Suy Tư

Đi tìm đức tin đã mất

Kim Lưu
330 views

Đức tin của người trẻ và những cơn khủng hoảng

Chủ nghĩa tiêu thụ, xu hướng toàn cầu hóa, thời đại 4.0 là những cụm từ đang được nói nhiều tới ngày nay, khiến cho ta có cảm giác thế giới đang lâm vào một cơn đại khủng hoảng về nhân đức và tình người. Tất cả những mặt trận ấy vây bủa quanh người trẻ thúc đẩy họ tìm kiếm những điều được thế gian xem trọng, và quay lưng, hay thậm chí không nhận ra những giá trị tinh thần làm nên nhân cách. Đức tin gần như đã bị quật ngã bởi bàn tay thô kệch của công nghệ, của tiện ích, và của hưởng thụ.

Tiền bạc trở thành ông chủ lớn của cả thế giới. Dường như nó đang thôn tính nốt những vùng miền cuối cùng được bảo vệ bằng đức tin tôn giáo. Người trẻ có niềm tin vào Chúa phải đối mặt với cơn cám dỗ lớn lao của ông chủ này, “Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,8). Đức Giêsu đã thắng cơn cám dỗ ấy, nhưng sức mạnh thiêng liêng của con người ngày nay đã bị bào mòn khiến cho nhận thức tiền bạc như một cơn cám dỗ đã mất dần đi, thay vào đó là sự ngự trị của nó trong tâm hồn ngày đêm khắc khoải được phục vụ nó.

Mạng xã hội là một góc tối khác của người trẻ. Tuy mạng xã hội tạo ra sự kết nối hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, nhưng nó cũng không khác gì một đại dương ảo ảnh tất cả đang chìm vào, trong đó thật giả đúng sai không còn là điều quan trọng nữa, người tốt kẻ xấu không còn là vấn đề nữa. Đó là một đám đông hỗn loạn và khổng lồ chạy theo sự vui thú lướt qua và tìm kiếm sẻ chia hời hợt. Mạng xã hội âm thầm công phá những thành trì đạo đức trong tâm hồn chúng ta và xây lên ở ngay nơi nó đã phá đổ ấy những bức tường mới sơn phết bằng các định nghĩa méo mó về con người, xã hội, và thế giới. Trên những bức tường mới này dường như thiếu hẳn màu sắc đức tin, hoặc có thì sẽ là những mảng màu tăm tối. Người trẻ là nạn nhân chính của trào lưu này.

Công nghệ hiện đại đang khiến con người trở nên hoang tưởng và lười biếng, làm họ quên mất mình là ai. Đây mới chính là liều thuốc phiện ru ngủ loài người trong những cơn mộng mị. Công nghệ, dưới một góc nhìn nào đó, chính là thứ tôn giáo đang được sùng bái nhất hiện nay. “Tín đồ công nghệ” là cụm từ ta thường nghe. Họ có một dân số khổng lồ ngày ngày chờ đón những điều mới mẻ và những tiện ích hiện đại mà “vị thần” công nghệ sẽ ban phát. Những ân huệ này, vượt xa khỏi một thứ nhu cầu bình thường, trở thành lẽ sống và ý nghĩa cuộc đời cho nhiều người, đặc biệt là người trẻ.

Cuối cùng, như một hệ quả tất yếu phải đến, chủ nghĩa bỏ rơi âm thầm lớn lên giữa lòng thế giới. Khi giá trị con người bị đánh đồng với lợi ích vật chất họ tạo ra thì dĩ nhiên một số đông những người cô thế trong xã hội sẽ được đánh con số zero lên người. Tức là họ không là gì hết, họ không có chút giá trị nào cả, họ chỉ là những con số 0 vô nghĩa trong mắt người khác. Điều này càng tệ hại hơn khi đó lại là những người trẻ với bao khát khao, hi vọng, tin tưởng vào cuộc đời và tương lai. Nhưng thế giới, trong khi lôi kéo một số người trẻ phục vụ cho mình, đã bỏ rơi hoàn toàn số còn lại. Một thế giới chỉ có thể hình dung bằng từ vô trách nhiệm. Điều này càng đúng hơn nữa ở một số quốc gia đang phát triển, trong đó Việt Nam là một điển hình. Người trẻ bị phó mặc cho cuộc đời, không manh giáp che thân, không vũ khí tự vệ. Hãy lột bỏ lớp vỏ bọc màu hồng và hãy quan sát mà xem, nhan nhản trên đường phố những người trẻ giang hồ, lấy sự phá phách làm vui và phạm tội làm mục đích sống; đầy rẫy trong các công xưởng những người trẻ bị lạm dụng sức lao động với tiền công rẻ mạt và không có bất kỳ chế độ bảo hiểm nào; tràn lan trong các khu ổ chuột những người trẻ thất nghiệp, vô vọng, và túng thiếu; đâu đâu ta cũng thấy bóng dáng người trẻ cúi gằm mặt xuống; chỗ nào cũng có sự hiện diện của sa đọa, ma túy, tệ nạn, giữa lòng người trẻ. Điều gì đang xảy ra? Thực tế ấy có phải là điều bình thường của xã hội không?

Giáo hội và trọng trách

Một trong những sứ mạng chính của Giáo hội là “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 20). Điều đó có nghĩa rằng Giáo hội tự bản thân mình có trách nhiệm với thế giới và loài người trong việc bảo vệ sự nhân bản và chân lý tinh tuyền, bởi vì đó là hai yếu tố chính yếu cần phải có trước khi làm cho ai đó trở thành môn đệ của Chúa. Mang trên vai sứ mạng này, Giáo hội không thể thờ ơ với thực tại thế giới và tình trạng của loài người, nhưng phải bằng mọi cách tích cực đáp trả và trong hết khả năng có thể dìu dắt con chiên đi vào chính đạo.

Người trẻ trong thế giới ngày nay chính là những con chiên lạc cần được tìm về và chăm sóc. Người trẻ “không chỉ là tương lai, nhưng còn là chính hiện tại của Giáo hội”. Đó là nhận định quan trọng và kịp thời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong trách nhiệm chủ chăn của ngài, trong vai trò cột trụ của ngài đối với Giáo hội. Bằng vào nhận định ấy, ngài đã khơi mào một chiến dịch quy mô trên toàn Giáo hội tập trung vào người trẻ, những nạn nhân chính của các cơn khủng hoảng thời đại. Người trẻ là dòng chảy sinh lực và đức tin của Giáo hội. Dòng chảy ấy đang bị phân nhánh, mất định hướng, pha tạp nặng nề những tạp chất của thế gian, và đang đổ vào những đại dương ảo ảnh thay vì hồng ân cứu độ của Thiên Chúa. Giáo hội phải hành động thế nào đây để làm cho người trẻ trở thành môn đệ Chúa Giêsu?

Khởi đi từ Chúa Giêsu Kitô, thanh xuân vĩnh cửu

Đó là một chặng đường dài và bền bỉ, mà điểm nhấn có lẽ chính là Thượng Hội Đồng Giám Mục XV cuối năm 2018, và sau đó là Tông huấn Christus Vivit của Đức Thánh Cha. “Đức Kitô Đang Sống” hiển nhiên là nền tảng quan trọng trong mọi hành động của Giáo hội.

Đức Kitô đang sống, và quan trọng hơn, Ngài luôn luôn trẻ trung, với đầy đủ sinh lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngài sống giữa người trẻ “để nên gương mẫu cho muôn người trẻ.”

Để luôn tươi trẻ và tiếp cận người trẻ, Giáo hội phải học hỏi nơi người thầy vĩ đại của mình là Đức Kitô. “Giáo hội trẻ khi là chính mình, khi hằng biết đón nhận sức mạnh sinh ra từ Lời Chúa, Thánh Thể, và sự hiện diện hằng ngày của Đức Kitô cùng với sức mạnh Thần Khí của Ngài trong đời sống”. Để có thể tiếp cận người trẻ, trò chuyện với họ, đồng hành cũng họ, thì Giáo hội cần phải là một người trẻ trước khi là một người thầy. Khi hai môn đệ Emmau đang trò chuyện cùng nhau trên con đường rời xa Giêrusalem, “thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.” (Lc 24,16). Ngài đồng hành và lắng nghe trước. Sau đó “Người mới vào và ở lại với họ” (Lc 24,30).

Có lẽ đã từ lâu Giáo hội nhận ra rằng thời đại công nghệ sớm muộn sẽ lôi cuốn hết thảy người trẻ vào trong những vòng xoáy của nó, chủ nghĩa tiêu thụ rồi sẽ đẩy người trẻ vào những con đường vật chất xa rời Thiên Chúa. Đức tin của người trẻ đang dần thoái hóa và tiến đến lụi tàn nếu như không có bất cứ gì níu kéo lại, hoặc sự níu kéo ấy không đủ mạnh. Muối đang nhạt dần và ngọn đèn sắp tắt. Có lẽ chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 là người đã lập nền móng để xây con đường mục vụ giới trẻ cho toàn giáo hội khi Ngài thiết lập Đại hội Giới trẻ thường kỳ như một dấu chỉ lớn thể hiện cho sự quan tâm đặc biệt tới người trẻ. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đang xây con đường ấy. Ngài muốn san phẳng những chỗ ghồ ghề trong tâm trí bảo thủ của Giáo hội, ngài muốn lấp cho đầy nhưng tâm hồn sợ hãi của đoàn mục tử, ngài muốn sửa cho ngay cách thức làm việc bấy lâu đã lỗi thời, để từ đó hồng ân của Chúa sẽ đổ tràn xuống cho Giáo hội

Đức tin của người trẻ không tan biến, nó trôi giạt về những bến bờ

Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa là bến bờ đích thực và cùng đích của cuộc sống. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều bến bờ tạm bợ khác nơi người trẻ thích nương mình nhiều hơn là tìm kiếm đến chân lý tột cùng, hoặc không nhận ra tính chất tạm bợ của chúng. Người trẻ gửi gắm vào những bến bờ ấy nhiều thứ: đời sống, hi vọng, hoài bão, tâm sức, và cả niềm tin nữa. Khi những bến bờ tạm bờ tan biến, mọi thứ được ký thác vào nó đương nhiên sẽ chìm đắm xuống đại dương ảo ảnh. Tiền tài, danh vọng, sự nổi tiếng, sự hào nhoáng, lạc thú, tiện nghi, sự thoải mái, thay vì là hồng ân Chúa ban thì chúng ta đang xem chúng là cứu cánh của cuộc sống, thay vì là những tên đầy tớ thì chúng ta biến chúng thành ông chủ, thay vì là những điểm neo đậu trên hành trình trần gian thì lại hóa ra những bến bờ cho cuộc đời. Người trẻ rất nhạy cảm và phản ứng cũng rất mạnh trước những kích thích, nếu họ tin vào điều gì họ sẽ hành động hết sức mình vì điều ấy, khi họ bị lôi cuốn bởi cái gì, họ sẽ xả thân để đạt được. Trên những bến bờ kia dường như không ngừng vang lên khúc hát mê đắm của các nàng tiên cá vẫy gọi, mời chào, hứa hẹn, dụ dỗ, lôi kéo người trẻ. Họ làm sao thoát được nếu chỉ bằng đức tin yếu ớt vào Thiên Chúa không chút định hướng, không điểm tham chiếu, không nơi nương tựa, không người giúp sức.

Một bi kịch khác, họ đến được những bến bờ tạm ấy khi còn đang thanh xuân, và bến bờ ấy tan biến khi họ đã không còn sức trẻ. Mọi sự đều tan biến như một cơn mộng mị. Khi đó Thiên Chúa, vốn đã rất mờ nhạt trong tâm trí, không những sẽ bị đẩy xa hơn khỏi cuộc đời họ, nhưng nhiều khi bị làm cho méo mó và thành nơi cho họ quy đổ những tội lỗi. Họ chới với trong cơn khủng hoảng của riêng họ. Lúc ấy, dù Chúa có bước đến cùng họ giữa cơn gió bão, đưa bàn tay cứu vớt của Ngài ra và nói “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27) thì liệu họ có còn nghe chăng!

Trong chương 5 Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha nói đến “Những nẻo đường tuổi trẻ”. Một mặt Đức Thánh Cha thúc giục người trẻ đừng ngại ngùng bước ra cuộc đời, hãy hòa mình vào đó, hãy dũng cảm ra đi, một mặt ngài nhắc nhở người trẻ hãy luôn giữ đức tin như hành trang tối cần thiết cho mình. Ngài khuyên người trẻ hãy khát khao sống và trải nghiệm: “Thế giới chúng ta tràn đầy vẻ đẹp! Cớ sao lại xem thường bao nhiêu là quà tặng của Chúa?” đồng thời Ngài nhắc nhở người trẻ hãy gìn giữ tình bạn chí thành với và của Đức Kitô: “Tình bạn với Chúa Giêsu không thể bị phá vỡ. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, dù nhiều khi dường như Ngài im lặng.” Ngài thúc giục chúng ta hãy sống tình bằng hữu với Chúa và với tha nhân, và mạnh dạn trở thành những nhà truyền giáo để mang Chúa đến với thế giới cách tích cực.

Đó là những hướng đi vừa “gần gũi” với Đức Kitô hằng sống nhưng cũng đảm bảo cho chúng ta không để để lạc trôi những phần thưởng của cuộc đời này. Bước theo những nẻo đường ấy chúng ta sẽ luôn gìn giữ được Đức Kitô trong lòng mình, và chừa cho Ngài một gian phòng để Ngài sống trong mỗi chúng ta, để bất cứ khi nào chơi với chúng ta đều nhớ đến Ngài và la lên “Thưa Ngài, xin cứu con với!”.

Đức tin của người trẻ cần được vun trồng, để bám rễ vững chắc trong lòng họ

Đức tin là một hành trình như tất cả chúng ta đều biết. Thiên Chúa không tạo ra sẵn đức tin và ném nó vào tâm hồn chúng ta, nhưng Ngài gieo một hạt mầm để nó lớn lên từng ngày. Nhưng hạt mầm ấy cũng có thể sẽ héo úa và lụi tàn nếu không được chăm sóc. Rủi thay đó lại là thực tế đang trở nên phổ biến giữa lòng người trẻ, hạt giống đức tin của họ đang bị bỏ mặc. Họ không quan tâm tới, và người khác, nhất là những người được Chúa trao trách nhiệm của một người “làm vườn” cũng không quan tâm tới, hoặc không nhận ra.

Thời đại 4.0 là một môi trường không dễ gì đức tin triển nở lên được, nó sẽ phải cạnh tranh sức sống với rất nhiều thứ sinh sôi nảy nở khác, sẽ phải đối mặt với rất nhiều sâu bệnh mà trước đây Giáo hội chưa từng biết tới. Kết quả là, khi Giáo hội phản ứng với thời đại càng chậm chạp bao nhiêu thì đức tin trong lòng người trẻ càng mau lụi tàn bấy nhiêu. “Người làm vườn” nếu không nhận ra sự thay đổi của thời tiết, sự phát sinh các giống sâu bệnh mới, thì làm sao vun trồng được hạt giống.

Trong hết khả năng có thể, Giáo hội cần xây dựng một đường lối Mục vụ Giới trẻ phù hợp để trong sự hướng dẫn của Chúa sẽ từng ngày làm cho hạt giống đức tin của người trẻ lớn lên, đồng thời được bảo vệ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới hai hướng đi chính khi làm mục vụ giới trẻ: “Một là tiếp cận, là cách chúng ta thu hút các bạn trẻ mới để các bạn bắt đầu có những kinh nghiệm về Thiên Chúa. Hai là thăng tiến, nhằm giúp những người đã có kinh nghiệm được trưởng thành hơn trong đức tin.” Đó chính là sự vun trồng và chăm sóc bằng cả sự quan tâm bền bỉ chứ không hời hợt.

Về phía người trẻ, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta “đừng để bị bật rễ”, nhưng hãy luôn hướng về nguồn cội, trước tiên là Đức Giêsu, tiếp đến là Giáo hội, và sau cùng là những bậc cao niên đã có chặng đường dài kinh nghiệm đức tin. Nguồn cội còn là lịch sử, là những truyền thống quý báu của Giáo hội, những kinh nghiệm của cha ông. Hãy bám rễ trên đó để lớn lên thay vì khinh thường quá khứ.

Hành trình đức tin của cá nhân hòa chung vào hành trình đức tin của giáo hội, nương tựa và “hút lấy dưỡng chất” từ giáo hội để lớn lên. Người trẻ cần phải là dòng máu tươi mới nối tiếp chảy trong huyết quản của Giáo hội. Người trẻ cần tiếp thu những gì thế hệ đi trước đã đạt được, cần phải nối tiếp mơ ước chưa thành tựu của họ, cần học hỏi những gì họ đã trải qua. Sự liên tục và gắn kết giữa các thế hệ chính là sự liên tục của Giáo hội.

Tất cả hãy dìu nhau vượt qua những cơn thử thách của thời đại. Người già hãy thông truyền giá trị đức tin cho người trẻ, người trẻ hãy đón nhận và nuôi dưỡng sao cho phù hợp trong môi trường hiện đại. Rồi một ngày người trẻ sẽ trở thành người già và tiếp tục truyền lại đức tin ấy cho các thế hệ mai sau. Cho là dòng chảy không ngừng nghỉ cho đến tận thế. Người già hãy là những thân cây cổ thụ che chở cho người trẻ là những mảnh vườn đang âm thầm lớn lên, người trẻ hãy biết nương tựa và bấu víu và nguồn sống dồi dào đã được tích lũy qua bao thế hệ. Và Giáo hội hãy là một người làm vườn khôn khéo tạo điều kiện cho tất cả những điều ấy.

Sự phân định ơn gọi, một chỉ dẫn cho người trẻ giữa thời giông bão

Ơn gọi và phân định chính là trọng tâm mà Đức Thánh Cha chỉ ra để giúp người trẻ gìn giữ đức tin của mình trong thời đại ngày nay. Có lẽ chưa bao giờ sự phân định lại quan trọng đối với người trẻ cho bằng hiện tại. Có lẽ chưa bao giờ sự cám dỗ lại đa dạng, dồi dào, và hấp dẫn đối với người trẻ cho bằng thời đại 4.0 ngày nay. Có lẽ chưa bao giờ Giáo hội gặp một thử thách lớn lao như bây giờ trong nỗ lực giáo huấn người trẻ và “làm cho họ thành môn đệ” của Chúa.

Người trẻ ngày nay tự do, nhiều kiến thức, tầm nhìn rộng mở. Họ thấy rất nhiều thứ, có thể làm mọi sự, sẵn sàng đặt chân vào bất kỳ lĩnh vực nào. Quá nhiều nẻo đường cho họ lựa chọn, quá nhiều “option” cho họ cân nhắc. Vậy nên vai trò của sự phân định càng thêm quan trọng. Nhận ra được vị trí đích thực của mình giữa lòng thế giới, vai trò mà Chúa muốn chúng ta đảm nhận, con đường Ngài muốn chúng ta bước đi thật không phải là điều dễ dàng.

Người trẻ trước tin cần phải gìn giữ được đức tin của mình trước khi có thể phân định trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và hướng dẫn của Giáo hội. Đó là lý do tại sao hai chương cuối cùng của Tông huấn Đức Thánh Cha mới bàn tới Ơn gọi và Phân định, sau khi đã dành tất cả những chương trước đó như một kế hoạch và chỉ dẫn để vun trồng, bảo vệ, và xây dựng đức tin cho người trẻ. Phải có đức tin trước khi bàn tới phân định.

Vậy thì người trẻ có đức tin phải làm thế nào để nhận ra ơn gọi của mình. Cần nhớ rằng ơn gọi của Chúa là một ơn gọi kéo dài cả cuộc đời, trong gia đình, trong nghề nghiệp, trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha khuyên rằng “Vì sự phân định này là quyết định cá nhân nên người khác không thể làm thay, chúng ta cần phải xét mình và thinh lặng.” Xét mình và thinh lặng dường như là kim chỉ nam cho mọi tín hữu. Chỉ khi xét mình chúng ta mới nhìn nhận bản thân, và chỉ khi thinh lặng chúng ta mới lắng nghe được tiếng Chúa. Xét mình và thinh lặng không phải việc dễ làm đối với người trẻ, vì họ luôn năng động, luôn “active” đến mức cho rằng, hoặc sợ rằng, nếu thinh lặng và xét mình họ sẽ không còn là người trẻ nữa.

Chúa Giêsu là bạn thân của mỗi người trẻ. Và những người bạn thân luôn cố gắng dành cho nhau điều tốt nhất. Món quà của người bạn Giêsu chính là ơn gọi đích thực cho mỗi chúng ta, những người trẻ đương đại. Tất nhiên cần phải đi vào cuộc đối thoại với Đức Kitô, trên tinh thần bằng hữu và tin tưởng, thì chúng ta mới tiến tới sự khám phá ơn gọi của mình.

“Khi Chúa khơi dậy một ơn gọi, Ngài không chỉ nghĩ xem các con là ai, hơn thế, Ngài quan tâm các con sẽ là ai trong tương lai, khi nhận được sự đồng hành của Chúa và mọi người.” Ở đây có hai tính chất quan trọng của ơn gọi, một là tính “tương lai” và hai là “sự đồng hành của Chúa và mọi người.” Ơn gọi của Chúa hướng chúng ta đến một tương lai là chính mình, được sống trọn vẹn. Và trong ơn gọi chúng ta đã chọn lựa, chúng ta cần Chúa và mọi người đồng hành. Không ai có thể bước đi một mình. Chính Chúa đi cùng chúng ta như đã đi cùng hai môn đệ Emmau, và Ngài cách này cách khác gửi đến những ngôn sứ của Ngài để tiếp tục đồng hành cùng chúng ta luôn mãi.

Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta là “tha nhân” của một người khác, và hiển nhiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta đồng hành với họ. Cùng nhau, và trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, tất cả sẽ cùng đi con đường của mình.

Vai trò của Giáo hội trong việc giúp đỡ người trẻ phân định ơn gọi cũng rất quan trọng. Vì Giáo hội là hiện thân của Đức Kitô trên trần gian, nên phải đồng hành với người trẻ như cách Chúa Giêsu đã đồng hành, phải lắng nghe như Chúa Giêsu lắng nghe, và hành động như Chúa Giêsu đã hành động. Và Giáo hội phải linh hoạt để không ngừng tìm ra những cách thức mới phù hợp và hiệu quả trong việc dìu dắt người trẻ đi theo đường lối.

Giáo hội không được cứng nhắc, không được lo cho sự an toàn của mình, không được bảo thủ, không được cố chấp, nói chung Giáo hội phải là chính Chúa Giêsu. Đến đây người viết nhớ lại một câu chuyện nhỏ trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” của đại thi hào người Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881). Bối cảnh của câu chuyện là xã hội Nga thời kỳ loạn lạc và sự thống trị của giới tăng lữ trên tinh thần và vật chất của dân chúng. Tác giả kể rằng có một lần chính Chúa Giêsu hiện ra và bước vào thành phố nơi dày đặc Kitô hữu và các chức sắc tôn giáo. Họ nhận ra ngay đó chính là Chúa Giêsu, là Đấng họ vẫn thờ phượng hàng ngày trong nhà thờ và qua thánh lễ. Nhưng thay vì nghênh đón, các vị hồng y và giám mục lập tức cho quân lính bắt bớ và tống Ngài vào ngục. Một vị hồng y đến với Ngài và nói rằng: “Lạy Chúa, Ngài còn quay trở lại trần gian này làm gì. Ngài đã thất bại rồi. Ngài đã thất bại hai ngàn năm trước. Giáo hội bây giờ là của chúng tôi, xin Ngài đừng đến đây làm phiền chúng tôi nữa.”

Chúng ta liệu có đang cách này cách khác nói với Chúa những lời như thế không. Chúng ta thờ phượng Ngài nhưng không đón nhận Ngài. Chúng ta rao giảng Ngài nhưng không muốn Ngài làm phiền chúng ta. Thật khó để phân biệt được những điều ấy.

Kết

“Người trẻ các con thân mến, niềm hi vọng tràn niềm vui của cha là thấy các con tiến về phía trước…cứ tiến bước… Giáo hội cần nhiệt huyết, trí tuệ và đức tin của các con.” Vị cha chung thúc giục người trẻ trong những lời sau cùng của Tông huấn. Ngài muốn chúng ta phải thể hiện khuân mặt trẻ trung của Chúa Giêsu giữa đời sống, ngài ao ước chúng ta cộng tác cùng Giáo hội bằng sức trẻ của mình.

Cầu Chúa cho ước mong của Đức Thánh Cha thành tựu!

Kim Lưu

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỌC THÊM

chua gieu cau nguyen tren nui

Cái động và cái tĩnh của người tu – một góc nhìn về ơn gọi thánh hiến

Hạt suy tư được gợi hứng từ đoạn Tin Mừng Gioan 8, 1-11 Nếu đoạn ...

Tản mạn mùa Covid

Sake Chẳng biết chọn tiêu đề nào phù hợp cho bối cảnh hiện tại, nhà ...

Giáo hoàng Phanxico Bergolio

Từ Bergolio đến Giáo hoàng Phanxicô

ĐTC Phanxico là vị giáo hoàng của nhiều cái đầu tiên: người đầu tiên đến từ Nam Mỹ, giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, giáo hoàng đầu tiên chọn tước hiệu Phanxico... Ngài là một tính cách mạnh mẽ, con người của hành động. Kể từ khi tựu nhiệm ngài đã có những chính sách quyết liệt để thúc đẩy Giáo hội bắt kịp với thời đại mới.

kien vung truoc thu thach

Càng gặp thử thách, ta càng bám chặt vào Chúa

Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên, trước những ngọn núi to lớn và nhìn thật vĩ đại đang đứng sừng sững trước mặt tôi.

10 bộ phim “thế tục” (secular) mang những giá trị của Tin Mừng

By Michael Foust from Crosswalk.comTranslated by Theresa.LÁ Xem phim nhiều tôi mới để ý thấy ...

quan điểm giáo hội về sự sống

Quan điểm của giáo hội Công giáo về sự sống con người

Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD. “Toàn bộ sự sống đều là tặng phẩm của ...

Để lại bình luận