông nhắc lại một lời của Đức Yêsu khác với Mattheu : Đức Yêsu bảo y :“Yuđa, ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?” (Lc 22:48). Câu này tuyệt diệu, nặng nội dung thần học; nó nêu rõ sự tương phản giữa cái hôn là dấu chỉ tình bạn, với sự phản bội mà cái hôn đó hoàn tất. Thuật ngữ “Con người” là một tước hiệu thiên sai quan trọng, được Đức Yêsu sử dụng để loan báo số phận đau thương và vinh hiển của Ngài. Tính cách bi thảm của cách này được cô đọng trong một câu : Qua cử chỉ thân ái đó, một người bạn đã hoàn tất định mạng của Con Người.

Vì Mattheu và Luca thuật lại lời của Đức Yêsu một cách khác nhau, ta có thể tự hỏi trong thực tế Ngài đã nói gì ? Chúng ta không biết và thật vô bổ nếu cứ thắc mắc về vấn đề này. Các thánh sử không thuật lại lời Đức Yêsu một cách cụ thể chính xác như được ghi âm. Mỗi người, tùy theo tâm lý và chủ đích thần học của mình, đã muốn diễn tả tinh thần của câu truyện. Mattheu thuật lại một câu trả lời rất đường hoàng của Đức Yêsu, còn Luca tóm tắt tình thế một cách uy nghi. Cả hai điều có lý và đều diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng của Đức Yêsu và cuộc gặp gỡ giữa Ngài với Yuđa. Phải chăng Chúa đã nói cả hai câu ? Hay chúng ta có thật sự được thốt lên không ? Nếu phải chọn, thì ta sẽ thấy câu của Mattheu có vẻ thật hơn, tuy nhiên không vì thế mà bảo rằng câu của Luca sai.

Thấy sự sắp xảy ra, các ông ở quanh Ngài mới nói : “Thưa Ngài, chúng tôi lấy gươm đánh được không?” (Lc 22:49).

Ở đây ta không còn thấy sáng kiến tấn công đầu tiên của Phêrô nữa. Các môn đệ kính cẩn xin phép được bảo vệ Thầy, điều này xem ra không tự nhiên nếu xét về mặt tâm lý. Ta khó có thể tưởng tượng được con người nóng nảy bộp chộp như Phêrô mà lại nói : Thưa Thầy con đánh được không ? Vì thể nào Đức Yêsu cũng lắc đầu.

Và một người trong nhóm họ đã đánh nhằm tên đầy tớ của thượng tế và chặt đứt tai phải nó (Lc 22:50).

Tại sao tai phải, như thánh Yoan cũng sẽ nói ? Đứng đối diện với kẻ địch, nếu chặt đứt tai trái của nó thì có phải thuận hơn không ? Có thể giải thích rằng Phêrô tấn công từ sau lưng, nhưng như thế thì hèn quá. Có lẽ đúng hơn, phải nói Phêrô cố tình chặt đứt tai phải để làm nhục tên đầy tớ hơn. Vì đối với người xưa, và ngày nay cũng vẫn vậy, các chi thể bên phải được quý trọng hơn bên trái vì chúng khéo léo hơn. Sách Mishna (Baba Qamnra VIII,6) phạt vạ người nào tát kẻ khác bằng lòng bàn tay, vì như thế là tát má bên trái; nhưng tiền phạt sẽ tăng gấp đôi cho ai tát bằng mu bàn tay, vì khi ấy sẽ trúng vào má phải. Một tờ chỉ thảo Ai cập còn ghi lại một thí dụ khác : Một người lính Roma bị tên lý trưởng và bọn du côn tại một làng nọ tấn công. Anh ta chống trả và chặt đứt tai phải của tên lý trưởng để làm nhục chứ không thèm giết hắn. Trường hợp của Phêrô tại Ghetsemani cũng tương tự.

Phản ứng của Đức Yêsu cũng không giống như trong Mattheu. Theo Luca, Đức Yêsu nói  “Thôi đủ rồi” (Lc 22:51). Ngài không thích hành động đó. Trong bữa tiệc ly (Lc 22:36-38), Đức Yêsu đã ám chỉ đến thời mà Con Người sẽ bị bách hại, khi ấy ai có áo choàng thì phải bán đi mà mua lấy thanh gươm. Các Tông đồ lại hiểu lời ấy theo nghĩa đen nên đã trả lời : “Thưa Ngài, ở đây có hai thanh gươm”. Và Đức Yêsu bảo họ : “Thôi! đủ rồi”, i.e các ngươi không biết hiểu Ta, Ta có muốn nói đến điều ấy đâu!”. Ở đây cũng thế, Phêrô đã làm một cử chỉ anh hùng mà ông có thể lấy làm hãnh diện, nhưng Đức Yêsu chặn ông lại : “Thôi, đủ rồi”.

Và đụng tai người ấy, Ngài chữa nó lành(Lc 22:51).

Chỉ mình Lucac thuật lại hành động này, vì ông là người hiền từ và là lương y. Mattheu, Marco, Yoan không nói gì thêm cả và ta có thể nghĩ rằng người đầy tớ đó ra về bị thương. Nhưng theo Luca, Chúa không thể để như vậy được. Chúa – chắc là ông bịa ra và ưa kể lại những phép lạ chữa lành.

Đoạn Đức Yêsu nói cùng những người kéo đến bắt Ngài, các thượng tế, các lãnh binh Đền thờ và hàng niên trưởng(Lc 22:52).

Chữ “lãnh binh” nói đến các vị chỉ huy đội cảnh binh Đền thờ. Thật vậy, tại Đền thờ có một đội trật tự để giữ gìn nơi Thánh, và những sĩ quan trong đội ấy thì gọi là lãnh binh. Theo Luca, đứng trước mặt Đức Yêsu có các thượng tế, các lãnh binh đền thờ và hàng niên trưởng. Vậy ra, trong đêm đó tại Ghetsemani, các nhân vật quan trọng đã thân chinh đến bắt Ngài. Mattheu-Marco-Yoan không hề nói đến điều này. Phải chăng Luca có nguồn tài liệu đặc biệt ? Hay đúng hơn, ông đã giản lược tình thế ? Có lẽ chỉ các tôi tớ và vệ binh đến Ghetsemani mà thôi, còn những vị thủ lãnh ở nhà đợi giải Đức Yêsu về. Dù sao đi nữa câu nói của Đức Yêsu ở đây cũng giống Mattheu và Marco. “Như thể đi đánh cướp sao mà các ông với gươm giáo, gậy gộc?” (Lc 22:52).

Nhưng này là giờ của các ông và là thời quyền lực tối tăm(Lc 22:53).

Đây là một chủ đề thiết thân của Luca cũng như Yoan : Cuộc chiến giữa Satan và Chúa Kitô, sự đụng độ giữa hai vương quốc. Ngay trong cơn cám dỗ tại hoang địa, sau khi Đức Yêsu đã chiến thắng Satan, chỉ có mình Luca ghi rằng Satan lui ra xa Ngài mà đợi dịp, như thể nó chỉ tạm biệt Đức Kitô thôi và sẽ còn tái ngộ vậy. Thì đây, dịp đó đã đến : Khi Yuđa đến kiếm các thượng tế để nộp Đức Yêsu cho họ, Lc khẳng định rằng Satan đã nhập vào hắn và thôi thúc hắn hành động (Lc 22:3). Cũng thế, theo Yoan, Satan nhập vào Yuđa đúng lúc hắn cầm lấy miếng bánh. Như thế, Luca và Yoan muốn cho thấy rằng kẻ khốn khổ ấy là khí cụ của một quyền lực quái ác. Đã nhiều lần Satan bị Chúa đánh bại trong những vụ trừ quỉ (Lc 10:17-18), nhưng nó chưa chịu thua và giờ đây lại hoành hành. Satan sẽ đưa Đức Yêsu đến chỗ chết và nó tưởng thế là chiến thắng, trong khi thật ra đó lại chính là sự thất bại của nó. Đó là ý nghĩa của lời mà thánh Luca thuật lại ở đây : Này là giờ của các ông, là triều đại của tối tăm. Thiên Chúa cho phép Satan hành động, theo sách Khải huyền, Người cho phép các quyền lực sự dữ tung hoành để cho người công chính gục ngã, nhưng kế hoạch của Thiên Chúa vẫn được hoàn thành.

TRÌNH THUẬT CỦA YOAN         

Thánh Yoan đưa ra hai yếu tố mới, quan trọng. Yếu tố thứ nhất là sự có mặt của một cơ binh.

Vậy Yuđa dẫn theo một cơ binh và nhóm bộ hạ của các thượng tế và biệt phái mà đến đó cùng với đèn đuốc và khí giới (Yn 18:3).

Nhờ Mattheu và Luca, chúng ta đã biết có các vệ binh của thượng tế, cũng là tay sai của các ký lục. Ở đây lại nhắc tới người Biệt phái, làm cho các phe pha trộn với nhau : Biệt phái và Sa đốc, thượng tế và ký lục. Nhưng chữ “cơ binh” còn gây ngạc nhiên hơn nữa. Chữ này gợi lên hình ảnh quân đội Roma, nó chỉ một đội binh 600 người. Đoạn tiếp sau dường như càng cho thấy rõ điểm này, khi nói Đức Yêsu bị “viên quản cơ” trói lại và dẫn đi (Yn 18:12).

Vậy một vấn đề nghiêm trọng được đặt ra : Trách nhiệm trong vụ án và cái chết của Đức Yêsu thuộc về ai, người Dothái hay người Roma ?

Ngày nay, người Dothái khẳng định rằng chính người Roma đã bắt Đức Yêsu và giết Ngài bằng cách đóng đinh vào thập giá; cái chết kiểu đó là một hình khổ của người Roma. Theo họ, chính Yoan cũng nhận ở đây rằng người Roma đã đến bắt Đức Yêsu với sự trợ giúp vài người Dothái. Paul Winter, một học giả người Đức gốc Dothái sống tại Luân đôn, cho rằng tất cả trách nhiệm thuộc về Philatô, và ông đã viết như vậy trong tác phẩm “Về vụ án Đức Yêsu” của mình. Theo ông, đã từ lâu Philatô vẫn nói với Caipha : “Ông hãy loại trừ người ấy đi vì hắn làm tôi bực mình; còn nếu ông không ra tay, chính tôi sẽ can thiệp đấy”. Vì thế, Caipha họp hội đồng lại (Yn 11:47tt) : Nếu ta cứ để như vậy thì mọi người sẽ tin vào ông ta và người Roma sẽ đến và hủy diệt nơi Thánh cùng với dân tộc chúng ta mất… Thà để một người chết thay cho cả dân”. Vậy Caipha chỉ hành động dưới áp lực của Roma. Philatô đã sai lính của ông đến Ghetsemani để chu toàn việc bắt Đức Yêsu. Do đó người Dothái không phải chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài. Vấn đề nghiêm trọng này sẽ được bàn đến sau.

Còn về việc bắt Đức Yêsu, ta phải nhận rằng không phải chỉ có một lối giải thích đó mà thôi. Trái lại, có thể giả thiết là chính người Dothái có sáng kiến bắt Đức Yêsu; nhưng biết rằng sau đó thể nào họ cũng phải giao nộp cho người Roma vì họ không có quyền xử tử, nên họ xin người Roma gửi một đội lính đến để việc bắt Đức Yêsu được chắc chắn thành công. Lối giải thích này không phải là không có giá trị. Ngoài ra, còn một lối khác nữa: Chữ Hylạp mà ta dịch là “cơ binh” và “viên quản cơ” có nhất thiết nói đến lính Roma không ? Không hẳn đâu, vì nó cũng có thể chỉ một binh đội khác, Dothái chẳng hạn. Sau cùng, ta cũng có thể tự hỏi điều Yoan nói có đúng chăng hay biết đâu ông chẳng thiếu chính xác, và ta có thể đưa Tin Mừng Nhất lãm ra đối chọi, vì các sách Tin Mừng đó không hề nói đến người Roma.

Các câu 4-9 cho chúng ta một yếu tố độc đáo khác nữa, thái độ rất uy nghi của Đức Yêsu khi bị bắt :

Đức Yêsu rõ biết mọi sự sắp xảy đến cho Ngài thì đi ra và nói với họ : “Các ngươi tìm ai?”. Họ đáp lại Ngài : “Yêsu Nazareh”. Ngài bảo họ : “Chính là Ta”. Yuđa kẻ nộp Ngài, cũng đứng chung với họ. Vậy khi Ngài vừa nói : “Chính là Ta” thì họ giật lùi đàng sau và nhào xuống đất. Ngài lại hỏi lần nữa : “Các ngươi tìm ai?”, và họ nói : “Yêsu Nazaret”. Đức Yêsu đáp lại : “Ta đã bảo các ngươi : chính là Ta. Vậy nếu các ngươi tìm Ta thì hãy để các kẻ này đi!” Ngõ hầu nên trọn lời Ngài đã nói : “Các kẻ Cha đã ban cho Con, Con đã không để hư mất một người nào” (Yn 18:4-9).

Cách trình bày của Yoan khác với Nhất lãm và có giá trị cùng chủ ý riêng của nó. Rõ ràng Yoan muốn làm nổi bật sự uy nghi của Chúa, Ngài làm chủ vận mạng của mình. Đó là một khía cạnh của Đức Kitô trong Tin Mừng Yoan, nó không làm sai sự thật nhưng cho ta linh cảm thấy trước ở nơi Đức Yêsu, trong cuộc sống trần gian của Ngài, cái “vinh quang” mà Ngài có từ nơi Cha và sẽ triển nở hẳn nhờ sự Phục sinh. Như các họa sĩ thường vẽ một vòng hào quang quanh đầu các thánh, Yoan cũng bao trùm Đức Yêsu bằng sự uy nghi thần linh này; còn nơi Tin Mừng Nhất lãm, ta ít thấy điều đó hơn.

Ở đây Yoan diễn tả cách khác điều các Tin Mừng kia cũng đã nói : Đức Yêsu hoàn tất lời Kinh Thánh, Ngài từ chối tự vệ, Ngài hướng dẫn vận mạng của mình. Ngài tỏ mình ra và nói : “Chính là Ta”, một thuật ngữ thường gặp nơi Yn vì nó gợi lên cách mạnh mẽ địa vị thần linh của Đức Yêsu. Ở trên núi Sinai Yavê đã phán : Ta có sao Ta có vậy(Xh 3,14). “Ta là” nói lên chính Thiên Chúa.

Thật vậy, nghe lời ấy, quân lính lùi lại và té xuống đất. Điều này có thể xảy đến lắm. Chúng ta cũng không cần phóng đại, tưởng tượng rằng những người đó sụp đổ như những cây cột trong một cuộc động đất. Chỉ cần họ bối rối trước vẻ uy nghi của Đức Yêsu nên lùi lại mấy bước và vấp vào rễ cây ôliu, thế là một số bị té nhào. Marco và Mattheu không giữ lại chi tiết phụ này; nhưng Yoan làm nổi bật lên vì ông coi đó là biểu tượng cho thực tại sâu xa này : Những người đó đã té nhào trước mặt Chúa, còn Đức Yêsu tự nguyện để cho người ta bắt Ngài để đừng môn đồ nào bị liên lụy.

Ngoài các điểm quan trọng đó ra, Yoan còn cho ta biết thêm hai chi tiết. Thứ nhất là tên của Simon Phêrô, không thấy được ghi lại trong Nhất lãm. Điều này có thể lắm và phù hợp với tính tình của nhân vật : Phêrô tuốt gươm một cách bộc phát và quảng đại, nhưng quá vô ích.

Chi tiết thứ hai là tên của người đầy tớ : Malkhô. Nét này khó có thể là bịa đặt, nó cho thấy nơi Yoan một truyền thống cổ xưa. Yoan biết người nhà của thượng tế và có khi chính thượng tế nữa. Ông biết Malkhô. Malkhô là một cái tên thông dụng, có vẻ của dân Nabatê, cho thấy đây là một người hầu cận, một nô lệ của thượng tế. Yoan đã chứng kiến cảnh bị bắt và cũng ghi nhận “tai phải” như Luca.

Ngoài ra, Yoan không cho biết thêm điều gì mới. Câu kết rất ngắn : Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao? (Yn 18:11). Điều này cho biết Yoan có biết cảnh hấp hối tại Ghetsemani, mặc dù ông không thuật lại. Ở đây, ông sử dụng hình ảnh chén trong cảnh đó, chén mà Đức Yêsu đã lãnh nhận, để cho thấy Ngài hoàn tất lời Kinh Thánh.


Đó là cảnh Đức Yêsu bị bắt. Nó đặt nền tảng trên 4 chứng từ có rất nhiều nét chung và một vài nét riêng của mỗi thánh sử. Sử tính của biến cố rất chắc chắn : Việc Yuđa đến, cuộc cãi cọ, nhát gươm, tất cả những điều đó được thuật lại cách khác nhau để giúp ta thấy được các khía cạnh của cùng mầu nhiệm.

Bài học chính được rút ra từ đó, là Đức Yêsu muốn chu toàn ý Cha Ngài. Trong phiên tòa sắp tới, chúng ta sẽ gặp lại một thái độ đường hoàng, dõng dạc đó của Đức Yêsu, cho các đối thủ của Ngài thấy rằng sở dĩ Ngài tuân theo họ là cốt để tuân phục Cha Ngài và hoàn tất nhiệm vụ Cứu Thế.

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

ba thien than dam dao abraham

Ba thiên sứ viếng thăm Abraham

Thiên Chúa đã sai 3 sứ thần đến gặp gỡ và cảnh báo cho Abraham biết về đại họa sắp giáng xuống Sodom. Ông cầu xin sự khoan hồng

kien vung truoc thu thach

Càng gặp thử thách, ta càng bám chặt vào Chúa

Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên, trước những ngọn núi to lớn và nhìn thật vĩ đại đang đứng sừng sững trước mặt tôi.

thap gia kito giao chien thang rome

Đế quốc La Mã theo Kitô giáo

Sau một thời gian dài bắt đạo, Đế quốc La Mã đã tòng giáo theo sau sự kiện cua Constantius Đại Đế chiến thắng nhờ vinh quang thập giá

Hy vọng là thách đố lớn nhất của thế giới ngày nay

Vatican chiều ngày 12 tháng 3 năm 2000Đấng Đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn ...

bible quizz 1

Bible Quiz #1 – Trắc nghiệm Thánh Kinh

1. “Bà đừng khóc nữa!” Chúa Giêsu đã an ủi một người đàn bà đang ...

bia sach

Cảm nhận sách: Sự sống và quyền bất khả xâm phạm – Nền tảng luân lý cho xã hội

Thông tin sách: Tựa: Sự sống và quyền bất khả xâm phạm – Nền tảng ...

Để lại bình luận