Thần học Luân lý

Bản chất thần học luân lý

Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng
bản chất thần học luân lý
555 views

Thần học luân lý[1] là môn học trí thức mô tả kinh nghiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô và rút ra từ đó những kết luận chuẩn mực để cho các thành phần trong cộng đoàn biết cách xử sự. Việc ứng dụng là giúp cho các thành phần trong cộng đoàn tín hữu nhận ra điều Chúa muốn họ phải sống như thế nào và hành động ra sao cho phải lẽ.

Thần học luân lý (Moral Theology) được tách khỏi đạo đức học (Ethics) bởi nó đảm nhận sự kiện Thiên Chúa mạc khải, truyền thống Giáo Hội và trật tự siêu nhiên. Đạo đức học xét đến những gì đúng hoặc sai trong mức độ lý trí con người có thể phán đoán mà chưa cần đến sự mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh.

Dẫn nhập

Không có môn thần học nào trải qua sự biến đổi sâu rộng như khoa thần học luân lý trong thế kỷ này. Điều này, phản ánh sự tự nhận thức của Hội thánh có chiều hướng thay đổi và mở rộng (môn Giáo Hội học nhấn mạnh đến các mô hình Hội thánh như người phục vụ, có tính chất bí tích và phẩm trật v.v.), mối quan hệ của Giáo Hội với thế giới, sự canh tân việc học hỏi Kinh Thánh, giải phóng Thần học Luân Lý thoát khỏi vài hình thức của chủ nghĩa cơ bản, cuộc đối thoại với các khoa học nhân văn (tâm lý học, xã hội học, nhân học, y khoa, kinh tế học…), phong trào đại kết, trào lưu của các nhóm thiểu số bị áp bức đứng lên đòi quyền lợi, mối quan hệ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân, trong đó mọi người đều có trách nhiệm riêng về Giáo Hội, như đã được ghi rõ trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”

“Đừng để giáo dân nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn, để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang diễn ra, kể cả những vấn đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mệnh chỉ dành cho các chủ chăn. Nhưng tốt hơn, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và với thái độ quan tâm tôn trọng huấn quyền của Giáo hội, hãy để người giáo dân nhận lấy trách nhiệm đặc trưng của mình.” (xem Gaudium et Spes, số 43)

Thật ra, thần học luân lý như là một khoa riêng biệt đã trải qua một lịch sử khá ngắn. “Từ ngữ chuyên môn: thần học luân lý chỉ về ngành học riêng trong thần học hệ thống, đã được sử dụng rộng rãi từ cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nghĩa là từ thời Phục hưng (Renaissance) với truyền thống thánh Tô-ma, sau Công Đồng Tren-tô (1545).[2]Và đã có sự liên tục giữa các thủ bản, institutiones theologiae moralis, đầu thế kỷ 17 cho đến những thập niên 60 của thế kỷ 20 này, ngay trước Công đồng Vaticanô II. Ta sẽ khảo sát chi tiết lịch sử này trong các bài viết kế tới. Bây giờ ta xem thần học luân lý được hiểu như thế nào vào thời gian trước thập niên 60 và hiện nay. Hãy cầm thử giáo trình thần học luân lý nào đó được sử dụng trong Đại chủng viện và được in vào năm 1935. Tôi chọn thời điểm đó vì hầu hết các đại chủng sinh và tu sĩ đã học thần học luân lý lúc đó, đều phải đọc phần lớn các sách viết bằng tiếng La-tinh cho đến những năm 60. Ví dụ cuốn Theologia Moralis do Aertnys và Damen, DCCT, xuất bản năm 1944, ngay cả câu định nghĩa về khoa thần học luân lý được viết bằng tiếng La tinh: “Theologia moralis definiri potest: ea pars Theologiae, quae tracat de ordinatione actuum humanorum in finem ultimum supernaturalem per observationem praeceptorum”.[3]

Cuốn sách do H. Davis soạn được gọi là thần học luân lý và mục vụ. Ông đã tóm lược bản chất của thần học luân lý trong một số trang ngắn như sau:

1. Thần học luân lý là một ngành của thần học

Những ngành khác, ta có môn thần học tín lý, sự suy tư có hệ thống về niềm tin Kitô giáo dưới quyền tài thẩm của Giáo Hội, ta cũng có thần học hệ thống trong nỗ lực xét đức tin Kitô giáo như một tổng thể, nói đến tổng thể là nói đến các phần tử khác nhau nối kết lại với nhau.

Luân lý học nhằm giải thích những khoản luật về hành vi con người đối chiếu với định mệnh siêu nhiên của họ dưới cái nhìn của Chúa. Xét như là khoa học, nó khảo sát luân lý tính của hành vi nhân linh, cái nào thiện, cái nào ác theo luân lý, của ứng xử con người trong mối quan hệ với cứu cánh tối hậu đời người. Đó là khoa học thực dụng bởi nó nhằm điều chỉnh lại hành vi con người.

2. Thần học luân lý đảm nhiệm khảo sát các chân lý sau

Sự hiện hữu của Thiên Chúa, định mệnh con người có tính cách siêu nhiên, ý chí tự do, quyền giáo huấn vô ngộ của Giáo Hội, hành vi nhân linh với ơn Chúa giúp có thể đạt đến định mệnh siêu nhiên của mình.

3. Thần học luân lý không hẳn là đạo đức học

Thần học luân lý được tách khỏi đạo đức học bởi nó đảm nhận sự kiện Thiên Chúa mạc khải, truyền thống Giáo Hội và trật tự siêu nhiên. Đạo đức học xét đến những gì đúng hoặc sai trong mức độ lý trí con người có thể phán đoán mà chưa cần đến sự mạc khải thần linh.

4. Nguồn cho thần học luân lý

Kinh Thánh, Truyền thống của Giáo Hội, các văn kiện của Công Đồng chung, các thông điệp và tông huấn của các Đức Giáo Hoàng, giáo huấn của các Giáo phụ, những tác phẩm về thần học, đặc biệt của các vị thần học gia lỗi lạc, được Giáo Hội Công Giáo tôn phong.

Vấn đề khó khăn về khoa thần học luân lý trước Công đồng và sau đó được cải tổ, chính là vì nó đã được quá đề cao như một ngành riêng. Thực ra đã có một số vị chủ trương tách nó ra khỏi khoa thần học để sát nhập vào môn giáo luật, nhà giáo luật Ladislaus Orsy đã nói để bênh vực các nhà giáo luật: “Hãy thử nghe các nhà luân lý, khoa thần học của họ đã tồi tệ biết bao dưới tay của các nhà giáo luật; họ gắng cải trang làm cho nó trở thành một ngành của luật học”, (Thelogical Studies, Nghiên Cứu Thần Học,  tr.15 ). Richard McCormick trong bài báo khác đăng trên Nghiên Cứu Thần Học nói: “Khoa thần học luân lý dường như chỉ nhằm hướng về tòa cáo giải, chịu huấn quyền ngự trị, bị điều chỉnh theo các khoản giáo luật, xem tội lỗi là trung tâm và được chủng viện giám sát.”

Hướng về tòa cáo giải cho thấy các hành vi ưu tiên được nhấn mạnh trong cách mô tả của H. Davis về thần học luân lý, lịch sử tiến triển của thần học luân lý đi liền với sự phát triển và ban bí tích hòa giải. Nếu bạn có những sách hay giáo trình nổi tiếng về thần học luân lý 100 năm đổ lại đây, bạn sẽ thấy ít khi Kinh Thánh được trưng dẫn, ít để ý đến tư tưởng các giáo phụ và thường tập chú trên những thói xấu hơn là nhấn mạnh đến nhân đức. (X. McCormick, Thelogical Studies, 1989, tr.5 có trưng một số ví dụ)

Lấy tội làm trung tâm : “Đã không được đề cập đủ đến đối tượng chính yếu và riêng biệt của đạo đức học Kitô giáo là các giá trị tích cực và những hành vi tích cực thích ứng, chứ không phải những phản giá trị hay những hành vi khiếm khuyết về mặt luân lý. Thần học luân lý là khoa học về thiện ích, về nhân đức và dĩ nhiên sau đó, nó đề cập đến sự thiếu vắng thiện ích, các nết xấu và những hành vi thiếu sót.” (Orsy, tr.154).

“Đạo đức học Kitô giáo (hay Thần học luân lý) là môn học trí thức mô tả kinh nghiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô và rút ra từ đó những kết luận chuẩn mực để cho các thành phần trong cộng đoàn biết cách xử sự. Việc ứng dụng là giúp cho các thành phần trong cộng đoàn tín hữu nhận ra điều Chúa muốn họ phải sống như thế nào và hành động ra sao cho phải lẽ.”[4]

Có lẽ ta nên liệt kê những phần chính yếu của thần học luân lý như sau:

1. Nguồn: sự mạc khải

2. Niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, hiểu biết nhân vị, tác nhân luân lý cách chung và riêng biệt, những khả năng, các dữ kiện

3. Tính chất của sự thiện

4. Những hướng dẫn thích hợp cho việc quyết định

Giờ ta hãy thử đối chiếu H. Davis với Bernard Haring, một trong những nhà thần học luân lý hàng đầu sau Công Đồng Vat. II, trong cuốn Free and Faithful in Christ (1978)[5]:  “Thần học luân lý theo tôi hiểu, trước hết không liên quan đến tự ý quyết định hay đến hành vi. Công việc và mục đích cơ bản của nó là đạt đến nhãn quan đích thực, đánh giá những viễn tượng chính và trình bày những chân lý và giá trị này dựa trên những quyết định thực hiện trước mặt Chúa” (tr. 6).

Tác giả không theo lối của những người muốn đóng khung thần học luân lý vào nền đạo đức chuẩn mực. Ý định đầu tiên của nhà luân lý là phải vạch ra một thái độ sẵn sàng cho Chúa Kitô và một nhãn quan sâu sắc rất cần thiết cho sự trưởng thành Kitô hữu, nhãn quan có được nhờ nghe Lời Chúa và tìm ra các dấu chỉ thời đại. Chuẩn mực nhằm hướng dẫn hành vi phải tránh nếu sai lạc về mặt luân lý và nên làm nếu đúng về mặt luân lý.

Mười năm sau, năm 1988, cha Haring trong lần giảng thuyết sau cùng tại Học viện An-phong, Rôma, nơi mà ngài đã từng dạy từ năm 1950, đã đưa ra ý kiến là Thần Học Luân Lý phải như một khoa biết lắng nghe và tìm ra những dấu chỉ thời đại để thiết lập một thái độ sẵn sàng đón nhận Chúa Kitô. Lắng nghe lời Chúa, lắng nghe tiếng nỉ non từ kinh nghiệm nhân loại, tiếng kêu của những người nghèo, nhìn nhận thế giới khoa học rộng mở và giá trị của các khoa học khác, của các nền văn hóa và hệ thống đạo đức khác, cũng như cùng nhau tiến bước trong một Giáo hội trên đường lữ thứ. Dấu chỉ thời đại là cụm từ khá thành danh trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes). Tìm ra những dấu chỉ khích lệ, những dấu chỉ Thánh Linh hoạt động, là phần việc của thần học luân lý trong công trình cứu rỗi và chữa lành.

Ta thấy rõ lực thúc đẩy trực tiếp khiến cho Thần học luân lý thay đổi tầm nhìn, trong Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, số 16: “Thần học luân lý cần được trình bày cách khoa học hơn, cần được nuôi dưỡng và không ngừng đổi mới nhờ Kinh Thánh”.[6]Joseph Fuchs xuất bản cuốn sách có đề tựa: Giá trị nhân loại và nền luân lý Kitô giáo (1967),[7] với chương đầu: “Thần học luân lý theo Công đồng Vaticanô II,” trong đó tác giả đã trích lại nội dung trên của Sắc lệnh Đào tạo Linh mục: “Trình bày Thần học Luân lý cách khoa học nhất thiết phải được khơi nguồn từ giáo huấn Kinh Thánh, nêu cao sứ mệnh của người tín hữu Chúa Kitô, đồng thời chỉ rõ bổn phận của họ là phải khai hoa kết quả trong đức ái để cho thế giới được sống.” 

1. Ơn gọi: thần học luân lý cố gắng giải thích cho mọi người thấy rằng họ đều được kêu gọi đến sự cứu rỗi, đến tự do, đến sự thánh thiện, đến tự hạ và phải liên tục trở lại. Đó là tiếng gọi tình yêu, một tình yêu chưa bao gìơ được diễn tả sao cho xứng hợp hơn và chưa bao giờ được phỉ chí. Việc gọi trở lại khi đang yếu kém niềm tin cũng như thiếu vắng yêu thương, những cảnh huống vốn hằng đeo đuổi thân phận kiếp người. Nghe lời Người gọi, nghe Chúa Thánh Linh thúc đẩy, liệu mà đáp ứng. Đây cũng là cách tiếp cận được trình bày trong cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, phần III. Đời sống trong Chúa Kitô, đoạn 1, ơn gọi Kitô hữu: Sống trong Thần Khí. Điều ta được kêu gọi giờ đây chính là trở nên hình ảnh Thiên Chúa, theo tám mối phúc thật để đi đến sự sống đời đời. Cũng là điều gặp thấy trong Thông điệp “Ánh rạng ngời chân lý”: “Theo Thầy, tôi phải làm gì để dược sự sống đời đời”, cho người thanh niên đó, vấn đề không phải là những việc anh ta phải giữ, nhưng chính là ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống (số 7). Có mối liên hệ về số phận từng người, về ơn gọi, và về điều lành phải thực hiện, sự thiện hảo luân lý. Những con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhờ máu Chúa Kitô cứu chuộc, nhờ sự hiện diện của Thánh Linh thánh hóa, họ có mục tiêu tối hậu, đó là sống làm vinh danh Chúa, hành vi của chúng ta phản ánh tính trọn hảo của Thiên Chúa.

2. Khai hoa kết quả trong đức ái để cho thế giới được sống: Ta phải vứt bỏ cái nhìn cá nhân hạn hẹp khỏi đời sống luân lý Kitô giáo, vấn đề thiết yếu ưu tiên số một, trước hết cần có cái nhìn tổng thể, nhãn quan rộng mở và sau đó nhìn xem vị trí của luật lệ, đường hướng chỉ thị. Nếu không, thần học luân lý có nguy cơ bị giới hạn vào luật lệ, chứ không phải nhằm tán dương ơn gọi theo Chúa Kitô.

3. Kinh Thánh đóng góp phần của mình, trên hai cấp bậc, đặc biệt về những chỉ dẫn về luân lý tính dục, về sự ly dị trong Phúc Âm, về đồng tính luyến ái trong các sách Khởi Nguyên, Lê-vi, Ti-mô-thê, Rôma, 1Co-rin-tô; nhưng còn có những đề tài bao quát, hoành tráng hơn về công cuộc sáng thế, cứu rỗi và cứu độ, công trình Nhập thể, cánh chung luận v.v.

Ta có thể trưng dẫn thêm một tác giả khác đồng thời với chúng ta, Richard Gula đã có công sát nhập thần học luân lý với thần học tổng quát. Thần học Kitô giáo là môn học, trong đó có sự nỗ lực của đức tin tìm hiểu ơn mạc khải của Thiên Chúa tình yêu, trong Đức Giêsu Kitô thông qua Thánh Linh.

Thần học luân lý là sự diễn tả riêng biệt của Thần Học hệ thống tập chú nêu lên những đòi hỏi của đức tin và trong đời sống. Thần Học luân lý đặt câu hỏi cơ bản: Trở nên người tín hữu Chúa Kitô, đâu là mối khác biệt cho cách ta sống trên đời này? Những hành vi nào ta phải thực hiện? (đạo đức bổn phận) và loại người nào ta phải trở thành? (đạo đức tư cách)

Trước hết ta cần nói với nhau: điều gì làm cho hành vi trở nên đúng hay sai, làm sao biết thích hợp hay không việc đáp trả lời kêu gọi của Chúa Kitô để mang bác ái, tình yêu cho thế giới? Vấn đề này ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ở chương kế tiếp, khi bàn về hành vi nhân linh.

Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD.


[1] . Hay còn gọi là Đạo đức học Kitô giáo (Moral Theology or Christian Ethics).

[2] . Mahoney, The Making of Moral Theology, Introduction VIII.

  1. [3] . Tạm dịch: “Thần học luân lý có thể định nghĩa là một ngành của Thần học, bàn về các hành vi nhân linh và định mệnh siêu nhiên, qua việc tuân giữ các lề luật.”

[4] . Xem J. Gustafson, Can Ethics Be Christian, tr.179.

[5] . Tạm dịch: Tự do và Trung Tín Trong Đức Kitô. 

[6] . Xem Công Đồng Vaticanô II, Optatam Totius, số.16.

[7] . Joseph Fuchs, Human Values and Christian Morality (1967).

Đánh giá bài viết

ĐỌC THÊM

giot nuoc mat chua giesu

Tâm sự của giọt nước mắt đã lăn trên gò má Chúa Giêsu

Hạt suy tư ĐỂ KHÍCH LỆ NIỀM TIN vào Chúa Giêsu và cuộc sống “Trong ...

Đi tìm đức tin đã mất | kỳ 2

Đức tin của người trẻ không tan biến, nó trôi giạt về những bến bờ ...

Đức Giêsu Kitô – Đường Xuống Với Con Người

Tháng 2 này, chúng ta suy niệm hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô là Đường, Đường xuống với con người. Đức Giê-su Ki-tô xuống với con người để thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.

thap babel trong thanh kinh

Chuyện tháp Babel

Loài người lại sinh sôi nảy nở sau thời Noah và họ tiếp tục phạm tội. Lần này sự kiêu ngạo thúc đẩy họ xây tháp Babel vươn tới trời

Đức Giê-su Ki-tô | Đường Mục Tử Nhân Lành

Tháng Bảy này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Mục Tử Nhân Lành. Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là hình ảnh phổ biến diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo

Để lại bình luận