Suy Tư

Thiên Chúa ở cùng chúng ta

chúa giêsu và trẻ em
102 views

Buổi tối trước ngày thành phố thực hiện chỉ thị 16 lần đầu tiên, điện thoại tôi reo liên tục. Tiếp theo đó là tin nhắn: “Sơ ơi đến tắm cho con! Mai thành phố không cho đi lại, làm sao sơ vào thăm con được nữa!” Giọng chị nghe như muốn khóc, nài nỉ và khẩn trương. Tôi xin phép và cùng với một chị nữa đến giúp chị. Ngoài đường, xe cộ đông đúc và vội vàng, ta dễ có cảm tưởng như thể thành phố đang gấp rút lui về phòng thủ trước một cơn bão.

Mình sẽ tin cùng với nhau, chị nhé!

Và quả thực, đó là sự hối hả quan sát được trước khi cơn bão Covid ập tới. Không ai đã nghĩ chỉ thị 16 được gia hạn thêm lâu đến vậy. Chỉ thị này càng lâu, người chị – người bạn của tôi càng nóng ruột. Chị là người tôi gặp mỗi tuần, thường là với một chị khác nữa, chúng tôi giúp chị vệ sinh cá nhân và dọn dẹp phòng ốc. Chị khoảng bốn mươi tuổi, ở với mẹ già gấp đôi tuổi chị trong một phòng trọ nhỏ. Dãy trọ này cắm chốt ở một hẻm cụt, nơi người ta dễ liên tưởng đến một cái gì tương tự như số phận của người phụ nữ nhỏ bé nằm vùi trên giường đã ba mươi tám năm.

Khi chúng ta hoạt động sáng ngày tối đêm, thời gian trôi qua như không kịp thở. Khi chúng ta mất việc làm và ở nhà tìm hết việc này việc kia để giết thời gian, từng khắc đồng hồ cũng như chậm lại. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta bị bất toại trên giường, không có gì thật sự phải làm cả ngoại trừ theo dõi từng chuyển động nhỏ bên trong cơ thể và loay hoay tìm một cái gì đó để nghĩ cho phân tâm chính mình?

Ngoài kia, người dân đang gặp khủng hoảng vì những biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn Covid, bên trong bốn vách tường này, có một người phụ nữ đã ở trong sự hạn chế đó rất lâu trước khi Covid xuất hiện. Có gì khác biệt không? Thưa có, người chăm sóc thường xuyên cho chị sẽ không tới được, và điều này làm tăng lên nỗi khổ sở của chị.

Thoắt một cái đã hết hai tuần đầu của chỉ thị 16, điện thoại tôi lại reo lên. Tôi đã suýt nữa quên mất chị, bởi bận rộn với các hoạt động. Tôi có thể tới với chị được không? Đó thực sự là câu hỏi khó trả lời. Nơi tôi sống là một cộng đoàn mà ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho tất cả. Chị nhắn vẻ đau khổ: “Sơ ơi, một lần tắm là 200 ngàn mà người ta không muốn làm nữa”. Tôi biết có thời điểm trong quá khứ, có khi sáu tháng chị không được gội đầu. Có một chị hơi lớn tuổi trong Caritas cũng hay đến giúp chị, nhưng từ khi Covid tới, các con của chị ấy đã không muốn mẹ mình ra khỏi nhà.

Một người bình thường dù đói khát vẫn có thể đi lại để tìm kiếm trợ giúp, nhưng một người bại não thì chỉ có thể trông chờ vào đôi chân và đôi tay của một người khác. Nếu chị ấy là một người thân yêu trong gia đình thì sao? Thật không dễ dàng để ra đường, nhưng cuối cùng lòng can đảm của cộng đoàn và một phát minh tuyệt vời là tấm áo bảo hộ đã cho tôi tấm giấy thông hành.

Một mình tôi bế chị lên thì không nổi. Chị không quá nặng (nếu nói chị nặng thì chị sẽ buồn đấy, bởi chị đã ăn kiêng để người khác dễ dàng giúp chị hơn) nhưng tôi phải cố hết sức. Một điều lạ là chị chắc nịch còn tôi thì có vẻ ngược lại. Chị phải hướng dẫn tôi cách giúp chị khi chỉ có một mình. Tôi xốc chị lên và kéo đi thay vì nâng dậy. Có lẽ chị rất đau nhưng chị luôn nói rằng chị chẳng sao cả. Chúng tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ để hoàn tất một quy trình chăm sóc bao gồm rời giường, vào phòng tắm và quay trở lại giường. Suốt thời gian đó, chị phải luôn dựa vào tôi. Đó là một điều không dễ làm, nhưng khi làm được với một sức mạnh mà tôi nghĩ chỉ có Chúa ban, bạn sẽ cảm thấy thật vinh hạnh.

Chúng tôi nói mọi chuyện có thể nói được, từ những chuyện trên trời dưới đất như những phụ nữ hay tám với nhau cho đến những điều rất nghiêm túc mà có lẽ chỉ xảy đến trong đầu một triết gia. Chị thông minh, lanh lợi, hoạt bát, ưa thích quan sát và ghi nhớ tất cả; nếu chị không gặp bệnh tật từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời chị sẽ hoàn toàn khác. Một lần, khi đang cắt móng tay cho chị, tôi bắt gặp ánh mắt chăm chú ấy nhìn tôi:

  • Sơ, hôm rồi con nghĩ đến chuyện tự vẫn.
  • Vậy à, chuyện đó có gì hay mà nghĩ hoài vậy?
  • Tại sao phải sống, sơ? Con nghĩ không ai thương con hết. Mẹ con mà mất thì không còn ai.
  • Thế à? Thế ai đang ngồi sờ sờ ra đây?
  • À, dạ, con quên. Nhưng sơ cũng sẽ đi. Sơ đâu có ở hoài với con đâu.
  • Đúng thế chị, em sẽ đi, nhưng sẽ có người khác đến với chị. Quan trọng, Chúa không bỏ chị. Đồng ý chứ?
  • Không, sơ. Con không thấy Chúa.
  • Em cũng không thấy. Mình chỉ tin thôi chị à.

Im lặng kéo dài. Tôi cắt xong chiếc móng cuối cùng: “Mình sẽ tin cùng với nhau, chị!” Khuôn mặt đang đau khổ ấy giãn ra và mỉm cười.

Thiên Chúa ở đâu?

Hai tuần tới nữa lại dài như cả thế kỷ. Cũng may là chị ở gần nhà tôi và không hẻm nào của chúng tôi bị phong tỏa, mặc dù như vậy không có nghĩa là không có nguy cơ. Tôi đánh liều đến như mọi khi. Mở cửa phòng, tôi thấy chị đang son môi (tay phải của chị cử động được chút ít dù khó khăn), khuôn mặt trắng hồng như vừa trang điểm. Một khuôn mặt đẹp với nước da trắng mịn, như lần đầu tiên tôi thấy ảnh chị trên zalo, một bức ảnh ghép rất hoàn hảo, một thiếu nữ thanh lịch đang bước đi trong tà áo dài trắng. Tôi quay đi một chút để giấu xót xa khi chợt liên tưởng đến cái ảnh avatar đó – một điều quá bình thường với bao người nhưng với chị mãi mãi là giấc mơ chỉ có được nhờ photoshop.

Khi tôi quay lại, chị đã chùi gần xong phấn son.

Ủa sao thế? Đang môi son đẹp mà chị!

Con sợ sơ nói con nghèo mà còn làm điệu, sợ sơ ghét con tô môi đỏ.

Không có, em thấy bình thường, tự nhiên mà. Ai chẳng muốn đẹp. Chị cứ để như chị thích nhé!

Mấy người khác họ đến thăm con, họ không thích vậy đâu sơ.

À, kệ họ chứ! Em thì em thấy chị dễ thương, xinh đẹp đấy!

Thế là cười vui cả buổi, các vấn đề về sống chết không được nhắc đến nữa. Khi tôi ra về, chị nói:

Chừng nào sơ còn ở đây, sơ nhớ đến tắm cho con nhé!

Được rồi, chừng nào còn ở thì còn đến.

Nếu ở miết thì sao sơ? Ở miết có tới miết không?

Có nhé! Ở cả đời chỗ này thì tới cả đời luôn nhé!

Tôi biết trong căn phòng này, khi tôi đến, chị mới bật quạt, chiếc tivi màn hình phẳng người ta cho chỉ để làm cảnh vì hai mẹ con sợ tốn tiền điện. Tôi biết chỉ có ai đã từng trông chờ vô vọng, mới nghĩ đến những chuyện u hoài. Người ta có thể trông chờ một tình yêu bền bỉ, một sự nghiệp lẫy lừng, một vị thế vững chắc trong xã hội, còn người phụ nữ này chỉ có vài điều mong đợi từ năm này qua năm khác, những điều vô cùng đơn giản: được có người đến giúp chăm sóc thân thể, có giấc ngủ an lành không bị chứng động kinh quấy phá, có một chiếc bụng tốt để luôn tiêu hóa yên ổn không phiền mẹ già lau dọn… Đau khổ trong đời sống này có nhiều khuôn mặt lắm, và với tôi, giữa mùa dịch bệnh đầy đau thương này, những ai càng yếu thế sẽ càng phải chịu đựng nhiều hơn.

 Rồi chúng ta sẽ cùng nhau đi tới câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu?”. Không có câu trả lời đơn giản cho tất cả, cũng như không có câu trả lời cuối cùng cho đau khổ. Ai hiểu đau khổ càng nhiều thì càng biết thinh lặng.

Nếu ai đó vẫn tạm cần một câu trả lời, xin mạn phép thưa, Thiên Chúa ở trong cách chúng ta nhìn nhau, trong tương quan của một tình mến. Nếu bạn và tôi nhìn thấy tình yêu, tình bạn, tình nhân loại tràn ra từ trong bể khổ muôn vàn này, ấy là ta đã thấy Thiên Chúa, dù ở nơi tận cùng của nỗi đau.

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

tu si linh muc

Người tu có sứ mạng cầu nguyện cho dân Chúa

Những lời cầu nguyện xuất phát từ một con tim chân thành sẽ làm thay đổi thế giới này, bắt đầu từ ánh mắt, tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của chúng ta.

thanh ephesus

Hành trình Ephesus – Ngôi nhà của Đức Mẹ

Hành trình Ephesus bắt đầu thật kỳ diệu. Sau khi kết thúc Đại hội Giới ...

abraham hiến tế isaac

Chuyện tổ phụ Abraham hiến tế con trai Isaac

Tổ phụ Abraham vâng phục Thiên Chúa đến mức sẵn sàng hiến tế con trai độc nhất là Issac theo lệnh Ngài, một thử thách đức tin dành cho ông

quan điểm giáo hội về sự sống

Quan điểm của giáo hội Công giáo về sự sống con người

Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD. “Toàn bộ sự sống đều là tặng phẩm của ...

nang rebeckah ben thanh gieng

Chuyện Isaac và nàng Rebekah

Abraham nhất quyết cưới vợ Do Thái cho đích tử Isaac nên đã cậy người hầu đưa cậu về nguyên quán, và ở đó cậu gặp nàng Rebeckah

chua jesus chon mon de

Thầy đã chọn anh em

Chúa Giêsu đã - đang - và vẫn hằng kêu gọi chúng ta ở lại với Ngài… mãi mãi

Để lại bình luận