Tìm Hiểu Thánh Kinh

Cơn hấp hối của Chúa Giêsu tại Jerusalem

Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane
96 views

Dưới đây là bài chú giải Tin Mưng của cha Nguyễn Thế Thuấn, trích trong phần “Thương Khó và Phục Sinh

TRÌNH THUẬT CỦA MARCÔ.

Marco cho ta thấy cái sườn của câu truyện :

Họ đến một cái trại có tên là Ghetsemani (14:32).

Họ đến, nghĩa là cả nhóm Đức Yêsu và các môn đệ, Marco không phân biệt Đức Yêsu với các Tông đồ. Như người ta đã nhận xét, có lẽ đoạn này vọng lại lời rao giảng của Phêrô. Như thể chúng ta đang nghe ông nói : Chúng tôi đến chỗ đó, rồi Đức Yêsu làm thế này”. Một người có tham dự vào biến cố, khi thuật lại sẽ làm như thế. Người ta thường nghĩ rằng Marco ghi lại giáo huấn và cách nói sống động của Phêrô, vậy có thể đây là một dấu vết của việc đó.

Cái trại nơi họ đến tên là Ghetsemani. Nhiều người đã đề nghị những tự nguyên khác nhau cho chữ này. Tự nguyên xem ra có lý nhất là chữ aram gat chemaini có nghĩa là nơi ép (gat) dầu (chemani). Vậy đây là một cơ sở có nơi ép dầu, vì ở đó có nhiều ôliu. Nhờ một truyền thống cổ, ngày nay chúng ta còn biết rõ nơi này, và ngay nơi đây còn một nhà thờ mới, được xây trên nền của một nhà thờ khác cổ hơn.

Và Ngài bảo môn đồ : “Các ngươi ngồi lại đây đang khi Ta cầu nguyện”. Vậy Đức Yêsu tách ra để cầu nguyện. Nhiều lần trong đời sống của Ngài, ta đã thấy Ngài tách mình ra để cầu nguyện, nhưng lần này có một tầm quan trọng đặc biệt, vì cái giá của nó là sự sống hay cái chết.

Đoạn Ngài đem Phêrô, Yoan và Yacôbê theo mình (Mc 14:33).

Đó là 3 vị tông đồ được cưng và đã được chọn làm nhân chứng cho phép lạ hoàn sinh của đứa con gái ông Yairô, cũng như cho cuộc Hiển Dung (biến hình). Thường Tin Mừng hay thuật việc Chúa Yêsu cầu nguyện một mình trên núi. Lần này, Ngài đem theo ba nhân chứng, do tầm quan trọng đặc biệt của lời chứng này. Các tông đồ, hay ít ra ba người trong số họ, phải chứng kiến cuộc tranh đấu tối hậu của Thầy mình và phải tham gia hết mức, để cùng Ngài chấp nhận thập giá đang xuất hiện.

Và bắt đầu kinh hoảng – âu sầu. Hai chữ Hylạp dùng ở đây có nghĩa rất mạnh. Chữ thứ nhất, hay được Marco sử dụng, có nghĩa là “sững sờ”, “chết đứng”, ở đây là chết điếng vì sợ, như thể Đức Yêsu bỗng thấy mình đối diện với cái chết; hẳn Ngài chờ đợi nó từ lâu rồi, nhưng cũng như tất cả chúng ta, chưa thấy nó gần kề lắm. Nay bỗng nhiên nó trở nên gần sát; cảm giác này đưa đến một sự sợ hãi điếng người của bản tính nhân loại. Còn chữ âu sầu cũng dịch từ một tiếng Hylạp rất gợi hình: nó nói về một con người bối rối, mất định hướng, cảm thấy khốn quẫn trước một nguy cơ gần kề. Chúng ta thấy Đức Yêsu trong bản tính nhân loại của Ngài cũng cảm thấy điều mà mọi người đều cảm thấy, i.e (id est – đó là) sự sợ hãi trước cái chết, nhưng với một sự bén nhạy đặc biệt, trước một cái chết đặc biệt. Đức Yêsu muốn trải qua thân phận đó để chịu cơn thử thách cuối cùng.

Và Ngài bảo họ : “Hồn Ta buồn phiền quá đỗi; muốn chết được. Các ngươi hãy ở lại và canh thức(Mc 14:34).

Lời này như vọng lại Tv 42:6 : “Hồn tôi hỡi sao phiền muộn? Sao cứ ấm ức trong tôi?” Trong tiếng Hylạp, hai câu này sử dụng cùng một chữ. Còn “muốn chết được” thì gợi đến Yôna 4:9 : “Tôi buồn lắm, muốn chết được” (x.Hc 51:6). Các lời Kinh Thánh này có thể diễn tả nỗi buồn tự nguyện mà Chúa Yêsu cảm thấy.

Hãy ở lại đây và canh thức”. Sau khi bỏ nhóm Tông đồ ở đàng xa, Đức Yêsu lại để ba người thân cận lại nữa, rồi tách riêng ra để cầu nguyện một mình. Ngài xin họ canh thức, đây cũng là một chủ đề quan trọng ta sẽ xem sau.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC YÊSU.

Tiến xa thêm ít bước, Ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện(Mc 14:35).

Trong bản tiếng Hylạp, Marco sử dụng một thì quá khứ nói lên sự kéo dài : Ngài cầu nguyện… cầu nguyện mãi. Việc sấp mình xuống đất cũng đáng chú ý vì họa hiếm. Không thấy chỗ nào khác trong Tin Mừng nói Đức Yêsu sấp mình xuống đất, và hành động này cho thấy một trạng thái suy sụp của bản tính loài người.

Ngài cầu nguyện nếu có thể được thì xin cho thời giờ đó qua đi khỏi Ngài. Giờ (viết hoa) mà ta thường gặp trong Tin Mừng Yoan; là lúc Thiên Chúa chọn để cho xảy đến cuộc thương khó. Đức Yêsu xin cho Giờ đó qua đi, i.e cho nó đừng đến với Ngài, để Ngài khỏi phải sống Giờ đó. Đức Yêsu trong bản tính nhân loại đã xin Thiên Chúa tránh cho Ngài nỗi đau đớn này. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự kiện, đây là sự thật – rồi Đức Yêsu sẽ chiến thắng ngay tức khắc tiếng kêu của bản tính nhân loại, nhưng bản tính ấy vẫn có nơi Ngài. Ta đừng làm như Đức Yêsu “giả bộ” trong mọi việc từ khi sinh ra đến lúc chết đi : Giả bộ trốn, giả bộ hỏi v.v… Không ! Đức Yêsu đã sống như chúng ta, với tất cả những thành phần của một bản tính nhân loại; tuy vẫn là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là người thật, và với tính cách là người, Ngài cũng muốn tránh cái chết, và Ngài xin với Chúa Cha điều đó, nếu có thể được.

C.36 lặp lại cùng một lời cầu xin đó, dưới dạng trực tiếp : Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi con. Lần này Đức Yêsu không nói đến Giờ nhưng là chén. Đây là một từ ngữ Kinh Thánh để chỉ một cơn thử thách, một số mạng đau thương (x. Ys, Yr, các Tv, Kh). Chén đây là chén cay đắng đau khổ phải uống.

Cũng nên chú ý đến chữ “Abba” (Cha), vì nó rất lạ lùng. Dường như đây là một lối xưng hô rất thân mật mà người Dothái không dùng với Thiên Chúa.Theo Jeremias, Abba nghĩa là “Bố”. Đó là tiếng kêu thân mật của một trẻ em Dothái với cha nó. Người Dothái không dám dùng cho Thiên Chúa vì sợ bất kính, nhưng Đức Yêsu đã dùng. Điều này thoáng cho ta thấy sự thân mật giữa Đức Yêsu với Cha Ngài. Và điều đó làm cho các Kitô hữu đầu tiên ngạc nhiên đến nỗi họ đã giữ lại chữ này; trong các bản văn tiếng Hy lạp, họ vẫn ghi lại chữ aram “Abba” do chính miệng Đức Yêsu thốt ra, rồi tiếp đó họ mới dịch nghĩa “lạy Cha” để cho những độc giả Hylạp hay La tinh hiểu được.

Trong tâm tình mến thương và khiêm tốn, Đức Yêsu đã thẳng thắn xin với Cha : Nhưng không phải con muốn gì, mà là Cha muốn gì. Bản tính nhân loại được đặt về đúng chỗ của nó, còn thánh ý Thiên Chúa phải làm chủ; mà thánh ý ấy là Đức Yêsu phải chấp nhận uống chén đắng; chấp nhận bước vào trong Giờ của Ngài.

Lời cầu nguyện của Đức Yêsu ở đây được thu gọn trong 1 câu, nhưng thực tế có lẽ nó đã kéo dài ½ giờ hay 1 giờ cũng nên.

Sau khi Ngài cầu nguyện xong, Ngài trở lại mà thấy họ đang ngủ, Ngài mới nói với Phêrô : “Simon, ngươi ngủ sao, ngươi không có sức để thức được 1 giờ ư?(Mc 14:37).

Ngay cả ba Tông đồ thân cận, có lẽ vì mỏi mệt, nhưng cũng vì thiếu can đảm và cũng không hiểu rõ sự gì sắp xảy ra, cũng đã thiếp ngủ.

Đức Yêsu cảm thấy cô đơn, Ngài còn nói thêm một câu có tính cách chung chung, áp dụng được trong nhiều trường hợp : Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách, tinh thần tuy sẵn sàng, nhưng xác thịt thì yếu nhược(Mc 14:38).

Tâm hồn nhiệt thành, đầy thiện chí và sẵn sàng, nhưng bị cản trở bởi xác thịt yếu đuối. Mỗi người chúng ta đều nếm biết cuộc chiến đấu này. Trong hoàn cảnh đó, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa cơn thử thách. Chúng ta đừng hiểu chữ này theo một nghĩa tầm thường, cơn thử thách mà Đức Yêsu nói đến là một từ ngữ kỹ thuật của Thiên Chúa : Đó là cơn đau chuyển bụng mà Thánh Kinh thường nói đến, một cơn khủng hoảng cần thiết, qua đó người ta được đau khổ thanh luyện, hầu được biết thời buổi cứu độ. Đức Yêsu là người đầu tiên sắp trải qua cơn thử thách ấy, và sau Ngài, tất cả mọi Kitô hữu cũng sẽ phải trải qua. Để đừng sa cơn thử thách, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện (đây cũng là chước cám dỗ nói đến trong kinh lạy Cha).

Ngài lại ra đi và cầu nguyện lại những lời lẽ như thế (Mc 14:39).

Marco chỉ nói thoáng qua về lần cầu nguyện thứ 2 này :

Rồi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ, đôi mắt họ li bì nặng giấc, và họ không biết thưa gì với Ngài (Mc 14:40).

Một lần nữa, Đức Yêsu bắt gặp các Tông đồ đang mê ngủ.

Lần thứ 3, Ngài lại ra đi. Marco không nói gì về lần cầu nguyện thứ 3, nhưng chỉ nói gọn như thế.

Lần thứ 3, Ngài đến và bảo họ : “Thôi ! cứ ngủ, cứ nghỉ! Thế là xong. Giờ đã đến! Này Con Người sắp bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi(Mc 14:41).

Câu này rất khó hiểu. Trước tiên là câu : Thôi, cứ ngủ, cứ nghỉ. Phải chọn giữa 2 nghĩa, vì bản văn Hylạp có thể hiểu như một câu hỏi : “Các ngươi ngủ ư”; hay như một mệnh lệnh : “thôi, ngủ đi”. Cha Lagrange còn đề nghị một cách dịch khác mà tôi cũng đồng ý, nó có vẻ hơi mỉa mai  “Thôi được, các ngươi cứ ngủ đi, còn Ta, Ta sẽ canh thức”. Sau 2 lần đánh thức các Tông đồ mà các ông vẫn không dậy nổi, Đức Yêsu đã mỉa mai các ông một cách thân mật. Nhưng Ngài lại tiếp ngay :

Thế là xong. Động từ tiếng Hylạp ở đây rất khó dịch. Chúng ta có thể đưa ra 3 giải đáp chính : Thông thường, động từ đó có nghĩa là “lãnh nhận”, thí dụ : lãnh một số tiền như trên các văn tự Ai cập cổ mà ta còn giữ được. Vậy, có thể hiểu là : lúc này đây, Yuđa đang lãnh tiền. Động từ này còn một nghĩa khác nữa : “Ở xa”. Có thể dịch : Yuđa còn ở xa, các ngươi còn thì giờ để ngủ. Và sau cùng là giải pháp thứ 3, mà tôi cũng như nhiều nhà chú giải khác đồng ý chọn: động từ này có thể không theo một chủ từ xác định nào, và có nghĩa là : “Đã rồi” hay “thế là xong”.

Giờ đã đến, này Con Người sắp bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đức Yêsu tự xưng là Con Người, một danh hiệu mà Ngài ưa thích sử dụng trong những thời điểm quan trọng của đời Ngài, để nói lên sứ mạng và định mệnh của mình. Ngài phải bị nộp. Dậy! Ta đi! Này kẻ nộp Ta đã gần (Mc 14:42). Bây giờ không còn phải lúc ngủ, hay thức, hay cầu nguyện nữa, mà phải ra tay hành động. Ngay khi ấy, Yuđa đến, chúng ta sẽ nói tới trong chương sau.

TRÌNH THUẬT CỦA MATTHÊU

Bản văn của Mattheu giống Marco cách lạ lùng, ngoài một vài chi tiết đáng chú ý, có thể giúp ta biết được các thói quen và sở thích của Mattheu trong tiếng Hylạp. Ngay từ đầu, ta đã gặp một trong những từ ngữ quen thuộc của ông : Bấy giờ.

Bấy giờ, cùng với họ, Đức Yêsu đến(Mt 26:36).

Trong khi Marco nói “họ đến”, thì Mattheu nói : “Đức Yêsu đến cùng với họ”. Hai bên có hơi khác nhau : Marco để cho Đức Yêsu chìm trong đám đông và chỉ lộ ra sau đó mà thôi. Còn Mattheu viết sau, đã đặt Đức Yêsu làm nhân vật chính, để tỏ lòng tôn kính và vì chủ đích thần học : Đức Yêsu đến, vì chỉ có điều đó là quan trọng, còn những người kia chỉ đi theo. Trong suốt cả Tin Mừng đều như thế cả, mỗi khi gặp số nhiều nơi Marco, Mattheu đều có ý làm nổi bật Đức Yêsu lên. Đây là một ví dụ về những thói quen của các thánh sử khi họ viết văn, và ta nên học biết.

Bấy giờ, cùng với họ, Đức Yêsu đến một cái trại gọi là Ghetsêmani. Và Ngài bảo môn đồ : “Các ngươi hãy ngồi lại đây, đang khi Ta cầu nguyện đằng kia(Mt 26:36).

Ông viết rất rõ; những gì ta đã thấy nơi Marco thì ta lại càng thấy rõ hơn nữa với Mattheu, ông cố tình đối chọi “đây” với “kia”.

Đoạn Ngài đem Phêrô và 2 người con của Zêbêđê đi theo, và bắt đầu buồn bã và âu sầu (Mt 26:37).

Thay vì nói “Yacôbê và Yoan” như Marco, Mattheu thích nói “Hai người con của Zêbêđê” hơn (x.Mt 20:20-27:56). Nghĩa cũng giống nhau nhưng thuật ngữ của Mattheu có một hướng vị cổ hơn – theo ý kiến của Cha Lagrange.

Ngài bắt đầu buồn bã và âu sầu :

Mattheu đã giữ lại chữ “âu sầu” của Marco, nhưng đổi chữ “kinh hoảng”, vì thấy đó là một từ ngữ quá mạnh. Văn của Mattheu rất chỉnh, nhưng nhạt nhẽo, khác với Marco bộc phát và ưa thích mầu sắc. Do đó, ở đây Mattheu chỉ dùng chữ “buồn bã”.

C.38 của Mattheu gần như y hệt c.34 của Marco. Đến c.39, Mattheu viết Ngài sấp mặt xuống đất cũng để giảm bớt sự cộc lốc của Marco – thay vì gợi lên sự suy sụp của một con người té sấp dưới đất – cách nói của Mattheu cổ truyền hơn (x.Kn 17; Lc 14:25; Kh 7:11) gợi lên sự phủ phục tôn thờ và cầu khẩn, như dáng điệu của những người cùi trước Đức Yêsu (Lc 5:12; 17:16), hay phủ phục kính sợ trước Đấng thiêng liêng (Mt 17:6).

Ngài sấp mặt xuống đất và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này qua đi khỏi Con(Mt 26:39).

Ta hãy quan sát ở đây cách sắp xếp của Mattheu. Marco đã 2 lần nhắc đến lời cầu nguyện này, trước tiên bằng giọng văn gián tiếp (Mc 14:35), rồi đến trực tiếp (Mc 14:36). Thấy vậy, Mattheu đã nói “qua đi khỏi Con” của câu 35 với chén của câu 36, hòa lẫn 2 câu của Marco thành một, như thế sự lập lại kiểu đó là bất bình thường. Chi tiết này khá quan trọng cho việc tìm hiểu sự hình thành các truyền thống, như ta sẽ thấy sau.

Song không phải như ý Con mà là như ý Cha (Mt 26:39).

Không khác Marco ở điểm nào quan trọng cả.

Qua c.40, ta thấy Lời Chúa trách Phêrô lại ở số nhiều. Trong Marco, Đức Yêsu nói : “Ngươikhông thể tỉnh thức”, còn trong Mattheu : Các ngươikhông có sức để thức. Đàng sau Marco, ta nghe như thể chính Phêrô thuật lại, ông biết mình đã chối thầy và khiêm nhường tự cáo tội. Ở đây ông nhớ lại rằng Đức Yêsu đã trách mình : ngươi ngủ à!”; còn Mattheu – vì kính trọng vị thủ lãnh các Tông đồ – nên dùng số nhiều : “các ngươi không có sức để thức 1 giờ. Như thế Phêrô không còn phải là người duy nhất có lỗi.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách. Tâm thần tuy sẵn sàng, nhưng xác thịt thì yếu nhược(Mt 26:41).

Câu này gần như y hệt câu của Marco. Điều này chỉ có thể giải thích được do việc 1 trong 2 tác giả đã biết người kia mà thôi. Toàn bộ các trường hợp tương tự trong các sách Tin Mừng cho phép nói rằng Mattheu tùy thuộc Marco thì đúng hơn là ngược lại. Tuy nhiên cũng có thể cả 2 đều tùy thuộc một nguồn chung.

Lần thứ hai, Ngài lại ra cầu nguyện (Mt 26:42).

Mattheu cũng nói rõ hơn về 2 lần cầu nguyện sau; trong khi Marco chỉ phác họa sơ qua, thì Mattheu nhấn mạnh rõ ràng. Rồi Mattheu ghi cả lời cầu nguyện, Marco chỉ nói lập lại những lời lẽ như thế, nhưng Mattheu nói rõ hơn : Lạy Cha, vì bằng chén này không thể qua đi nếu con không uống, thì nguyện cho ý Cha được thành sự. Đoạn chính của câu này chính là lời cầu xin của kinh lạy Cha (Mt 6:10).

Rỗi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ, đôi mắt họ li bì nặng giấc (Mt 26:43).

Bản văn giống như Marco, nhưng tế nhị bỏ khúc “họ không biết thưa gì với Ngài”.

Ngài bỏ họ mà đi cầu nguyện lại, lần thứ ba và lập lại những lời lẽ như thế (Mt 26:43).

Ở đây cũng thế, Mattheu dựa vào câu 39 của Marco để xác định rõ hơn sự kiện.

C.45 của Mattheu y hệt câu 44 của Marco, chỉ tránh khúc “thế là xong”, vì khó hiểu và dị nghĩa nên Mattheu đã bỏ đi.

TRÌNH THUẬT CỦA LUCA

Trái với Mattheu và Marco, trình thuật của Luca thuộc một truyền thống khác hẳn. Một mặt Luca kể lại một cách vắn tắt hơn nhiều những nét đã gặp trong Marco; Mặt khác, ông thêm vào cả một phần riêng về thiên thần và mồ hôi máu.

Trước tiên, ta hãy để ý cung cách làm việc tự do của Luca.

Đến nơi (Lc 22:40).

Trong văn mạch lạc của Luca, Đức Yêsu vừa rời phòng tiệc ly, và “Ngài đến núi cây Dầu như thường lệ”. Nên sau đó Luca chỉ thêm đến nơi mà thôi. Ngài bảo họ : Hãy cầu nguyện cho khỏi sa cơn thử thách. Luca không nói đến việc tách 3 người ra khỏi nhóm Tông đồ, không thuật lại lời Đức Yêsu nói với họ : “Hãy ngồi lại đây trong khi Ta cầu nguyện”, cũng không đề cập đến nỗi kinh hoảng, âu sầu. Sở dĩ ông bỏ những điều ấy, là vì muốn nói đến sự âu sầu của Chúa dưới một hình thức khác, theo một truyền thống riêng của mình : Đó là cảnh đổ mồ hôi máu sẽ được diễn tả sau. Ở đây Luca chỉ thuật cách vắn tắt chỉ thị về cầu nguyện mà Marco đặt ở sau (Mc 24:38), và Luca cũng sẽ lấy lại lời này để kết thúc đoạn văn (Lc 22:46).

Đoạn Ngài rời xa họ khoảng chừng 1 ném đá (Lc 22:41).

Ngài rời xa họ là cách nói Luca ưa dùng rất lịch sự. Luca là một nhà văn quí phái hơn Marco và cả Mattheu nữa. Văn Marco bình dân, mạnh mẽ, sống động, nhưng không lịch sự, và đôi khi còn sai nữa. Mattheu viết cẩn thận hơn, nhưng hơi tẻ. Luca có lối văn lịch sự, học thức, văn bác sĩ. Động từ dùng ở đây có nghĩa đen là “giật ra khỏi”, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa “rời xa”. Còn thuật ngữ “khoảng chừng một ném đá” thì thuộc văn chương cổ điển, ta gặp thấy trong tác phẩm của Thircydite chẳng hạn.

Và đặt gối xuống, Ngài cầu nguyện (Lc 22:41).

Chỉ mình Luca trong Tân ước ghi nhận dáng điệu quỳ khi cầu nguyện, ít gặp thấy nơi người Dothái (x.Cv 7:60; 9:20; 20:36; 21:5). Người Dothái thường đứng để cầu nguyện như người Trung đông còn làm bây giờ. Ở đây, Luca không ghi nhận việc té sấp hay sấp mặt xuống đất như Marco và Mattheu, nhưng trình bày kiểu khác. Chúng ta không thể biết rõ Chúa đã làm như thế nào; phải hơn, ta đừng cố tìm hiểu, nhưng hãy thưởng thức các cách mà Mattheu-Marco-Luca đã dùng để giúp ta cảm nhận được phần nào lời cầu nguyện của Chúa, mỗi người theo lối riêng của họ. Đó mới là điểm chính yếu, vì ở đây chúng ta có được nhiều cách khác nhau để chiêm ngưỡng mầu nhiệm bản tính nhân loại của Chúa trong khi đau buồn sầu khổ, ở đây thì quỳ gối, chỗ kia lại phủ phục, xét cho cùng cũng không khác nhau, nhưng có khi làm giàu lẫn nhau.

Ngài cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con ! Song đừng cho ý Con, mà là ý của Cha được thành sự(Lc 22:42).

Câu này của Marco nhưng ngắn hơn. Luca bỏ phần nói về Giờ và xin cho Giờ ấy qua đi khỏi Ngài, ông chỉ giữ lại phần nói về chén và nhất là phần chính yếu : “Xin cho ý Cha được thành sự”.

Các câu 43-44 ta sẽ xét sau.

Cầu nguyện xong, và chỗi dậy mà đến với môn đồ, Ngài thấy họ vì buồn phiền mà đang ngủ, Ngài mới nói với họ : “Làm sao các ngươi ngủ được(Lc 22:45).

Bản văn rất gần với Marco và Mattheu, nhưng có một điểm dễ thương, đặc biệt của Luca là người có lòng hiền hậu khoan dung : Họ ngủ “vì buồn phiền”, chứ không phải vì bê trể biếng lười.Tội nghiệp, họ buồn quá nên thiếp ngủ! Đây đúng là tâm tính của Luca, ông tìm cách biện hộ cho các Tông đồ.

Chỗi dậy ! Hãy cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách. Luca kết thúc đột ngột với những lời này. Tại sao ông lại rút gọn đến thế ? Chính vì ông muốn đưa vào trình thuật một tài liệu riêng.

Đổ mồ hôi máu

Một thiên thần từ trời hiện đến với Ngài mà thêm sức cho Ngài; lâm chiếm, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết hơn, và mồ hôi máu nặng giọt rỏ xuống đất (Lc 22:43-44). Các nhà chuyên môn đã tranh luận về tính cách xác thực của 2 câu này vì một số thủ bản không có chúng. Một số người dựa vào đó để kết luận rằng các câu này được thêm vào sau chứ không do tay Luca. Nhưng nhiều người khác, trong số có tôi, lại tin rằng chúng thật là của Luca. Đoạn này đã được chứng nhận từ thế kỷ 2. Mặc dù ta không còn giữ được thủ bản nào thuộc thời đó (các đoạn chỉ thảo, thiếu nhiều chỗ, chỉ lên đến thế kỷ 3, còn các thủ bản trên da thì thuộc thế kỷ 4), nhưng các tác giả thế kỷ 2 như Juskn, Talien, Frénée, đều biết đến đoạn này. Còn những thủ bản không ghi đoạn này đều thuộc thế kỷ 3 và hơn nữa đều ở quanh vùng Ai cập, nên ta dễ đoán được lý do : Quang cảnh ấy đối với họ thật khó chấp nhận, Đức Yêsu đổ mồ hôi máu xem ra quá nhân loại. Vì thế, ta không ngại giữ lại đoạn văn quí báu này. Hơn nữa, đây đúng là văn của Luca, do chính tay ông viết. Luca thường nhấn mạnh nhiều đến lời cầu nguyện của Đức Yêsu và các cuộc xuất hiện của thiên thần (x. các trình thuật thời thơ ấu và sống lại, rồi sách Công vụ trong đó thiên thần hay hiện ra với Phêrô và Phaolô). Sau cùng Luca không ngần ngại nêu rõ nỗi khốn quẫn của Chúa đã khiến tâm hồn tế nhị của ông xúc động. Vậy, cùng với nhiều nhà chú giải khác, tôi cho rằng những câu này là xác thực. Về mặt thần học, chúng vừa nhấn mạnh sự yếu đuối của Đức Yêsu với tính cách là người, vừa nói lên quyền năng Thiên Chúa nâng đỡ và củng cố Ngài.

Các chữ Luca dùng ở đây chính xác như từ ngữ của một bác sĩ. Thật vậy, người ta vẫn nghĩ rằng Luca chính là vị lương y thân mến mà Phaolô đã nhắc tới (Col 4:14), và ta nhận ra trong văn của ông những từ ngữ y khoa của một người học rộng. Các chữ này nói lên một cơn cùng quẫn rất lớn về thể lý, mà các bác sĩ có thể giải thích được như là dấu hiệu của một cơn hấp hối cùng tột (hiện tượng này đã gặp thấy nơi một người tử tội bị quân Đức xử bắn năm 1914, theo người thời đó kể lại cho tôi – Nguyễn Thế Thuấn).

Nhưng đồng thời, Luca cũng cho thấy quyền năng thiên giới nâng đỡ Đức Yêsu thế nào qua một thiên thần đến an ủi Ngài. Giống như Phaolô, Luca nhắc chúng ta rằng sức mạnh của Thiên Chúa luôn nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta. Phaolô đã nói : Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh (2C 12:10). Và Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi(Ph 4:13). Điều ấy thật đúng nơi con người Yêsu Kitô : Ngài yếu đuối đến cùng quẫn trong thân xác đang phải chịu đau đớn và sắp chết của Ngài, nhưng vẫn mạnh mẽ nhờ sức mạnh do Cha Ngài gửi đến. Luca đã thu gọn phần còn lại của trình thuật cốt để đưa chi tiết quí báu này vào.

CHỨNG TỪ CỦA YOAN    

Giờ đây, ta hãy tham khảo Tin mừng Yoan, vì chứng từ độc đáo của ông rất đáng chú ý. Yoan không kể lại cơn hấp hối, mà chỉ nói : Ở đó có một cái vườn và Ngài cùng các môn đồ vào trong vườn (Yn 28:1); rồi ngay sau đó bắt đầu trình thuật việc Đức Yêsu bị bắt.

Như thế không có nghĩa Yoan không biết đến cơn hấp hối, vì các từ ngữ và các hình ảnh của quang cảnh tại Ghetsêmani theo Tin Mừng Nhất lãm lại xuất hiện một cách lạ lùng trong chương 12 của Tin mừng Yoan.

Có những người Hylạp muốn gặp Đức Yêsu. Họ ngỏ lời với Philip, Philip đi với André và cả hai đến thưa với Đức Yêsu. Và đây là đoạn tiếp :  Đức Yêsu đáp lại với họ rằng : Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh (Yn 12:23). Câu này gợi ngay lên Mc 14:41b. Trong Yoan, “Được tôn vinh” có ý nói về cái chết và sự sống lại, và tôn vinh là nhờ thập giá. Rồi Yoan tiếp :

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi thì nó trơ trọi một mình, nhưng nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời (Yn 12:24-25). Các câu này có những khúc tương ứng trong nhất lãm (Mt 16:25; Mc 8:35; Lc 9:24). Ở đây, nghĩa của nó tương đương với câu trong Marco nói về tâm thần mau mắn nhưng xác thịt yếu nhược (Mc 14:38), i.e cuộc tâm chiến nơi con người giữa tinh thần với xác thịt. Ta gặp thấy cùng một biện chứng đó, phải chết để được sống, phải mất mạng sống mình đi thì mới giữ được nó. Nhưng điều quan trọng hơn nữa sẽ đến sau, trong cùng đoạn của Yoan :

“Bây giờ hồn Ta những rúng động, Ta phải nói gì ? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này (Yn 12:27). Trong Marco và Mattheu, Đức Yêsu nói : Hồn Ta buồn phiền quá đỗi, muốn chết được (Mc 14:34; Mt 26:38) rồi trong Marco, Ngài cầu nguyện : Nếu có thể được thì xin Giờ ấy qua đi khỏi Ngài (Mc 14:35). Quả thật các bản văn rất giống nhau. Rồi câu tiếp : Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Cha(Yn 12:28) lại chẳng tương ứng với câu trong Mattheu : Nguyện ý Cha thành sự (Mt 26:42) đó sao ?

Sau khi xin : Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”,  Đức Yêsu đã nói : Nhưng, chính vì thế mà Con đã đạt thấu giờ này! Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Cha. Yoan diễn tả theo cách của mình cùng một ý tưởng như trong Mattheu và Marco : Sự chấp nhận ý Thiên Chúa. Rồi Yoan thuật rằng :

Bây giờ có tiếng tự trời đến : “Ta đã tôn vinh danh Cha, và Ta lại sẽ tôn vinh”. Dân chúng đứng đó nghe vậy thì bảo đã phát ra một tiếng sấm. Kẻ khác nói : “Một thiên thần đã nói với ông ấy”. Đức Yêsu đáp lại và nói : “Tiếng ấy phát ra không phải vì Ta mà vì các ngươi (Yn 12:29-30). Tất cả các nhà chú giải đều nhận rằng chi tiết này song song với việc thiên thần hiện ra trong Luca. Đức Yêsu rung động, Ngài xin cho Giờ đó qua đi, Ngài muốn Danh Cha được tôn vinh và Ngài nói: “Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh”, rồi có tiếng từ trời xuống như một thiên thần để an ủi Ngài : Tất cả các nét đó đều song song với cảnh hấp hối trong nhất lãm.

Sở dĩ Yoan không thuật lại cơn hấp hối là vì ông đã sử dụng tư liệu vào trong một đoạn trước rồi. Đây không phải là trường hợp duy nhất trong Tin Mừng Yoan : Yoan không thuật lại việc lập phép Thánh thể trong bữa tiệc ly, nhưng đã ghi lại cả một diễn từ về bánh sự sống trong chương 6. Yoan không tả lại phiên tòa tại dinh Caipha, nhưng đã nhiều lần sử dụng cuộc đối thoại giữa Đức Yêsu và người Dothái : “Ông có phải là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia không?”. Như thế dưới tác động của Thánh Thần, Yoan làm việc một cách rất tự do, không gò bó trong từng chi tiết của mỗi chữ hay mỗi đoạn, miễn là ông vẫn tôn trọng chân lý thiết yếu và đồng thời làm nổi bật chủ đích thần học của mình.

Sự song song ở đây rất chắc chắn, và việc Yoan đã sử dụng theo ý mình cảnh hấp hối lộ rõ qua một chi tiết đáng chú ý. Ở giữa diễn từ sau tiệc ly (Yn 14:30-31) bỗng nhiên Yoan viết : “Đầu mục thế gian sẽ đến ! Đứng dậy, Ta đi khỏi đây”. Đó là những lời Marcô đặt ở cuối cơn hấp hối : “Đứng dậy ! Ta đi”, và “kẻ nộp Ta đã gần” (Mc 14:42). Tư tưởng này trong Marco được đặt ở cuối cảnh hấp hối, nhưng Yoan dời lên sau bữa tiệc ly. Nhưng sự kiện như thế bắt ta phải quan tâm đến một tiến trình nào đó trong truyền thống Tin Mừng.

TRƯỚC KHI CÁC SÁCH TIN MỪNG ĐƯỢC VIẾT RA

Trong các trình thuật này, người ta đoán có những truyền thống khác nhau nhưng song song cho cùng một tiết truyện. Trong Luca và Yoan, có sự trợ giúp của thiên thần mà Mattheuvà Marco không có. Và ngay cả trong Mattheu và Marco, một nhà chú giải Tin lành (K. G Kuhm) cũng đã đưa ra nhiều lý lẽ nghiêm túc để kết luận rằng có hai truyền thống đan kết nhau :

– Truyền thống I nhấn mạnh đến chủ đề Thiên Chúa cứu độ, Đức Kitô cầu xin cho Giờ qua đi, rồi chấp nhận và tuyên bố : “Giờ đã đến”, chủ đề này đặt trung tâm nơi Con Người, Đấng chấp nhận Giờ của mình. Ý tưởng thần học trước tiên quy về con người Đức Yêsu, Ngài lãnh nhận cái chết vì chúng ta.

– Chủ đề thứ II có tính cách khuyến thiện hơn, nhắm đến chúng ta : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ : tâm thần tuy hăng hái, nhưng xác thịt yếu nhược”. Điều này trước tiên nói đến người Kitô hữu phải noi gương Đức Kitô trong canh thức và cầu nguyện.

Phân tích văn chương một cách cặn kẽ (là công việc chuyên môn ta không thể làm ở đây được) có thể cho thấy hai trình thuật song song đó, một quy hướng vào chủ đề Giờ của Đức Kitô, một quy hướng vào lời khuyên : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Hai cách diễn tả khác nhau về cơn hấp hối của Đức Yêsu, đã lưu hành riêng rẽ trong truyền thống tiên khởi, trước khi đọc Marco gom lại trong một trình thuật duy nhất như thế nào. Một trong các dấu vết của sự phối hợp này nằm trong c.35 và 36 của Marco, như ta đã nhận xét, lời cầu nguyện của Đức Yêsu được ghi lại 2 lần : một lần gián tiếp, một lần trực tiếp. “Ngài cầu nguyện nếu có thể được thì xin cho Giờ ấy qua đi khỏi Ngài. Rồi Ngài nói : Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi xa Con”. Tại sao phải lặp đi lặp lại như vậy ? Mattheu đã thấy điều đó bất bình thường nên bỏ bớt và pha trộn hai câu của Marco thành một. Nhưng phải chăng hai câu có nội dung giống nhau, đó chính là tàn dư của hai bản văn song song đã có từ trước, mà Marco phối hợp nên một ?

Chúng ta không dám đi xa hơn nữa, nhưng ta có thể tin rằng trước khi các sách Tin Mừng được viết ra, những Kitô hữu tiên khởi đã kể lại cơn hấp hối của Chúa Yêsu theo nhiều quan điểm khác nhau rồi. Và ta có thể gợi lên ba truyền thống chính :

Truyền thống cổ nhất – vì tôi thiết nghĩ chúng ta có thể sắp xếp theo thứ tự thời gian được – người ta nhấn mạnh đến chính con người Đức Yêsu, cơn thử thách của Ngài, lời cầu xin cho Giờ đó qua đi, và sau cùng là sự chấp nhận : Nói chung là chủ đề Kitô học.

Một chủ đề khác – hoặc muộn thời hơn một chút, hoặc đồng thời nhưng trong hai môi trường khác, nhấn đến việc áp dụng cho các tín hữu : Cũng như Đức Yêsu đã tỉnh thức và cầu nguyện khi lâm cơn thử thách thế nào, ai cũng phải tỉnh thức và cầu nguyện như thế, vì Ngài đã nói : “Tâm thần tuy hăng hái nhưng xác thịt lại yếu nhược”. Người ta rút ra từ câu truyện Ghetsêmani một bài học cho cuộc sống, không thể nói với các Kitô hữu rằng “Giờ của anh em đã đến” được, vì họ không phải là Đức Kitô, nhưng nhiệm vụ của mỗi người là tỉnh thức và cầu nguyện với Chúa để thoát cơn cám dỗ.

Sau cùng là cách trình bày thứ ba, gặp thấy trong Luca và Yoan, nhấn đến sự khốn quẫn của Chúa và sự trợ giúp từ trời để dạy cho các tín hữu biết trong cơn thử thách tột cùng ấy, Đức Yêsu đã được Cha Ngài an ủi như thế nào.

Các truyền thống này chẳng những không mâu thuẫn mà còn làm giàu lẫn cho nhau. Chúng ta có ở đây một mầu nhiệm khôn tả và không thể hiểu nổi : Con Người, Con Thiên Chúa làm người, chịu đau khổ trước mặt Cha Ngài và chấp nhận cái chết. Điều này vượt quá trí tưởng tượng. Các nhân chứng : Phêrô, Yacôbê và Yoan đã chứng kiến cuộc chiến đấu và đã thuật lại. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, i.e Giáo Hội cũng nghiền ngẫm và tiếp thu kinh nghiệm này.; Trong lời giảng dạy của mình, Giáo hội rút ra từ đó nhiều bài học khác nhau, khi thì nhấn mạnh đến sự chấp nhận anh dũng của Chúa Yêsu, khi khác lại chú ý đến sự trợ giúp tự trời đến với Ngài, rồi các truyền thống ấy được các thánh sử ghi lại và ít nhiều phối hợp với nhau tùy theo tính tình của mỗi thánh sử mà nhấn đến khía cạnh này hay khía cạnh khác của mầu nhiệm. Chúng ta đón nhận hết và đừng cố gắng sắp xếp lại mọi chi tiết vào trong một bản văn duy nhất. Các trình thuật khác nhau ấy là âm vang của nhiều lời rao giảng khác nhau. Chính nhờ sự khác biệt đó mà sau khi đã cố công chú giải, chúng ta sẽ thưởng thức được sự phong phú tuyệt diệu chứa đựng trong các trang này.

Sau cùng, phải nhấn mạnh đến sử tính chắc chắn của câu truyện. Mặc dù không thể chắc chắn về từng câu, từng chữ, và mặc dù cảm thấy trong các bản văn này những chủ ý tổng hợp và giáo dục, nhưng phần cốt lõi của trình thuật chắc chắn là một kinh nghiệm sống. Có nhiều người đã nghi ngờ và cho đó là một huyền thoại bịa đặt. Nhưng làm sao dám bịa đặt một cảnh tượng có thể làm cho lòng tin xao xuyến như vậy:Đó là sự sợ hãi của Đức Yêsu đứng trước cái chết ? Nếu câu truyện này đã tường thuật thì chắc chắn nó có thực.

Để củng cố thêm, chúng ta còn có một đoạn thư Hipri trong đó dường như tác giả ám chỉ đến cơn hấp hối của Đức Yêsu như bàn về Đức Kitô, thượng tế vĩnh cửu (Hr 5:7-9). Đây là những lời mà chúng ta không bao giờ dám tự mình nói lên : “Ngài đã nên thành toàn”. Hẳn tự nơi Ngài, Đức Yêsu đã thành toàn từ lúc mới sinh ra, nhưng với tính cách là người anh cả của chúng ta, Ngài đã đi trước trên con đường ta phải đi, và đã muốn cám dỗ, không phải bởi tội lỗi bên trong của mình như chúng ta, nhưng bởi một cơn cám dỗ bên ngoài, bởi ước muốn rất chính đáng là thoát khỏi sự chết. Ngài đã muốn làm sự chọn lựa ấy vì chúng ta. Vậy nên Ngài đã “học cho biết vâng phục”, để có thể đáp lại với Cha Ngài : “Xin theo ý Cha đừng theo ý Con”. Chính ở chỗ này mà sự khiêm nhượng của Chúa thật là vĩ đại.

Đọc tiếp: Tìm hiểu trình thuật Đức Chúa Giêsu bị bắt

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

me maria lo duc

Đức Trinh Nữ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu Của Tôi

Đã từ lâu, tôi có ý định muốn viết và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình và bạn hữu thân thương của tôi về mối tình giữa tôi và Mẹ Thánh Maria, người mà tôi hằng yêu mến.

du ngon nguoi con hoang dang

Trở về để được sống và sống dồi dào – Đọc lại dụ ngôn Người Cha nhân hậu

Đọc lại chuyện cũ bằng một lăng kính mới… Dụ ngôn người cha nhân hậu ...

Giới thiệu ấn phẩm mới của Cha Phêrô Trần Mạnh Hùng

Chúa luôn hiện diện bên con: tâm sự với các bạn trẻ về những điều kỳ diệu trong hành trình đức tin là tác phẩm mới của cha Phêrô Trần Mạnh Hùng, mời bạn cùng đọc bài giới thiệu

su phuc sinh cua chua

Cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến cuộc sống của tôi?

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh. Đây là thời gian đặc biệt của ...

lac giao kito so khai

Các lạc giáo thời Giáo hội sơ khai

Giáo hội thuở sơ khai phải tranh đấu với nhiều lạc thuyết về tín lý. Bảo vệ đức tin tinh tuyền và đúng đắn là một cuộc chiến đôi khi đẫm máu

hoang de nero bach dao

Cuộc bách hại các Kitô hữu của Đế quốc Rôma (64-133)

Thời gian phôi thai của Giáo hội tại đế quốc La Mã rất khốc liệt với hàng loạt cuộc bách bớt và diệt đạo quy mô, trải trên nhiều đời vua La Mã. Nhưng Giáo hội vẫn sống và sống mãnh liệt

Để lại bình luận